Tổng thống Mỹ Donald Trum đã thay thế ông Rex Tillerson bằng ông Mike Pompeo trên cương vị Ngoại trưởng, và Trung tướng Lục quân McMaster bằng ông John Bolton trên cương vị cố vấn an ninh quốc gia. Những động thái này phản ánh tham vọng của Tổng thống Mỹ trong việc kiểm soát chặt chẽ hơn ê-kíp dưới quyền bằng những quan chức có quan điểm phù hợp hơn với tư duy của mình. Giống như ông Trump, cả Pompeo và Bolton đều là những nhân vật “diều hâu”, trong khi Tillerson và McMaster có thể được xem những người có đầu óc thực tế và ôn hòa hơn. Trong trường hợp của Bolton, ông Trump đã bổ nhiệm một nhân vật có tính khí bốc đồng và bùng nổ không kém gì mình. Cả Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cũng như Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly, hai viên tướng thủy quân lục chiến đã nghỉ hưu, đều không ủng hộ sự lựa chọn của Tổng thống Mỹ. Về phần mình, Pompeo là một nhà lý luận và cũng là người trung thành tuyệt đối với Trump, đồng thời cũng chưa bao giờ thực sự hài lòng với vị trí giám đốc CIA hơi kín tiếng trước kia. 

Trong số các quan chức thuộc ê kíp an ninh quốc gia hiện tại, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis và tướng Joseph Dunford, Jr., Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, vẫn là những nhân vật am hiểu và có quan điểm cân bằng nhất về việc sử dụng sức mạnh quân sự - được xem là “những người lớn trong phòng”. Trong bối cảnh đó, nhiều khả năng sẽ có sự đối đầu dai dẳng trong bộ máy giữa Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ với Bộ Quốc phòng. Và điều trớ trêu là Lầu Năm Góc lại đóng vai trò kiềm chế các hành động quân sự, trái ngược với mối quan hệ thông thường từ trước đến nay giữa giới dân sự và quân sự tại Mỹ. 

Lý do Tillerson phải ra đi 

Nhà Trắng đã đánh tín hiệu về sự ra đi của Tillerson từ nhiều tháng qua, trước khi Trump tuyên bố sa thải ông này qua mạng xã hội Twitter. Khác với Trump, ông Tillerson có quan điểm ủng hộ việc tiếp tục Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), tên gọi chính thức của thỏa thuận hạt nhân Iran; giữ Mỹ tiếp tục tham gia Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu; và tiến hành các nỗ lực ngoại giao với Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Tháng 7/2017, ông Tillerson được cho là đã đưa ra những nhận xét thiếu kính trọng về khả năng trí tuệ của tổng thống, khi gọi ông này là “đồ đần” sau một cuộc gặp cấp cao về chính sách đối ngoại. Sở dĩ ông Tillerson chưa mất chức ngay khi đó là vì Nhà Trắng không muốn bị mất mặt về hình ảnh hỗn loạn của mình, cùng với hy vọng rằng với cương vị là cựu CEO của ExxonMobil và từng thiết lập được quan hệ mật thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Tillerson có thể thúc đẩy quan hệ tốt hơn giữa Mỹ và Nga. Tuy nhiên, thay vào đó ông Tillerson ngày càng tỏ ra lo ngại về sự can thiệp của Nga vào chính trường Mỹ khi tuyên bố nước Nga đã “vượt khỏi tầm kiểm soát”, sau vụ mưu sát một cựu điệp viên Nga và con gái bằng chất độc thần kinh nhóm vũ khí quân sự tại Anh ngày 4/3, với lời khẳng định Nga phải chịu trách nhiệm “rõ ràng”. Sự ra đi của ông Tillerson là kết quả của một quá trình tích tụ kéo dài, và sẽ để lại những hệ lụy không nhỏ. 

