Không giống như “Giấc mộng Thái Bình Dương” được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sử dụng để miêu tả chính sách tái cân bằng của Washington, Tập Cận Bình đặt Trung Quốc ở vị trí trung tâm, sử dụng sức mạnh đang gia tăng của nước này để thúc đẩy “các sáng kiến và tầm nhìn mới cho việc tăng cường hợp tác khu vực” trong bối cảnh một “cộng đồng chung vận mệnh” được kết nối với nhau bằng “những con đường tơ lụa” tỏa ra trên đất liền và biển tới mọi khu vực trên toàn cầu.

Tuyên bố của Tập Cận Bình cũng rất có ý nghĩa bởi nó được đưa ra ngay trước khi ông bắt tay với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, dấu hiệu đầu tiên của một sự tan băng có thể diễn ra trong quan hệ của họ kể từ khi hai nhà lãnh đạo lên nắm quyền. Ông Abe có phiên bản chính sách xoay trục của riêng mình, lấy cảm hứng từ tầm nhìn của ông về Nhật Bản như một “Đất nước tươi đẹp”. Điều này đã tái định hướng chính sách đối ngoại của Tokyo nhằm mang lại “cân bằng hơn nữa” cho quan hệ với Mỹ để có tự do lớn hơn trong việc nắm giữ một vai trò lãnh đạo trong khu vực thông qua “chủ động đóng góp vào hòa bình”, tăng cường “các vùng biển mở và ổn định”, đồng thời liên kết với các nước có chung lợi ích vật chất và lý tưởng về chủ nghĩa tự do và dân chủ.

Theo đuổi những chính sách xoay trục này đồng nghĩa với việc rời khỏi các khuôn khổ chính sách mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản đã kế thừa khi họ lên nắm quyền vào năm 2012. Đối với Tập Cận Bình, chính sách thận trọng về “phát triển hòa bình” trong một “thế giới hài hòa” đặc trưng cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc sau khi nước này gia nhập WTO năm 2001 đang nhường đường cho sự quyết đoán ngày càng tăng đối với các tranh chấp lãnh thổ trên biển của Trung Quốc. Điều này phần lớn là do những kỳ vọng gia tăng của công chúng vào một chính sách đối ngoại quyết đoán hơn sau cảnh tượng chiến thắng của Olympics mùa Hè tại Bắc Kinh và nhận thức về sự suy yếu của Mỹ và châu Âu với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang trở nên sâu sắc. Khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình tiếp tục leo thang những căng thẳng khu vực thông qua những hành động táo bạo và có phối hợp hơn, kêu gọi các lực lượng vũ trang chuẩn bị chiến đấu, và tăng cường các nỗ lực để định hình hệ thống thương mại và tài chính khu vực, gần đây nhất là việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á tại Hội nghị thượng đỉnh APEC.

Abe phải thực hiện một sự từ bỏ quyết liệt hơn chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm của mình. Một loạt chính quyền Đảng Dân chủ mà ông thay thế đã hạ thấp liên minh với Mỹ và hướng tới hợp tác với Trung Quốc để xây dựng một Cộng đồng châu Á, coi thường cái được coi là một hình thức toàn cầu hóa được thúc đẩy bởi hoạt động kinh tế thị trường tự do kiểu Mỹ. Bất chấp thực tế rằng nhiều nhà bình luận đổ lỗi cuộc khủng hoảng trong quan hệ Trung-Nhật cho ông Abe, chính thái độ quyết đoán trên biển ngày càng tăng của Trung Quốc từ năm 2010 đã chủ yếu gây ra những căng thẳng này. Điều này cho phép ông Abe gạt đi giả định rằng hội nhập khu vực dẫn tới sự ổn định quốc tế mà đã củng cố chính sách can dự với Trung Quốc của Tokyo đã có từ nhiều thập kỷ. Thay vào đó, ông đã vạch ra một chiến lược phòng thủ, trong đó tính đến thực tế rằng sự phụ thuộc lẫn nhau có thể làm gia tăng nguy cơ. Sự trỗi dậy của Trung Quốc do đó được xem như đã gây ra một mối đe dọa có thể được đối phó một cách tốt nhất bằng cách loại bỏ những điều khoản trong hiến pháp và thái độ của công chúng, mà đã áp đặt kiềm chế lên việc sử dụng vũ lực và tham gia an ninh tập thể kể từ thất bại của Nhật Bản năm 1945.

