Trong bài viết “Đông Á cần có một ban lãnh đạo”, đăng trên tờ “Bưu điện Giacácta” mới đây, học giả Rizal Sukma - Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) – Inđônêxia cho rằng trong bối cảnh đan xen phức tạp của sự hợp tác - cạnh tranh Mỹ - Trung hiện tại và trong tương lai, bên cạnh sự nổi lên của các cường quốc khu vực khác; ASEAN – với tư cách là một Hiệp hội mong muốn khẳng định vai trò trung tâm trong các cấu trúc khu vực đang định hình như Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và chính EAS cũng đang có những đặc tính cần xem xét kỹ, thì khu vực Đông Á cần có một “ban lãnh đạo”. Ban lãnh đạo này không ai khác chính là EAS, nhưng diễn đàn này cần được tổ chức, vận hành theo một số hình thức và cơ chế nhất định, nhằm qua đó đảm bảo rằng không có sự chi phối nước lớn, đảm bảo một ASEAN đoàn kết, khẳng định được vai trò trung tâm trong các cấu trúc khu vực đang định hình và phát huy vị thế toàn cầu.

Biểu hiện của sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã trở nên rõ ràng hơn trong vài năm qua. Trong khi những tuyên bố chính thức tại Bắc Kinh và Oasinhtơn tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải có mối quan hệ hợp tác, thì trên thực tế hai nước ngày càng coi nhau như đối thủ cạnh tranh tiềm tàng. Từ phía Trung Quốc, người ta thường nghe tiếng nói mô tả Mỹ như là một cường quốc đang suy giảm cố kiềm chế sự trỗi dậy trở thành lãnh đạo khu vực của Trung Quốc. Từ phía Mỹ, Trung Quốc được cho là có ý định, và chẳng bao lâu là có năng lực, thách thức vị trí thống soái của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, có những lý do để tin rằng cả hai cường quốc sẽ cố gắng hết sức nhằm quản lý sự cạnh tranh đang nổi lên trong phạm vi của mối quan hệ chủ yếu là hợp tác giữa hai bên. Nói cách khác, trong khi các yếu tố cạnh tranh là không thể tránh khỏi trong mối quan hệ Mỹ-Trung, hai bên cũng sẽ đảm bảo rằng mối quan hệ song phương của họ sẽ được xác định nhiều hơn bởi sự hợp tác. Tuy nhiên, nếu không quản lý thận trọng, sự cạnh tranh đó cũng có thể phát triển thành một sự kình địch chiến lược. Một sự chuyển đổi trong quan hệ Mỹ-Trung, từ cạnh tranh sang kình địch, sẽ là một thảm họa cho tất cả mọi người trong khu vực. 