Pompeo là người trung thành tuyệt đối với Trump 

Tổng thống Mỹ đã đề cử Mike Pompeo thay thế Tillerson. Pompeo là nhân vật trung thành tuyệt đối với Trump khi luôn ủng hộ kiểu “tuyên bố chính sách bằng Twitter” của Tổng thống Mỹ, xem đây như một phương tiện quan trọng để kích động các phản ứng quốc tế; trên cương vị Giám đốc CIA ông này còn thay đổi cả quy trình Báo cáo tổng thống hàng ngày để chiều thói không thích câu nệ chi tiết của Trump. Ông Pompeo, người từng bị tống khỏi Quốc hội và không phải là nhà lãnh đạo tình báo chuyên nghiệp, đã xem nhẹ những đánh giá của CIA về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, và có xu hướng đi vượt ra ngoài thẩm quyền của mình. Tiêu biểu như việc đầu tháng 3, ông Pompeo đã công khai tỏ ra ngờ vực khả năng Triều Tiên sẽ chịu từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này, đồng thời cam đoan sẽ “không có nhượng bộ nào” đối với Bình Nhưỡng trong khi tiến hành các cuộc đàm phán song phương giữa hai bên. Mặc dù có thể khi đưa ra những tuyên bố này, ông Pompeo đã biết trước triển vọng trở thành ngoại trưởng của mình, nhưng như vậy cũng là đi quá xa chức trách của một Giám đốc CIA. 

Trong khi Tillerson ít ra cũng còn là một người có đầu óc thực tế và ôn hòa, Pompeo là nhân vật “diều hâu” kiểu “Nước Mỹ trước tiên” hùa theo những cơn bốc đồng khó dự đoán của Trump. Bên cạnh đó, dường như ông Trump đã lựa chọn Mike Pompeo làm ngoại trưởng chủ yếu trên cơ sở tương đồng về chính trị và phong cách. Điều này sẽ làm phức tạp thêm cho những vấn đề mà Tillerson đã tạo ra. Ông Tillerson chưa từng qua trường lớp ngoại giao cũng như cương vị quan chức chính phủ nào, nhưng lại muốn sử dụng những kinh nghiệm lãnh đạo doanh nghiệp của mình để chèo lái Bộ Ngoại giao theo kiểu một giám đốc thực hiện một mục tiêu kinh doanh. Kết quả là Tillerson tự cô lập chính mình và khiến Bộ Ngoại giao Mỹ mất đi hàng loạt quan chức và nhân viên dày dạn kinh nghiệm, khiến bộ này trở nên rối loạn, thiếu nhân sự và không còn không khí làm việc. Cũng giống Tillerson, Pompeo không phải dân ngoại giao chuyên nghiệp, và ít có khả năng ông này sẽ ưu tiên cho việc sửa chữa những thiệt hại về mặt tổ chức do Tillerson gây ra với Bộ Ngoại giao. Bất chấp những cảnh báo này, khả năng cao là ông Pompeo sẽ không gặp phải những khó khăn đáng kể để được Thượng viện Mỹ thông qua đề cử trở thành ngoại trưởng. 

Sự ra đi của ông McMaster 

Khác với Pompeo, việc Trump bổ nhiệm Bolton làm cố vấn an ninh quốc gia không cần đến sự phê chuẩn của Thượng viện. Bolton từng đảm nhiệm một số vị trí cấp cao trong Bộ Ngoại giao; ông hiện là nhà bình luận cho kênh Fox News và nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, tổ chức nghiên cứu hàng đầu tại Washington mang quan điểm bảo thủ. Trong khi McMaster, với lý lịch quân sự của mình cùng xu hướng quan điểm thực dụng, có thể đã không thành công trong việc thiết lập một bộ máy hoạch định chính sách an ninh có hệ thống, thì Bolton lại càng ít có khả năng thực hiện được mục tiêu này. Nếu như vướng mắc cá nhân hoặc tổ chức giữa Trump và cố vấn an ninh mới của ông bớt đi – mà điều này ít khi xảy ra – thì cũng chỉ là vì hai người chia sẻ cùng một tư duy chiến lược và quyết tâm thể hiện điều đó. 

