Một cuộc tấn công “quy mô” nhằm vào nước Mỹ

Những hiểm họa từ chiến lược toàn cầu ngày càng hung hăng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria đã được phản ánh phần nào qua các vụ tấn công gần đây tại Paris (Pháp) và Bán đảo Sinai (Ai Cập), hay vụ xả súng tại California (Mỹ). Việc Chính quyền Mỹ đã gia tăng đáng kể các hoạt động phòng chống khủng bố kể từ sau sự kiện 11/9 và có những biện pháp xích lại gần hơn với cộng đồng người Hồi giáo tại Mỹ khiến nguy cơ cường quốc này trở thành “nạn nhân” của một cuộc tấn công quy mô gây thương vong lớn là không nhiều. Tuy nhiên, ảnh hưởng từ những mối đe dọa này vẫn rất lớn, nhất là trong bối cảnh nước Mỹ đang chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử tổng thống đầy cam go. Nếu một vụ tấn công như trên xảy ra, chưa tính đến các thiệt hại về kinh tế và lòng tin đối với các thị trường, khả năng Mỹ buộc phải đưa quân tới Syria và Iraq sẽ lớn hơn. Và điều này sẽ càng làm trầm trọng thêm những căng thẳng về địa chính trị tại Trung Đông, gia tăng nguy cơ “xung đột” giữa quân đội Nga-Mỹ và đẩy mâu thuẫn Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tới bờ vực thẳm.

Xung đột Nga- NATO

Kể từ khi cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich chạy trốn khỏi Kiev và Nga sát nhập bán đảo Crimea, nguy cơ bùng phát một cuộc xung đột trầm trọng giữa Nga và NATO ngày càng lớn. Mặc dù căng thẳng trong những tháng gần đây đã lắng dịu phần nào song các diễn biến liên quan tới cuộc can thiệp quân sự của Nga tại Syria- với đỉnh điểm căng thẳng là vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga- có thể khiến xung đột Nga- NATO bùng phát bất kỳ lúc nào. Quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, hay Nga và các nước phương Tây, tuy khó có thể bị hủy hoại do vẫn còn những ràng buộc về kinh tế, song thực tế quân đội Nga, Mỹ, Anh và Pháp cùng đang tham chiến chồng chéo tại cùng một chiến trường, chống lại cùng một kẻ thù với vô số mục tiêu, càng đẩy nguy cơ xảy ra những vụ vam chạm lên cao hơn bao giờ hết.

Mỹ và Trung Quốc

Sự “bằng mặt mà không bằng lòng” giữa giới lãnh đạo hai nước Mỹ và Trung Quốc có lẽ vẫn sẽ chỉ dừng lại ở những "lời qua tiếng lại". Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nguy cơ xảy ra những tính toán sai lầm và xung đột song phương giữa hai cường quốc này trong năm nay sẽ lớn hơn năm vừa qua. Sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông buộc Mỹ phải triển khai các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. Trong năm tới Mỹ chắc chắn sẽ tiếp tục kế hoạch này và việc Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ là điều không thể tránh khỏi.

Cuộc bầu cử Đài Loan trong tháng 1/2016 nhiều khả năng sẽ chứng kiến sự “lên ngôi” của đảng Dân Tiến, đồng nghĩa với một mối quan hệ căng thẳng hơn giữa hai bờ Eo biển Đài Loan, và khiến vấn đề của hòn đảo tự trị này thành một trong những điểm nóng chi phối quan hệ Mỹ- Trung ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Không chỉ vậy, mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc về các hoạt động gián điệp mạng có thể sẽ làm nảy sinh xung đột.

Iran- Saudi Arabia

Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 đã ngầm công nhận vị thế cường quốc khu vực của nước Cộng hòa Hồi giáo, giúp Tehran thu về nguồn tiền lớn để đầu tư về mặt tài chính, quân sự và ngoại giao cho các đồng minh dòng Shi’ite tại Trung Đông. Trong khi đó, kẻ thù lâu năm là Saudi Arabia, tuy đang đứng trên đà suy thoái do giá dầu giảm, vẫn không hề giảm bớt chính sách đối ngoại thù địch với Iran. Kết quả là các cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Iran và Saudi Arabia có thể sẽ diễn ra trầm trọng hơn tại Syria, Yemen, Iraq và có thể là Liban, làm gia tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa quân đội hai nước.

