Biển ngày càng quan trọng đối với TQ, sự quan tâm của dư luận đối với vấn đề trên biển cũng ngày càng mạnh mẽ, các tranh chấp biển cũng ngày càng phức tạp. Làm thế nào để bảo vệ lợi ích biển của TQ, dư luận xã hội hiện nay đang dần dần hình thành 2 thái cực lớn: Một là phái “duy vũ lực” chủ trương chiến tranh, nói chuyện bằng nắm đấm, cho rằng TQ đã quá mềm yếu, quá quan tâm đến môi trường quốc tế cho phát triển hòa bình mà từ bỏ sử dụng vũ lực; hai là phái “duy pháp lý”, chủ trương TQ cần tôn trọng Công ước Luật biển của LHQ, tiến hành phân định biên giới biển một cách hợp lý trên cơ sở hiểu chính xác nội hàm của Công ước này, từ bỏ chủ trương cương vực truyền thống như “đường 9 đoạn”.

Phái “duy vũ lực” thì nguy hiểm, phái “duy pháp lý” thì ngây thơ. Trong cuộc chơi về chính trị biển quốc tế, việc sử dụng sức mạnh để uy hiếp và việc đấu tranh pháp lý không thể thiên về bên nào. Nếu các nhà ra quyết sách bị chi phối bởi phái “duy vũ lực” thì TQ sẽ lại đi theo vết xe đổ của một số nước trong lịch sử; nếu bị phái “duy pháp lý” kiểm soát thì các nước xung quanh sẽ tự do khiêu khích, TQ rất khó trở thành một nước lớn trên thế giới, thậm chí bị rơi xuống tầng lớp những nước hạng hai.

TQ cần phải sử dụng tổng hợp các biện pháp quân sự, kinh tế, pháp lý, ngoại giao. Một mặt cần tăng cường phô trương sức mạnh, tiến hành uy hiếp tổng thể. Sự uy hiếp truyền thống thường chỉ giới hạn ở lĩnh vực quân sự hoặc vũ khí hạt nhân. Nhưng sự uy hiếp trong chính trị quốc tế hiện nay thường sử dụng biện pháp ngoại giao và kinh tế nhiều hơn. Kể cả uy hiếp về an ninh cũng không chỉ đơn giản là việc “dùng đao nhuốm máu”. Tuy nhiên cần phải tạo ra sự uy hiếp đủ mạnh, ít nhất cần tăng cường ở 3 mặt sau: Một là thực lực cứng, sức mạnh quân sự là hết sức quan trọng. Đồng thời với việc xây dựng lực lượng quân sự đủ mạnh để ứng phó với cuộc chiến tranh quy mô lớn trên biển và có thể đánh thắng cuộc chiến tranh hiện đại trong điều kiện khoa học kỹ thuật cao, cũng cần tăng cường lực lượng chấp pháp trên biển, duy trì lực lượng quân sự trên biển có hiệu quả và tăng cường khả năng kiểm soát, ngăn ngừa và ứng phó với khủng hoảng hoặc xung đột bất ngờ trên biển.

Hai là sức mạnh của quyết sách. Cần phải có ý chí đáp trả kiên định và nhận thức, nắm bắt đúng đắn tình hình và lợi ích quốc gia. Các bộ ngành quản lý, giải quyết sự vụ trên biển của TQ rất nhiều, lợi ích đan xen phức tạp. Việc điều phối các bộ ngành này triển khai chính sách và lập trường thống nhất, tập trung sức mạnh và nguồn lực đồng tâm thực hiện mục tiêu đã xác định là hết sức quan trọng.

Ba là sức mạnh ngoại giao. Ngoại giao là con đường chủ yếu nhất để chuyển tải các thông tin răn đe, đồng thời ngoại giao cũng là một biện pháp trả đũa như cắt đứt giao lưu quân sự, trục xuất nhân viên ngoại giao, phản đối ngoại giao… Ngoài ra cũng cần phải nói rõ sự thật, thuyết trình lý lẽ. Ngoài việc tăng cường nghiên cứu và đấu tranh pháp lý quốc tế, cũng cần phải nhận thấy rằng các vấn đề trên biển ngày càng gắn liền với các nhân tố chính trị quốc tế, việc phân định biển và trật tự trên biển xưa nay không đơn giản chỉ là vấn đề pháp lý. Trong cuộc đấu tranh phân định biển, TQ không những phải thông hiểu và áp dụng linh hoạt luật quốc tế, mà còn phải tăng cường đấu tranh ngoại giao nhằm tranh thủ sự ủng hộ của thế giới.

Thứ nhất, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ quyền, xác định rõ phạm vi chủ quyền. TQ hiện nay vẫn chưa hoàn thành việc xác định đường cơ sở lãnh hải, mới chỉ xác định một phần đường cơ sở lãnh hải của bờ biển lục địa và quần đảo Hoàng Sa. TQ cần phải tuyên bố đường cơ sở lãnh hải của tất cả các đảo thuộc TQ, từ đó để xác định phạm vi cụ thể các vùng biển của TQ.

Thứ hai, đồng thời với việc tăng cường đấu tranh cần giữ kiên nhẫn ở mức độ nhất định. Do ảnh hưởng rất lớn của dư luận và chủ nghĩa dân tộc, nên không có nước nào dễ dàng thỏa hiệp hay nhượng bộ, do đó đàm phán phân định biển là một quá trình lâu dài và gian khổ. TQ cần phải kiên trì lập trường của mình, kiên nhẫn, không nên nóng vội và hy vọng vào việc chỉ thông qua sức lực, sự nhượng bộ, thỏa hiệp của mình mà có thể giải quyết được vấn đề.

Thứ ba, cần kết hợp giữa việc bảo vệ lợi ích biển và việc tham gia xây dựng trật tự biển quốc tế. Để trở thành một cường quốc biển, TQ cần tham gia rộng rãi vào việc xây dựng luật biển quốc tế cụ thể, như giải quyết tranh chấp, quản lý biển quốc tế, xác lập địa vị pháp lý của các đảo, đưa ra những giải thích hợp lý đối với những điểm mà Công ước Luật biển còn mơ hồ, đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ của các nước khác. TQ cũng cần tham gia tích cực công tác của các cơ quan biển quốc tế như Tòa án Luật biển quốc tế, Ủy ban quản lý đáy biển quốc tế, tạo ra sự ủng hộ và giúp đỡ không thể thiếu cả về nhân lực, vật lực và trí lực trong việc vận hành các cơ quan trên.

Theo Tạp chí Tri thức thế giới - 16/9

Quốc Trung (gt)