Mỹ công khai can dự vấn đề Biển Đông 


Hồi tháng Hai vừa qua, tại Thượng Hải, Trung Quốc đã tổ chức “Diễn đàn khoa học Đông phương” với chủ đề “Vấn đề mới và phương pháp mới của lực học chuyển động trong lĩnh vực hải dương và hàng không” với sự tham gia của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực về hải dương và hàng không trong cả nước. Diễn đàn này đã đưa ra thông điệp: vùng biển Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) thuộc Biển Đông hiện đang có hơn 1000 giàn khoan dầu mỏ nước sâu hoạt động, các nước xung quanh Biển Đông đang lợi dụng những giàn khoan này, khai thác một lượng lớn dầu mỏ và khí thiên nhiên. Cùng thời điểm này, tờ “Thời báo Niu Yoóc” của Mỹ đưa tin: Việt Nam đang lặng lẽ, nhưng tập trung và tích cực, thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông, tức lôi kéo nhiều hơn các nước Đông Nam Á tham gia để mặc cả với Trung Quốc, từ đó buộc Trung Quốc phải nhượng bộ. Động thái này cho thấy vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN hữu quan đang có xu hướng phức tạp hơn. 


Tại “Diễn đàn khoa học Đông phương”, các học giả Trung Quốc nêu rõ về phía Trung Quốc, việc nâng cao năng lực nghiên cứu chế tạo giàn khoan khai thác dầu mỏ trên biển ở vùng biển có độ sâu trên 600 mét là có tính hiện thực và tính mục đích rõ ràng và khả thi, nhưng việc thực hiện mục tiêu này không phải là dễ dàng và nhanh chóng. Còn về việc Việt Nam quốc tế hóa vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông, không ít học giả Trung Quốc kiến nghị có thể lấy Cămpuchia và Mianma, hai nước vốn không có lợi ích tại Biển Đông, để làm chỗ dựa và đột phá khẩu ngăn chặn chủ trương quốc tế hóa vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông của Việt Nam. Từ đó, đưa ra kết luận: Việt
Nam lợi dụng ASEAN để thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông là vô cùng khó khăn và sẽ không có kết quả. Thế nhưng, cần phải nhớ rằng tính phức tạp của vấn đề không chỉ hạn chế ở tầng nấc khu vực, mà vấn đề Biển Đông hiện nay đã và đang có xu thế mở rộng thành vấn đề quốc tế. 


Cách đây chưa lâu, Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ đã tổ chức cuộc điều trần về vấn đề Biển Đông. Thông điệp đưa ra từ cuộc điều trần này đã thể hiện rất rõ hiện thực khách quan: Mỹ đang từ phía sau cánh gà bước ra sân khấu. Hay nói cụ thể hơn, trong quá trình giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông giữa các nước hữu quan, Mỹ đang dần công khai hóa sự can dự của mình. Tất cả những động thái này cho thấy bất kể sự can dự của Mỹ vào vấn đề Biển Đông sâu đến mức nào, cũng như bất kể cơ cấu nào như cái gọi là “Tập đoàn Nam Sa” đang được hình thành nhằm vào Trung Quốc mà báo chí Malaixia từng tuyên truyền, đều có thể nhanh chóng trở thành hiện thực. Hệ quả là vấn đề tranh chấp liên quan đến chủ quyền Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước hữu quan được nâng cấp, đây sẽ là xu thế phát triển không thể đảo ngược. Trong bối cảnh này, Trung Quốc cần phải nhận thức được, nếu như tranh chấp chủ quyền Biển Đông chỉ hạn chế ở tầng nấc song phương và khu vực, vậy thì chủ trương “gác tranh chấp cùng khai thác” mà Chính phủ Trung Quốc từng đưa ra sẽ rất dễ đạt được nhận thức chung. Thế nhưng, trong bối cảnh có thế lực hùng mạnh bên ngoài can thiệp sâu, tranh chấp hữu quan sẽ chỉ phức tạp thêm chứ không đạt được bất kỳ phương thức giải quyết nào. 


Đối sách của Trung Quốc 


Trên thực tế, bất kể là xung đột Nga - Grudia năm 2008, hay mọi sự kiện bất ngờ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và ở đâu đều có cái bóng của Mỹ hoặc đậm hoặc nhạt. Hiện tượng này đã phản ánh rất rõ hiện thực nếu như không thể thông qua một phương thức hay con đường nào đó buộc Mỹ phải thay đổi chính sách can dự sâu vào vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông, vậy thì không chỉ lợi ích của Trung Quốc bị tổn hại nghiêm trọng, mà mối nguy hại đối với các nước trực tiếp tranh chấp còn có thể mang tính thảm họa. 