Để thúc đẩy những chính sách xoay trục của mình, cả hai nhà lãnh đạo đã phải vươn ra ngoài phạm vi địa lý của những liên kết đang hiện hữu. Chính sách của Abe do đó bàn về việc tái cân bằng sự gắn kết lâu dài của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) với liên minh Mỹ bằng cách hướng về phía Tây tới Hàn Quốc và Ấn Độ, và phía Nam tới Australia. Một cách để làm việc này trong khi vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với Mỹ là sử dụng các liên kết ba bên như cầu nối hướng tới việc lập ra một cấu trúc khu vực. Điều này có lợi thế là khiến các nước thứ ba dễ dàng hợp tác với Nhật Bản hơn, ngay cả khi có những vấn đề nhạy cảm trong quan hệ song phương, như là với Hàn Quốc, nơi có mối ác cảm lan rộng đối với quan điểm theo chủ nghĩa xét lại của ông Abe về lịch sử. Tổng thống Park phải chứng minh phẩm chất yêu nước của mình dưới ánh sáng của những tiết lộ rằng cha của bà, nhà độc tài quân sự Park Chung-hee, đã phục vụ trong quân đội hoàng gia Nhật Bản tại Mãn Châu. Ấn Độ là một trường hợp thú vị khác, không những được coi như người bạn đồng sàng dân chủ có những mối bận tâm riêng về Trung Quốc, mà còn là một nước có quan hệ đặc biệt với Nhật Bản quay ngược lại từ thời trước Chiến tranh thế giới thứ hai, khi người dân hai nước được cho là đã cùng đứng lên chống lại chủ nghĩa đế quốc phương Tây, như Abe hồi tưởng lại khi, với tư cách là thủ tướng năm 2007, ông đã tới thăm gia đình thẩm phán Pal, vị thẩm phán bất đồng ý kiến duy nhất tại Tòa án Tokyo.

Tập Cận Bình phải mở rộng từ việc tăng cường mối quan hệ của Trung Quốc với Nga và những nước Trung Á đã nhóm lại với nhau để hình thành SCO, được ràng buộc bởi mối ác cảm chung với bất kỳ hoạt động hoặc can thiệp quốc tế nào có thể dẫn đến thay đổi chính trị trong nước. Ông đã gặp may trong khía cạnh này bởi vào tháng 5/2014, Trung Quốc đã giành được ghế chủ tọa của Hội nghị về Các biện pháp Tương tác và Xây dựng Lòng tin ở châu Á (CICA), một tổ chức đa phương đã gần như đi vào quên lãng kể từ khi nó được Kazakhstan thành lập năm 1992, nhưng tự hào có số thành viên trải dài từ Nga và Trung Á cho đến Trung Đông, cũng như bao gồm Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Hàn Quốc.

Để mở rộng ra bên ngoài từ nhóm nòng cốt gồm các nước có cùng quan điểm này và vào khu vực Thái Bình Dương, Tập Cận Bình cũng có phương án là cố gắng sử dụng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc. Điều này đã được chứng kiến với việc ký kết một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Trung Quốc và Australia khi ông tới thăm Canberra sau Hội nghị thượng đỉnh G20. Các nhà quan sát Trung Quốc nhận thấy điều này có một tác động tích cực trong lĩnh vực an ninh. Ví dụ như Vương Văn lý giải thỏa thuận mới này là đã làm giảm bớt cái mà ông tuyên bố là sự kích động của Mỹ-châu Âu trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ngô Tâm Bá bày tỏ việc này như một cách để đối phó với chính sách xoay trục của Obama và làm suy yếu liên kết ba bên giữa Australia, Nhật Bản và Mỹ. Do việc tăng cường quan hệ quân sự Mỹ-Australia dưới Chính quyền Abbott và các hệ thống giá trị khác nhau làm cơ sở cho các hệ thống chính trị tại Australia và Trung Quốc, khó có khả năng rằng việc tự do hóa thương mại như vậy sẽ tạo nhiều khác biệt cho tình hình an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Điều này khiến cho các nước Đông Nam Á bao quanh trở thành đấu trường nơi chính sách xoay trục của hai nhà lãnh đạo trở nên đối đầu. Không may cho Tập Cận Bình, hầu hết vốn liếng ngoại giao Trung Quốc tích lũy được trong tiểu vùng này đã bị hoang phí bởi thái độ quyết đoán ngày càng tăng trong những năm cuối của thời kỳ Hồ Cẩm Đào. Một cuộc thăm dò công luận của Pew năm 2014 nhận thấy đa số công dân tại mỗi nước Đông Á hoặc rất hoặc có phần lo ngại rằng các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng sẽ dẫn đến xung đột quân sự. Tại Nhật Bản và Việt Nam, con số này là 85% và tại Philippines là con số đáng kinh ngạc 93%. Ngay cả Thái Lan – một nước không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc – cũng đạt 50%.

Tình hình do đó được tạo ra để Abe cố gắng đảo ngược tình thế trước Trung Quốc tại Đông Nam Á, tuyên bố rằng Nhật Bản hiện là nước tận tâm nhất với việc duy trì độc lập, chủ quyền quốc gia, và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Trong khi Trung Quốc có lợi thế là một đối tác thương mại quan trọng trên khắp tiểu vùng, Nhật Bản cũng có một dấu ấn kinh tế quan trọng có thể dùng để thúc đẩy chiến lược của ông Abe. Nước này vẫn là một thị trường xuất khẩu lớn và FDI của nó lớn hơn nhiều và phù hợp hơn với việc nâng cấp công nghiệp so với FDI của Trung Quốc. Việc nới lỏng định lượng tập trung vào “Abenomics” đã bổ sung cho nguồn cung tiền tệ, mà một khoản gia tăng trong số đó đang chuyển hướng ra khỏi Trung Quốc, nơi chi phí cho đất đai và nhân công đang khiến cho việc sản xuất trở nên cạnh tranh hơn và các doanh nghiệp Nhật Bản phải tính đến yếu tố gia tăng nguy cơ chính trị. Đối với những động lực ngày càng tăng này, ông Abe có thể tìm kiếm thêm sức hút ngoại giao khi ông thực hiện những chuyến thăm nước ngoài đầu tiên tới các thủ đô trong tiểu vùng sau khi trở lại cương vị thủ tướng.