Đối với các cường quốc khác tại Đông Á, quan hệ Trung-Mỹ được đặc trưng bởi các yếu tố hợp tác và cạnh tranh, và sự không chắc chắn liên quan đến yếu tố nào sẽ thắng thế trong những năm tới, rõ ràng là một mối quan tâm. Các cuộc thảo luận đang diễn ra về bản chất của sự thay đổi địa chính trị trong khu vực, và cách quản lý tốt nhất sự thay đổi đó phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng tại các quốc gia trong khu vực về tương lai của quan hệ Trung-Mỹ. Điều này đặt ra câu hỏi về sự cấp thiết của một trật tự khu vực có thể đảm bảo rằng mối quan hệ Trung-Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò trụ cột cho sự ổn định và thịnh vượng của khu vực Đông Á. Trong khi mối quan hệ Mỹ-Trung là rất quan trọng đối với bất kỳ trật tự khu vực nào ở Đông Á, chúng ta không nên quên rằng khu vực này còn có sự hiện diện của các cường quốc khác. Trong bối cảnh này, bất kỳ trật tự khu vực nào cũng cần đảm bảo rằng mối quan hệ giữa tất cả các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ - sẽ chủ yếu là hợp tác hơn là cạnh tranh. Bất cứ trật tự khu vực nào cũng cần phải ngăn chặn sự cạnh tranh chiến lược giữa bốn cường quốc lớn mà đang trở thành đặc điểm chính của các quan hệ trong khu vực. Theo đó, có quan điểm cho rằng hòa bình và ổn định trong khu vực sẽ được đảm bảo tốt nhất bởi sự hình thành của một phối kết hợp giữa các cường quốc, hoặc là với định dạng đồng lãnh đạo giữa Mỹ và Trung Quốc (G-2) hoặc giữa bốn cường quốc đã đề cập ở trên. Ý tưởng về sự phối kết hợp giữa các cường quốc rõ ràng đang đánh giá thấp, nếu không nói là bỏ qua, vai trò của các thế lực vừa và nhỏ khác trong khu vực. Đối với những quốc gia đó, đặc biệt là những nước ở khu vực Đông Nam Á, trật tự khu vực ưa thích là một trật tự có thể ngăn ngừa sự xuất hiện của một hình thái phối kết hợp cường quốc giữa bốn nước lớn không có lợi cho các nước nhỏ hơn trong khu vực. Đây là lý do tại sao các nước ASEAN tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải có vai trò trung tâm của ASEAN trong mọi trật tự khu vực đang nổi lên. Tuy nhiên, vấn đề là ASEAN (cũng như các tiến trình do ASEAN lãnh đạo) vẫn chưa tạo được bất kỳ sự đảm bảo nào có thể duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Thực tế, những diễn biến gần đây cho thấy chính ASEAN có thể bị chia rẽ trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng giữa các nước lớn. ASEAN cần hiểu và hiểu rằng "không có sự thống nhất, không có vai trò trung tâm". 

Mặc dù phải đối mặt với những thách thức trong quá trình định hình trật tự mới nổi lên trong khu vực, ASEAN vẫn có cơ hội rất quan trọng không thể bỏ qua. Cơ hội này đến từ cấu trúc bao nạp của EAS. Là một quá trình tương đối mới, EAS chứa đựng hai tiềm năng quan trọng. Thứ nhất, EAS là một hình thức sắp đặt đầu tiên trong khu vực, nơi tất cả các cường quốc lớn, vừa và nhỏ - đều tham gia. Do vai trò trung tâm của ASEAN trong đó, EAS cũng là một diễn đàn, nơi các cường quốc trong và ngoài khu vực tương tác trong một khung cảnh tương đối không có nước nào đóng vai trò lãnh đạo. Nói cách khác, mọi quốc gia đều có một vị trí và một tiếng nói trên bàn hội nghị. Thứ hai, do yếu tố thành viên tham gia rộng rãi, EAS cũng có thể hoạt động như là một nền tảng để ASEAN kết nối với các cấu trúc làm nên trật tự toàn cầu khác, đặc biệt là G-20. ASEAN, với mong muốn đóng vai trò tích cực hơn trong “một cộng đồng toàn cầu của các quốc gia”, sẽ được hưởng lợi rất nhiều nếu có thể chuyển đổi EAS thành một thể chế vượt khỏi tầm chỉ là một diễn đàn "đối thoại" giữa các nhà lãnh đạo. Nói cách khác, ASEAN cần phải bắt đầu suy tính về những gì mà ASEAN muốn làm với EAS. Để hiện thực hóa được những tiềm năng này, EAS cần hoạt động như là một ban chỉ đạo cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương theo hai cách thức tương quan với nhau: Thứ nhất, EAS cần được vận hành như một ban chỉ đạo điều phối các cơ chế khác nhau trong khu vực như ASEAN+3, Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM +), và Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Thứ hai, các nước tham gia EAS là thành viên G-20 cần tổ chức một phiên họp kín không chính thức để phối hợp các chính sách và lợi ích của họ ở cấp độ toàn cầu. Quả thật, tương lai của Đông Á là quan trọng tới mức không thể bị chi phối bởi các hình thức chèo lái chính trị nước lớn. Sự lựa chọn tốt nhất vẫn tiếp tục là tăng cường các thoả thuận khu vực, cùng lúc nhìn nhận những điểm yếu cố hữu trong các sắp xếp đó. Quá trình này nên bắt đầu bằng cách thảo luận về vai trò mà EAS cần có trong tương lai. Chuyển đổi EAS thành một tổ chức có chức năng như một ban chỉ đạo cho khu vực là một vai trò như vậy. 

