Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (Ảnh: Xinhua)

 

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho biết Đối thoại Shangri-La, kết thúc vào ngày 31/5, đã tạo điều kiện để chính phủ các nước và giới học giả trao đổi quan điểm, và cùng với đó, giới chức quân sự cũng như các đại biểu có thể nhân cơ hội lần này tiến hành thảo luận nhằm tăng cường lòng tin song phương. Ông nhấn mạnh: "Đối thoại lần này đã góp phần không nhỏ thúc đẩy hợp tác và an ninh khu vực".

Trong sự kiện kéo dài 3 ngày này, Đô đốc Tô Kiến Quốc, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), đã có các cuộc gặp riêng với giới chức quân đội và đại biểu tới từ 13 quốc gia để cùng trao đổi quan điểm về nhiều vấn đề như an ninh khu vực và quan hệ quân sự song phương.

Đối thoại Shangri-La thường niên, do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, có trụ sở tại London, chủ trì, đã thu hút sự tham dự các bộ trưởng quốc phòng, nhiều quan chức cấp cao và giới chuyên gia an ninh. Đây là một diễn đàn có uy tín để các bên trao đổi quan điểm về những vấn đề then chốt góp phần quan trọng trong việc định hình bối cảnh an ninh và quân sự của khu vực.

Chỉ vài ngày trước khi hội nghị năm nay diễn ra, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã mạnh mẽ chí trích Trung Quốc đang "làm trái" với các quy tắc và thông lệ quốc tế vốn định hình cấu trúc an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trong bài phát biểu ngày 30/5, Bộ trưởng Carter đã dành phần lớn thời gian để nhấn mạnh tới tầm quan trọng của hợp tác khu vực và cam kết đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa lực lượng quân đội Mỹ và Trung Quốc, mối quan hệ "không chỉ có lợi cho hai nước nói riêng mà còn đóng góp cho toàn bộ khu vực".

Đô đốc Tô Kiến Quốc, trong bài phát biểu ngày 31/5, cũng khẳng định Trung Quốc cam kết thúc đẩy hợp tác đôi bên cùng có lợi và xây dựng một mô hình quan hệ quốc tế kiểu mới, phù hợp với nhu cầu an ninh và phát triển của tất cả các quốc gia. Ông cho biết: "Đối đầu cần phải nhường chỗ cho hợp tác và lợi ích song phương sẽ thế chân mâu thuẫn nếu các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc được thực thi đầy đủ. Đây cũng chính là cách để chúng ta phát triển một cách hòa bình".

Trao đổi với Tân Hoa Xã, nhà nghiên cứu Tseng Hui-Yi, hiện đang làm việc tại Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng công tác trao đổi thông tin đóng vai trò then chốt trong việc duy trì an ninh khu vực. Theo bà, mặc dù vẫn còn nhiều bất đồng song kênh liên lạc này cần phải được giữ vững và Đối thoại Shangri-La là nền tảng quan trọng giúp giảm bớt những áp lực liên quan. Bà nhấn mạnh: "Cho dù các cuộc thảo luận có căng thẳng đến thế nào thì ít nhất đây cũng là một hình thức kết nối và trao đổi thông tin".

Trong khi đó, nhà nghiên cứu cấp cao Oh Ei Sun tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, cho rằng sự tham dự của Trung Quốc trong hội nghị lần này giúp các quốc gia khác hiểu rõ hơn quan điểm của Bắc Kinh. Ông nói: "Trên thực tế, sự có mặt liên tiếp của Trung Quốc trong đối thoại thường niên này sẽ giúp hóa giải phần nào những hiểu nhầm của cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc, cũng như giúp Trung Quốc hiểu rõ hơn quan điểm của các nước khác về phòng thủ, an ninh tập thể cũng như nhiều vấn đề khác". Theo ông, Trung Quốc nên tiếp tục tham dự Đối thoại Shangri-La bởi điều này sẽ tạo ra một tiếng nói tích cực giúp Trung Quốc thể hiện rõ cách nhìn của mình đối với cấu trúc an ninh khu vực.

Nhà nghiên cứu Oh Ei Sun cũng chỉ ra rằng các tranh cãi về vấn đề Biển Đông dường như đã che lấp nhiều vấn đề quan trọng khác cũng rất cần được quan tâm như hoạt động chống khủng bố và hỗ trợ nhân đạo. Mặc dù cũng đã được đề cập tới trong hội nghị, song những chủ đề này chưa được thảo luận cụ thể và đầy đủ. Ông này nói: "Đối thoại Shangri-La không nên chỉ tập trung vào một vấn đề khu vực vốn vẫn đang được kiểm soát tốt".

Đồng quan điểm với ông Oh, nhà chiến lược quân sự Jin Yinan, thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc, trực thuộc PLA, bày tỏ quan ngại: "Các đại biểu và truyền thông dường như có xu hướng thích kịch tính hóa mâu thuẫn". Ông cũng cho rằng đối thoại không nên trở thành nơi kích động xung đột, mà phải trở thành nơi để giải quyết những khúc mắc liên quan.

Theo Tân Hoa Xã

Văn Cường (gt)