Trung Quốc đang xây dựng những hòn đảo mới ở Biển Đông, theo đuổi những mục đích kinh tế - khai thác dầu khí và chính trị - gia tăng sức mạnh trong khu vực. Ngoài ra, Bắc Kinh còn muốn mở rộng biên giới lãnh thổ. Chính sách này của Trung Quốc đã gây nên sự bất bình lớn từ phía các nước Đông Nam Á. Nga, quốc gia cũng lo ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc hiện chưa can thiệp vào cuộc xung đột lãnh thổ này. Trong khi đó, các nước láng giềng của Trung Quốc đã đi tìm sự giúp đỡ của Mỹ.

Trung Quốc đang tích cực mở rộng phạm vi quản lý ở Biển Đông. Hồi đầu tháng 4 năm nay, Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris cho rằng Trung Quốc đang tích cực xây dựng các hòn đảo bằng cách bồi đắp cát lên các bãi san hô. Hiện tại Trung Quốc đã bồi đắp được gần 4 km2 đảo nhân tạo. Hành động xây “Vạn lý trường thành cát” này của Trung Quốc chỉ có thể được hiểu là động thái khiêu khích các quốc gia khác trong khu vực.

Được biết Trung Quốc bắt đầu xây đảo nhân tạo ở Biển Đông từ năm ngoái và hành động này gây nên sự bất bình từ phía các quốc gia láng giềng. Nhìn bề ngoài các đảo Trung Quốc đang cải tạo giống đảo cọ nhân tạo ở Dubai. Tuy nhiên Bắc Kinh cần các đảo này không chỉ để xây dựng khách sạn hay khu vui chơi giải trí.

Trưởng khoa phương Đông Trường kinh tế cao cấp Moskva, Tiến sỹ Aleksey Maslov cho rằng: “Trung Quốc cần xây đảo để mở rộng biên giới trên biển. Nếu Bắc Kinh xây được đảo thì mặc nhiên sẽ mở rộng được phạm vi 12 hải lý bên trong vùng đặc quyền kinh tế. Việc xây đảo nhân tạo đã dẫn đến phản ứng tiêu cực từ phía các bên có tranh chấp lãnh thổ, trước hết là Philippines và Việt Nam”. 

Trong khi đó, Thị trưởng thị trấn đảo Kalayan của Philippines Bito-Onon quan ngại điều này có thể dẫn đến việc Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn Biển Đông. Ông này nhấn mạnh hiện đảo đá Chữ Thập mà Trung Quốc đang cải tạo đã có diện tích lớn hơn đảo Ba Bình, đảo tự nhiên lớn nhất ở quần đảo Trường Sa do Đài Loan kiểm soát.

Tiến sỹ lịch sử, Phó giáo sư Yana Leksyutina thuộc Đại học Tổng hợp Saint Petersburg cho biết: “Trong vòng 1 năm qua, bằng cách bồi đắp Trung Quốc đã xây dựng được ít nhất 5 hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông. Tất nhiên việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng các đảo mới tại khu vực tranh chấp đã gây nên sự phản ứng lớn ở trong cũng như ngoài khu vực”. Bà nhấn mạnh rằng việc mở rộng biên giới trên biển sẽ cho phép Trung Quốc kiểm soát phần lớn diện tích Biển Đông. Tuy nhiên việc xây đảo nhân tạo khó có thể giải quyết được bài toán địa chính trị của Bắc Kinh biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc. Để đạt được điều này Trung Quốc cần không chỉ tạo nên các vùng đất mới, mà còn thiết lập quyền kiểm soát hoàn toàn đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Các vùng lãnh thổ tranh chấp

Chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hiện đang nằm dưới sự tranh chấp giữa 6 bên: Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Philippines và Brunei. Tuy nhiên, quy chế của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như vùng đặc quyền kinh tế xung quanh các quần đảo này vẫn chưa được xác định rõ ràng (vì các khu vực nằm ngoài vùng nội thuỷ và tiếp giáp với vùng nội thuỷ có quy chế pháp lý đặc biệt). Trung Quốc từ lâu đã đưa ra yêu sách chủ quyền đối với các quần đảo tranh chấp này. 
Tuy nhiên cộng đồng quốc tế thậm chí cũng không có ý kiến thống nhất về việc phần lớn các hòn đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa có được coi là đảo hay không. Vấn đề là ở chỗ khoản 3 điều 121 Chương VI Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 quy định “các bãi đá không thích hợp để con người sinh sống hoặc tiến hành hoạt động kinh tế độc lập thì không có vùng đặc quyền kinh tế cũng như thềm lục địa”. Nghĩa là về mặt hình thức chúng không phải là lãnh thổ của quốc gia.