Bàn về thực trạng, triển vọng giải quyết và tác động xử lý các tranh chấp lãnh thổ - lãnh hải tại Đông Á, gồm cả Đông Nam Á và Đông Bắc Á, trong đó có Biển Đông đối với hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng của toàn khu vực, học giả Rizal Sukma cũng vừa có bài viết đăng trên tờ “Bưu điện Giacácta”, nhan đề “Liệu chúng ta có phải quan ngại về những tranh chấp lãnh thổ ở Đông Á?”. Trong bài viết này, tác giả nêu ý kiến đáng lưu tâm: Tranh chấp lãnh thổ vẫn tiếp tục là một vấn đề nghiêm trọng tại khu vực. Tất cả các bên tranh chấp cần nhận thức rằng những hứa hẹn về thế kỷ châu Á là quý giá tới mức không thể bị hủy hoại bởi các tranh chấp lãnh thổ.

Đông Á đang ngày càng trở thành một khu vực của mâu thuẫn. Một mặt, Đông Á đã trở thành một trung tâm của sự chú ý toàn cầu do tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực này đối với kinh tế thế giới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh tại khu vực, đặc biệt là ở Trung Quốc và Ấn Độ là cơ sở để người ta bàn luận về một thế kỷ của châu Á đang đến. 

Nhìn nhận từ quan điểm chiến lược, nhiều người cũng chỉ ra rằng trung tâm lực hấp dẫn của nền chính trị toàn cầu đã chuyển sang Đông Á. Nói ngắn gọn, khu vực Đông Á đang được mô tả như là trung tâm của sự thịnh vượng toàn cầu trong tương lai. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nghi ngờ liệu sự thịnh vượng đang lên này sẽ đi liền với sự ổn định của khu vực. Những căng thẳng ngoại giao và tranh cãi chính trị xoay quanh hàng loạt vấn đề lãnh thổ chỉ rõ một tương lai đáng lo ngại cho hòa bình và ổn định tại khu vực. Thật vậy, tranh chấp lãnh thổ ở Đông Á đã bắt đầu nổi lên như một điểm nóng nghiêm trọng, làm gia tăng mối lo ngại khu vực về tương lai của toàn Đông Á. Nói cách khác, một khi hòa bình ở khu vực Đông Á vẫn còn bấp bênh thì sự thịnh vượng tại đây không thể tự nhiên mà có. Hãy nhìn vào Biển Đông, nơi căng thẳng đang âm ỉ từ nhiều tháng nay. Tranh cãi ngoại giao giữa Trung Quốc và hai nước Đông Nam Á là Việt Nam và Philíppin về những tuyên bố tranh chấp nhau trên Biển Đông đã bắt đầu ảnh hưởng đến khu vực rộng lớn hơn. Lần đầu tiên trong 45 năm, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) đã không ra được thông cáo chung. Thất bại này do một vấn đề duy nhất gây ra: Biển Đông. Bất chấp những nỗ lực của Inđônêxia nhằm khôi phục sự thống nhất của ASEAN về vấn đề này và thúc đẩy nhằm sớm đi đến một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, thì một kết quả hòa bình của tiến trình này vẫn còn xa vời. Ngược lại, do những chiều hướng quân sự của tranh chấp đang dần làm vấn đề trở nên phức tạp hơn, triển vọng xử lý các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình thậm chí có thể trở nên khó khăn hơn. Hơn nữa, ở đây còn hiện hữu sự cạnh tranh chiến lược đang nổi lên giữa Trung Quốc và Mỹ với khả năng có thể làm cho các nỗ lực quản lý những tranh chấp này thậm chí còn khó khăn hơn. 