Chừng nào mà Tập Cận Bình không thể thỏa hiệp về các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, ông phải đối phó với chính sách xoay trục của Nhật Bản bằng cách phối hợp việc sử dụng sức mạnh kinh tế, quân sự và ngoại giao theo những cách giảm đến mức tối thiểu những hậu quả ngoại giao không cần thiết tại Đông Nam Á. Các nhà quan sát Trung Quốc do đó đã lưu ý rằng đã có một sự dịch chuyển khỏi “giai đoạn triển khai” thử nghiệm của chính sách bắt đầu vào năm 2010, khi Bắc Kinh làm dấy lên căng thẳng bằng cách ám chỉ rằng Biển Đông là một khu vực nằm trong học thuyết mới về “các lợi ích cốt lõi” không thể bàn cãi của nước này. Nhiều bài học đã được rút ra từ việc thiếu phối hợp sau đó, được mô tả như “chín con rồng khuấy động Biển Đông”. Đó là khi chiến lược xoay chiều từ những hành động khiêu khích, như cắt dây cáp của một tàu khảo sát Việt Nam vào tháng 5/2011, sang những nỗ lực ngoại giao để xoa dịu những nỗi sợ hãi và ngăn chặn sự dính líu lớn hơn của Mỹ, như trong việc ký kết một tuyên bố chung với Hà Nội về những nguyên tắc giải quyết tranh chấp trên biển chỉ 2 tháng sau đó.

Kinh nghiệm học tập này được cho là đã được làm phong phú thêm bằng cuộc khủng hoảng với Philippines về Bãi cạn Scarborough từ tháng 4-6/2012, ngay trước khi Tập Cận Bình được bổ nhiệm làm Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP). Phản ứng của Trung Quốc trước thế đối đầu này được đặt tên là “mô hình Bãi cạn Scarborough”, một thuật ngữ lần đầu tiên xuất hiện trong một cơ quan Đảng khi nó được sử dụng bởi một số xuất bản ở nước ngoài của tờ Nhân dân Nhật báo vào tháng 5/2012. Nó đã được các nhà bình luận Trung Quốc tán dương vì đã sử dụng vũ lực vừa đủ để kiềm chế xung đột theo các điều khoản của Trung Quốc, nhờ đến Cục Hải dương và các tàu tuần duyên để gây áp lực lên đối phương, trong khi Hải quân PLA được giới hạn ở việc gây ra mối đe dọa đáng tin cậy có khả năng sắp xảy ra. Bộ Ngoại giao cũng đóng một vai trò, phản đối chiến dịch ngoại giao của Manila bằng cách thể hiện các hành động của Trung Quốc như một cách bảo vệ hiện trạng và pháp trị, được hỗ trợ bởi lượng bằng chứng lịch sử dồi dào. Ngay cả Bộ Nông nghiệp cũng dính líu với việc tuyên bố lệnh tạm ngừng các hoạt động đánh bắt cá trên hầu hết vùng Biển Đông. Điều đáng chú ý là việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế thông qua đình chỉ du lịch tới Philippines và chặn nhập khẩu chuối. Khi Tập Cận Bình nhậm chức chủ tịch nước vào tháng 3/2013, Quốc vụ viện đã củng cố hơn nữa sự phối hợp này giữa các cơ quan khác nhau thành một “nắm đấm siết chặt” của nhiều công cụ chính sách khác nhau dưới quyền Cục Hải dương.

Khi việc này được tiếp nối bằng việc thành lập Hội đồng An ninh nhà nước đầu tiên của Trung Quốc vào tháng 11/2014, đã dấy lên hi vọng về sự kiểm soát hiệu quả hơn trong việc xử lý các tranh chấp lãnh thổ trên biển, cho phép theo đuổi các yêu sách trong khi tránh việc leo thang các xung đột quân sự và ngoại giao. Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn việc hợp tác lớn hơn nữa với sự tiết chế hơn hoặc sự sẵn sàng thỏa hiệp. Ngay cả các nhà bình luận Trung Quốc vốn tán thành việc thận trọng cũng chấp nhận rằng chính phủ phải đối phó với áp lực ngày càng tăng để bảo vệ các lợi ích ở nước ngoài đang gia tăng và các tuyến đường liên lạc trên biển của Trung Quốc (SLOC). Họ tuyên bố rõ ràng rằng CCP không thể tỏ ra yếu đuối về các yêu sách lãnh thổ nếu nó muốn tránh sự công kích trong nước đối với tuyên bố mang tính dân tộc chủ nghĩa của nó về tính hợp pháp. Việc giải quyết tình trạng tiến thoái lưỡng nan giữa kiềm chế và tín nhiệm này đã trở nên khó khăn hơn khi các nước khác có vẻ như đang lợi dụng sự tự kiềm chế của Trung Quốc, như khi Việt Nam mở rộng tuyên bố lãnh thổ trên biển của mình, tiếp đón tàu sân bay hạt nhân Independence của Mỹ, và tuyên bố hợp tác về thăm dò dầu khí với Ấn Độ trong hai khu vực thuộc quyền quản lý của Trung Quốc. Dường như để đảm bảo rằng việc thành lập Hội đồng An ninh nhà nước không gửi đi thông điệp sai lầm, điều đó đã nhanh chóng được theo sau bởi một hành động khiêu khích, tuyên bố một Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của Trung Quốc bao gồm quần đảo Senkaku và vùng biển được Nhật Bản tuyên bố chủ quyền trên Biển Hoa Đông.