Tình hình đã rất rõ ràng, tranh cãi chủ quyền Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á không chỉ liên quan đến vấn đề nguồn tài nguyên các loại, mà còn liên quan đến vấn đề chủ quyền. Trung Quốc có thể căn cứ vào “những chứng cứ lịch sử” để giới định vùng biển hữu quan là lãnh hải của Trung Quốc, nhưng các nước hữu quan cũng có thể căn cứ vào lý luận thềm lục địa để xác định vùng biển đó là lãnh hải của mình. Chính do mâu thuẫn gay gắt liên quan đến lợi ích hạt nhân của các bên, do Mỹ thực hiện kế sách ly gián trong đó, nên chủ trương “gác lại tranh chấp cùng khai thác” mà phía Trung Quốc đưa ra không thể thực hiện, dẫn đến phía Trung Quốc không tìm được con đường thích hợp giải quyết tranh chấp. 


Nói một cách thẳng thắn, bất kể là lập trường mà Philíppin đã đưa ra trong vấn đề chủ quyền đảo Hoàng Nham (Scarborough Shoal), hay là hành động khiêu khích cực đoan bắt giữ ngư dân Trung Quốc của Inđônêxia, hay hành vi tàu hải giám Trung Quốc mở rộng phạm vi giám sát để bảo vệ lợi ích nghề cá của Trung Quốc, tất cả các hành động này đều chỉ khiến tình hình xấu thêm và tạo ra lý do hợp pháp để nước khác như Mỹ can dự. 


Gần đây, trong vấn đề Trung Quốc làm thế nào để đối phó với sự can dự của Mỹ và giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông, trong giới học giả Trung Quốc có ra hai chủ trương hoàn toàn khác nhau. Một bên chủ trương tiếp tục áp dụng phương thức đàm phán hoà bình để giải quyết, điều này hiển nhiên là xuất phát từ những suy tính đến vấn đề “hòa bình trỗi dậy” của Trung Quốc. Một bên khác phủ nhận, cho rằng đàm phán hoà bình không mang lại kết quả, vì thế đưa ra chủ trương khi cần thiết có thể áp dụng hành động vũ lực để giải quyết. Chủ trương này là của phái cứng rắn trong nội bộ Trung Quốc. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích chiến lược Trung Quốc, phán định của phái cứng rắn đối với diễn biến của tình hình là chính xác, nhưng sách lược đối phó dùng vũ lực là không thể áp dụng. Hay nói cụ thể hơn, nếu như Trung Quốc dùng vũ lực, tạo ra cái cớ để Mỹ, Nhật Bản, Ôxtrâylia, thậm chí là cả tổ chức NATO tham dự vào giao chiến với Trung Quốc, trong bối cảnh không có bất kỳ đồng minh quân sự nào, Trung Quốc sẽ chỉ có một kết quả duy nhất là thất bại. 


Hiển nhiên, khi đã không thể giành thắng lợi, điều đó cũng đồng nghĩa với cách làm này là nguy hiểm. Mặc dù lãnh đạo Trung Quốc phản đối sử dụng vũ lực, nhưng cũng không phải là không tìm được phương thức giải quyết. Việc Mỹ sở dĩ gây khó khăn cho Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, trên thực tế không phải là khó lý giải, mục đích chủ yếu là kiềm chế Trung Quốc “hòa bình trỗi dậy”. Lịch sử đã cho thấy, biện pháp và con đường Mỹ kiềm chế Trung Quốc không chỉ hạn chế ở vấn đề Biển Đông, mà còn ở vấn đề Đài Loan, vấn đề Tây Tạng (năm 2008), vấn đề Tân Cương (năm 2009), hay mọi vấn đề có thể gây nguy hại tới lợi ích của Trung Quốc, Mỹ đều tìm cách áp dụng để có thể gây tổn hại nghiệm trọng cho Trung Quốc.

 

Thế nhưng, Trung Quốc sẽ không thể chỉ biết ngồi nhìn Mỹ can dự vào vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông, mà trong tay Trung Quốc còn có những “quân bài chủ” ngoài vấn đề kinh tế mậu dịch song phương với Mỹ. Không ít học giả Trung Quốc nêu rõ Mỹ công khai tuyên bố coi ngăn chặn mở rộng hạt nhân và tấn công chủ nghĩa khủng bố là mục tiêu trọng điểm trong chiến lược toàn cầu của Mỹ hiện nay, theo đó yêu cầu Trung Quốc giúp đỡ. Về phía Trung Quốc, xuất phát từ nguyên tắc trách nhiệm quốc tế, Trung Quốc cũng đã có những nỗ lực trong vấn đề này. Vì thế, Trung Quốc cũng cần yêu cầu Mỹ có những biểu hiện trách nhiệm tương tự. Trung Quốc cần nêu rõ với Mỹ: kết quả Trung Quốc giải quyết vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên có lợi cho Mỹ hơn so với lợi ích mà Mỹ có được từ việc can dự vào vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Khi cần thiết Trung Quốc có thể đưa ra chủ trương cực đoan: không yêu cầu Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, trái lại Trung Quốc cần giúp đỡ Bắc Triều Tiên thực hiện chương trình phát triển hạt nhân. Trong chừng mực nhất định của bối cảnh hiện nay, đây có thể là sách lược tối ưu để Trung Quốc ngăn chặn Mỹ can dự vào vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN tại khu vực Biển Đông. 

 

 

 

Tổng hợp từ tờ "Đại công báo" và “Đông phương” báo “Văn hối” của Hồng Công các số ra gần đây