Vì một số lý do, Bắc Kinh không còn thấy thoải mái hay đủ tự tin để cho phép giữ nguyên trạng trong khu vực. Việc mở rộng tự nhiên các lợi ích của Trung Quốc và nỗ lực đảm bảo phạm vi ảnh hưởng chắc chắn sẽ dẫn đến những phản ứng cả từ các nước láng giềng lẫn nước Mỹ xa xôi. Ý đồ của Bắc Kinh là không để xảy ra xung đột, thay vào đó muốn dần dần thay đổi thực tế chính trị của khu vực bằng việc mở rộng vùng đệm trên biển của mình và bảo vệ các tuyến thương mại hàng hải của mình. Nhưng những sự thay đổi này của Trung Quốc sẽ bị thách thức, gây thêm bất ổn cho tương lai của khu vực Đông Á.

Trung Quốc trong lịch sử là một cường quốc lục địa, không phải là cường quốc biển, dù Trung Quốc đã tham gia các lĩnh trên biển từ nhiều thế kỷ và các thương nhân Trung Quốc đã hoạt động khắp khu vực Đông Nam Á, cùng với tài nguyên thiên nhiên, áp lực dân số và các nước láng giềng đã khuyến khích các nhà lãnh đạo Trung Quốc tập trung chú ý vào vùng lãnh thổ rộng lớn và biên giới trên đất liền của họ. Chỉ khi ở thời điểm tương đối ổn định và an toàn trong lịch sử, Bắc Kinh mới bắt đầu có các hoạt động thăm dò trên biển, bằng chứng là đội tàu của Trịnh Hòa. Nhưng với phần lớn thời gian còn lại, Trung Quốc tránh mở rộng hoạt động hải quân vì nước này không chịu sức ép phải khẳng định vị thế ngoại giao bên ngoài, cũng như không rảnh rỗi để nhìn ra biển. Chỉ với con đường tơ lụa đã cung cấp đầy đủ giao thương, và các mối quan ngại về an ninh với các nước láng giềng đã buộc Trung Quốc phải tập trung vào lục địa này.

Những lợi ích biển của Bắc Kinh hiện nay

Ngày nay, có hai mối quan ngại chính thúc đẩy các hoạt động trên biển của Trung Quốc: nguồn lực kinh tế và tiếp cận chiến lược. Dù nhiều trong số các quan ngại mà Trung Quốc đang đối mặt là không mới, cùng các nhân tố khác đã kết hợp lại để vừa tạo điều kiện vừa buộc Bắc Kinh phải hành động một cách quyết đoán hơn.

Biển Đông có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Dù con người chủ yếu chú ý tới tiềm năng dầu thô và khí đốt tự nhiên, cũng như khả năng khai thác khoáng sản dưới biển, một trong những nguồn tài nguyên lớn nhất nữa là cá và hải sản. Theo một số tính toán, Biển Đông chiếm khoảng một phần mười nguồn khai thác hải sản toàn cầu hàng năm. Các biển bao quanh châu Á cung cấp nguồn thức ăn dồi dào và sẵn có, nhưng đánh bắt cá là lý do thường xuyên gây căng thẳng khu vực. Ngay cả ở một số thời điểm ít căng thẳng, các đội tàu đánh cá thường xuyên vi phạm lãnh hiiải của các quốc gia khác, và việc va chạm với lực lượng tuần duyên thường xuyên xảy ra. Những sự kiện này thường được khoanh lại để giải quyết, nhưng nếu chúng xảy ra vào thời điểm nhạy cảm chính trị thì có thể nhanh chóng leo thang thành các sự cố ngoại giao lớn hơn hoặc thậm chí đối đầu trên thực địa.

Dầu thô, khí đốt tự nhiên và khoáng sản đáy biển ít được kiểm chứng, và rủi ro chính trị làm giảm tiến độ thăm dò và khai thác đến mức tối thiểu, ngoại trừ những khu vực gần đã được kiểm chứng và thường nằm trong vùng lãnh thổ không tranh chấp. Tuy nhiên, không thể nói rằng các bên không có lợi ích trong việc khai thác các nguồn tài nguyên dưới biển. Nhu cầu khu vực gia tăng và trình độ công nghệ phát triển ở Trung Quốc đã khiến việc thăm dò và khai thác dưới biển dễ dàng hơn. Trung Quốc đang triển khai lĩnh vực thăm dò biển sâu, điều mà trước đó nước này không có khả năng. Tuy nhiên, chi phí và rủi ro chính trị sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các quyết định thăm dò, bởi vì năng lực không phải là yếu tố duy nhất để có thể giúp nâng cao hiệu quả đầu tư

Ngoài việc khai thác tài nguyên, còn một động lực chiến lược hơn cho tham vọng biển của Trung Quốc, một vấn đề đang nhanh chóng trở nên cấp bách đối với Bắc Kinh. Trước đây, Trung Quốc từng có thừa khả năng đáp ứng nhu cầu của mình và duy trì nền kinh tế trong nước thông qua các tuyến thương mại trên bộ. Tuy nhiên điều này giờ không còn phù hợp nữa, và sự bùng nổ đáng kể của nền kinh tế Trung Quốc đã làm gia tăng điểm yếu do sự phụ thuộc vào nước ngoài và dần trở thành ưu tiên rất cao của Bắc Kinh.

