Trong vài năm qua, quan hệ giữa Trung Quốc và Myanmar đã diễn biến theo chiều hướng xấu. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc Chính phủ Myanmar quyết định hoãn dự án xây dựng công trình đập thủy điện Myitsone do một doanh nghiệp nhà nước làm chủ đầu tư. Để lấy đất phục vụ dự án này, nhiều làng mạc quanh khu vực dự án đã buộc phải di dời đi chỗ khác. Tình trạng của họ hiện nay đang hết sức khó khăn do mất kế sinh nhai, và mặc dù nơi dự kiến xây dựng đập Myitsone vẫn đang bỏ trống, nhưng những người dân này vẫn không thể quay lại quê hương họ.

Quay trở lại thời điểm tháng 9/2011 khi Tổng thống Myanmar Thein Sein ban hành một sắc lệnh yêu cầu rằng việc xây dựng đập thủy điện Myitsone phải “bị đình chỉ trong thời gian cầm quyền của chính phủ chúng tôi”. Tuyên bố này đã nhận được sự hoan nghênh rộng rãi cả ở trong nước và quốc tế. 

 

Dự án đầy tham vọng này, liên quan đến việc xây dựng một đập thủy điện cao 152m tại khu vực hợp lưu của hai con sông hình thành nên sông Irrawaddy, là sản phẩm trí tuệ của một doanh nghiệp lớn thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, Công ty Phát triển Điện lực Quốc tế Trung Quốc. 

Việc Chủ tịch Quốc hội Myanmar Shwe Mann tiết lộ gần đây rằng Tổng thống Thein Sein sẽ không ứng cử nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2015 chắc chắn tăng cường chiến dịch vô cùng thiếu tế nhị của Công ty Phát triển Điện lực Quốc tế Trung Quốc, đó là phản đối việc đình chỉ xây con đập Myitsone. Tuy nhiên, ngay cả khi người kế nhiệm ông Thein Sein quyết định tiếp tục thực hiện dự án này, vẫn có những rào cản nghiêm trọng đối với việc tái khởi động việc xây dựng công trình này, do những lý do thực tế dẫn đến việc đình chỉ dự án đập Myitsone phức tạp hơn nhiều so với lời giải thích ban đầu của Tổng thống Thein Sein rằng ông tôn trọng “ý nguyện của nhân dân”. 

Khoảng 3 tháng trước khi quyết định đình chỉ việc xây đập Myitsone được công bố, quân đội Myanmar đã phát động một cuộc tấn công chống lại Tổ chức Kachin Độc lập, chấm dứt một lệnh ngừng bắn kéo dài 17 năm ở bang Kachin và các khu vực phía Tây Bắc bang Shan, biến nhiều khu vực của miền Bắc Myanmar thành vùng chiến sự, bao gồm cả các khu vực gần địa điểm xây dựng đập Myitsone. Công ty Phát triển Điện lực Quốc tế Trung Quốc sẽ sớm hiểu được việc xây dựng một con đập như vậy ở giữa một cuộc xung đột là điều khó khăn như thế nào. 
Chỉ vài tuần sau khi nổ ra cuộc xung đột Kachin, dự án đập Myitsone đã vướng phải một trở ngại nghiêm trọng khi một cây cầu quan trọng nối liền bang Kachin và Trung Quốc đã bị phá hủy bằng thuốc nổ, hành động được cho là do Tổ chức Kachin Độc lập thực hiện. Cây cầu đó nằm ở Đèo Kampaiti, phía Bắc thành phố Myitkyina, thủ phủ bang Kachin. Đây là con đường chính mà Công ty Phát triển Điện lực Quốc tế Trung Quốc và các nhà thầu phụ của công ty này vận chuyển thiết bị xây dựng đập thủy điện từ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc tới khu vực triển khai dự án. Gần như đồng thời, một cây cầu quan trọng khác nối liền Myitkyina với Bhamo cũng đã bị phá hủy, gây khó khăn đáng kể cho những nỗ lực nhằm thay đổi lộ trình vận chuyển các phương tiện từ Trung Quốc đến địa điểm xây dựng đập Myitsone thông qua khu vực phía Nam. 

