Ngày 13/4, Bắc Triều Tiên đã thất bại khi phóng vệ tinh và bị Mỹ cũng như các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực tố cáo rằng Bình Nhưỡng đã tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo, de dọa an ninh của khu vực Đông Bắc Á. Cho dù vào phút chót, Trung Quốc và các nước thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã lên án vụ phóng vệ tinh này, nhưng giới phân tích phương Tây cho rằng Trung Quốc thường xuyên chống lại sức ép của Mỹ đối với Bắc Triều Tiên, nước bạn bè và láng giềng của họ. Các chuyên gia Trung Quốc về Bắc Triều Tiên luôn cho rằng cải thiện quan hệ kinh tế với Bắc Triều Tiên là biện pháp tốt nhất để đưa chế độ Bình Nhưỡng hội nhập cộng đồng quốc tế và giảm bớt cách ứng xử ngang ngạnh của Bình Nhưỡng. Ngày 15/4, giới phân tích quốc phòng Mỹ cho biết các thiết bị chở tên lửa đạn đạo được sử dụng trong một cuộc diễu binh ở Bắc Triều Tiên vừa qua trên thực tế có nguồn gốc từ một công ty không gian vũ trụ lớn trực thuộc nhà nước Trung Quốc. Ngày 23/3, được sự ủng hộ của Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản, Mỹ đã đưa một trường hợp ra trước Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan đến việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm - nhiên liệu rất quan trọng cho sản xuất năng lượng bền vững và công nghệ cao. Tuy nhiên, Bộ Công nghệ Thông tin và Công nghiệp của Trung Quốc cho rằng vấn đề hạn chế xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc rất quan trọng nhằm củng cố các ngành công nghiệp của nước này và ngăn chặn sự phá hủy môi trường hơn nữa. Quốc hội Mỹ lo ngại việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm sẽ làm ảnh hưởng lớn đến các ngành công nghiệp của Mỹ và khiến hàng loạt nguồn cung cấp quân sự quan trọng bị tổn thất. Tuần qua, Mỹ tổ chức các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn với Philíppin, bất chấp việc Trung Quốc và Philíppin bất đồng với nhau về các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Nhiều người Trung Quốc coi các cuộc diễn tập của Mỹ và Philíppin là nhằm chống lại các lợi ích của Trung Quốc trong khu vực và tỏ ra lo ngại về việc Mỹ cải thiện quan hệ quốc phòng với các nước láng giềng của Trung Quốc như Việt Nam, Philíppin và Ấn Độ. 

Trong thời gian này, Trung Quốc cũng tổ chức các cuộc diễn tập hải quân với Nga, từ đó cảnh báo đồng minh Nhật Bản của Mỹ. Tại Mỹ, nhiều người lo ngại về sự phát triển quân sự của Trung Quốc và khả năng tự vệ của Đài Loan trong việc chống lại quân đội Trung Quốc, từ đó dẫn đến việc một số nghị sĩ Mỹ lên tiếng ủng hộ đề nghị bán các loại vũ khí như các máy bay chiến đấu F-16 cho Đài Loan. Mỹ và Trung Quốc còn bất đồng với nhau về nhiều vấn đề bên ngoài khu vực Đông Á, chẳng hạn như tình trạng bất ổn và các cuộc nổi dậy ở Xyri. Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách không can thiệp công việc nội bộ của Xyri, nhưng phương Tây nhận thấy Trung Quốc đang có nhiều hành động ủng hộ chế độ của Tổng thống Xyri Bashar al-Assad. Ngoài các vấn đề quân sự, kinh tế và quốc tế, tình hình chính trị nội bộ của Trung Quốc cũng thể hiện nhiều điểm mâu thuẫn và gây lúng túng cho mối quan hệ song phương Mỹ-Trung. Nhiều nhân tố khác có thể sẽ "đè nặng" lên các cuộc gặp gỡ của Ngoại trưởng Clinton và Bộ trưởng Tài chính Geithner với các đối tác kinh tế và chính sách đối ngoại người Trung Quốc gồm Ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc và Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn. Ngày 22/4, ông Chen, nhà hoạt động quyền dân sự và cũng là một luật sư người Trung Quốc, đã trốn khỏi tình trạng tù tại gia ở tỉnh Sơn Đông và hiện đang được Sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh bảo vệ. Các nhóm nhân quyền tại Mỹ yêu cầu Chính quyền Obama lên tiếng đòi Trung Quốc trả tự do chính thức cho ông Chen và nhiều nhân vật bất đồng người Trung Quốc khác - một vấn đề lớn trong các cuộc đối thoại ngoại giao. Giới phân tích chính sách đối ngoại Trung Quốc tại Mỹ cho rằng việc các nhà ngoại giao Mỹ tập trung vào các vấn đề nhân đạo và nhân quyền khiến các đối tác Trung Quốc đau đầu, và Bắc Kinh coi đây như một phương tiện của Mỹ nhằm đe dọa Trung Quốc. Trước đây, Chính phủ Trung Quốc phản đối Mỹ quan tâm đến nhân quyền của Trung Quốc và coi hành động đó là can thiệp công việc nội bộ của nước này. Các vấn đề liên quan đến tình hình chính trị của Trung Quốc có thể đặc biệt nhạy cảm trong cuộc đối thoại năm nay, đặc biệt khi Trung Quốc đang nỗ lực giải quyết vụ bê bối của Bạc Hi Lai và chuẩn bị cho việc chuyển giao chính trị quan trọng. Ông Christopher Johnson - cố vấn cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một viện nghiên cứu lớn ở Oasinhtơn - nhận xét: "Đây có thể là những bất đồng lớn nhất với Trung Quốc mà chúng ta (Mỹ) phải đối mặt trong một thời gian rất dài". 

Theo Ibtimes (ngày 30/4)

Vũ Hiền (gt)