Việc chiến lược của Tập Cận Bình chuyển sang giai đoạn “chủ động” cũng được thể hiện rõ ràng trong việc thành lập thành phố Tam Sa để quản lý một khu vực rộng lớn nhưng không xác định rõ trên Biển Đông, việc hạ thủy tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, Liêu Ninh, và những tuyên bố rằng Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) sẽ tiến hành thăm dò và phát triển xung quanh quần đảo Trường Sa. Hành động mang tính khiêu khích nhất là việc CNOOC đưa một giàn khoan dầu tới vùng biển ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa và tuyên bố một vùng độc quyền trong vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền, nơi Trung Quốc đã thăm dò khí đốt và dầu mỏ từ tháng 5-7/2014.

Khi việc này dẫn đến đụng độ bạo lực giữa các tàu của hai bên, việc một tàu Việt Nam bị đánh chìm và sự bùng nổ của các cuộc biểu tình bạo lực chống Trung Quốc tại Việt Nam, một số nhà bình luận ở Trung Quốc bắt đầu cảnh báo rằng chiến lược này đang trở nên mất cân bằng, với khả năng giành được Biển Đông tăng cao sẽ làm tăng nguy cơ ASEAN có thể bị để mất trong tiến trình này. Do đó, vào tháng 10/2013, Tập Cận Bình đã cố gắng làm dịu nỗi lo ngại ở tiểu vùng này bằng cách đưa ra bài phát biểu về “ngoại giao ngoại vi” trước quốc hội Indonesia, quay trở lại trên một vài phương diện nào đó kỷ nguyên “tình láng giềng hòa thuận” dưới thời Hồ Cẩm Đào. Chính trong bối cảnh này, ông đã bắt đầu nhấn mạnh tầm quan trọng của những đề tài đưa khu vực Đông Nam Á vào Con đường tơ lụa trên biển mới và lập nên một “cộng đồng chung vận mệnh” với Trung Quốc, những đề tài từng được nêu trong “giấc mộng châu Á-Thái Bình Dương” trong bài diễn văn tại APEC của ông năm 2014. Mặc dù những đề tài như vậy nhằm mục đích làm yên lòng, nhưng những tác động của chúng đối với việc thành lập một cộng đồng khu vực vẫn hoàn toàn chưa rõ ràng.

Thuật ngữ “cộng đồng chung vận mệnh”, được Tập Cận Bình sử dụng lần đầu tiên tại Diễn đàn Bác Ngao vào tháng 4/2013, đặc biệt kích thích trí tò mò. Được lặp lại trong các bài phát biểu suốt cả năm, bao gồm bài phát biểu của ông ở Jakarta, bài diễn văn trước hội nghị CICA, và một bài diễn văn chủ chốt tại Hội nghị về công tác ngoại giao vào tháng 10, thuật ngữ đó, có lẽ quan trọng nhất, cũng được sử dụng trong bài phát biểu của ông tại cuộc họp đầu tiên của Hội đồng An ninh nhà nước vào tháng 4/2014. Tuy nhiên, lần đầu tiên thuật ngữ này trở nên nổi bật trong lối nói chính trị của Trung Quốc là vào những năm 1990, khi nó được Lý Đăng Huy, Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc, sử dụng để mô tả Đài Loan như một thực thể chính trị độc lập. Ông Lý đã lấy thuật ngữ này từ Bành Minh Mẫn, người cha trí thức của phong trào ủng hộ độc lập tại Đài Loan trong những năm 1960, người đã lấy nó từ học thuyết dân tộc của Ernst Renan. Do sự khinh miệt mà các nhà bình luận Trung Quốc thời đó đã trút lên khái niệm này, khá kỳ lạ rằng Tập Cận Bình hiện đang sử dụng một học thuyết dân tộc để xác định khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ngay cả khi ông nghĩ tới khu vực này theo hình thức một quốc gia, thì ông không cũng không thể hiện làm thế nào sức mạnh của Trung Quốc có thể hoạt động trong một mô hình như vậy.

