Trong cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc ngày 26/3, Đô đốc Cecil D. Haney, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Chiến lược của Mỹ, đã nhắc tới một số vụ thử tên lửa của Trung Quốc, được lên kế hoạch và triển khai nhằm vào các vệ tinh trên quỹ đạo thấp của Trái đất - một vụ được tiến hành trong tháng 7/2014 và một vụ từ năm 2007. Ông Haney cho biết Mỹ đã theo dõi vụ thử hồi năm 2007 "với sự kinh ngạc", và lưu ý rằng vụ tiêu diệt thành công một vệ tinh làm mục tiêu này "đã tạo ra hàng nghìn mảnh vỡ mà đến nay chúng ta vẫn phải đối mặt".

Ông Haney xác nhận rằng vụ thử vào tháng 7/2014 (được Trung Quốc miêu tả như là một "thí nghiệm công nghệ chống tên lửa") đã không thực sự bắn trúng vệ tinh, có lẽ là do thiết kế. Ông nói: "Nhưng chỉ cần nhìn bản chất của các dạng hoạt động này, người ta có thể thấy Trung Quốc đã chuẩn bị cho một chiến dịch phản không (phản công trong không gian) như thế nào…Tôi cho rằng mối đe dọa này trong vũ trụ là một thực tế. Nó đã được chứng minh". Ông Haney cho rằng Mỹ phải "sẵn sàng cho bất kỳ chiến dịch nào giúp mở rộng đường vào vũ trụ của mình".

Khi được hỏi rằng sự "sẵn sàng" ở đây có nghĩa là gì, ông Haney nhấn mạnh về sự cần thiết phải "có khả năng thực sự nhận ra những gì đang xảy ra trong vũ trụ". Theo ông, "chương trình cảnh báo về các tình huống trong vũ trụ... thực sự có khả năng theo dõi và nhận biết bất kỳ hành động nguy hiểm nào bị phát hiện trong vũ trụ". Ông cho biết Mỹ cũng đang nghiên cứu để tăng cường khả năng đáp trả trong vũ trụ - bao gồm chiến thuật, kỹ thuật và thủ tục - một cách linh hoạt hơn và nhanh nhạy hơn.

Đô đốc Haney cũng đề cập đến mối lo ngại về chương trình tên lửa của các quốc gia khác, trong đó có Nga, Iran và Triều Tiên, nhưng khi nói đến khả năng phản không, ông tập trung vào Trung Quốc. Ông Haney chỉ là một trong những quan chức Mỹ lo ngại về khả năng hoạt động trong không gian của Trung Quốc. Hồi đầu tháng 3 năm nay, cả Thứ trưởng Quốc phòng Robert Work lẫn Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách mua sắm, công nghệ và hậu cần Frank Kendall đã lên tiếng cảnh báo rằng Mỹ đã để mất lợi thế về công nghệ vũ trụ của mình.

Báo cáo 2014 của Lầu Năm Góc về tình hình phát triển quân sự của Trung Quốc nhận xét: "Trung Quốc đang phát triển một chương trình đa chiều để cải thiện khả năng của họ trong việc kiềm chế hoặc ngăn chặn các đối thủ sử dụng các căn cứ trong vũ trụ trong thời gian khủng hoảng hoặc xung đột". Theo báo cáo này, "các chiến lược gia của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) coi khả năng sử dụng các hệ thống vũ trụ và ngăn chặn các đối thủ tiếp cận các hệ thống trong vũ trụ là một mục tiêu trọng tâm nhằm có khả năng tiến hành một cuộc chiến tranh hiện đại và 'được thông tin hóa'".

Lầu Năm Góc đã trích dẫn việc một loạt nhà phân tích của PLA nhấn mạnh tầm quan trọng của mục tiêu tiêu diệt các vệ tinh thông tin và trinh sát của đối phương. Báo cáo cũng lưu ý rằng ngoài tên lửa chống vệ tinh, Trung Quốc còn có thể sử dụng "vũ khí năng lượng định hướng và các thiết bị làm nhiễu vệ tinh" để tiêu diệt hoặc làm tê liệt vệ tinh của đối phương trong trường hợp xảy ra xung đột.

Theo “The Diplomat

Mỹ Anh (gt)