Báo chí Ấn Độ cũng nói đây là lần đầu tiên Ấn Độ can dự vào tranh chấp ở Biển Đông. Dư luận cho rằng việc làm của Ấn Độ không những không có ích gì cho sự ổn định ở Biển Đông mà bản thân Ấn Độ cũng lợi bất cập hại. Vậy sự kiện Ấn Độ xen vào Biển Đông đã có ai ở phía sau trợ lực giúp sức? 

Việt Nam ra sức lôi kéo 

Nhiều tờ báo lớn ở Ấn Độ cho biết Ngoại trưởng Ấn Độ Krishna đã tới thăm Việt Nam, gặp gỡ Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh ở Hà Nội, hai bên bàn đến vấn đề hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, quân sự và kinh tế thương mại, việc hợp tác khai thác hai lô dầu ở Biển Đôngcũng là đề tài quan trọng được bàn đến. Được biết hai lô dầu khí nói trên là các lô 127 và 128 do Việt Nam đơn phương hoạch định trái phép, nhưng Công ty dầu khí Ấn Độ lại được phía Việt Nam cấp phép khai thác. Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói Việt Nam đã căn cứ theo “Công ước Liên hợp quốc về Luật biển” năm 1982, “tuyên bố chủ quyền” đối với hai lô này nên Công ty Ấn Độ quyết định hợp tác với Việt Nam khai thác dầu khí theo văn kiện nói trên. 

Báo Ấn Độ viện dẫn lời quan chức Bộ Ngoại giao nước này nói “mặc dù phía Trung Quốc quan tâm nhưng chúng tôi sẽ vẫn làm theo cách nói của Việt Nam , hơn nữa đã chuyển tới phía Trung Quốc lập trường quan điểm như vậy của chúng tôi”. Theo như tiết lộ của báo chí Ấn Độ, phía Việt Nam đã từng hợp tác với Công ty dầu khí của Anh khai thác ở các lô 127, 128 nhưng sau đó lo ngại tranh cãi chủ quyền ở lô dầu trên dẫn đến phiền phức nên Công ty của Anh đã rút lui vào năm 2006, sau đó Công ty dầu khí quốc doanh của Ấn Độ tiến vào. Kỳ thực, theo định hướng của “chính sách hướng Đông”, ngay từ rất sớm Ấn Độ đã muốn vào thăm dò dầu khí ở Biển Đông nên những năm gần đây quan hệ Ấn Độ-Việt Nam phát triển nhanh chóng, nhất là phía Việt Nam ra sức lôi kéo nên đã tạo cơ hội tốt cho Ấn Độ, như vậy cũng là lôgíc tất yếu, việc gì đến sẽ đến. Ấn Độ trở thành một trong những đối tượng có chỗ dựa đến tranh quyền đoạt lợi ở Biển Đông, còn Việt Nam đã bắc nhịp cầu thuận tiện để Ấn Độ đi vào Biển Đông. 

Bài viết lưu hành trên trang web của tạp chí World Politics Review của Mỹ cho biết hành động của Việt Nam muốn kéo nước thứ ba vào tranh chấp ở Biển Đông để cân bằng với Trung Quốc ngày càng lộ liễu hơn, mặc dù rất nhiều người cho rằng “nước thứ ba” nói đến ở trên là Mỹ nhưng nay xem ra lại là Ấn Độ. Tháng 7 năm nay tàu đổ bộ chở được xe tăng “INS Airavat” của hải quân Ấn Độ đến Nha Trang của Việt Nam. Tư lệnh hải quân Việt Nam Nguyễn Văn Hiến sau đó đi thăm Ấn Độ, mời hải quân Ấn Độ đến đóng lâu dài ở cảng Nha Trang. Tư lệnh Nguyễn Văn Hiến còn tham quan hai nhà máy đóng tàu chủ yếu của Ấn Độ, hy vọng Ấn Độ giúp Việt Nam mở rộng quy mô và nâng cao thực lực của hải quân Việt Nam, giúp đóng tàu tuần tra và tàu tấn công tốc độ cao cho Việt Nam. Về vấn đề này Ấn Độ đã tích cực hồi đáp, cam kết sẽ huấn luyện nhân viên hải quân Việt Nam, giúp Việt Nam duy tu bảo dưỡng thiết bị vũ khí mua của Nga, hơn nữa đã đồng ý trên nguyên tắc về việc bán tên lửa hành trình tốc độ siêu âm “BrahMos” cho Việt Nam. 