Trên cương vị một người hùng trong chiến tranh và một học giả-tướng lĩnh từng được Trump ngưỡng mộ, tưởng chừng như McMaster đã là một lựa chọn tốt. Cuốn sách “Dereliction of Duty” (tạm dịch “Bỏ bê nhiệm vụ”) của ông xuất bản năm 1997 nổi tiếng với việc thách thức lại suy nghĩ lâu nay về quy trình ra quyết định của Washington trong Chiến tranh Việt Nam. Về bản chất, McMaster là người theo quan điểm thực tế về chính sách đối ngoại, mặc dù ông tin tưởng vào khả năng của hành động quân sự trong việc đem lại an ninh và ổn định. Việc bổ sung John Kelly, một tướng thủy quân lục chiến về hưu, vào vị trí Chánh Văn phòng được cho là nhằm củng cố thêm vai trò của McMaster. Tuy nhiên, McMaster đã tỏ ra không có khả năng dẫn dắt Trump tham gia quy trình ra quyết định an ninh quốc gia mang tính thảo luận có thể kiềm chế bớt thói bốc đồng của Tổng thống Mỹ và đưa ra những chính sách nhất quán hơn. Thay vào đó, quy trình này chỉ càng thêm rối rắm và tùy hứng hơn khi Trump ngày càng thích công bố chính sách qua Twitter hơn là tin tưởng McMaster, người mà Trump xem là “thông thái rởm và dài dòng”. Có lẽ để tranh thủ thêm sự ủng hộ, McMaster đã thử ngả theo quan điểm diều hâu được cho là phù hợp hơn với tổng thống khi ủng hộ cách tiếp cận “Nước Mỹ trước tiên” trong hai bài xã luận năm 2017 trên tờ Wall Street Journal và New York Times viết chung với Gary Cohn, khi đó còn là Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia của Mỹ nhưng hiện cũng đã rời bỏ chức vụ này. Ngoài ra, McMaster cũng lảng tránh những mối đe dọa từ Nga để làm vừa lòng Trump khi trong nhiều tháng liền không tham dự một cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia về vấn đề này. 

Nhưng những cách lấy lòng nói trên vẫn là chưa đủ để McMaster giành được sự ủng hộ của Trump. Viên tướng này (cũng giống như Tillerson) được cho là đã phát ngôn không hay về trí tuệ của Trump, và cuối cùng dường như đã phải bỏ cuộc trong nỗ lực làm vừa lòng Trump. Tháng 2 vừa qua, sau khi Bộ Tư pháp Mỹ truy tố 13 cá nhân và 3 công ty Nga vì can thiệp vào cuộc bầu cử 2016 tại Mỹ, McMaster đã khiến Trump nổi giận khi công khai tuyên bố, tại một hội nghị an ninh quan trọng ở Munich, rằng những bằng chứng về sự can thiệp là “không thể chối cãi được.” McMaster còn chọc tức thêm Tổng thống Mỹ khi tham vấn riêng với Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama. 

Những hệ lụy về mặt chính sách 

Trong số các chính sách cụ thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau sự ra đi của McMaster có lẽ vẫn là triển vọng của thỏa thuận hạt nhân Iran. Động cơ chủ yếu của Trump phía sau đợt cải tổ ê kíp dưới quyền hiện nay dường như là nhằm loại bỏ những trở ngại đối với mục tiêu xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, văn bản mà Tổng thống Mỹ đã từ chối phê chuẩn. Tillerson là một trở ngại; McMaster cũng vậy. Trong khi cả Pompeo và Bolton đều phản đối quyết liệt thỏa thuận hạt nhân Iran. Bolton, trong thực tế, còn ủng hộ tấn công phủ đầu Iran, và cũng được biết đến với quan điểm ủng hộ thay đổi thể chế ở cả Iran và Triều Tiên – bất chấp sự phản đối từ nhiều nhân vật Cộng hòa cũng như Dân chủ. Mặc dù Mattis ủng hộ duy trì thỏa thuận, nhưng ông cũng xem Iran là một mối đe dọa lớn đối với an ninh và ổn định tại khu vực. Xóa bỏ JCPOA sẽ càng khoét sâu sự chia rẽ giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu nhưng lại khiến quân đội Mỹ được tự do hành động hơn – với khoảng 10 nghìn binh sĩ đang được triển khai tại Iraq và Syria – trong đối đầu với ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông. Viễn cảnh này sẽ càng làm gia tăng sự đối đầu chiến lược giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shiite trong khu vực, vốn đã được Chính quyền Trump khoét sâu hơn từ trước bằng cách thiết lập quan hệ mật thiết hơn với Ả Rập Saudi.

