Trong chuyên đề “Hợp tác an ninh quốc tế của Trung Quốc” được đưa ra tại Đối thoại Shangti-la 10, Bộ Trưởng Lương Quang Liệt cho biết Trung Quốc nỗ lực duy trì hòa bình ổn định tại khu vực Biển Đông. Trung Quốc và ASEAN năm 2002 đã ký “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông”, các kênh đàm phán và thương lượng giữa các nước liên quan vấn đề biển Đông hiện đang thông suốt. Trung Quốc phát triển thực lực quân sự theo nguyên tắc xây dựng quân đội phục vụ xây dựng kinh tế đất nước, đây cũng là nhu cầu khách quan của hầu hết các nước trên thế giới.

Mấy năm gần đây, quân lực Trung Quốc có bước phát triển, trình độ hiện đại hóa quân đội được nâng cao, song vẫn còn khá kém. Sự phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc không tạo thành mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào. Trung Quốc trước đây chưa hề xưng bá, hiện cũng không xưng bá, sau này khi đã phát triển rồi cũng sẽ không xưng bá.

Trong chuyên đề của mình, Bộ trưởng Lương Quang Liệt cho biết trong hợp tác an ninh với các nước, Trung Quốc kiên trì 4 nguyên tắc như sau:

Thứ nhất, tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, chú ý lợi ích cốt lõi và những mối quan tâm quan trọng của nhau. Chỉ có kiên trì sự bình đẳng trong cộng đồng quốc tế của mỗi quốc gia (bất kể lớn bé, giàu nghèo, mạnh yếu), thực hiện “việc nội bộ của nước nào thì nước đó tự giải quyết, việc chung của các nước thì các nước cùng bàn bạc thảo luận”, tích cực thúc đẩy dân chủ hóa quan hệ quốc tế, tôn trọng lợi ích cốt lõi và những quan tâm quan trọng của nhau, khu vực châu Á-Thái Bình Dương mới có thể ổn định và có an ninh lâu dài.

Thứ hai, hiểu biết lẫn nhau, tăng cường lòng tin, nắm bắt một cách toàn diện và chính xác ý đồ chiến lược của nhau. Khởi đầu của lòng tin là sự giao lưu. Các nước cần trên cơ sở tôn trọng và bình đẳng, tăng cường giao lưu đối thoại và trao đổi toàn diện, nhìn nhận một cách khách quan ý đồ chiến lược của nhau, tạo cơ sở nhận thức chính xác cho hợp tác an ninh.

Thứ ba, cùng có lợi và cùng chiến thắng, không kết liên minh mang tính đối kháng nhằm vào bên thứ ba. An ninh châu Á-Thái Bình Dương đối mặt với nhiều thách thức phức tạp và đa dạng, giải quyết các vấn đề an ninh khu vực không thể độc lập tác chiến và cũng không thể chỉ dựa vào mong muốn của một bên, chỉ có lấy hợp tác mưu cầu an ninh mới là lối thoát. Loại hợp tác này cần chú ý tới cùng có lợi và cùng chiến thắng. Hợp tác an ninh không nên chỉ nhằm phục vụ lợi ích của một vài quốc gia mà gạt các nước khác ra ngoài, thậm chí là nhằm đối đầu với nước khác. Chỉ có an ninh chung mới là an ninh đáng tin cậy nhất.

Thứ tư, rộng mở bao dung, đoàn kết hợp tác, hoan nghênh các nước trên thế giới có cống hiến đối với hợp tác an ninh châu Á-Thái Bình Dương.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Từ Diệp Uất cho rằng bài chuyên đề của ông Lương Quang Liệt một lần nữa thể hiện ý niệm ngoại giao và chính sách quốc phòng của Trung Quốc trong trường hợp ngoại giao đa phương. Bốn nguyên tắc hợp tác an ninh mà Lương Quang Liệt đưa ra bề ngoài có vẻ hơi trừu tượng, song thực tế chúng đều có mục đích cụ thể. Ví dụ như tại nguyên tắc thứ hai, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh cần phải “nắm bắt một cách toàn diện và chính xác ý đồ chiến lược của nhau”, thực tế câu này là nhằm vào một số nước đang ngày càng gia tăng sự suy đoán không căn cứ đối với chính sách của Trung Quốc, đồng thời chỉ ra rằng cách làm này là sai lầm, là nguy hiểm.

Theo Từ Diệp Uất, phát biểu của Lương Quang Liệt về vấn đề Biển Đông đã thể hiện rằng Trung Quốc hy vọng tình hình Biển Đông ổn định, không mong muốn gia tăng tranh chấp. Ngoài ra, ở một chừng mực nào đó, Trung Quốc cũng muốn cho các nước liên quan thấy được lập trường cơ bản của Trung Quốc là hy vọng thông qua đàm phán song phương giải quyết vấn đề, phản đối quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. 

Theo Thương báo

 Mỹ Anh (gt)