Sự phát chuyển dịch lớn về tiêu thụ của Trung Quốc đã tạo ra sự phụ thuộc nặng nề vào các tuyến đường hàng hải, để giúp nâng cao xuất khẩu của Trung Quốc. Sự phụ thuộc này đã định hình bức tranh chiến lược ở Bắc Kinh: Khi quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào các tuyến đường hàng hải, Trung Quốc sẽ tìm cách đảm bảo những tuyến đường này trước các đối thủ cạnh tranh khu vực, cho dù là các thực thể phi nhà nước hoặc bất cứ thế lực hải quân lớn nào.

Mỹ hiện là cường quốc biển thế giới và là quốc gia duy nhất có thể hoạt động tự do trên khắp các đại dương của thế giới trong khi vẫn đảm bảo cơ hội tương tự cho các quốc gia khác. Với khả năng của Mỹ như vậy theo quan điểm của Trung Quốc, Washington có khả năng, nếu không nói là có ý định, sử dụng sức mạnh của mình để hạn chế sự tăng trưởng của Trung Quốc. Việc Trung Quốc nổi lên như một cường quốc kinh tế toàn cầu đã làm thay đổi hệ thống quốc tế, vì nó đã trở thành một trong ba trụ cột của nền kinh tế toàn cầu. Vai trò quan trọng này không chỉ định hình nhận thức của Trung Quốc và vị trí của nước này trong trật tự thế giới, mà còn cả nhận thức của quốc gia khác về Trung Quốc. Mối quan ngại của Bắc Kinh là Mỹ có thể coi Trung Quốc như đối thủ tiềm tàng duy nhất, và do đó các nhà lãnh đạo nước này lo ngại rằng Washington sẽ tìm cách ngăn chặn sự trỗi dậy hơn nữa của Trung Quốc. Câu hỏi về ý đồ của Washington, kết hợp với sức mạnh trên biển của Mỹ, đã gây áp lực khiến Trung Quốc phải phát triển khả năng phòng thủ để bảo vệ các tuyến đường hàng hải quan trọng, hoặc sẽ phải tiếp tục dựa vào Mỹ.

Sự thay đổi trong nhận thức về mối đe dọa của Bắc Kinh trùng hợp với những thay đổi trong quân đội Trung Quốc. Dưới thời Chủ tịch Giang Trạch Dân, Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu tái cơ cấu quân đội và tước đi đế chế kinh tế của quân đội, đổi lại chính phủ cung cấp cho Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) một vai trò hiện đại hơn với trang thiết bị tân tiến hơn. Việc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc cần một lớp binh sỹ mới, có trình độ học vấn cao hơn và hiểu công nghệ của chiến tranh hiện đại. Nó cũng đòi hỏi một sự thay đổi trong huấn luyện, học thuyết và sự tập trung tổng thể của quân đội Trung Quốc. PLA đã phát triển vượt bậc so với trước đây, đặc biệt kể từ khi biên giới đất liền của Trung Quốc tương đối ổn định và Bắc Kinh đã thành lập nhiều lực lượng dân sự hơn để đối phó với tình trạng bất ổn nội bộ, giải phóng quân đội để tập trung ra bên ngoài. Vai trò của PLA giờ đây không chỉ giúp bảo vệ biên giới của Trung Quốc, hoặc ngăn chặn bất ổn nội bộ; lực luợng này còn giúp bảo vệ các lợi ích quốc gia của Trung Quốc, trong đó bao gồm việc bảo vệ các tuyến đường thương mại huyết mạch của Trung Quốc. Vấn đề Biển Đông là yếu tố quan trọng khiến cho PLA nhìn nhận vai trò toàn cầu ngày càng lớn của mình. Trang thiết bị mới đã cho phép Trung Quốc hoạt động mạnh mẽ hơn so với những thập kỷ trước đây. Bắc Kinh không cho rằng đây là hành động hung hăng mà coi đó là biện pháp phòng thủ, qua đó đảm bảo được những gì cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.