Cùng lúc, những tranh chấp lãnh thổ song phương giữa các nước ASEAN - như giữa Malaixia và Inđônêxia hay giữa Thái Lan và Campuchia - cũng đang tạo ra căng thẳng ngoại giao giữa các bên tranh chấp. Tranh chấp lãnh thổ cũng là một mối quan ngại tại Đông Bắc Á. Tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản về quần đảo Senkaku (đảo Điếu Ngư) từ lâu đã là một vấn đề tồn tại trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Tôkyô. Còn giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, tranh chấp quần đảo Takeshima (đảo Dokdo) cũng đang là một nhức nhối trong mối quan hệ giữa Tôkyô và Xơun. Tuy nhiên, những căng thẳng ngoại giao gần đây giữa hai cặp quan hệ Tôkyô - Bắc Kinh và Tôkyô - Xơun cho thấy tranh chấp lãnh thổ vẫn còn là một vấn đề nghiêm trọng cho khu vực. Vấn đề tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông liên quan đến Trung Quốc và 4 nước ASEAN đang được giải quyết trong khuôn khổ của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). ASEAN và Trung Quốc cũng đang hướng tới một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) làm nền tảng cho việc xử lý vấn đề một cách hòa bình. Nhật Bản và Hàn Quốc đều là đồng minh của Mỹ, và Mỹ có thể đóng một vai trò trung gian để giảm bớt căng thẳng giữa hai nước Đông Bắc Á này. Bởi vậy, xét tất cả các tranh chấp lãnh thổ tại Đông Á về triển vọng xử lý, thì tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản là đặc biệt đáng lo ngại. Hiện chưa rõ liệu hai nước sẽ tiến đến giải quyết tranh chấp lãnh thổ như thế nào. Thực tế, sự phát triển gần đây trong quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản đã không tạo ra nhiều lạc quan. Tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư một lần nữa lại làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước. Cả hai từ lâu đã ở thế kẹt trong trò chơi ăn miếng trả miếng: Một nhóm ủng hộ Trung Quốc có trụ sở tại Hồng Công - tự xưng là Ủy ban hành động để bảo vệ quần đảo Điếu Ngư đã đổ bộ lên một hòn đảo tranh chấp trong quần đảo này. Nhật Bản bắt giữ và trục xuất các nhà hoạt động Hồng Công. Các cuộc biểu tình với giai điệu chống Nhật đã nổ ra tại nhiều nơi ở Trung Quốc. Tiếp đến, một số nhà hoạt động Nhật Bản trả đũa bằng cách đổ bộ lên chính hòn đảo này, và ngay sau đó là những chỉ trích từ Chính phủ Trung Quốc. 

Vòng xoay có thể không dừng lại ở đó. Nhóm các nhà hoạt động có trụ sở tại Hồng Công hiện đang lên kế hoạch tổ chức tiếp nhiều cuộc biểu tình bên ngoài đại sứ quán và lãnh sự quán Nhật Bản trên toàn thế giới vào ngày 18/9, đồng thời kêu gọi người Trung Quốc trên khắp thế giới tham gia các cuộc biểu tình. Một khi chủ nghĩa dân tộc trở thành một phần của tranh chấp thì việc hai nước xích mích hơn nữa không phải là khó xảy ra. Nếu không được quản lý đúng đắn với thái độ kiềm chế, những vấn đề tranh chấp lãnh thổ nói trên sẽ làm tổn hại nghiêm trọng hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Đông Á. Các bên tranh chấp - cả ở khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á - cần nhận thức rằng hứa hẹn về thế kỷ châu Á là quý giá tới mức không thể bị hủy hoại bởi các tranh chấp lãnh thổ./. 

Theo Bưu điện Giacácta

Viết Tuấn (gt)