Việc cuộc chiến tại bang Kachin tái bùng phát và đặc biệt là việc phá hủy cây cầu Kampaiti đã gây khó khăn cho hoạt động thực hiện dự án xây dựng đập Myitsone, nếu không muốn nói là không thể. Việc Tổng thống Thein Sein chính thức đình chỉ dự án, theo quan điểm của những người chỉ trích Tổ chức Kachin Độc lập, là một kế sách thông minh để nâng cao uy tín của ông nhờ việc trì hoãn hoạt động xây dựng đập Myitsone, điều mà họ nói là không thể tránh khỏi một khi cuộc chiến được nối lại. 

Điều thú vị là các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc gần đây đã đổ lỗi cho cuộc xung đột đang diễn ra tại Kachin là trở ngại lớn nhất đối với việc khôi phục dự án xây dựng đập Myitsone, một số điều đã không được lưu ý đến bởi các tin tức được đưa ra về việc đình chỉ xây dựng đập. Trong một bài viết đăng hồi tháng 9 trên tờ Thời báo Hoàn Cầu – một ấn phẩm của tờ Nhân dân Nhật báo (cơ quan ngôn luận của Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc), Đinh Cương, một biên tập viên của Nhân dân Nhật báo bản tiếng Anh, nhận định: "Nhìn bề ngoài, có vẻ như những quan ngại về môi trường là trở ngại chính đối với việc tái khởi động dự án này. Tuy nhiên trên thực tế, trở ngại chính là cuộc xung đột giữa quân đội Myanmar và Quân đội Kachin Độc lập (cánh vũ trang của Tổ chức Kachin Độc lập), cuộc xung đột đã ảnh hưởng đến tiến trình hòa bình ở miền Bắc Myanmar.” 

Mặc dù cuộc chiến bắt đầu vào tháng 6/2011, nhưng có những dấu hiệu hướng tới việc kết thúc thỏa thuận ngừng bắn, điều mà một cuộc xung đột nghiêm trọng đang đe dọa, đáng chú ý nhất là trong tháng 10/2010 khi truyền thông Myanmar một lần nữa bắt đầu đề cập đến Quân đội Kachin Độc lập như “những kẻ nổi loạn” do đã vi phạm quy định trong những ngày trước lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, Công ty Phát triển Điện lực Quốc tế Trung Quốc khẳng định tiếp tục xúc tiến dự án xây đập Myitsone, bất chấp tình trạng gia tăng căng thẳng nghiêm trọng tại bang Kachin, một quyết định sẽ khiến công ty này phải trả giá đắt. 

Một doanh nhân người Kachin có các mối quan hệ với Trung Quốc xác nhận rằng Công ty Phát triển Điện lực Quốc tế Trung Quốc và các nhà thầu phụ của doanh nghiệp này đã mất những khoản tiền lớn ngay khi việc xây dựng con đập bị đình chỉ. Theo doanh nhân này, một yếu tố chính dẫn tới những tổn thất này là cuộc chiến và việc phá hủy các cây cầu quan trọng tại bang Kachin, đồng nghĩa với việc cả Công ty Phát triển Điện lực Quốc tế Trung Quốc lẫn các nhà thầu phụ của doanh nghiệp này đều không thể di chuyển một số lượng lớn các công cụ chuyên dụng cho việc xây đập và những thiết bị đã được tập trung tại khu vực dự án. 

Về phần mình, Quân đội Kachin Độc lập đã phản đối việc xây dựng đập Myitsone, chứ không phản đối 6 con đập khác đã được lên kế hoạch tại khu vực thượng nguồn sông Irrawaddy trước khi cuộc chiến nổ ra. Được biết, trong một lá thư hồi tháng 3/2011 gửi đến Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, người đứng đầu Quân đội Kachin Độc lập nhấn mạnh tổ chức Quân đội Kachin Độc lập đã "thông báo cho Chính phủ quân sự Myanmar rằng tổ chức này sẽ không chịu trách nhiệm về nội chiến nếu chiến tranh nổ ra vì dự án nhà máy thủy điện này và vì việc xây dựng con đập thủy điện Myitsone". 

Theo thông tin từ một bài báo trên Tuần báo Kinh doanh bản tiếng Trung, mặc dù dự án đập Myitsone đang bị đình chỉ, nhưng Công ty Phát triển Điện lực Quốc tế Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì một đội ngũ khoảng 50 nhân viên tại địa điểm xây dựng công trình này. Họ sống trong một thị trấn dành cho các công nhân ở gần đó, được đặc biệt xây dựng làm nơi ở cho hơn 2.000 công nhân đến từ Trung Quốc khi hoạt động xây dựng bắt đầu vào năm 2010. Nhìn từ một con thuyền đi qua trên sông, thị trấn này dường như vẫn được duy trì khá tốt. 