Sự ra đi của Tillerson và McMaster được cho là có thể có ít tác động hơn đối với chính sách của Mỹ trong vấn đề Triều Tiên, với mục tiêu là ngăn chặn các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này, đồng thời phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Nhưng trong thực tế thì hệ lụy cũng nghiêm trọng không kém. Mặc dù Tillerson vẫn ủng hộ tăng cường các nỗ lực ngoại giao và giảm bớt những hành động gây căng thẳng với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nhưng trong thực tế Trump đã gạt bỏ vai trò của Tillerson trong vấn đề này từ nhiều tháng trước khi chính thức sa thải ông bằng cách đưa ra những tuyên bố qua Twitter để bác bỏ những lời kêu gọi ngoại giao của Tillerson. McMaster, về phần mình, có vẻ như lại chia sẻ quan điểm của Trump về việc Mỹ nên gây sức ép bằng đe dọa quân sự và các biện pháp trừng phạt trong khi xem nhẹ vai trò của ngoại giao. Dường như theo ý muốn của Tổng thống, McMaster đã ép Lầu Năm Góc phải đưa ra những kế hoạch quân sự - bao gồm lựa chọn tấn công phủ đầu có giới hạn vào một cơ sở tên lửa hoặc liên quan của Triều Tiên – nhằm khuếch trương sức mạnh răn đe của Mỹ trong khi ngăn chặn được vấn đề leo thang thành một cuộc chiến tranh lớn và những thiệt hại đi kèm do đạn pháo và tên lửa (từ Triều Tiên) nhằm vào dân thường Hàn Quốc. Tuy nhiên, các bên liên quan cuối cùng cũng phải thừa nhận rằng không kế hoạch tấn công nào có thể chắc chắn loại trừ được khả năng leo thang hoặc những thiệt hại đối với Hàn Quốc. 

Trump thiết lập được ê-kíp chính sách mang quan điểm diều hâu tương đồng 

Sự ưu tiên các lựa chọn quân sự của Chính quyền Trump thay cho các hoạt động ngoại giao cuối cùng cũng phải nhường chỗ cho sáng kiến ngoại giao của chính Seoul và Bình Nhưỡng, sau khi hai miền Triều Tiên đồng ý giảm căng thẳng thông qua Thế vận hội mùa Đông do Hàn Quốc đăng cai và tiến hành các cuộc thảo luận song phương không có sự tham dự trực tiếp của Mỹ. Tạm thời Chính quyền Trump cũng đã tỏ ra chấp nhận đề nghị đàm phán với Triều Tiên để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Tuy nhiên, với việc thay thế Tillerson bằng Pompeo và McMaster bằng Bolton, Tổng thống Mỹ đã bảo đảm được việc thiết lập ê-kíp chính sách mang quan điểm diều hâu tương đồng với mình. Do vậy các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng – nếu diễn ra – cũng nhiều khả năng sẽ không mang lại kết quả cụ thể nào, trong bối cảnh mỗi bên đều không hề mặn mà với việc đáp ứng các điều kiện của nhau nhằm đạt được tiến triển. Trong trường hợp đó, nhiều khả năng Chính phủ Mỹ sẽ nối lại và tăng cường chính sách “áp lực tối đa” đầy cứng rắn, tập trung vào những biện pháp trừng phạt và đe dọa quân sự, mà không có yếu tố ngoại giao thực sự nghiêm túc nào, khiến cho nguy cơ xung đột vũ trang càng trở nên rõ ràng. Bolton là người công khai ủng hộ việc tấn công phủ đầu Triều Tiên bất chấp những thiệt hại liên quan, như đã nêu trong một bài báo đăng trên tờ Wall Street Journal ngày 28/2. 

