Tại Hội nghị lãnh đạo cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 15 tại Phnôm Pênh, vấn đề Biển Đông dự kiến sẽ được đưa ra bàn thảo. Liên quan vấn đề này, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh ngày 17/11 cho biết Trung Quốc có thái độ cởi mở đối với việc chế định bộ “Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC)”, đồng thời việc kiên trì “Tuyên bố về cách ứng xử các bên tại Biển Đông (DOC)” cần được các bên tuân thủ toàn diện và thiết thực.

Hồi đầu tháng 11/2002, cũng tại Campuchia, Ngoại trưởng và đại diện các nước ASEAN và Trung Quốc đã ký kết DOC. Đây là văn kiện chính trị đầu tiên giữa Trung Quốc và ASEAN liên quan vấn đề Biển Đông. DOC xác nhận Trung Quốc và ASEAN đã nỗ lực tăng cường quan hệ đối tác tin cậy, cùng tăng cường hòa bình và ổn định khu vực Biển Đông, nhấn mạnh thông qua đàm phán và hiệp thương hữu hảo giải quyết tranh chấp liên Biển Đông bằng phương thức hòa bình.

Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, DOC đã trở nên "hữu danh vô thực" bởi có nước đã không ngừng dùng các biện pháp kinh tế, pháp luật, thậm chí là quân sự thay đổi hiện trạng Biển Đông.

Bên cạnh đó, các nước ASEAN hiện đang dự kiến đưa ra một tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng Inđônêxia cho biết đã vạch ra một số điểm quan trọng, nếu ngoại trưởng các nước khác đồng ý, khối này sẽ nhanh chóng tuyên bố “lập trường cơ bản” trong tuyên bố chung này.

Theo “Văn Hối”, ý đồ “nhóm một bếp lửa khác” này càng khiến DOC thêm "hữu danh vô thực". Điều đáng nói là, chỉ khi Trung Quốc tiến hành tập trận, thăm dò khai thác khí đốt từ nhiên và phát sinh xung đột ở Biển Đông, các nước ASEAN mới lại nhắc lại DOC, điều này chứng tỏ Trung Quốc chưa cần sử dụng vũ lực giải quyết tranh chấp, mới chỉ áp dụng các hoạt động duy trì chủ quyền là lập tức bị cho là vi phạm hiện trạng và vi phạm DOC.

Tại sao sau 10 năm, DOC vẫn quanh quẩn trong tình cảnh này? Phó Giáo sư Trương Minh Lượng thuộc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Ký Nam (Quảng Châu, Trung Quốc) cho rằng khi soạn thảo và ký kết DOC, Trung Quốc đã phạm một sai lầm mang đậm màu sắc tư duy tập quán: DOC chỉ có cam kết mà không có quy tắc trừng phạt đối với vi phạm cam kết. Khi đối mặt với nguồn tài nguyên cám dỗ trị giá hàng nghìn tỉ USD ở Biển Đông, chỉ dựa vào sự tuân thủ, kiềm chế và ràng buộc của Trung Quốc thôi thì không thể đủ.

Theo Trương Minh Lượng, các bên hiện nay đều đang tìm kiếm căn cứ lịch sử có lợi cho mình, song khách quan mà nói, muốn giải quyết vấn đề từ những căn cứ lịch sử là một sứ mệnh bất khả thi. Trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đã có rất nhiều nỗ lực, song hiệu quả không cao. Nguyên nhân chính là do Trung Quốc kiên trì giải quyết song phương. Chính điều này khiến các nước ASEAN cảm thấy nếu đàm phán song phương với Trung Quốc thì không khác gì “châu chấu đá voi”, nên đã nỗ lực đặt vấn đề Biển Đông vào trong khuôn khổ đa phương ASEAN.

Đa phương hóa vấn đề Biển Đông tất nhiên là bất lợi đối với Trung Quốc, và khiến tình hình thêm phức tạp. Tuy nhiên, trong 30 năm qua, ngoại giao Trung Quốc đã đi theo xu thế thế giới và theo hướng đa phương. Đây đồng thời là điều kiện có lợi để Trung Quốc tuyên bố về chính sách và lập trường đối với Biển Đông. Do đó, thay vì né tránh, Trung Quốc nên khéo léo dẫn dắt tình thế, làm chủ đạo trong các vấn đề hợp tác tại vùng biển này như an ninh phi truyền thống, chống khủng bố, chống hải tặc…

Theo chuyên gia Kim Vĩnh Minh thuộc Trung tâm Nghiên cứu Luật học Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, xét tình hình hiện nay, duy trì sự ổn định Biển Đông theo tinh thần hiệp thương hòa bình được xác định tại DOC vẫn là “phù hợp với lợi ích của đa số các nước, trong đó bao gồm các nước ASEAN và Trung Quốc. Do đó, làm thế nào trên cơ sở DOC chế định một văn kiện pháp luật có sức ràng buộc về pháp lý như COC là một đề bài chung cho tất cả các bên”.

Ngày 29/10 vừa qua, các quan chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc đã tiến hành một hội nghị phi chính thức tại Thái Lan để làm công tác chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN–Trung Quốc và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á lần thứ 7 sắp diễn ra tại Campuchia. Tại Hội nghị phi chính thức, các quan chức đều bày tỏ sẽ tiếp tục nỗ lực thông qua phương thức đối thoại hòa bình giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông, đồng thời nhất trí cho rằng bảo đảm ổn định tình hình Biển Đông là cực kỳ quan trọng. Các chuyên gia cho rằng, sự chuẩn bị nhiệt tình trong bầu không khí hữu hảo cho các hội nghị quan trọng lần này cho thấy cả Trung Quốc và các nước ASEAN đề mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác, thúc đẩy quan hệ song phương.

Trong bối cảnh ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới lần này vẫn tiếp tục, sự phát triển tiếp tục của kinh tế khu vực đang đối mặt với thách thức lớn. Trung Quốc và ASEAN xác định cần đặt trọng điểm vào hợp tác và phát triển, cùng nỗ lực duy trì ổn định khu vực, thúc đẩy mối quan hệ Trung Quốc–ASEAN phát triển lành mạnh. Có thể, vấn đề Biển Đông sẽ không được giải quyết chỉ trong một thời gian ngắn, tuy nhiên, trước mắt khó có thể xảy tranh chấp.

Theo Văn Hối

Hoàng Loan (gt)