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Tân Hoa Xã được tiến hành hồi đầu năm nay, ông Lý Quang Hoa, Giám đốc chi nhánh Công ty Phát triển Điện lực Quốc tế Trung Quốc tại Vân Nam, đã tuyên bố rằng Công ty Phát triển Điện lực Quốc tế Trung Quốc tiếp tục chi 300 triệu nhân dân tệ (49 triệu USD) một năm cho con đập Myitsone. Theo ông Lý Quang Hoa, như hồi tháng 3 năm ngoái, Công ty Phát triển Điện lực Quốc tế Trung Quốc đã đầu tư 7,3 tỷ nhân dân tệ (1,19 tỷ USD) cho toàn bộ dự án thủy điện khu vực thượng nguồn sông Irrawaddy. Nếu được thực hiện đầy đủ, các dự án thuỷ điện này sẽ bao gồm 7 đập thủy điện, sản xuất được nhiều điện hơn so với đập Tam Hiệp ở Trung Quốc. 

Mô hình làng “nghèo khổ” 

Trước khi đình chỉ việc xây dựng đập Myitsone, hơn 2.600 người dân từ những ngôi làng sẽ bị nhấn chìm trong biển nước bởi chiếc hồ chứa khổng lồ của đập thủy điện này, đã bị các quan chức chính phủ buộc phải di dời trong năm 2010 và đầu năm 2011. Theo Mungchying Rawt Jat (MRJ), một nhóm vận động được thành lập bởi những người nông dân Kachin mất đất, hầu hết người dân những làng này, những người chủ yếu là nông dân sản xuất quy mô nhỏ, cuối cùng đã tới sống trong “các ngôi làng kiểu mẫu” Aung Myin Thar và Maliyang. Mặc dù những cái tên này nghe có vẻ rất kêu, nhưng một chuyến thăm gần đây tới phần lớn hai điểm tái định cư đó đánh giá rằng những ngôi làng là thứ gì đó không phải là một mô hình của sự phát triển. 
Nhiều gia đình bị di dời đã phải gánh chịu sự sụt giảm thu nhập lớn kể từ khi đến ở những ngôi làng kiểu mẫu này. Ja Hkawn, phụ nữ 49 tuổi, người trước đây đã từng quản lý một trang trại nhỏ và một cửa hàng tại Tang Hpre, một ngôi làng gần ngã ba sông Myitsone, cho biết: “Thu nhập của tôi đã giảm 80% kể từ khi chuyển tới đây. Khi chúng tôi ở ngôi làng cũ, chúng tôi có thể lo cho tất cả 8 đứa con của mình được đi học”. 

Cùng với việc thu nhập giảm sút, bà Ja Hkawn cũng không thể trồng trọt được nhiều tại nơi ở mới do đất đai bạc màu. Bà nói: “Chúng tôi không thể trồng được bất cứ thứ gì”. Các ngôi làng cũ, hầu hết trong số đó đã bị những chiếc xe ủi phá hủy hoàn toàn, có đất đai màu mỡ hơn nhiều, mang lại thu nhập ổn định cho Ja Hkawn và những người hàng xóm làm nông nghiệp quy mô nhỏ của bà, nhiều người trong số họ hiện đang làm những công việc thời vụ với mức lương rất thấp. 

Bất chấp việc chính thức đình chỉ xây dựng con đập, những người dân phải di dời đã bị các quan chức chính phủ cấm quay trở lại những trang trại màu mỡ của họ. Bà Ja Hkawn cho biết: “Chúng tôi đã rất hạnh phúc khi họ dừng dự án lại, nhưng rồi họ đã ngăn cấm chúng tôi quay trở về làng”. 

Ngay cả khi dự án đập thủy điện Myitsone không bao giờ được triển khai, Ja Hkawn và những người nông dân như bà cũng không chắc liệu họ có được trở về “cố hương” hay không. Một thời gian ngắn sau việc đình chỉ xây dựng đập, công ty Sea Sun Star, một doanh nghiệp thuộc quyền kiểm soát của Hka Mai Tang, một nhà lập pháp địa phương được bầu vào Hạ viện với tư cách nghị sĩ của đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP), đã nắm quyền kiểm soát vùng đất nông nghiệp rộng lớn bị bỏ hoang. Những hàng rào được công ty Sea Sun Star dựng len và những tấm biển đi kèm được treo xung quanh các cánh đồng đã cho thấy rõ ràng rằng những người nông dân bị di dời không được chào đón trở lại. 