Điều khiến tầm nhìn đang nổi lên này trở nên rắc rối hơn nữa là những dấu hiệu rằng “Giấc mộng châu Á-Thái Bình Dương” là một sự mở rộng ra trường quốc tế của khát vọng tạo ra một “Giấc mộng Trung Hoa” trong nền chính trị trong nước của Tập Cận Bình. Tầm nhìn này có vẻ đã bị ảnh hưởng bởi Giấc mộng Trung Hoa, một công trình nghiên cứu được Đại tá Lưu Minh Phúc của PLA xuất bản chỉ ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong đó lập luận rằng Trung Quốc hiện đủ mạnh để chuyển dịch khỏi học thuyết thận trọng “chờ thời và xây dựng năng lực” của Đặng Tiểu Bình, để thiết lập một “Kỷ nguyên vàng” mới dưới sự lãnh đạo toàn cầu của chính mình. Đây là một quan niệm thứ bậc về một trật tự thế giới được duy trì bởi các giá trị đúng đắn của cường quốc dẫn đầu, thay vì sử dụng vũ lực mà được cho là đã được dùng để điều chỉnh hệ thống Westphalian trải dài tới châu Á từ châu Âu và Mỹ. Trong khi việc sử dụng truyền thống này được mô tả là “Nho giáo mới”, nó cũng tương thích với sự hòa hợp ngày càng tăng của chủ nghĩa dân tộc đại chúng và địa chiến lược, hai vấn đề đang hợp nhất trong một kiểu tư duy “địa chính trị” trong đó Trung Quốc được cho là đã ở mức yếu nhất trong lịch sử khi nước này chủ yếu dựa vào ảnh hưởng văn hóa và ở mức mạnh mẽ nhất khi nó hỗ trợ sức mạnh mềm bằng sức mạnh cứng.

Những khái niệm như “Con đường tơ lụa trên biển” và “cộng đồng chung vận mệnh” không chỉ là một vấn đề về những tư tưởng trừu tượng. Xue Li giải thích các tác động chính sách của Con đường tơ lụa trên biển là đang nổi lên qua 3 giai đoạn mà một cường quốc đang trỗi dậy phải trải qua để xử lý các quan hệ ngoại vi của mình: ổn định vùng ngoại vi, chiến lược chuyển tiếp và “định hình”. Trung Quốc được cho là đang chuyển từ giai đoạn một sang giai đoạn hai bằng cách mở rộng phạm vi của công tác Mặt trận Thống nhất để làm tăng sự phụ thuộc của các nước ASEAN. Bằng cách mở đường với đầu tư vào cơ sở hạ tầng và hợp tác an ninh trong các lĩnh vực như nạn cướp biển, bảo tồn, và an toàn hàng hải, người ta hy vọng rằng có thể xây dựng một “cộng đồng chung vận mệnh” theo cách khuyến khích sự gắn bó chặt chẽ với Trung Quốc thông qua những viện cầu đến các khái niệm quan hệ tương đồng về tính chất, sự chân thành, sáng suốt và vị tha. Tất cả những điều này đều có vẻ tử tế cho đến khi một điều khoản được thêm vào rằng không thể có sự nhượng bộ nào về những tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc. Ngay cả những dự án được thiết kế để kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, như sự thiết lập một Công viên Hải dương Hải Nam và mở cửa quần đảo Hoàng Sa cho tham quan du lịch vào tháng 4/2013, đều được thể hiện như những cách để tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Những đề nghị ngoại giao mang tính xây dựng của Trung Quốc với các nước láng giềng không có nghĩa là nó sẽ thực hiện bất kỳ nhượng bộ nào về tuyên bố lãnh thổ của mình. Sự cần thiết phải làm rõ điều đó với thế giới bên ngoài rộng lớn hơn có thể giải thích hành vi chính sách đối ngoại có vẻ bất hợp lý, như cuộc xâm nhập của các lực lượng PLA dọc theo Tuyến Kiểm soát Thực tế đánh dấu biên giới với Ấn Độ ngay trước khi Tập Cận Bình tới thăm nước này để gặp gỡ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào tháng 9/2014. Nếu chiến lược này tiếp diễn, có khả năng “Giấc mộng châu Á-Thái Bình Dương” sẽ bị tác động ở một thời điểm nào đó bởi một biện pháp quyết đoán khác để ngăn phát sinh ngộ nhận rằng Trung Quốc có lẽ đang giữ một vị trí yếu hơn trong việc theo đuổi “những lợi ích cốt lõi” của mình, như việc tuyên bố một ADIZ trên Biển Đông.

Rất khó để nhận ra làm thế nào một lãnh đạo bất kỳ ở Trung Quốc có thể tìm một lối thoát ra khỏi tình hình này khi phải đối mặt với chủ nghĩa dân tộc đang dâng cao. Tuy nhiên, CCP đang chủ động nỗ lực để tăng cường tính hợp pháp của mình bằng cách nâng cao khả năng của một cuộc tấn công sắp xảy ra của các lực lượng nước ngoài kể từ khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) năm 2011 và nhắc nhở người dân trong những vùng lãnh thổ quốc gia chưa giành lại được. Trọng tâm của vấn đề này là việc củng cố Giáo dục Quốc phòng và Huy Động Quốc phòng, trong đó bao gồm giảng dạy các kỹ năng quân sự và kỷ luật trong các trường học và cơ quan làm việc và sử dụng sách giáo khoa trong đó “đường chín đoạn” được thể hiện như là vùng lãnh thổ của đất nước cần đòi lại. “Đường chín đoạn” này cũng xuất hiện trên các bản đồ dùng trong các sự kiện công cộng, như hội chợ triển lãm Thượng Hải Expo năm 2009, và trong một trang của phiên bản mới nhất của quyển Hộ chiếu Trung Quốc.

