8cb80e267255b9.jpg 

Đầu tiên là quyết định của chính quyền Obama về việc thực thi đầy đủ mục tiêu chấm dứt các hoạt động quân sự ở Afghanistan đã phải chứng kiến sự thay đổi bất ngờ khi thiếu vắng tiến triển hòa bình đáng tin cậy từ phía Taliban. Những nỗ lực hiện tại hướng đến mục tiêu này chắc chắn sẽ thất bại, trừ phi có điều kỳ diệu nào đó diễn ra.

Sự thù địch Ấn Độ-Pakistan, những bất đồng ngày càng tăng giữa chính phủ Afghanistan và ban lãnh đạo Pakistan, sự trỗi dậy của Taliban ở Afghanistan và sự lan rộng ảnh hưởng của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) đến khu vực Afghanistan-Pakistan sẽ tiếp tục cản trở mong muốn của Mỹ về việc lặng lẽ thoát khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, sự can thiệp quân sự của Mỹ ở Afghanistan sẽ dần dần thu hẹp lại, làm sâu sắc hơn sự rạn nứt chính trị giữa Mỹ và Pakistan.

Trong khi Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ phải vật lộn để duy trì quan hệ thân mật với Pakistan chừng nào quân đội Mỹ vẫn đồn trú ở Afghanistan, thì cuộc đối đầu giữa cơ quan hành pháp-lập pháp sẽ gia tăng và sự trợ giúp quy mô lớn của Mỹ cho Pakistan sẽ tiếp tục giảm bớt trong các tháng tới.

Trong bối cảnh triển vọng Pakistan cắt đứt quan hệ với các tổ chức khủng bố dường như khá xa vời, trong khi khả năng Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng kinh tế ở Pakistan đang được củng cố, thì sự thiếu lòng tin giữa Washington và Islamabad đang ngày một gia tăng. Sự hợp tác chiến lược giữa Ấn Độ và Mỹ ngày càng tăng với các cuộc tập trận quân sự thường xuyên và việc mua bán vũ khí tối tân cũng ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Pakistan.

Đặc biệt, Mỹ, Trung Quốc, Pakistan và Afghanistan cũng bắt đầu hợp tác bốn bên để giải quyết tình hình Afghanistan. Trong khi đó, Ấn Độ đang đứng ngoài cuộc. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến nỗ lực của Mỹ nhằm lập lại hòa bình ở Afghanistan. “Cơn ác mộng” của Pakistan đó là sự ảnh hưởng lớn hơn của Ấn Độ ở Afghanistan và nước này phủ nhận vai trò của Ấn Độ trong việc lập lại hòa bình. Sau quá nhiều sự đầu tư vào hoạt động xây dựng đất nước ở Afghanistan, liệu Ấn Độ có thể cho phép Pakistan “vẽ lại” các tính toán chiến lược của họ ở nước này hay không? Liệu Ấn Độ có thực sự tin tưởng nhóm bộ tứ nói trên và chấp nhận kết quả sau các cân nhắc của họ, trong khi vẫn chỉ là người ngoài cuộc trong tiến trình hòa bình ở quốc gia láng giềng sát vách?

Bên ngoài khu vực Nam Á, thách thức lớn hơn đối với sự can dự của Mỹ bắt nguồn từ sự bất ổn rắc rối ở môi trường chiến lược Tây Á. Chính quyền Obama đã rút tất cả quân đội khỏi Iraq và để lại khoảng trống quyền lực mà hiện được tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) lấp đầy. Mặc dù Tổng thống Obama đã ngừng sử dụng cụm từ “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” và hứa hẹn sẽ bắt tay với thế giới Hồi giáo trong các hoạt động hợp tác mang tính xây dựng và chấm dứt chiến dịch quân sự ở Iraq, song kết quả cuối cùng lại trở nên tồi tệ hơn. Mặc dù nhiều lần hứa hẹn sẽ không triển khai quân trên bộ, song Tổng thống Obama trên thực tế vẫn làm. Ông đã tiến hành không kích các cơ sở của IS, điều quân đến huấn luyện các binh sĩ Iraq và hiện Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ cũng tham gia một cách có chọn lọc vào các cuộc chiến. Mong đợi rằng việc Nga và Iran nhảy vào cuộc chiến chống IS sẽ mang lại nhiều lợi ích đã bị minh chứng hoàn toàn sai lầm trong năm 2015. Nga chỉ ngày càng quan tâm đến việc bảo vệ chế độ Assad hơn là chống lại IS.