Cả hai nhân vật mới được bổ nhiệm đều thừa nhận sự ưu tiên của Chính quyền Trump về chính trị giữa các nước lớn hơn là vấn đề khủng bố, như tinh thần thể hiện trong Chiến lược an ninh quốc gia và Chiến lược quốc phòng được công bố đầu năm nay. Nhưng vẫn chưa rõ Pompeo và Bolton sẽ xử lý như thế nào các vấn đề sát sườn hiện nay liên quan đến Iran và Triều Tiên, nếu so với những thách thức lâu dài từ Trung Quốc và Nga. Ví dụ, Bolton đã đặt dấu hỏi về chính sách “Một Trung Quốc” lâu nay của Mỹ. Nếu Chính quyền Trump lựa chọn chuyển sang “ăn thua đến cùng” trong vấn đề Iran và Triều Tiên, thì có nghĩa là Mỹ sẽ khó có đủ nguồn lực để đồng thời cứng rắn với Trung Quốc. Một vấn đề nan giải khác là chiến lược mới còn đang manh nha của Chính quyền Mỹ hiện tại trong việc “chơi sát ván” ở Afghanistan sẽ được triển khai như thế nào dưới thời của ê kíp mới. Đó là chưa kể liệu ê-kíp mới có ủng hộ các biện pháp đáp trả quyết liệt trước những nỗ lực hiện nay của Nga nhằm can thiệp vào các thể chế chính trị tại Mỹ hay không trong bối cảnh Trump trước nay vẫn giữ quan điểm rằng những hoạt động này đã bị thổi phồng hoặc thậm chí là không tồn tại. 

Những động cơ của Trump 

Những rắc rối về tổ chức và sự đen đủi mà McMaster và Tillerson gặp phải bắt nguồn từ sự khác biệt tính cách và chính sách của họ với Trump. Trump đã lựa chọn những người thay thế họ không phải trên cơ sở sự hòa đồng gắn bó giữa họ hoặc các kỹ năng về mặt tổ chức – những phẩm chất mà Tổng thống Mỹ rõ ràng là không đánh giá cao nếu nhìn lại những vị trí mà ông đã đề cử – mà dựa vào sự tương đồng về quan điểm, thiên hướng đi ngược trào lưu chung, có sức hút trong mắt đội ngũ hậu thuẫn chính trị của Trump và sự gần gũi về cá tính. Mặc dù Tổng thống Mỹ đã tuyên bố đánh giá cao việc các quan chức dưới quyền mình “có quan điểm khác biệt” và thích có “xung đột” bên trong bộ máy chính quyền, nhưng ý đồ thực sự của Trump rõ ràng là tập hợp những người thừa hành chứ không phải một “đội ngũ những người ganh đua”. Vốn được biết đến nhờ bản tính cay nghiệt của mình, phương châm hành xử của Bolton xưa nay vẫn là “thượng đội, hạ đạp”; còn Pompeo, như đã nói, vốn là một người trung thành tuyệt đối với Trump. 

Bên cạnh đó, nhiều khả năng các vị trí bổ nhiệm mới của Trump cũng còn phản ánh thói quen thích gây sốc để thu hút sự chú ý, nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi việc công tố viên đặc biệt Robert Muller đang tăng cường điều tra về khả năng có sự cấu kết giữa nhóm vận động tranh cử của Trump và Nga để tác động đến kết quả bầu cử tổng thống năm 2016. Nếu Muller đưa ra những bản cáo trạng mới gần hơn với việc đưa ra những bằng chứng về sự cấu kết có thể khiến Trump bị đưa ra luận tội, thì vấn đề chính trị nội bộ sẽ ngày càng chi phối việc ra quyết định về an ninh quốc gia. Trong hoàn cảnh đó, những xáo trộn gần đây trong bộ máy chính quyền có thể mở đường cho những biến động lớn hơn về chính sách đối ngoại. Bản thân Trump cũng đã gần như ngày càng ngả theo hướng rút hoàn toàn khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và phát động tấn công quân sự nhằm vào Triều Tiên. Mattis và Dunford, cùng với Tillerson và đôi khi cả McMaster, đã kiềm chế được một số cơn bốc đồng của Trump. Giờ thì khi đã bị áp đảo, hai thành viên còn lại trong đội ngũ chính sách an ninh năm đầu tiên của Trump sẽ phải đối mặt với áp lực lớn hơn khiến họ phải chịu lép vế trước Pompeo và Bolton, do sự tương đồng về chính sách của hai nhân vật đến sau với tổng thống. 