Không gian cho việc xoay trục của Abe cũng đã được định hình, trong một chừng mực nào đó, bởi một mối liên hệ phức tạp giữa sự luận bàn chính trị trong nước và chính sách đối ngoại. Nhiều trong số những chủ đề về “Đất nước tươi đẹp” có từ năm 1997, khi ông bắt đầu vận động cho một sự rời xa khỏi việc dàn xếp theo hiến pháp hậu chiến tranh với tư cách là một thành viên sáng lập của Ủy ban các Nghị viên trẻ xem xét Tương lai của Nhật Bản và Giáo dục Lịch sử. Một thập kỷ sau, chủ đề này đã được nêu đầy đủ hơn trong chiến dịch của ông để vươn lên hàng ngũ cao nhất của LDP và đảm bảo nhiệm kỳ đầu làm thủ tướng của mình. Là một chiến lược chính trị, nó có ý nghĩa trong bối cảnh các cuộc đấu tranh giữa thế hệ các chính trị gia thời “Heisei”, ra đời sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Không giống như “chủ nghĩa xét lại mới” của những người thủ cựu cánh hữu lớn tuổi, chủ nghĩa dân tộc của ông Abe được dùng để làm mất uy tín của nền dân chủ hậu chiến từng được thúc đẩy bởi các đối thủ chính trị ở cánh tiến bộ trong nền chính trị Nhật Bản, như Trường phái Yoshida và các khuynh hướng bảo thủ được lập bởi các chính trị gia Keisei-kai (Kinh thế hội – tên mới là Heisei kenkyu kai, một phe nhóm trong Đảng Dân chủ Tự do), Sato Eisaku và Tanaka Kakuei. Do đó nó bác bỏ chống chủ nghĩa quân phiệt như một nguy cơ đối với an ninh và vị thế quốc thế của dân tộc Nhật Bản, và cũng coi việc thúc đẩy “dân chủ” là một cách để cải cách Hiến pháp nhằm hợp thức hóa hợp tác quân sự lớn hơn với Mỹ và các đồng minh của nước này, và để khuyến khích khôi phục lại chủ nghĩa yêu nước.

Những liên kết giữa chính trị trong nước và chính sách đối ngoại này ở cả hai nước đã tạo ra triển vọng về một vòng xoáy đi xuống của chủ nghĩa dân tộc cạnh tranh. Mặc dù có nhiều khác biệt, họ chia sẻ một mối ác cảm với chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa thế giới, và cả hai nước đều lên án những người theo chủ nghĩa tự do tiến bộ như những kẻ phản bội. Giáo dục cũng được cả hai nước coi là một trong những chìa khóa để xây dựng một quốc gia hùng mạnh luôn sẵn sàng và có khả năng sử dụng sức mạnh quân sự. Tại Trung Quốc, điều này là bắt buộc, được thực hiện theo Luật Giáo dục Quốc phòng năm 2001 và Luật Huy động Quốc phòng năm 2010; tại Nhật Bản, ông Abe công khai chỉ trích Luật Giáo dục Cơ bản được lập ra trong thời chiếm đóng vì đã tước đi của giới thanh niên lòng tự hào dân tộc và bỏ qua các giá trị thiết yếu của Nhật Bản về kỷ luật tự giác, ý thức công cộng, tình yêu với cộng đồng và truyền thống dân tộc. Cả hai bên lãnh đạo đều đang đưa ra những loại hình giáo dục đạo đức mới để tăng cường lòng yêu nước và sự tôn trọng đối với quân đội.

Việc quân phiệt hóa này cũng có thể được nhìn thấy trong các công trình văn hóa rộng lớn hơn tại cả hai nước. Tại Trung Quốc, điều đó được thể hiện rõ ràng trong những điệu múa tại Olympics Bắc Kinh, nhưng cũng diễn ra tại cấp cơ sở từ đào tạo lực lượng dân quân đến các chương trình phim truyền hình dài tập nổi tiếng về chiến tranh chống Nhật Bản. Quá trình này chỉ mới bắt đầu tại Nhật Bản, khi Bộ Quốc phòng đang kêu gọi “tăng cường và củng cố cơ sở hạ tầng xã hội” thông qua tương tác hơn nữa giữa Lực lượng phòng vệ (SDF) và các cộng đồng và người dân địa phương. Cục phòng vệ khu vực được giao việc tổ chức các cuộc hội thảo và thông báo tình hình cho dân địa phương, Bộ cũng phân phát các đoạn phim trực tuyến và phim thương mại, nhiều nhánh của SDF cũng đã tham gia một số lĩnh vực quân sự nhất định, bao gồm các màn trình diễn bắn đạn thật hàng năm bởi SDF, những sự kiện mà dân chúng có thể làm quen với các trang thiết bị quân sự, và những buổi hòa nhạc của quân đội mà thỉnh thoảng bao gồm cả các cuộc diễu hành qua các thành phố. Ngay cả màn trình diễn của các quân nhân tại các sự kiện thể thao lớn, như là Thế vận hội Olympics ở London và Sochi, cũng được dùng để thúc đẩy năng lực của các lực lượng vũ trang. Ngoài ra còn có một kế hoạch cho quân đội tham gia nhiều hơn vào khu các trường học để “tăng cường cơ sở trí tuệ” về an ninh bằng cách thúc đẩy “giáo dục về các vấn đề liên quan đến an ninh tại các cơ sở giáo dục”.

