china energy.jpg

 

Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài được thành lập theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines liên quan tới các tranh chấp ở Biển Đông. Kể từ khi bắt đầu phiên tòa, Trung Quốc đã kiên trì giữ vững lập trường 4 không của mình: Không tham dự, Không chấp nhận, không thừa nhận và không chấp hành. Nhiều nhà phân tích đã cố gắng lý giải phản ứng của Trung Quốc trước Tòa Trọng tài từ quan điểm chiến lược và chính sách an ninh khu vực của Bắc Kinh. Những gì còn thiếu trong tất cả các phân tích là vai trò ngày càng tăng của những công ty của Trung Quốc, và rất nhiều trong số đó là các doanh nghiệp nhà nước.

Ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc được hưởng lợi đáng kể từ các tranh chấp ở Biển Đông. Trong vài tuần trước phán quyết của Tòa, một vài cổ phiếu đáng chú ý của Trung Quốc đã đạt được mức tăng giá đáng kể và khối lượng giao dịch cũng tăng lên. Ngoài ngành công nghiệp quốc phòng, có những doanh nghiệp nhà nước khác đang hoạt động ít được biết đến nhưng gặt hái nhiều lợi ích từ việc tranh chấp Biển Đông.

“Quân bài” du lịch

Có một thực tế rằng ngành công nghiệp du lịch của Trung Quốc đang đóng một vai trò phức tạp trong quan điểm của Trung Quốc về tranh chấp trên Biển Đông. Mặc dù du lịch dường như là ứng cử viên không thích hợp nhất để đạt được tăng trưởng trong thời điểm xung đột và bất ổn trong khu vực, nhưng đó không phải trường hợp của các công ty Trung Quốc. Ngay sau ngày Tòa trọng tài tuyên bố phán quyết, hai máy bay của hãng Hàng không Phương Nam (China Southern Airlines) và Hàng không Hải Nam (Hainan Airlines), cả hai đều là doanh nghiệp nhà nước, đã khởi hành từ Hải Khẩu và lần lượt hạ cánh ở Đá Vành Khăn và Đá Xubi. Các chuyên gia ở Trung Quốc cho rằng cuối cùng chính quyền cũng đã vạch ra một kế hoạch cụ thể để tận dụng các nguồn lực du lịch tại các hòn đảo nhân tạo mới được cải tạo mà Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông.

Không chỉ vậy, các công ty du lịch Trung Quốc đã bắt đầu đẩy mạnh kinh doanh tại quần đảo Hoàng Sa, và được chính quyền hỗ trợ đáng kể. Các hoạt động kiểu này được cho là có liên quan đến chủ nghĩa dân tộc, nhất là khi các tour du lịch bao gồm cả lễ chào cờ và tuyên thệ. Người ta tin rằng việc thúc đẩy nguồn tài nguyên du lịch là cách để Trung Quốc tăng cường chủ quyền và quyền lợi mà họ tuyên bố ở Biển Đông. Hơn 10.000 khách du lịch Trung Quốc, được vinh danh là người yêu nước, đã đến thăm quần đảo Hoàng Sa. Các tour du lịch như vậy tiếp tục được hỗ trợ và hoan nghênh bởi công chúng Trung Quốc nói chung, đặc biệt là sau phán quyết của Tòa Trọng tài.

Các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc đang phát triển những lợi ích thậm chí lớn hơn nữa trong các nguồn lực du lịch ở Biển Đông. Tháng 4/2016, Tập đoàn Vận tải Hàng hải COSCO đã khai trương một công ty du lịch hợp tác với hai doanh nghiệp nhà nước khác, cụ thể là China Travel Service Group, và China Communications and Constructions Corp. COSCO tìm kiếm cơ hội để mở rộng hoạt động từ Hoàng Sa đến Đài Loan và các đảo khác ở các nước láng giềng, một phần của chương trình du lịch văn hóa trong khuôn khổ tham vọng “Con đường Tơ lụa trên Biển” của Trung Quốc. Trong một cuộc triển lãm, Xu Lirong, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành của COSCO đã không ngừng khẳng định rằng các chuyến du lịch đến Biển Đông sẽ là một phần của kế hoạch phát triển trong tương lai của công ty. Ông cũng nhấn mạnh rằng hoạt động kinh doanh dọc theo tuyến "Một Vành đai, Một Con đường" là một trong những trách nhiệm của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Tương lai của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc rõ ràng có liên quan trực tiếp tới nhiệm vụ “kép” là lợi nhuận về tài chính và mục tiêu chính trị-xã hội của đất nước.

Chính sách phát triển phức tạp

Sau phán quyết của Tòa Trọng tài, Trung Quốc vẫn tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào Biển Đông bởi các nhà hoạch định Trung Quốc tin rằng sự hiện diện của doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trong khu vực sẽ giúp tăng cường chủ quyền của Trung Quốc và các yêu sách biển ở Biển Đông.

Tuy nhiên, việc mở rộng những lợi ích của các doanh nghiệp nhà nước ở Biển Đông đang đẩy Trung Quốc vào thế khó xử. Ngoài những tác động tiêu cực đến mối quan hệ của Trung Quốc với một số nước trong khu vực và ảnh hưởng chiến lược khu vực của Bắc Kinh, các tranh chấp ở Biển Đông đang phủ bóng đen trên một số kế hoạch hội nhập kinh tế khu vực tham vọng hơn của Bắc Kinh như sáng kiến “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21”, đòi hỏi sự tham gia và hợp tác của nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, việc củng cố các lợi ích cho doanh nghiệp quốc doanh tại Biển Đông khiến Trung Quốc “đâm lao phải theo lao”, khó có thể rút lại các yêu sách ở Biển Đông hay khó có thể trở nên mềm dẻo hơn trước sức ép của quốc tế.

Những căng thẳng và tranh chấp ở Biển Đông khiến Trung Quốc chỉ có thể thúc đẩy “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” một cách rời rạc. Rõ ràng cách tiếp cận đa phương cho “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” sẽ tối đa hóa lợi ích của sáng kiến này cho tất cả các nước liên quan, song điều này rất khó xảy ra, ít nhất là trong tương lai gần, trừ khi Biển Đông trở nên ổn định hơn so với bối cảnh hiện tại.

Tác giả Xue Gong là nhà phân tích cấp cao thuộc Chương trình Trung Quốc tại Trường nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (RSIS), Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore. Bài viết đăng trên mạng “RSIS”.

Nhật Linh (gt)