Chỉ trong vòng một tuần, xu hướng địa chính trị ở Đông Á đã có sự thay đổi mang tính quyết định, theo hướng bất lợi cho TQ. Mỹ không những thông qua việc xây dựng căn cứ quân sự lâu dài ở Australia để tái khẳng định đảm bảo về an ninh của họ ở Đông Á, mà Obama trong EAS đã tìm mọi cách để cô lập TQ về vấn đề Biển Đông. Cách đây không lâu, rất nhiều người TQ còn cho rằng, sự suy thoái của Mỹ là không thể đảo ngược, Mỹ sẽ không còn sức để kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của TQ ở Đông Á. Nhưng Mỹ một lần nữa lại cho thấy, Washington không cho phép TQ có các hành động chèn ép người khác ở Đông Á, nhất là về vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Mỹ đã sử dụng linh hoạt các hành động của TQ để tạo ra sự lo ngại của các nước đối với TQ, chuyển bại thành thắng trong chiến lược địa chính trị.

Tình hình ngoại giao ở Đông Á đã khác nhiều so với 2 năm trước đây. Lúc đó, ảnh hưởng của TQ đang ở đỉnh cao và Chính quyền Obama cũng muốn tranh thủ sự ủng hộ của TQ. Đáng tiếc là, Bắc Kinh năm 2010 đã phạm phải hàng loạt sai lầm trong ngoại giao. Những sai lầm này đã tạo ra cửa mở chiến lược cho Mỹ. Bắc Kinh hiện đã nhận thấy mình đang rơi vào thế thủ.

Mặc dù Mỹ có lợi ích an ninh ở khu vực Biển Đông (như an ninh hàng hải), nhưng một động cơ quan trọng hơn đối với Mỹ là việc đảm bảo phải căn cứ luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Mỹ và các nước Đông Á lâu nay lo ngại, TQ một khi có được thực lực cần thiết sẽ thay đổi luật chơi. Đáng tiếc là, lập trường của TQ đối với tranh chấp không những không xóa bỏ được sự lo ngại đó, ngược lại đã làm gia tăng sự nghi ngờ Bắc Kinh không muốn bị các nguyên tắc quốc tế ràng buộc. Trên thực tế, đòi hỏi của TQ biến Biển Đông thành “ao nhà” của TQ đã không phù hợp với “Công ước về luật biển của LHQ”. Lập trường thông qua đàm phán song phương chứ không phải đàm phán đa phương để giải quyết tranh chấp của TQ không những nghe rất lạ, mà cũng cho thấy sự lo ngại của các nước là đúng. Do các nước có đòi hỏi chủ quyền khác đều nhỏ và yếu hơn TQ rất nhiều, nên biện pháp đàm phán song phương có đến tám chín phần có lợi cho TQ. Chính sách khiếm khuyết này của TQ đã tạo điều kiện để Mỹ lãnh đạo khu vực chống lại TQ. Việc Mỹ đối kháng với TQ trong vấn đề chủ quyền Biển Đông không những có thể buộc Bắc Kinh phải tuân thủ các nguyên tắc của luật quốc tế, mà còn giúp Mỹ tăng cường ưu thế ngoại giao để đối phó với TQ ngày càng lớn mạnh và quá tự tin.

Mặc dù Mỹ có thể thông qua các hành động gần đây nhất để làm giảm ảnh hưởng và uy tín của TQ ở Đông Á, nhưng Bắc Kinh cũng có thể thông qua việc thay đổi chính sách và không phản ứng quá mức để giành lại quyền chủ động chiến lược. Lập trường cứng rắn của TQ về vấn đề Biển Đông là một trở ngại nghiêm trọng. Bắc Kinh cần áp dụng các phương thức mới linh hoạt hơn, phù hợp với luật pháp quốc tế và có thể xóa bỏ được lo ngại của láng giềng. Hay nói cách khác, TQ cần áp dụng phương thức mềm mỏng, chứ không phải thái độ không thỏa hiệp và hiếu chiến.

Theo Hoa Nam buổi sáng

Văn Cường (gt)