Triều Tiên

Chính quyền bí ẩn, độc tài và sở hữu vũ khí hạt nhân của Kim Jong-un có thể coi là “bằng chứng sống” cho những rủi ro khó lường. Việc nước này tấn công Hàn Quốc hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân không đơn thuần là những nguy cơ mà năm 2016 phải đối mặt mà còn là những diễn biến không thể tính trước. Sự tồn tại, cả nghĩa đen và nghĩa bóng, của chế độ Bình Nhưỡng có thể sẽ khiến những nguy cơ này khó xảy ra, song xét cho cùng chính quyền này luôn là một nhân tố bí ẩn, sẵn sàng gây hấn bất kỳ lúc nào.

Ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump

Ông Donald Trump ít có khả năng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, song kết quả các cuộc thăm dò gần đây đều cho thấy nhà tỷ phú tai tiếng này vẫn giữ vững vị trí số một trong đảng Cộng hòa. Bởi vậy, nhiều khả năng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới sẽ là cuộc chạy đua giữa nhân vật nổi bật trên truyền thông suốt thời gian qua này và đại diện đảng Dân chủ Hillary Clinton. Những kết quả khó đoán, với ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế, xã hội và chính sách đối ngoại của cường quốc hàng đầu thế giới chắc chắn sẽ là điều được dư luận hết sức quan tâm.

Về tình hình thế giới năm 2016, Nhật báo “Les Echos” của Pháp hôm 4/1 cũng có một số dự báo như sau:

1. Bà Hillary Clinton sẽ chắc chắn là ứng cử viên của đảng Dân chủ tại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Các cuộc thăm dò cho thấy bà sẽ giành chiến thắng sít sao trước các ứng cử viên “ôn hòa” của đảng Cộng hòa là ông Ted Cruz và ông Marco Rubio.

2. Các cuộc khủng bố của lực lượng thánh chiến hồi giáo tiếp diễn. Không có lý do nào để lực lượng thánh chiến của Tổ chức nhà nước hồi giáo IS và của Al Qaeda sẽ ngừng các cuộc tấn công khủng bố. Vì không thể bảo vệ được tất cả mọi người trong mọi lúc, mọi nơi, nên dù có nâng báo động lên mức cao thế nào đi chăng nữa thì cũng vẫn có thể có những vụ khủng bố nữa tương tự như vụ “Bataclan” ở Paris, nhắm vào các nước phương Tây và cả những nước Ả-rập là nơi mà lực lượng thánh chiến hồi giáo rất dễ dàng tấn công.

3. Schengen sẽ vẫn tồn tại sau cuộc khủng hoảng người tị nạn. Châu Âu năm 2016 sẽ thực sự phải đối mặt với làn sóng người di cư mà chủ yếu là người Syria, thử thách nghiêm trọng tình đoàn kết của châu Âu cũng như Hiệp ước Schengen vốn đã bị lung lay với việc nhiều nước khôi phục lại kiểm soát biên giới. Để tồn tại, Hiệp ước này sẽ phải sửa đổi theo hướng tăng cường kiểm soát biên giới bên ngoài khối và phân bổ những người tị nạn một cách hợp lý hơn.

4. Tổ chức nhà nước Hồi giáo có thể bị tiêu diệt. Năm 2016, Tổ chức Nhà nước hồi giáo tự xưng (IS) có thể bị sụp đổ do các cuộc tấn công của quân đội Iraq, của lực lượng nổi dậy cũng như của quân chính phủ Syria, các cuộc không kích của Mỹ, Pháp, Anh và Nga. Điều mà chỉ mới đây dường như không thể nghĩ tới nay đã thành có thể. Tuy nhiên, tư tưởng gây chết chóc và khả năng huy động, lôi kéo của IS sẽ còn tồn tại ngay cả sau khi IS đã mất căn cứ, lãnh địa.

