race-8.jpg

Một số quốc gia nhỏ có thể sẽ cảm thấy quá tốn kém khi mua vũ khí của Mỹ mà không nhận được sự hỗ trợ nào và nhiều khả năng họ sẽ quay sang tìm kiếm các nhà cung cấp khác như Nga và Trung Quốc. Nhà Trắng cho biết họ sẽ cắt giảm 29,1% chi tiêu (tương đương 11,5 tỷ USD) cho Bộ Ngoại giao và "các chương trình quốc tế khác" trong năm tài chính 2018. Điều này sẽ bao gồm việc định hình lại cách thức mà Mỹ dùng để viện trợ quân sự cho một số quốc gia, bằng cách cho vay chứ không phải là tài trợ mua thiết bị quân sự nữa. Các quốc gia như Pakistan, Philippines và Việt Nam được cho là sẽ bị ảnh hưởng bởi động thái này.

Richard Heydarian, Phó Giáo sư nghiên cứu về các vấn đề quốc tế và khoa học chính trị tại Đại học De La Salle (Philippines), nói rằng việc cắt giảm chi tiêu cho ngoại giao của Chính quyền Trump có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến các liên minh của Mỹ cũng như vị thế lãnh đạo của nước này trong khu vực. Các đồng minh của Mỹ đã từng dự đoán rằng những mối liên kết của nước này với khu vực châu Á- Thái Bình Dương sẽ được duy trì bất kể ai trở thành tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump đã đe dọa sẽ chấm dứt chiến lược "xoay trục sang châu Á" - một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của cựu Tổng thống Barack Obama.

Ông Heydarian cho biết: "Đối với ông Trump, việc cắt giảm những khoản trợ cấp, nguồn viện trợ và nguồn lực nước ngoài của Bộ Ngoại giao đã bôi nhọ giá trị của cam kết ngoại giao ở châu Á và sẽ ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực”.

Mặc dù chi tiết về việc trả nợ vẫn còn chưa rõ ràng, song các chuyên gia cho biết động thái này có thể buộc một số quốc gia châu Á - những nước nhận ra việc phát triển hay duy trì trang thiết bị quân sự từ Mỹ là quá đắt đỏ - phải tìm nhà cung cấp quân sự khác. Điển hình trong trường hợp này là Philippines, một trong những nước nhận viện trợ quân sự từ Mỹ lớn nhất ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã theo đuổi một mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc và hiện đang tìm cách khiến Nga trở thành đối tác cung cấp vũ khí mới, phục vụ cho việc chiến đấu với các chiến binh Hồi giáo đang ẩn nấp ở khu vực miền Nam nước này. Thêm vào đó, những bất đồng với Mỹ trong cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi của ông Duterte đã khiến việc mua vũ khí của Mỹ gặp nhiều khó khăn.

Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) hồi tháng 2/2017, Trung Quốc hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Nga. Tuy nhiên, Rajeev Ranjan Chaturvedy, một chuyên viên nghiên cứu thuộc Học viện Nghiên cứu Nam Á tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết nhiều người vẫn đang trông chờ xem liệu rằng Trung Quốc và Nga có bắt đầu nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn hay không. Ông Chaturvedy nói: "Nhìn chung, các mối quan hệ quốc phòng chính là vấn đề về chiến lược và niềm tin chính trị. Mọi người cần biết một thực tế là trong việc mua vũ khí, thứ mà một nước mua không chỉ gồm phần cứng, mà còn là phần mềm. Quan trọng hơn, nước đó hy vọng nhận được thêm một số hỗ trợ chính trị”. Theo ông, những quốc gia như Pháp, Đức và Israel sẽ trở thành những nhà cung cấp thay thế khác.

Tuy nhiên, trong khi ông Trump cho dừng một số khoản viện trợ ngoại giao của Bộ Ngoại giao Mỹ, Trung Quốc lại đang sẵn sàng “mở két bạc” và “uốn nắn” cơ chế kinh tế của mình bởi điều đó thúc đẩy Sáng kiến “Vành đai và Con đường" đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm đẩy mạnh đầu tư trên khắp châu Á. Ông Chaturvedy cho biết những yếu tố này sẽ làm phức tạp thêm tình hình địa chính trị tại khu vực.

Tuy nhiên, Zhou Chenming, một nhà phân tích quân sự thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Knowfar - một tổ chức tư vấn phi chính phủ ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), cho biết Mỹ và Nga vẫn là những nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất và dường như Trung Quốc sẽ chưa thể gia tăng được doanh số bán vũ khí trong tương lai gần. Ông Zhou nhấn mạnh: "Điều này có thể còn hơn một lời nhắc nhở rằng Mỹ là cường quốc kiểm soát (vũ khí) và đang giúp đỡ các nước khác chứ không phải bán vũ khí để kiếm tiền".

Theo “SCMP

Hùng Sơn (gt)