Mục tiêu của Bắc Kinh ở Biển Đông

Các mục tiêu của Trung Quốc ở Biển Đông không tách biệt với các mục tiêu rộng lớn hơn ở Đông Nam Á. Bắc Kinh coi Đông Nam Á là đối tác kinh tế và chính trị tự nhiên, và là khu vực thương mại và đầu tư hai chiều hiện hữu trong phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc. Dù không hoàn toàn giống nhau nhưng Trung Quốc coi Đông Nam Á giống như vai trò của Mỹ Latinh đối với Mỹ thời gian đầu thế kỷ 19. Trung Quốc về cơ bản không nói ra học thuyết Monroe cho vùng biển bao quanh của nước này, học thuyết được cho là "Trung Quốc có ý định dỡ bỏ sự can thiệp và ảnh hưởng đáng kể từ bên ngoài vào các quốc gia xung quanh mình". Điều này không có nghĩa là Trung Quốc hy vọng các nước khu vực cắt đứt tất cả các các kết nối với Mỹ; thay vào đó, Trung Quốc muốn đảm bảo rằng nước này có lợi thế hơn trong việc gây ảnh hưởng đến các quyết định ở các nước láng giềng trong việc bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của mình.

Trong vấn đề Biển Đông, chiến lược đảo nhỏ của Trung Quốc không hẳn là sự mở rộng quân sự. Điều này khác xa so với cạnh tranh găy gắt về đảo giữa Nhật Bản và Mỹ  trong Chiến tranh thế giới thứ II, các đường bay và căn cứ quân sự trên các đảo và đảo san hô ở Biển Đông không tạo cho Trung Quốc lợi thế quân sự thật sự. Công nghệ quân sự hiện đại giúp Trung Quốc hành động từ xa mà không cần những đảo nhỏ này, và việc sở hữu những hòn đảo này không có nghĩa là đã giúp Bắc Kinh kiểm soát chiến lược lớn hơn đối với vùng biển xung quanh. Ở khía cạnh nào đó, từ quan điểm thuần túy quân sự, việc nắm giữ các đảo xa nhất từ đại lục nhiều khi đem lại rủi ro hơn là lợi ích. Chúng là các đảo nhỏ, có ít hoặc không có nguồn lực tại chỗ (trong hầu hết trường hợp, thậm chí không nước ngọt), và trong trường hợp xung đột xảy ra sẽ khó để bảo vệ và tiếp tế.

Xây dựng kết cấu trên các đảo chắc chắn giúp ngăn các quốc gia khác làm điều tương tự và có thể giúp Trung Quốc dễ dàng hơn trong việc tiến hành hoạt động giám sát trên biển, nhưng mục đích chính của việc chiếm các đảo này không phải vì mục tiêu quân sự; mà nó thực sự mang ý nghĩa chính trị. Việc chiếm giữ các đảo theo thời gian, mà không phải đối mặt với một thách thức cụ thể, sẽ giúp củng cố quyền sở hữu của Trung Quốc. Bắc Kinh đánh giá rằng đối với các nước láng giềng và đồng minh Mỹ của họ, không một hòn đảo nào đáng để cho các nước  chấp nhận rủi ro quân sự với Trung Quốc và vì vậy không gì có thể ngăn cản Bắc Kinh khẳng định ảnh hưởng của mình tại khu vực. Khi căng thẳng với một quốc gia cụ thể gia tăng quá cao, Trung Quốc có thể tìm cách làm dịu tình hình bằng việc chuyển sự chú ý sang một quốc gia khác, hoặc sử dụng nhận thức về mối căng thẳng tăng cao để thúc đẩy mong muốn làm dịu tình hình.

Theo thời gian, chiến lược này dần dần làm thay đổi thực tế chính trị trong khu vực. Với việc không có được một hành động ngăn chặn thực chất trước các hành động của Trung Quốc sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc khẳng định các tuyên bố quyền chủ. Đồng thời điều đó cũng cho thấy rằng cả Mỹ hay đồng minh ngoài khu vực sẽ không thể can thiệp nhân danh các quốc gia Đông Nam Á. Cuối cùng, Trung Quốc tin rằng sự chần chừ này sẽ dẫn đến việc điều chỉnh lại các quan hệ chính trị khi các quốc gia Đông Nam Á thấy rằng quan hệ với Bắc Kinh sẽ có lợi hơn so với các cường quốc ngoài khu vực.