Trên thực tế một số hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang được con người khai thác sử dụng. Ví dụ, đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc kiểm soát đang tích cực được sử dụng. Từ mùa Hè năm 2012, hòn đảo này đã mở cửa đón khách du lịch và có hẳn khách sạn cho khách tham quan. Trong khi đó các hòn đảo ở Trường Sa thường xuyên được các ngư dân Trung Quốc sử dụng như trạm trung chuyển. Tuy nhiên việc xây dựng khách sạn hay có các ngư dân trên đảo không phải là một luận chứng để công nhận hòn đảo đó là lãnh thổ của một quốc gia.

Các chuyên gia Nga cho rằng Trung Quốc hiện không có cơ sở pháp lý để sáp nhập các hòn đảo và hành động của Trung Quốc là phi pháp. Tiến sỹ Maslov nhấn mạnh: “Để chứng minh chủ quyền đối với một hòn đảo cần có cơ sở hạ tầng phát triển và bộ máy quản lý hành chính. Tuy nhiên hiện Trung Quốc chưa có cả hai điều này”. Trong khi đó, ông Aslan Abashidze, ủy viên Ủy ban Liên hợp quốc về quyền kinh tế, xã hội và văn hoá, Chủ tịch Tiểu ban luật quốc tế của Nga tại Liên hợp quốc, khẳng định: “Không thể đơn phương lấn chiếm các vùng lãnh thổ nằm trong diện tranh chấp. Các bên liên quan cần ngồi vào bàn đàm phán và thương lượng, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế hiện hành để không đưa tình hình đi đến đến xung đột”. Đồng tình với ý kiến này, Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên bang Nga phụ trách đối ngoại và kinh tế, Đại biểu Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Kalashnikov, cho rằng: “Hiện có nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ muốn nhúng tay vào khu vực này nhằm sử dụng cuộc xung đột như một hình thức trao đổi lợi ích. Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển có xét đến việc giải quyết các cuộc xung đột lãnh thổ theo nguyên tắc khu vực và dựa trên biên giới lịch sử. Ở đây mọi vấn đề phải được giải quyết trên cơ sở đàm phán như trường hợp Nga giải quyết xung đột lãnh thổ với Na Uy. Cơ sở giải quyết tranh chấp là đàm phán, cho dù có thể mất rất nhiều thời gian song vẫn phải đàm phán”.

Tuy nhiên, việc chưa tìm được giải pháp giải quyết vấn đề phân định chủ quyền ở Biển Đông dường như không ảnh hưởng đến các dự án cải tạo đảo nhân tạo của Bắc Kinh. Trung Quốc tiếp tục xây dựng các đảo thậm chí trong thời gian diễn ra chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từ ngày 7 đến 10/4 vừa qua. Điều này được hãng tin Reuters ghi nhận và phản ánh. Hơn nữa, tại các cuộc gặp chính thức, Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thoả thuận giữ nguyên hiện trạng ở Biển Đông và cùng tìm kiếm giải pháp mà hai bên chấp nhận được để giải quyết xung đột lãnh thổ.

Đảo để khai thác dầu

Điều đáng chú ý là các hòn đảo này không được quan tâm nhiều khi người ta chưa tìm ra trữ lượng lớn dầu mỏ và khí đốt tự nhiên ở Biển Đông, mà nhu cầu khai thác các nguồn tài nguyên này là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự bành trướng của Trung Quốc. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc tìm kiếm các nguồn dầu mỏ mới là vấn đề có tính chiến lược của Bắc Kinh và trong trường hợp vấn đề này trở nên sâu sắc có thể đe doạ sự phát triển bình thường của các quốc gia trong khu vực, những nước cũng cần đến tài nguyên biển. 

Theo tính toán của các chuyên gia thuộc Tập đoàn dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC), Biển Đông có chứa khoảng 125 tỷ thùng dầu và 14.000 tỷ m3 khí đốt. Với mức độ sử dụng của Trung Quốc trong năm 2014 (khoảng 3,78 tỷ thùng/năm) thì trữ lượng này đủ dùng cho Trung Quốc trong vòng 33 năm.