Trang mạng của Công ty trách nhiệm hữu hạn thủy điện lưu vực ngã ba thượng nguồn sông Ayeyawady (UACHC), một chi nhánh của Công ty Phát triển Điện lực Quốc tế Trung Quốc ở Myanmar, đã khoe khoang về mô hình làng Aung Myint Thar, được xây dựng bằng nguồn vốn của Công ty Phát triển Điện lực Quốc tế Trung Quốc, là "một khu vực nhiều triển vọng". Tuy nhiên, bà Ja Hkawn lại phản đối điều này một cách mạnh mẽ. Bà đã phải tiêu những khoản tiết kiệm ít ỏi cho việc xây lại căn nhà chất lượng kém được giao. Căn nhà này được xây dựng bởi đối tác địa phương của Công ty Phát triển Điện lực Quốc tế Trung Quốc là Asia World, một doanh nghiệp nằm dưới sự kiểm soát của gia đình trùm ma túy Lo Hsing Han. 

Thực tế rằng việc Công ty Phát triển Điện lực Quốc tế Trung Quốc chọn Asia World, một công ty bị Bộ Tài chính Mỹ mô tả như một tấm bình phong cho hoạt động rửa tiền của những kẻ buôn ma túy, để thực hiện các dự án trách nhiệm xã hội, là điều gì đó mà nhiều nhà quan sát coi như là bằng chứng cho thấy doanh nghiệp Trung Quốc này đã không nỗ lực một cách chân thành trong việc giúp đỡ những người bị ảnh hưởng từ việc xây đập thủy điện Myitsone. Với 5% cổ phần trong UACHC, đơn vị sẽ điều hành xây đập trong thời gian 50 năm, Asia World dự kiến sẽ thu nhiều triệu USD từ việc tham gia dự án thủy điện Myitsone. Phần lớn cổ phần của UACH được nắm giữ bởi chi nhánh Công ty Phát triển Điện lực Quốc tế Trung Quốc tại Vân Nam, với 80% cổ phần, trong khi Bộ Điện lực của Myanmar nắm giữ 15% còn lại. 

Theo một báo cáo của UACHC, mang tên "Một tương lai tươi sáng cho dòng sông Ayeyawady," Myanmar sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ dự án với việc thu được hơn 54 tỉ USD cho chính quyền trung ương trong vòng 50 năm đầu xây dựng đập. UACHC cũng cho rằng một khi đập được xây dựng thì "sẽ không bao giờ thiếu nguồn cung cấp điện dân dụng và công nghiệp ở miền Bắc Myanmar ." Đó là một tuyên bố táo bạo nhưng mâu thuẫn với các số liệu trong báo cáo của UACHC, trong đó cho thấy 90% trong số 100 tỷ Kw giờ điện mỗi năm được tạo ra bởi các đập thủy điện trên sông Irrawaddy là số sản lượng điện mà Công ty Phát triển Điện lực Quốc tế Trung Quốc mong muốn có được để xuất khẩu. 

Những tuyên bố của Công ty Phát triển Điện lực Quốc tế Trung Quốc và các công ty con của họ về lợi ích của thủy điện không phù hợp với suy nghĩ của những người dân phải di dời. Theo một cư dân cũ ở khu vực xây dựng đập Myitsone, trong số những người mất chỗ ở đó có một số cô gái trẻ ở Tang Hpre, với một số ít lựa chọn khả dĩ, hiện đang làm gái mại dâm tại Myitkyina. 
Mặc dù Công ty Phát triển Điện lực Quốc tế Trung Quốc phô trương ầm ĩ bằng cách tặng gạo cho người dân phải di dời nhưng rất ít dân làng hài lòng về việc này. Bà Ja Hkawn cho biết: "Họ đã trả cho chúng tôi rất ít tiền bồi thường. Rất khó để chúng tôi có thể tồn tại được bởi vì chúng tôi đã mất quá nhiều, nhiều hơn những gì các doanh nhân Trung Quốc đã bị mất".

Theo The Irrawaddy

Văn Cường (gt)