Trong cuộc hội thảo hai ngày 20-21/6, một đại biểu đến từ Đại sứ quán Trung Quốc đã bất ngờ đặt câu hỏi cho phía Việt Nam, rằng nếu không có sự hậu thuẫn của Mỹ liệu Việt Nam có phản ứng mạnh như vừa qua không và Việt Nam kỳ vọng Mỹ sẽ đóng vai trò gì trong cuộc tranh chấp này, luật sư Nguyễn Duy Chiến - cộng tác viên Học viện Ngoại giao Hà Nội - nói: “Mỹ là một cường quốc. Và vai trò của một cường quốc là bảo vệ hòa bình thế giới, trong đó có hòa bình ở Đông Nam Á”. Câu trả lời của luật sư Nguyễn Duy Chiến đã nhận được sự tán thưởng bằng những tràng pháo tay vang dội.

Giáo sư Tô Hạo - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế trường Đại học Ngoại giao Bắc Kinh - là học giả duy nhất của Trung Quốc tại cuộc hội thảo nói rằng trong quá khứ, tàu Trung Quốc đã từng cắt cáp thăm dò của tàu Việt Nam, nhưng trong vụ Bình Minh 02 Việt Nam phản ứng rất dữ dội, hơn hẳn với truyền thống hành xử của mình và Trung Quốc hết sức ngạc nhiên trước phản ứng này. 

Ông Nguyễn Quốc Thái, nguyên Tổng thư ký báo Doanh Nghiệp từ Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng đã đến lúc Việt Nam phải lên tiếng một cách công khai và mạnh mẽ. Trung Quốc đã thấy được phản ứng của quốc tế đối với việc họ làm như thế nào.

Những cuộc hội thảo về tranh chấp Biển Đông đã từng được nhiều viện nghiên cứu ở các nước tổ chức nhưng chưa khi nào nóng bỏng và nhiều cảm xúc như cuộc hội thảo lần này. Cựu Đại sứ Nguyễn Trung từ Hà Nội nhận định: “Tôi rất hoan nghênh hội thảo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Đây là cuộc hội thảo phù hợp với nhìn nhận chung của công luận thế giới về những gì đang xảy ra trên Biển Đông. Còn quan điểm và lập trường của Việt Nam về mọi chuyện trên Biển Đông thì tôi nghĩ là rất rõ, hội thảo cũng nói lên sự đồng tình rất rõ. Tôi hy vọng ít nhất hội thảo làm rõ được vấn đề và cũng nhấn mạnh thêm rằng Trung Quốc phải ngồi vào đàm phán với tất cả các bên hữu quan để tìm ra giải pháp”.

Nhà báo Nguyễn Quốc Thái cho rằng phản ứng của ba đại biểu Việt Nam tham dự hội thảo trên đã mang lại kết quả rất tốt là được quốc tế ủng hộ và đứng về phía Việt Nam. Ông cho rằng phía Trung Quốc cũng lúng túng trong hội thảo này. 

Giáo sư Tô Hạo không thể biện giải trước chất vấn của các học giả thế giới về thực chất đường lưỡi bò, bản đồ 9 điểm hình chữ U thể hiện điều gì và dựa trên chứng lý nào. Tham vọng của Trung Quốc muốn làm bá chủ Biển Đông đã bị bóc trần tại hội thảo trên, hy vọng những gì đúc kết từ hội thảo này sẽ đóng góp một cách hữu ích cho Diễn đàn an ninh ASEAN (ARF) tổ chức vào tháng 7 tới và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào tháng 10 tại Inđônêxia. Phóng viên của đài RFA đánh giá Việt Nam đạt được một số thành công từ cuộc hội thảo trên. Thứ nhất, đây là một cơ hội để Việt Nam khẳng định lập trường và quan điểm của mình về vấn đề Biển Đông. Thứ hai, tại cuộc hội thảo các diễn giả đã cùng nhau đưa ra một lập luận, đó là không ai chấp nhận hành động hung hăng của Trung Quốc. Thứ ba là quốc tế hóa Biển Đông. Một điểm nữa thành công ở một mức độ nhất định, đó chính là trong hội thảo lần này người ta cũng nghe một số diễn giả đưa ra một số giải pháp, có khả thi hay không thì chưa biết, nhưng ít nhất cũng cho thấy thế giới quan tâm hơn đến vấn đề Biển Đông. Một số giải pháp đã được đánh giá cao tại hội thảo.

NCBĐ (gt)