Ngoài ra, vấn đề vận chuyển bằng đường biển cũng có ý nghĩa quan trọng. Ông Aslan Abashidze cho biết: trung bình hàng năm có khoảng 40 nghìn tàu chở hàng đi qua Biển Đông và vùng biển này đảm bảo 80% nhập khẩu dầu về Đông Bắc Á. Trong khi đó nhập khẩu dầu bằng đường biển hiện chiếm 75% tổng nhập khẩu dầu của Trung Quốc (tương đương 44,5% tổng nhu cầu sử dụng dầu mỏ), trong đó có hơn 75% khối lượng dầu nhập khẩu được Trung Quốc mua từ Trung Đông (chủ yếu là Saudi Arabia, Oman, Iran, Iraq) và châu Phi (Angola). Bên cạnh đó hầu như tất cả nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hoá lỏng cho Trung Quốc đều đi qua Biển Đông, chỉ có 3% khí đốt tự nhiên xuất khẩu của Nga đi qua các vùng biển khác. Các nhà cung cấp khí đốt hoá lỏng lớn của Trung Quốc tập trung ở khu vực Trung Đông (Qatar), Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia) và châu Đại Dương (Australia). 

Các nhân tố quan trọng khác đối với Trung Quốc là việc đảm bảo an toàn tuyến đường vận chuyển dầu từ Trung Đông vốn đi qua khu vực Biển Đông tương đối phức tạp này. Theo số liệu của Cơ quan hải dương quốc tế Mỹ, năm 2013 trên thế giới có 202 trường hợp va chạm tàu thuyền thì có tới 60% xảy ra ở khu vực Biển Đông. Hiện vấn đề an toàn hàng hải do Hạm đội 7 Hải quân Mỹ đảm nhiệm nên Trung Quốc rất quan ngại sự hiện diện của tàu chiến Mỹ có thể tạo ra mối đe dọa địa chính trị, đồng thời Bắc Kinh không muốn chấp nhận thực tế này. Tiến sỹ Maslov nhấn mạnh: “Chính sách của Tập Cận Bình là thu hồi lãnh thổ, hoặc ít nhất thiết lập được hoàn toàn quyền kiểm soát. Bên cạnh đó Trung Quốc còn tăng cường tiềm lực quốc phòng và sự hiện diện quân sự tại khu vực, mặc dù không bao giờ đề cập đến vấn đề này qua các kênh chính thức”.

Quan hệ với các nước láng giềng

Tiến sỹ Maslov nhận định chính sách của Trung Quốc khiến quan hệ với các nước láng giềng bị nguội lạnh nghiêm trọng. Trong đó, mất mát lớn nhất đối với Trung Quốc có thể là sự nguội lạnh quan hệ với Việt Nam, quốc gia trong một thời gian khá dài vốn ủng hộ Trung Quốc về nhiều vấn đề. Chuyên gia này nhấn mạnh: “Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam và Bắc Kinh theo truyền thống bắt đầu yêu cầu Việt Nam phải lệ thuộc hoàn toàn, tuy nhiên ở đây Trung Quốc đã tính toán sai lầm. Hà Nội đã nhanh chóng đa dạng hoá các mối quan hệ quốc tế sau khi phát triển hợp tác song phương với Mỹ và hiện nay đang tích cực hợp tác với Nga. Vì vậy có thể nói rằng Trung Quốc đã đánh mất một đồng minh khá tốt là Việt Nam”.

Việc không tìm được thoả hiệp về vấn đề chủ quyền đối với các hòn đảo đã khiến các quốc gia Đông Nam Á xích lại gần với Mỹ. Tiến sỹ Yana Leksyutina nhận định: “Một mặt Philippnines và Việt Nam đang cố gắng giảm sự lệ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc vì chỉ số này đã tăng đáng kể từ đầu thế kỷ 21. Mặt khác, các quốc gia này cũng đang tìm kiếm sự ủng hộ của các cường quốc ngoài khu vực, và trong khi Mỹ đang thể hiện sự sẵn sàng thì các nước Đông Nam Á mặc nhiên tăng cường hợp tác với Mỹ, kể cả hợp tác quân sự”. 