5. Nguy cơ sét đánh về việc Anh ra khỏi EU. Năm 2016, Anh sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc ra khỏi EU và lần đầu tiên các cuộc thăm dò dư luận cho thấy những người ủng hộ đã thắng thế. TTg Anh David Cameron đang hy vọng đạt được những nhượng bộ cho phép ông biện hộ chống lại nguy cơ chưa từng có này. Nếu Anh ra khỏi EU sẽ làm Liên minh mất đi 12% GDP và đây sẽ là một cú đòn giáng mạnh vào chủ nghĩa tự do hóa.

6. Giá dầu lửa tiếp tục chịu sức ép. Giá dầu sẽ ở mức 25 USD/thùng? Với đà sụt giảm giá dầu hiện nay thì dự báo này không còn là khôi hài nữa. Giá dầu cuối năm 2015 chỉ còn 36 USD/thùng, là mức thấp nhất kể từ 11 năm nay. Tuy nhiên, đa số các nhà phân tích vẫn dự báo giá dầu năm 2016 sẽ về mức 58 USD/thùng.

7. Iran trở lại chính trường quốc tế. Việc Iran quay trở lại với cộng đồng quốc tế, sau 12 năm bị phương Tây trừng phạt sẽ là một trong những sự kiện cốt yếu của năm 2016. Iran trước mắt chắc chắn sẽ xuất khẩu thêm 1 triệu thùng dầu/ ngày và tiếp tục bình thường hóa quan hệ với Mỹ.

8. Tại Myanmar, bà Aung San Suu Kyi lên đỉnh cao quyền lực. Bà Aung San Suu Kyi sẽ không có chức danh Tổng thống, nhưng từ tháng 2/2016 bà sẽ là Tổng thống thực sự của Myanmar. Việc Hiến pháp không cho phép bà nắm giữ chức vụ cao nhất cũng không quan trọng. Bà đã tuyên bố rằng bà sẽ “đứng trên Tổng thống”. Tuy nhiên, nhiệm vụ sẽ không dễ dàng, vì đảng Liên minh quốc gia vì Dân chủ của bà không hề có kinh nghiệm nào về cầm quyền. Ngoài ra, lực lượng quân đội vẫn nắm giữ nhiều quyền hành rộng lớn như bổ nhiệm một số bộ trưởng hoặc vẫn kiểm soát nhiều chức vụ liên quan đến ngân sách.

9. Chống tham nhũng tại Trung Quốc nhằm vào doanh nhân. Sau các quan chức cao cấp và các chính trị gia, nay đến lượt các doanh nhân nằm trong tầm ngắm của chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động. Các ông chủ của Fosun và của China Telecom đã sa lưới pháp luật và sẽ còn những ông chủ khác nữa. Việc thanh lọc các quan tham khỏi chính quyền cũng sẽ tiếp tục: vụ nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Trương Lục Quân đang bị truy tố là một ví dụ rõ ràng.

10. Khoa học: Cuộc cách mạng của kỹ thuật gene mang lại sự thần kỳ. Thành tựu khoa học của năm 2016 chắc chắn sẽ là CRISPR - Cas9, một “phần mềm” cho phép tìm kiếm một mảnh gene chính xác trong kho tế bào gene của toàn bộ cơ thể sống và cho phép xóa đi mảnh gen này hoặc sao chép rồi cấy ghép chúng với giá thành cực rẻ. Phương pháp này đã được hai nhà khoa học Mỹ và Pháp là Jennifer Doudna và Emmanuelle Charpentier hoàn thiện năm 2012 và đã được thử nhiệm rộng rãi trong các phòng thí nghiệm, nay có thể được đưa ra áp dụng với cơ thể sống để có thể tạo ra các em bé với các gene được chỉnh sửa. Phương pháp này có thể mang lại sự thần kỳ là giúp con người có khả năng chữa trị tất cả các loại bệnh tật trong tương lai gần. Đây thực sự là một cách mạng của kỹ thuật gene./.

Hương Trà (gt)