“Thời báo Ấn Độ” cho hay phái đoàn cấp cao do Thư ký quốc phòng Ấn Độ dẫn đầu đến thăm Việt Nam thảo luận vấn đề hợp tác quân sự song phương, trong đó bao gồm trường tàu ngầm hải quân Ấn Độ thông qua mô hình huấn luyện tàu ngầm tiên tiến để huấn luyện quân sự chuyên nghiệp cho hải quân Việt Nam. Các binh sĩ Việt Nam sẽ được huấn luyện ở Nga trước, sau đó trở lại Học viện của Ấn Độ huấn luyện tiếp. Báo chí Nga cho rằng tàu chiến của Ấn Độ xuất hiện ở Biển Đông chỉ là khúc dạo đầu về việc tăng cường quan hệ hải quân giữa Ấn Độ và Việt Nam, tới đây hai nước sẽ còn đi xa hơn nữa. 

Mỹ ngầm cổ vũ phía sau 

Từ ngày Obama nắm quyền cho đến nay, nước Mỹ đã rất đề cao Ấn Độ và quan hệ Mỹ-Ấn. Trong vấn đề Biển Đông, Mỹ rõ ràng đã ngấm ngầm cổ vũ Ấn Độ can dự, đồng thời cũng ngầm cho biết sẽ tiếp thêm dũng khí cho Ấn Độ. 
Tháng 10/2010 Obama đi thăm Ấn Độ, cho biết quan hệ Mỹ-Ấn là một trong các cặp quan hệ mang tính chất quyết định trong thế kỷ 21, lời nhắn nhủ tin cậy như vậy làm cho Ấn Độ hết sức vui mừng. Lúc đó hai bên đã đi đến hiệp định khung hợp tác toàn diện trong 17 lĩnh vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, an ninh hợp tác biển…, Mỹ hy vọng Ấn Độ sẽ đảm nhiệm trách nhiệm nhiều hơn, đóng vai trò tích cực hơn. 

Tháng 7 năm nay trước khi tham gia Diễn đàn khu vực ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ đã tới thăm Ấn Độ. Phát biểu trong chuyến thăm, bà Hillary Clinton nói ảnh hưởng của Ấn Độ cần vượt ra khỏi Nam Á, mở rộng ra đến Đông Nam Á, Thái Bình Dương và khu vực Trung Á. Bà Hillary Clinton cho rằng Mỹ và Ấn Độ chia sẻ lợi ích chung và có quan niệm giá trị chung, cách nhìn nhận về tương lai của khu vực cũng rất giống nhau. Bà tuyên bố Mỹ sắp đối thoại với Ấn Độ và Nhật Bản tại Hội nghị cấp cao APEC ở Haoai tháng 11 năm nay lần đầu tiên sẽ mời Ấn Độ trở thành nước quan sát viên của APEC.

Bà Clinton kêu gọi Ấn Độ cần vượt ra khỏi phạm vi lãnh hải của mình, phát huy vai trò lớn hơn trong các công việc an ninh biển ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trong khi phát biểu, Hillary Clinton tuy không trực tiếp nhắc đến Trung Quốc và Biển Đông nhưng dư luận bên ngoài phổ biến cho rằng ý đồ của bà Clinton là muốn Ấn Độ phải vượt ra khỏi Ấn Độ Dương, cùng với Mỹ kiềm chế, cân bằng Trung Quốc ở Biển Đông. Tháng 8 năm nay Lầu Năm Góc công bố báo cáo về “Phát triển quân sự và an ninh của Trung Quốc năm 2011”, nhấn mạnh Ấn Độ là một trong những mục tiêu mà Trung Quốc hướng tới, sắc thái kích động Ấn Độ-Trung Quốc đối kháng nhau rất rõ nét.

Báo cáo đã bàn luận một cách khái quát mối lo ngại của Trung Quốc trước việc Ấn Độ trỗi dậy về kinh tế, chính trị và quân sự, đề cập đến việc Trung Quốc thay thế tên lửa CSS-3 sử dụng nhiên liệu lỏng bố trí ở biên giới Trung-Ấn bằng tên lửa tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn CSS-5 tiên tiến hơn để tăng cường khả năng răn đe ở khu vực này; (Trung Quốc) mở đường và xây dựng cơ sở hạ tầng dọc biên giới Trung-Ấn, có kế hoạch bố trí binh lính nhảy dù, và còn áp dụng cả các biện pháp khác. Ngoài ra, Quân Giải phóng đã huấn luyện nhảy dù ở khu vực cao so với mặt nước biển thuộc Tây Tạng, đặt giàn phóng tên lửa dọc tuyến đường sắt Thanh Hải-Tây Tạng để đảm bảo chắc chắn có thể vận chuyển nhanh chóng tên lửa tầm ngắn và tầm trung đến Lhasa, và từ đó vận chuyển tiếp đến khu vực biên giới. Mặc dù trong phần “Nam Hải” không nói cụ thể đến Ấn Độ nhưng báo chí Mỹ cho biết nếu kết hợp phần này với phần nói về Ấn Độ sẽ có thể hiểu rõ được ẩn ý ở trong đó. 

