euro_coins_and_banknotes.jpg

 

Trong khi khu vực đồng euro có thể tạm thời tránh được sự ra đi của Hy Lạp, thì vẫn rất khó có thể khôi phục lại nền kinh tế bị tê liệt, đủ để để giữ Hy Lạp trong liên minh tiền tệ với một thỏa thuận yêu cầu cắt giảm chi tiêu nhiều hơn, thuế cao hơn và những lời hứa mơ hồ về giảm nợ. Hôm 23/7, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua một gói cải cách thứ hai theo yêu cầu của các chủ nợ.

Những thay đổi khác, như thuế cao hơn đối với nông dân, dự kiến ​​sẽ đưa ra vào cuối năm nay. Bộ trưởng tài chính của Đức Wolfgang Schäuble đã làm xói mòn niềm tin vào sự gắn kết của đồng euro khi tuyên bố rằng Hy Lạp sẽ khá hơn nếu rời bỏ đồng tiền chung với một khoảng “thời gian chờ” là 5 năm (rồi quay trở lại). Vấn đề là việc ra khỏi liên minh tiền tệ gần như chắc chắn sẽ là vĩnh viễn, bởi vì kết nạp lại đòi hỏi một quá trình rất mệt mỏi. Khu vực đồng euro đòi hỏi các thành viên mới phải giữ lạm phát dưới 2% và thâm hụt ngân sách tối đa là 3% GDP và nợ công không quá 60% GDP. Tình cảnh của người Hy Lạp đã làm cho những nước không sử dụng đồng euro, như Ba Lan và Hungary, bớt háo hức tham gia liên minh tiền tệ, đã trở nên đồng nghĩa với mất chủ quyền và cam kết thắt lưng buộc bụng, bất kể thực tế kinh tế như thế nào.

Tất nhiên, đồng euro không bao giờ hoàn toàn chỉ có ý nghĩa kinh tế. Các nhà lãnh đạo Châu Âu tin rằng đồng tiền chung là một bước tiến lớn để tạo ra một liên minh vĩnh viễn giữa các nước ở lục địa Châu Âu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã cảnh báo nó có thể làm cho các thành viên bất ổn định hơn, trừ khi sau đó nó được chuyển sang một liên minh chính trị và ngân sách chặt chẽ hơn. Bởi vì điều đó đã không xảy ra, nên liên minh tiền tệ hoàn toàn chịu tác động của các cuộc khủng hoảng kinh tế và ý chí của các nền kinh tế mạnh hơn của Châu Âu.

Tất cả những lo sợ đó đã diễn ra ở Hy Lạp, thậm chí cả nguy cơ ra khỏi đồng euro đang treo trên đầu các nước yếu khác như Italia, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Giới lãnh đạo cấp cao ở Đức, Phần Lan và Slovakia đã công khai đề nghị để Hy Lạp ra đi, dường như họ cho rằng điều này sẽ hù dọa các nền kinh tế yếu phải chấp nhận thắt lưng buộc bụng nhiều hơn. Điều đó có thể là không cần thiết; một số đảng cấp tiến trong những quốc gia này đã công khai nói về việc rời khỏi đồng euro. Câu hỏi hiện nay là chi phí để ra đi là gì? Liệu một nền kinh tế hiện đại có thể chịu đựng được những thiệt hại trước mắt của một sự thay đổi tiền tệ đột ngột hay không nếu những lợi ích của việc phá giá tiền tệ và giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn các chính sách tài khóa và tiền tệ có thể có giới hạn và có thể phải mất nhiều năm mới có thể nhận được?

Ví dụ, trở về với đồng drachma, sẽ mất giá nhiều trong giao dịch với đồng euro, có thể giúp nền kinh tế Hy Lạp bằng cách làm cho các khu nghỉ mát ở các đảo, dầu ô liu và pho-mát feta của nó trở nên rẻ hơn. Quốc gia này cũng sẽ có thể kiểm soát chính sách tiền tệ riêng của mình bằng cách bơm thêm tiền vào nền kinh tế để kích thích cho vay chứ không phải dựa vào Ngân hàng Trung ương Châu Âu. Nhưng rời khỏi đồng euro có nghĩa là ít có tổ chức và các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng cho Hy Lạp vay, có thể trong nhiều năm sau khi đã ra đi. Điều đó có thể làm cho chính phủ Hy Lạp khó khăn hơn trong việc mua hàng nhập khẩu thiết yếu như thuốc chữa bệnh, dầu và khí đốt. Hệ thống tài chính nhiều khả năng sẽ sụp đổ khi các ngân hàng đóng cửa. Nhiều người Hy Lạp lo sợ rằng sự trở lại của đồng drachma cũng có thể dẫn đến lạm phát không kiểm soát được nếu ngân hàng trung ương của nước này in quá nhiều drachma để vực dậy nền kinh tế. Và việc đó thậm chí còn chưa tính đến những thách thức sau đó như việc đổi lại đồng tiền thanh toán trong các hợp đồng và in tiền giấy mới.

Các nước chủ nợ như Đức cũng có thể bị thiệt hại như những con nợ khi con nợ ra đi. Họ sẽ mất hầu hết số tiền họ cho các quốc gia đang gặp khó vay trong vài năm qua. Chính phủ Hy Lạp nợ hơn 300 tỷ euro, hầu hết số nợ đó là của các chính phủ Châu Âu khác, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và ECB. Cũng có thể Hy Lạp ra đi có thể làm tăng giá euro, do đó sẽ làm tổn thương các nhà xuất khẩu ở các nước khác thuộc khu vực đồng euro qua việc làm cho hàng hóa của họ đắt hơn trên thị trường thế giới.

Việc tất cả phải chịu mất mát trong kịch bản Hy Lạp phải ra đi (Grexit), sẽ là ngốc nghếch nếu các chủ nợ khiến kịch bản Grexit trở thành sự thật, như các điều khoản cứu trợ tài chính gần đây cho thấy. Những gì họ cần phải làm là thay đổi các chính sách kinh tế đã biến liên minh tiền tệ thành một cái bẫy gây kiệt sức và các nước không thể thoát ra mà không bị tổn thương nhiều hơn./.

Theo “New York Times” (ngày 25/7)

Vũ Hiền (gt)