Những bài học cho ASEAN

Hiện trạng đang thay đổi ở châu Á là hệ quả tự nhiên của tăng trưởng kinh tế và mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc cũng như sự mất cân bằng giữa việc thay đổi nhanh chóng vị trí của Trung Quốc trong hệ thống toàn cầu và sự tụt hậu tương đối của việc mở rộng quyền lực mềm. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc mang lại lợi ích đáng kể cho ASEAN, tuy nhiên điều đó lại không đảm bảo rằng được lợi ích cốt lõi của mỗi nước thành viên của tổ chức này. Việc không thể kết nối giữa sức mạnh kinh tế của Trung Quốc và vai trò bảo đảm an ninh, mà phần lớn do Mỹ đảm nhận, đã làm nổi bật sự mất cân bằng quyền lực trong khu vực. Ở khía cạnh nào đó, khoảng cách này sẽ giúp ASEAN hưởng lợi bằng cách tạo cho các nước thành viên khả năng tận dụng lợi thế cạnh tranh giữa các cường quốc để phục vụ lợi ích riêng của họ. Nhưng đôi khi, các nước này lại bị rơi vào thế kẹt trong quan hệ Mỹ-Trung, với rất ít khả năng ảnh hưởng đến định hướng của mối quan hệ.

Cách tiếp cận kinh tế của Trung Quốc là nhằm tạo ra một thực tế mà các nước ASEAN dựa vào Trung Quốc nhiều hơn so với Trung Quốc dựa vào họ. Khi các thách thức an ninh ở Biển Đông chưa được giải quyết, việc làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế chỉ làm tăng thêm sự nghi ngờ của ASEAN về động cơ của Trung Quốc. Trong khi đó, sự quản lý yếu kém về ngoại giao và kinh tế của Trung Quốc đối với các mối quan hệ trong khu vực có thể dấy lên sự phản kháng về chính trị và xã hội của các nước ASEAN, làm phức tạp thêm tình hình. Bất chấp những xung đột ngắn hạn, Bắc Kinh vẫn coi chính sách "láng giềng thân thiện" và "trỗi dậy hòa bình" là nhân tố căn bản trong quan hệ với ASEAN. Thay vì tìm cách thống trị các nước ASEAN, như các nước thực dân đã làm trước đây, Trung Quốc đang hy vọng sẽ lôi kéo và giành được sự hợp tác từ các quốc gia khu vực.

Vai trò chủ chốt của Philipines trong chiến lược của Trung Quốc

Philippines tạo thành bức tường phía Đông của Biển Đông, tuyến đường huyết mạch ra Thái Bình Dương. Trung Quốc không thể để Philippines lựa chọn lập trường đối đầu với lợi ích của Trung Quốc và hoạt động hàng hải của nước này. Philippines là đồng minh của Mỹ và do đó được xem là một phần trong chiến lược ngăn chặn Trung Quốc của Mỹ. Bắc Kinh cảm thấy bắt buộc phải tìm cách phá vỡ mối quan hệ Mỹ-Philippines, hoặc ít nhất cũng tạo ra căng thẳng trong mối quan hệ này. Thái độ có phần mâu thuẫn của Philippines đối với quân đội Mỹ chắc chắn sẽ giúp cho ý đồ của Trung Quốc. Hơn nữa, sự thất vọng ngày càng gia tăng với chính sách "xoay trục sang châu Á" đã làm gia tăng sự phức tạp của mối quan hệ giữa Manila và Washington. Nói cách khác, còn nhiều cơ hội để tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc và Philippines - nhất là kinh tế. Năm 2013, Philippines đã chỉ nhận được 1,4% trong tổng số vốn đầu tư từ Trung Quốc vào ASEAN, mức thấp nhất trong số 10 nước thành viên; thương mại hai chiều đạt mức 15,1 tỷ USD. Vì vậy, hiện còn nhiều cơ hội để mở rộng hợp tác thương mại và đầu tư nếu có thể khắc phục được những mâu thuẫn chính trị.

 

Philippines là một trong hai quốc gia trên Biển Đông, cùng với Việt Nam, đã công khai mạnh mẽ phản đối Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn tự tin trong đối phó với Philippines vì lợi thế không cân xứng của nước này trong mối quan hệ kinh tế và vì mối quan hệ an ninh Mỹ-Philippines vẫn còn ẩn chứa những yếu tố căng thẳng. Cân bằng chiến lược giữa Trung Quốc và Philippines đang nghiêng nhiều về Bắc Kinh, tạo lợi thế cho nước này để xử lý quan hệ với Manila. Ngăn cản sự can thiệp đáng kể của Mỹ, Trung Quốc sẽ giữ được lợi thế này. Cuối cùng, Bắc Kinh đang hy vọng rằng Mỹ sẽ không tham gia một cuộc đối đầu thực sự với Trung Quốc chỉ vì một hòn đảo không có người ở mà nước này và Philippines tuyên bố chủ quyền.

Theo Stratfor

Duy Anh (gt)