Còn Nga thì sao?

Về vấn đề này, ông Andrey Gubin - lãnh đạo các chương trình nghiên cứu khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu châu Á của Viện Nghiên cứu chiến lược Nga (RISS) cho rằng: “Nga hiện giữ lập trường trung lập đối với vấn đề chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông. Moskva không muốn làm phật lòng Trung Quốc cũng như gây tranh cãi với các nước Đông Nam Á dưới bất cứ hình thức nào bởi khu vực này là mối quan tâm lớn của Nga. Việt Nam tất nhiên vẫn là đối tác quan trọng của Nga ở Đông Nam Á”.

Việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quá mức cũng không có lợi cho Nga cả dưới góc độ ảnh hưởng địa chính trị lẫn việc Trung Quốc đa dạng hoá các nguồn cung cấp năng lượng. Năm 2014 được tuyên bố là năm bước ngoặt của Nga hướng về phương Đông do trục trặc quan hệ với phương Tây. Nga đã ký các hợp đồng năng lượng khổng lồ, trong đó có dự án trị giá 400 tỷ USD của Gazprom và 270 tỷ USD của Rosneft với Trung Quốc.

Mặt khác các cường quốc trong khu vực cũng đang và sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ. Điều này tạo ra rào cản bổ sung đối với việc củng cố quan hệ với Nga, mà đây lại là yếu tố Moskva đang hết sức cần đến. Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Thủ tướng Medvedev, hai bên tuyên bố sẽ sớm ký kết Hiệp định thành lập khu vực thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu và một loạt thoả thuận khác về năng lượng. Tiến sỹ Leksyutina cho rằng Nga cần tiến hành chính sách tích cực hơn trong chiến lược trở lại châu Á.

Quả thật lợi ích của Moskva tại Đông Nam Á là rất to lớn. Việt Nam là đối tác chiến lược của Nga và đằng sau thuật ngữ ngoại giao này là hàm ý các quốc gia mà Nga có quan hệ chính trị chặt chẽ nhất. Tuy nhiên quan hệ Việt-Nga cũng không chỉ giới hạn ở lĩnh vực chính trị.

Biển Đông là khu vực quan trọng với Nga cả dưới góc độ kinh tế. Hiện các tập đoàn dầu khí Nga như Zarubezhneft, Rosneft, Gazprom và Lukoil đều có hoạt động khai thác trên thềm lục địa của Việt Nam. Các đối tác Việt Nam mong muốn thu hút các công ty Nga để không bị phụ thuộc duy nhất vào các công ty phương Tây. Còn nhớ có lần các công ty châu Âu và Mỹ dưới áp lực của Trung Quốc đã phải rút khỏi các dự án ở thềm lục địa Việt Nam.

Biển Đông còn có vai trò quan trọng trong việc trung chuyển hàng hoá Nga ra thế giới. Vùng biển này là nơi tập trung các tuyến vận chuyển dầu thô, các sản phẩm dầu mỏ, thép cán...

Cảng Cam Ranh – quân cảng trước đây của Liên Xô và Trạm hậu cần-kỹ thuật hiện nay của Nga cũng có vai trò không kém quan trọng. Về bản chất, năm 2013 Nga đã chính thức quay lại quân cảng này khi Moskva và Hà Nội thống nhất xong các điều kiện đôi bên cùng có lợi trong việc cùng khai thác quân cảng. Hai bên cũng đã thoả thuận lộ trình các tàu Nga, trong đó có tàu chiến ra vào cảng Cam Ranh.

Nga có thể sẽ đánh mất hết những thứ này nếu để Biển Đông bị biến thành khu vực ảnh hưởng của riêng một cường quốc nào đó chứ không nhất thiết phải là Trung Quốc. Cần nhớ Mỹ, quốc gia đang bắt đầu thể hiện vai trò ngày càng lớn ở Đông Nam Á bằng việc thu hút các cường quốc ở tiểu khu vực về phía mình đã chính thức yêu cầu Việt Nam dừng cho phép Nga sử dụng cảng Cam Ranh để tiếp nhiên liệu cho các máy bay quân sự. Và việc Trung Quốc sẽ hành xử như thế nào thì hiện vẫn chưa rõ./.

Theo Gazeta.ru (Nga)

Thùy Anh (gt)