Mặc dù kế hoạch của ông Abe để khôi phục tinh thần yêu nước và sự tôn trọng đối với các lực lượng vũ trang đã nhóm lên những lo ngại rằng ông đang sắp đặt sự hồi sinh của chủ nghĩa quân phiệt, cho đến nay các chính sách của ông chỉ là một sự phản chiếu mờ nhạt các chính sách của Trung Quốc. Các sản phẩm truyền thông được Bộ Quốc phòng tài trợ, như bộ phim “Những cuộc chiến thư viện” và bộ phim truyền hình “Văn phòng quan hệ công chúng trên bầu trời”, đều có xu hướng thể hiện quân đội như những viên chức mặc đồng phục dính vào các chuyện tình lãng mạn và mưu đồ cá nhân, chứ không phải chủ nghĩa anh hùng đại trượng phu của các chiến binh trong các tác phẩm của Trung Quốc. Hơn nữa, tại Nhật Bản, sự chống đối trong dân chúng và trong nghị viện đã buộc ông Abe từ bỏ những nỗ lực để gỡ bỏ lệnh cấm theo hiến pháp đối với quyền phòng vệ tập thể, khiến ông phải dùng đến biện pháp gây tranh cãi là sử dụng một sự diễn giải lại Điều 9 Hiến pháp. Hơn nữa, việc bầu Onaga Takeshi làm thống đốc Okinawa vào tháng 11/2014 trong một chính sách rõ ràng phản đối việc di dời căn cứ không quân Futenma của Mỹ tới một địa điểm xa ngoài khơi bờ biển phía Bắc của quần đảo đã cho thấy những nỗ lực cải thiện quan hệ giữa các căn cứ này với các cộng đồng lân cận vẫn còn cả một chặng đường dài. Với việc Trung Quốc thực hiện những hành động khiêu khích nhất của mình ở Biển Đông thay vì các vùng biển được Nhật Bản tuyên bố chủ quyền, sự chú ý của dư luận đã tập trung nhiều hơn vào nền chính trị tham nhũng trong nước trong Nội các và tác động của một sự gia tăng khác trong thuế tiêu dùng hơn là vào chính sách đối ngoại.

Tập Cận Bình có vẻ có khả năng bị gậy ông đập lưng ông về chủ nghĩa quân phiệt dân tộc bởi sự lãnh đạo của ông phụ thuộc phần lớn vào quan hệ gần gũi ông đã hình thành với các nhân vật trong PLA trong suốt quá trình vươn lên quyền lực của mình. Mặc dù có sự đồng thuận ngày càng tăng giữa các nhà quan sát về Trung Quốc rằng Tập Cận Bình đang củng cố địa vị của mình, ông không có khả năng nhượng bộ về các tuyên bố lãnh thổ giữa một cuộc thanh lọc tham nhũng lớn trong đảng và quân đội. Tuy nhiên, những người chỉ trích thẳng thắn và rõ ràng nhất đối với tham nhũng trong quân đội lại là những con diều hâu trong chính sách đối ngoại như Đại tá Lưu Minh Phúc và Tướng Lưu Nguyên. Đó là những người Tập Cận Bình cần giữ lại bên mình nếu ông muốn thành công. Thậm chí từng có suy đoán rằng Tướng Lưu sắp được thăng tiến lên cơ quan quân đội cao nhất, Ủy ban Quân sự Trung ương.

Do đó cả hai nhà lãnh đạo đang gặp khó khăn trong việc kết nối các khía cạnh khác nhau của chính sách xoay trục với nhau. Đối với Tập Cận Bình, ngày càng rõ ràng hơn rằng việc sử dụng các công cụ chính sách đối ngoại cứng rắn và mang tính kinh tế để gây áp lực lên những nước mà Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ nghiêm trọng nhất có thể dẫn đến những hậu quả không được lường trước. Cũng đáng chú ý khi chứng kiến phản ứng của Trung Quốc trước việc Mỹ suy giảm sức mạnh, và đã khiến chính phủ nước này vứt bỏ uy tín ngoại giao đã được tích lũy trong khu vực Đông Nam Á bằng việc thiết lập FTA Trung Quốc-ASEAN. Do tầm quan trọng gắn liền với việc giành được ủng hộ của cộng đồng người Trung Quốc dưới thời Cải cách và Mở cửa, các nhà bình luận Trung Quốc đặc biệt bất ngờ khi thấy Liên đoàn Các phòng thương mại của người Philippines gốc Trung Quốc giữ một vai trò nổi bật trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc được tổ chức để phản ứng trước vụ việc Bãi cạn Scarborough.

