1335504373_4813.jpg

Hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp có thể đã nghe nói đến cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng nhỏ hơn ở châu Á xung quanh các hòn đảo nằm ở phía Bắc Úc, nhưng họ không nghĩ nó lại ảnh hưởng đến thương mại cho đến khi ông Kury Campbell, cựu trợ lý Bộ trưởng ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á- Thái Bình Dương, cảnh báo về rủi ro thương mại ở vùng biển này. Tuần trước, trong một cuộc họp ở Washington, ông Campbell khẳng định: “Đây là vùng biển chiến lược quan trọng bậc nhất thế giới nếu tính theo số lượng và giá trị. Nếu vùng biển này bị đe dọa an ninh hàng hải, thì về cơ bản nó sẽ đột ngột làm thay đổi lập trình thương mại”.

Ông Campbell không chỉ là một chuyên gia về châu Á, là kiến trúc sư của Tổng thống Barack Obama và Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton trong chính sách “tái cân bằng” hay “xoay trục” sang châu Á, mà còn là một học giả, cựu quan chức quốc phòng có những đánh giá sắc sảo về triển vọng kinh tế thương mại ở vùng Biển Đông tranh chấp. Ngoài ra, ông còn nằm trong ban lãnh đạo của một trong những ngân hàng lớn nhất châu Á, Standard Chartered, và điều hành một nhóm tư vấn đầu tư chiến lược cho các tập đoàn có lợi ích ở khu vực châu Á. Vợ của ông, bà Lael Brainard, hiện là thành viên Ban lãnh đạo Cục dự trữ liên bang Mỹ và là cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách các vấn đề quốc tế.

Thương mại tự do là nền tảng của nền kinh tế quốc tế hiện đại. Tranh chấp Biển Đông không phải chỉ đơn giản có thể được đẩy ra vào một chiếc hộp đen để các nhà ngoại giao quốc tế tranh luận, mà nó còn nằm trên radar của các nhà nhập khẩu và xuất khẩu trong khu vực. Gần 30% trong tổng số 19 nghìn tỷ USD thương mại toàn cầu đi qua vùng biển này. Nó còn là đường kết nối quan trọng giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Các mặt hàng khai thác mỏ, nông nghiệp và hàng hóa khác của Úc đang nằm trong tuyến đường vận chuyển đi qua Biển Đông. Trong cuộc đối thoại 2+2 Mỹ- Úc tại Boston vừa qua, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop nói rằng tự do hàng hải trên biển là rất quan trọng bởi vì khoảng 2/3 thương mại hàng hóa của Úc đi qua Biển Đông. Một lúc nào đó, hải quân Mỹ ​​sẽ tiến hành diễn tập “tự do hàng hải” trong phạm vi 12 hải lý của các hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa để thách thức tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.

Đối với nước Mỹ, tự do hàng hải và thương mại rất quan trọng. Lần đầu tiên hải quân Mỹ sử dụng vũ lực trên biển là cuộc chiến tranh Barbary lần thứ nhất (năm 1801-1805), khi đó Tổng thống Thomas Jefferson đã từ chối để các thương nhân Mỹ đưa hàng hóa đi qua các vùng biển phía Tây Địa Trung Hải để đến các nước Bắc Phi. Kể từ cuối năm 2013, Trung Quốc đã tiến hành nạo vét và xây dựng các cơ sở vật chất trên các đảo đá và rạn san hô với quy mô cải tạo lên tới 1.173 hecta. Bộ Quốc phòng Mỹ đã chỉ ra rằng trong hai năm, Bắc Kinh đã cải tạo gấp 17 lần so với các nước và vùng lãnh thổ có yêu sách như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei đã làm hơn 40 năm trước. Mỹ không đứng về bên nào tuyên bố có chủ quyền đối với những hòn đảo nhân tạo này, nhưng muốn giải quyết các tranh chấp thông qua trọng tài quốc tế. Trung Quốc có lẽ cho rằng nước này đang bảo vệ lợi ích thương mại của mình bằng cách tuyên bố quyền sở hữu lãnh thổ. Hơn 40% GDP của Trung Quốc đến từ thương mại và 90% thương mại của Trung Quốc đi qua vùng biển này.

Biển Đông có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt, có lẽ hơn 100 triệu thùng. Trung Quốc là nước nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới. Ông Jacqueline Deal, Giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược quốc phòng dài hạn, cho rằng sẽ có một cuộc cạnh tranh toàn cầu để “kiểm soát nguồn tài nguyên và chiếm lĩnh các tuyến đường giao thông trọng điểm”. Tất nhiên, mối lo ngại lớn hiện nay là khả năng Bắc Kinh quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo. Việc xây dựng đường băng và các cơ sở vật chất khác là một dấu hiệu về khả năng diễn ra quân sự hóa. Các quan chức Mỹ đang hoài nghi về sự đảm bảo của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Nhà Trắng hồi tháng trước rằng Trung Quốc sẽ không quân sự hóa những hòn đảo nhân tạo này. Ông Mara Karlin, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng, đồng thời là chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế ở Washington cho biết: “Nếu hải quân Mỹ di chuyển qua vùng biển tranh chấp đó, rủi ro lớn là sẽ xảy ra một cuộc đụng độ vô ý leo thang thành một cuộc giao tranh hoặc xung đột lớn hơn. Không bên nào muốn điều đó xảy ra”.

Theo “AFR

Vũ Hiền (gt)