Triển vọng: Liệu Mattis có trụ vững? 

Câu hỏi cấp thiết lúc này là liệu Mattis có khuất phục trước sức ép ngày càng tăng từ Bolton và Pompeo, hay sẽ kiên cường hơn để chế ngự hai người mới? Khác với họ, Mattis vững tin vào việc duy trì trật tự thời hậu chiến dựa trên luật lệ - điều mà Trump có vẻ như quyết tâm loại bỏ. Nhưng khác biệt căn bản nhất có lẽ sẽ nảy sinh trong vấn đề sử dụng sức mạnh quân sự. Mattis công khai cổ vũ cho việc bổ sung và kiềm chế sức mạnh quân sự bằng những nguồn lực kinh tế và ngoại giao, đồng thời tỏ ra thận trọng với việc quân sự hóa chính sách đối ngoại của Mỹ. 

Khả năng kiểm soát sâu sát của Mattis đối với quân đội cho phép ông có ảnh hưởng rất lớn trong việc xây dựng cũng như thực hiện chính sách an ninh, và có những dấu hiệu cho thấy ông sẽ phản ứng trước những hành động mà ông cho là không khôn ngoan. Đầu năm nay, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tỏ ra miễn cưỡng thừa nhận rằng hành động quân sự giới hạn nhằm vào Triều Tiên có thể được thực hiện mà không có khả năng đáng kể làm leo thang và gây thiệt hại liên quan. Việc Lầu Năm Góc không thể tìm cho McMaster một cái cầu vai bốn sao để xoa dịu nỗi đau phải rời khỏi Nhà Trắng – thay vào đó ông sẽ nghỉ hưu với quân hàm tướng ba sao – có thể cho thấy sự cứng rắn đang hình thành từ phía Bộ Quốc phòng đối với Nhà Trắng. Và nếu người được đề cử vào chức Giám đốc CIA Gina Haspel, vốn không bị xem là người trung thành với Trump, có thể được Thượng viện phê chuẩn bất chấp lý lịch ủng hộ “tra khảo tăng cường”, thì Mattis có thể tìm kiếm sự ủng hộ từ bà này. 

Tuy nhiên Mattis đã chia sẻ với các đồng nghiệp rằng ông không dám chắc mình có thể làm việc cùng Bolton. Nếu Pompeo và Bolton thúc ép việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hoặc tiến hành đòn tấn công phủ đầu nhằm vào Triều Tiên, thì Mattis có thể đe dọa từ chức. Trong trường hợp đó, Trump sẽ phải đối mặt với việc loại bỏ Mattis hoặc nếu không thì phải xuống nước. Khó có thể nói Tổng thống Mỹ sẽ chọn hướng nào. Dù sao đi nữa, sự chia rẽ trong ê-kíp ra quyết định về chính sách đối ngoại của Chính quyền Donald Trump sẽ ngày càng trở nên rõ ràng hơn và có thể dẫn đến tình trạng xáo trộn hơn nữa trong thành phần đội ngũ chính sách đối ngoại. Sự mong manh về mặt tổ chức bộ máy có thể làm sụt giảm hơn nữa khả năng ảnh hưởng của nước Mỹ trên toàn cầu và làm giảm bớt lòng tin của cộng đồng quốc tế vào vai trò lãnh đạo của Mỹ.

Jonathan Stevenson là chuyên gia về chính sách quốc phòng Mỹ của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) , Anh. Bài viết được đăng trên IISS.

Trần Quang (gt)