Những hậu quả không lường trước được phát sinh từ sự phức tạp ngày càng tăng trong chính sách xoay trục của Tập Cận Bình có thể được nhìn thấy ở cấp độ chính trị giới tinh hoa, đặc biệt trong trường hợp của Việt Nam. Bất chấp các cuộc họp thường xuyên giữa các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc, các cuộc bạo loạn chống Trung Quốc mùa Xuân năm 2014 đã làm tăng suy đoán về một sự bất đồng tại Hà Nội rằng liệu có nên chống lại Trung Quốc một cách cứng rắn và liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ hay không. Một trong những hậu quả không mong muốn nhất đối với CCP sẽ là liệu các nhà dân tộc chủ nghĩa có thể lợi dụng sự chia rẽ này để tạo ra không gian cho tự do hóa chính trị hay không. Có thể tìm thấy bằng chứng về mối lo ngại giữa các tập đoàn công nghiệp Trung Quốc về những hậu quả đối với hoạt động của họ do các quan hệ xấu đi với các nước láng giềng, đặc biệt nếu họ bị từ chối cơ hội tận dụng việc sử dụng những nước này làm cơ sở sản xuất để xuất khẩu miễn thuế sang thị trường EU và Mỹ theo TPP hoặc FTA sắp được ký giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.

Mặc dù vậy, điều phức tạp lớn nhất là chính sách xoay trục đang trở nên ngày càng “ba chiều” khi Nhật Bản tham gia việc tái định hình khu vực do sự chuyển giao quyền lực từ Mỹ gây ra. Với Washington hiện đang mô tả chính sách xoay trục của mình như là một sự “tái cân bằng” mà không ngụ ý những cam kết thực chất mới với khu vực, Việt Nam và Philippines đang ngày càng quay sang Nhật Bản như một cách để chống lại sự phụ thuộc ngày càng tăng và sự mong manh về quân sự của họ khi đối mặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cùng với đầu tư, Tokyo mong muốn tăng cường trao đổi quân sự giữa hai nước và cung cấp các tàu bảo vệ bờ biển tân tiến. Khi Ấn Độ được đưa vào bức tranh này, các lựa chọn của các nước Đông Nam Á trên tuyến đầu chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc không có vẻ quá hạn chế. Ngay cả khi Tập Cận Bình đang tới thăm thủ tướng Ấn Độ, hầu hết các phương tiện truyền thông thế giới đã không đưa tin về thực tế rằng Tổng thống Ấn Độ đang ở Hà Nội thảo luận về việc tăng xuất khẩu vũ khí và hợp tác hơn nữa trong an ninh hàng hải. Tuy vậy, việc gắn kết các yếu tố khác nhau trong chính sách xoay trục của Nhật Bản cũng sẽ không dễ dàng. Phần lớn sẽ phụ thuộc vào thành công của chính sách Abenomics, mà đã nhận một cú đòn nghiêm trọng khi nền kinh tế lại rơi vào suy thoái. Về dài hạn hơn, Nhật Bản cũng phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng về tình trạng dân số bị già hóa, với 25% công dân nước này đã qua độ tuổi 65.

Cuối cùng, Nhật Bản cũng phải xác định vị trí của chính mình trong những động lực khu vực hóa rộng lớn hơn được định hình bởi sự giằng co giữa Trung Quốc và Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu. Ngay sau khi Tập Cận Bình hùng hồn đánh bóng những triển vọng của một “Giấc mộng châu Á-Thái Bình Dương” tại lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh APEC, thực tế về sức mạnh của Trung Quốc đã được đưa ra trước thế giới khi ông sử dụng bài phát biểu bế mạc của mình để loan báo việc ra mắt một nghiên cứu về tính khả thi của một FTA cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà sẽ đưa 21 quốc gia trong vùng Thái Bình Dương lại với nhau, trong đó không có Mỹ. Đây là một cách thông minh để làm lu mờ chiến lược TPP của Washington, điều mà ông Obama chỉ vừa thảo luận với 11 nguyên thủ quốc gia khác tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh – trong khi Tập Cận Bình vắng mặt.

Nếu các chính sách xoay trục tạo ra thách thức và cơ hội cho cả ba nhân tố lớn, thì nó cũng sẽ tạo cơ hội tương tự cho các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực, đặc biệt là những nước ở Đông Nam Á, các nước có thể tiếp tục tích lũy những lợi ích đến từ thách thức nếu họ đã chơi ván bài của mình một cách đúng đắn. Tuy nhiên, khi những nguy cơ vốn có trong chủ nghĩa dân tộc cạnh tranh và tương lai bất ổn cùng với các ý đồ của Mỹ được thêm vào tổ hợp này, các hành động cân bằng dẫn đến nhiều chính sách xoay trục sẽ trở thành thách thức cho tất cả các bên. Dù ý đồ của Tập Cận Bình với Giấc mộng châu Á-Thái Bình Dương là gì, thì nguy cơ xung đột từ việc nhận thức sai lầm và sự phức tạp trong các tính toán chiến lược cũng tiếp tục gia tăng./.

 

Theo ASAN Forum

Thùy Anh (gt)