Trong ba yếu tố thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng là: tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư, thì điểm tựa cho nền kinh tế Trung Quốc trong 3 thập niên đầu cải cách mở cửa là: xuất khẩu và đầu tư. Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc lấy xuất khẩu làm điểm tựa chính, trong khi chủ thể của xuất khẩu lại là các sản phẩm liên quan đến công nghiệp nhẹ và ngành sơ chế. Sau năm 2008, nền kinh tế Trung Quốc chuyển sang lấy đầu tư làm điểm tựa chính, với khởi đầu là 4 nghìn tỷ Nhân dân tệ tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng trong nước để duy trì tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, hiện tại Trung Quốc rất khó có thể tiếp tục sử dụng hai mô hình này làm điểm tựa nhằm phục vụ cho sự phát triển nền kinh tế của mình. Về xuất khẩu, một mặt nhu cầu thị trường ở nước ngoài vẫn tiếp tục yếu, mặt khác lợi thế của ngành sơ chế mà Trung Quốc dựa vào trước kia đã dần mất đi. Về đầu tư, nợ của các địa phương đã trở thành một mối lo phổ biến và việc tiếp tục đầu tư nữa là điều không thể. Trong bối cảnh như vậy, Trung Quốc cần phải tìm một điểm tựa mới cho tăng trưởng kinh tế.

Mở rộng nhu cầu trong nước được xem là điểm tựa với kỳ vọng lớn. Khi so sánh kết cấu chi tiêu gia đình ở Trung Quốc và Mỹ, hầu hết các quan điểm đều cho rằng số tiền tiết kiệm của các gia đình Trung Quốc hiện nay là rất lớn, cùng với việc thu nhập ngày càng gia tăng sẽ khiến cho sức mua tăng lên. Tuy nhiên, xem xét kỹ thì kiểu so sánh này là có vấn đề, bởi nó đã bỏ qua sự khác biệt về phân phối của cải trong xã hội Mỹ và Trung Quốc. Từ góc độ quốc gia, việc sở hữu của cải trong xã hội ở Mỹ và Trung Quốc là khác nhau. Đối với Trung Quốc, chủ thể chính nắm giữ của cải là chính phủ mà đại diện là các doanh nghiệp và ngân hàng nhà nước, trong khi tỉ lệ của cải do các gia đình nắm giữ là không lớn.

Việc của cải tập trung trong tay nhà nước không chỉ giúp chính phủ kiểm soát nền kinh tế vĩ mô mà còn là để duy trì chủ nghĩa tập thể kiểu Trung Quốc, nên cách sở hữu này không thể thay đổi. Trên cơ sở đó, nếu kỳ vọng vào thu nhập gia đình ở Trung Quốc tăng lên, thậm chí bằng với mức thu nhập của các gia đình Mỹ, thì của cải trong toàn bộ xã hội Trung Quốc phải vượt qua Mỹ rất nhiều, và điểm này là rất khó xảy ra. Ở Trung Quốc, thu nhập của các hộ gia đình và sức mua cũng có thể tăng, song mức tăng không quá lớn. Vì vậy, tiêu dùng trong nước không thể trở thành điểm tựa mới cho nền kinh tế. Trong bối cảnh tiêu thụ và đầu tư đều không trở thành điểm tựa, nền kinh tế của Trung Quốc quay trở lại điểm tựa “xuất khẩu”.

Đây là một lựa chọn bắt buộc, chỉ có điều mô hình xuất khẩu hiện tại không giống với mô hình xuất khẩu truyền thống. Mô hình xuất khẩu truyền thống chỉ đơn thuần là xuất khẩu hàng hóa, song mô hình xuất khẩu hiện nay mà dự án “Một vành đai, một con đường” là một phần của nó dựa vào một loạt yếu tố như: sản phẩm, vốn, sản lượng, thậm chí còn kết hợp với dịch vụ. Lấy đường sắt trên cao làm ví dụ, Trung Quốc không chỉ cung cấp phương tiện mà còn cung cấp cả vốn đầu tư, công nghệ, kỹ thuật, thậm chí bao gồm cả việc kinh doanh giai đoạn sau. Mô hình xuất khẩu này đã giải quyết được hai vấn đề lớn của Trung Quốc: dư thừa năng lực sản xuất công nghiệp và dự trữ ngoại hối khổng lồ.

Tuy nhiên, dự án “Một vành đai, Một con đường” còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, hiệu quả như thế nào cũng cần phải có thời gian để đánh giá. Nhìn chung, “Một vành đai, một con đường” là lựa chọn bắt buộc của Trung Quốc trong thời kỳ kinh tế gặp khó khăn. Bản thân chiến lược này có những rủi ro lớn, song Trung Quốc vẫn buộc phải chấp nhận.

Theo báo “Liên hợp Buổi sáng” (ngày 27/4)

Hương Trà (gt)