Có thể nhận thấy rằng Mỹ luôn cổ vũ Ấn Độ phát huy vai trò lớn hơn trong các vấn đề khu vực, mục đích rất rõ ràng là muốn thông qua nước này để làm yếu đi ảnh hưởng của Trung Quốc đang không ngừng tăng lên ở khu vực. Đương nhiên, để lôi kéo Ấn Độ, Mỹ đã tạo ra cho nước này rất nhiều điểm lợi, trong đó bao gồm cam kết cho Ấn Độ tư cách của nước có vũ khí hạt nhân mà Ấn Độ luôn mơ ước, viện trợ kinh tế và giúp nâng cao địa vị của quốc gia của Ấn Độ. Cuối cùng Mỹ lại đề xuất chia sẻ với Ấn Độ kỹ thuật xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa, giúp Ấn Độ có được khả năng bắn hạ tên lửa của đối phương. Trang web Business Insiders của Mỹ nói, “tranh chấp Biển Đôngđã trở thành một trận đấu mở”; Mỹ cần phải chủ trì theo lời mời của nhiều bên, kẻ thù kình địch của Trung Quốc là Ấn Độ sẽ đến theo”. 

Ấn Độ muốn đục nước béo cò 

Nguồn lợi ở Biển Đông phong phú, đặc biệt là trữ lượng dầu mỏ lên đến hơn 30 tỉ tấn, khí đốt tự nhiên đến 2,5 tỉ mét khối, được mệnh danh là “vùng Vịnh thứ hai”. Hơn nữa, vị trí chiến lược của vùng biển này quan trọng, là nơi xung yếu chắn giữ đường giao thông trên biển từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương, trong 39 tuyến đường biển để Trung Quốc đi ra thế giới có 21 tuyến đi qua Biển Đông. Tình hình Biển Đông hiện nay đang có xu hướng căng thẳng và tế nhị, trong bối cảnh đó Ấn Độ được Việt Nam và Mỹ vừa công khai vừa ngấm ngầm ủng hộ đã lấy lý do thăm dò dầu khí để can dự trong vấn đề Biển Đông nhưng trên thực tế, dầu mỏ chỉ là lợi ích bề ngoài, phía sau còn có tính toán sâu xa hơn: Thứ nhất, thông qua hợp tác với Việt Nam, tìm được điểm đứng chân ở Biển Đông để thể hiện địa vị nước lớn của mình; Thứ hai, bày tỏ được ý tốt với Mỹ; Thứ ba, muốn lấy đó làm con bài để kiềm chế Trung Quốc, đòi Trung Quốc phải trả giá trong vấn đề Biển Đông. 

Trước việc làm của Ấn Độ hiện nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Trung Quốc hy vọng các nước hữu quan tôn trọng chủ quyền, lập trường và lợi ích của Trung Quốc, không đơn phương áp dụng bất cứ hành động nào làm mở rộng và phức tạp hóa vấn đề. Nước ngoài khu vực cần tôn trọng và ủng hộ nỗ lực của các nước trong khu vực thông qua đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp. Chúng tôi nhất quán phản đối việc bất cứ nước nào khác tiến hành các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở khu vực do Trung Quốc quản lý, hy vọng công ty nước hữu quan không bị cuốn vào tranh chấp ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, chủ quyền, quyền lợi và chủ trương của Trung Quốc là được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài, hơn nữa luôn được Chính phủ Trung Quốc duy trì. “Công ước Liên hợp quốc về Luật biển” không quy định cho bất cứ nước nào được quyền mở rộng khu đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình lấn sang lãnh thổ của nước khác, cũng chưa bao giờ hạn chế hoặc phủ nhận quyền lợi của một nước đã được hình thành trong lịch sử và vẫn liên tục chủ trương.

Từ đầu năm đến nay, các nước Philíppin, Việt Nam tiến hành thăm dò khai thác dầu khí ở Biển Đông, một thời gian khiến cho tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng. Dư luận cho rằng hợp tác bình thường giữa Ấn Độ và Việt Nam là không có gì đáng trách, nhưng nếu xâm phạm đến lợi ích của Trung Quốc là hết sức không sáng suốt, nếu Ấn Độ muốn coi Biển Đông là con bài để chống đối Trung Quốc thì đó là điều nguy hiểm về chiến lược. Công ty dầu khí của Ấn Độ hợp tác với Việt Nam rất có thể đã mở ra một tiền lệ hết sức không tốt, ngoài việc làm tăng thêm khó khăn cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông, cũng sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ. Việc Ấn Độ tiếp quản những lô dầu khí mà Công ty dầu khí của Anh trước đó bỏ lại, bề ngoài giống như đã kiếm được món lợi nhưng trên thực tế lại là gây hại cho bản thân, để cho Công ty Ấn Độ cuốn vào cuộc tranh chấp, cuối cùng Ấn Độ vẫn là bên chịu thiệt. Việc làm như vậy của Ấn Độ thực sự tỏ ra không biết thiệt hơn./.

  Theo Báo “Quốc phòng Trung Quốc” (ngày 20/9)

 Lê Sơn (gt)