Hoạt động cải tạo đá chữ Thập của Trung Quốc ở Trường Sa. Ảnh vệ tinh ngày 23/3/2015 do Airbus Defence cung cấp

Tạp chí quốc phòng IHS Jane's ngày 16/4 đã đăng và phân tích hình ảnh mới nhất về hoạt động cải tạo đảo vì mục đích quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Hình ảnh vệ tinh do Tập đoàn "Airbus Defence & Space" cung cấp cho thấy Trung Quốc đang xây dựng đường băng trên Bãi đá chữ Thập và xây dựng các đảo trên Bãi đá Subi ở quần đảo Trường Sa. 

Hình ảnh vệ tinh chụp ngày 23/3 cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng đường băng đầu tiên tại Quần đảo Trường Sa. Tại thời điểm đó, đường băng này dài 503m và rộng 53m, nằm ở phía Đông Bắc của Bãi đá chữ Thập, nơi Trung Quốc đã cải tạo thành đảo hồi cuối năm 2014. Với sự cải tạo này, Trung Quốc có thể xây được đường băng dài 3.000m. 

Các hình ảnh vệ tinh khác của "Airbus Defence & Space" ngày 6/2 và 5/3 cũng cho thấy các hoạt động cải tạo mạnh mẽ của Trung Quốc tại Bãi đá Subi. Hình ảnh ngày 6/2 cho thấy 3 hòn đảo đang được xây dựng. Hình ảnh ngày 5/3 cho thấy ít nhất 9 máy nạo vét đang đổ đất để tạo ra các vùng đất rộng hơn tại bãi đá này, đủ để xây dựng một đường băng khác dài 3.000m. 

Các hình ảnh mà "IHS Jane's" công bố ngay lập tức nhận được sự quan tâm của báo chí và học giả Mỹ. Theo nhận định của Thời báo New York, việc Trung Quốc xây dựng đường băng trên Bãi đá chữ Thập có vẻ như được thực hiện trong những tuần gần đây. Hình ảnh do Airbus thu thập và tạp chí "IHS Jane's" công bố ngày 20/2 cho thấy một bãi cát trống tại khu vực mà đường băng được xây dựng. Trang tin của tạp chí Business Insider nhận định việc xây dựng đường băng ở Bãi đá Subi nhiều khả năng là để "đe dọa" Philippines bởi bãi đá này chỉ cách đảo Thị Tứ do Philippines chiếm giữ có 25km. Nhìn chung, các hòn đảo mà Trung Quốc đang xây dựng sẽ đóng vai trò là các căn cứ tiền tuyến để Trung Quốc triển khai lực lượng quân sự ở khắp Biển Đông. 

Nhật báo Phố Wall nhận định hành động của Trung Quốc được coi là một bước đi lớn nhằm thực thi tuyên bố chủ quyền của nước này đối với hầu hết Biển Đông. Trích dẫn báo cáo của Cơ quan Tình báo Hải quân Mỹ, "Nhật báo Phố Wall" cho rằng Trung Quốc đã cải tạo hàng trăm hécta đất ở Trường Sa trong năm 2014 nhằm hỗ trợ cho các chiến dịch hải quân và thực thi luật biển. Các quốc gia khác tại khu vực có tuyên bố chủ quyền cũng có các động thái cải tạo đảo và xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo họ kiểm soát, nhưng mức độ cải tạo của Trung Quốc mạnh mẽ hơn rất nhiều. 

Giới chuyên gia Mỹ cũng cho rằng Trung Quốc không có mục đích nào khác ngoài mục đích quân sự khi cải tạo đảo tại Biển Đông. Các đường băng này sẽ cho phép Trung Quốc triển khai sức mạnh quân sự, răn đe các nước nhỏ như Việt Nam, Philippines và ngăn chặn sự tiếp cận của Mỹ. 

Nhà báo James Hardy, phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của "Tuần báo Quốc phòng Jane's" nhận định: "Chúng tôi hoàn toàn cho rằng việc cải tạo là nhằm mục đích quân sự. Chiều dài 3.000m là đủ để rất nhiều loại máy bay hạ cánh, vì máy bay Airbus A380 cũng chỉ cần đường băng 2.950m là đủ để hạ cánh". Nhà báo James Hardy cho rằng "trừ khi Trung Quốc định biến các hòn đảo thành các khu nghỉ dưỡng, nếu không thì máy bay quân sự là thứ duy nhất sẽ hạ cánh tại đó". 

Trên Thời báo New York, chuyên gia Peter Dutton - Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại trường Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ - nhận định rằng Trung Quốc có thể sẽ lắp đặt rađa và các tên lửa trên bãi đá này để đe dọa Philippines, Việt Nam, đồng thời gia tăng năng lực cạnh tranh, kiểm soát Biển Đông với Mỹ. Ở mức độ rộng hơn, việc Trung Quốc sử dụng Bãi đá chữ Thập làm đường băng cho các máy bay chiến đấu và do thám sẽ mở rộng đáng kể vùng cạnh tranh với Mỹ tại Biển Đông, làm gia tăng khả năng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Chuyên gia Dutton cho rằng đây là một động thái chiến lược lớn có thể làm thay đổi cán cân cuộc chơi tại Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian tới. 

Bà Mira Rapp-Hooper, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS), nhận định trên tờ Foreign Policy rằng các hoạt động cải tạo để có thể cho hạ cánh bất kỳ một loại máy bay nào trên bãi đá (chữ Thập) sẽ cải thiện đáng kể thực lực của Trung Quốc trong việc tuần tra khu vực và thực thi các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Tạp chí Foreign Policy cho rằng việc đường băng trên Bãi đá chữ Thập không phải là đường băng đầu tiên tại khu vực, mà Trung Quốc đã có sân bay trên Đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa, hoàn thành năm 1990. Tuy nhiên, đường băng tại Bãi đá chữ Thập là rất quan trọng để thúc đẩy chiến lược cơ bản của Trung Quốc, đó là đẩy lùi sự tiếp cận của Hải quân Mỹ ra càng xa càng tốt.

Theo IHS Jane's, Thời báo New York, Business Insider, Nhật báo Phố Wall, Foreign Policy

Trần Quang (gt)