Trong khi đó, thành tựu nổi bật của chính quyền Obama - thỏa thuận hạt nhân với Iran - đang đứng trước nhiều sức ép. Thỏa thuận này đã làm Saudi Arabia cũng như Israel nổi giận. Các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) khác bề ngoài ủng hộ thỏa thuận này, song dường như thực chất lại có vẻ không hài lòng. Bên cạnh sự chia rẽ Shi’ite-Sunni gây bất ổn khu vực Tây Á, xung đột văn hóa Ba Tư-Arập cũng đang ngày càng hiện rõ. Các nước Arập ngày càng có xu hướng sử dụng cụm từ “Vịnh Arập” thay vì “Vịnh Ba Tư” và Iran cho rằng đây là sự sỉ nhục đối với lịch sử cổ đại của họ. Tất cả những diễn biến trên đều “góp phần” khiến chính sách Trung Đông của Mỹ trở nên đầy bất ổn, mặc dù giới chỉ trích cũng đổ lỗi một phần cho chính sách Mỹ đã gây ra khủng hoảng hiện nay ở khu vực.

Hiện khó có khả năng rằng cuộc khủng hoảng kinh tế, bất ổn xã hội và các cuộc chính biến hay thậm chí chủ nghĩa khủng bố ở Tây Á sẽ được giải quyết thỏa đáng ở khu vực này. Sự kiểm soát của Mỹ ở Tây Á, vốn đã vấp phải nhiều vấn đề, sẽ không được phép “lơ là” trong năm 2016.

Những diễn biến ở châu Á-Thái Bình Dương cũng đặt ra những vấn đề cấp bách tương tự đối với quyền lực của Mỹ. Việc Triều Tiên vẫn ngoan cố trong vấn đề hạt nhân và Trung Quốc thể hiện “cơ bắp” ở Biển Đông đã khiến các đồng minh của Washington đặt câu hỏi về sự tín nhiệm của Mỹ. Sự cạnh tranh giữa Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ dẫn đầu và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc dẫn đầu, sự thách thức của Trung Quốc đối với lời kêu gọi của Mỹ về việc tìm kiếm giải pháp đa phương giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, việc Trung Quốc chống lại hoạt động của các tàu hay máy bay do thám Mỹ tới gần các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, việc Bắc Kinh đơn phương xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo tranh chấp trên vùng biển này và các diễn biến tương tự khác cho thấy chiến lược “xoay trục về châu Á” của ông Obama chỉ đơn thuần mang tính “ra hiệu”.

Năm 2016, các đồng minh châu Á của Mỹ như Philippines, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc hy vọng Mỹ sẽ hành động một cách quyết liệt hơn để đối phó với Trung Quốc. Trong bối cảnh Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) dường như bất lực trong việc kiềm chế một Trung Quốc hung hăng và một Triều Tiên ngoan cố, Mỹ có thể sẽ tìm kiếm các biện pháp thay thế để đối phó với các hành động khiêu khích ở khu vực này trong năm 2016.

Hiện ông Obama không còn nhiều thời gian để thực hiện quá nhiều việc. Tuy nhiên, không phải ông Obama đã làm sai tất cả mọi thứ. Không một siêu cường nào có thể thể hiện cơ bắp và sử dụng mọi khả năng của họ để kiểm soát, điều khiển và định hình các vấn đề toàn cầu. Bất chấp điều đó, thành công về mặt ngoại giao của Tổng thống Obama ở Hội nghị về biến đổi khí hậu ở Paris, trong việc kết nối Nga và Trung Quốc để đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran và trong việc mở ra một chương mới trong quan hệ Mỹ-Ấn sau vụ Phó Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại Mỹ Devyani Khobragade bị cáo buộc trước pháp luật... là các thành tựu hết sức to lớn. Trong năm cuối của nhiệm kỳ tổng thổng, ông Obama chắc chắn sẽ cố gắng nỗ lực hơn nữa dựa trên các thành công của ông.

Tác giả: GS. Chintamani Mahapatra, Trường Nghiên cứu Quốc tế, JNU 

Anh Thư (gt)