Chính quyền của Tổng thống Brack Obama đang ngày càng tập trung hơn vào khu vực châu Á, thúc đẩy quan hệ thương mại và tiến tới duy trì sức mạnh của các lực lượng Mỹ tại khu vực này mặc dù Mỹ đang phải thực hiện cắt giảm ngân sách dành cho quân sự. Đô đốc Robert Willard, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ - lực lượng bao quát toàn bộ châu Á, đã đưa ra những lời lẽ hòa giải với Trung Quốc trước Quốc hội. Ông nói rằng sự trỗi dậy của Bắc Kinh là có lợi cho Mỹ. Đô đốc Willard phát biểu trước Ủy ban Quân dịch Thượng viện Mỹ: "Chúng tôi nhận thấy từ đầu năm 2012 tới nay đã có ít va chạm hơn (giữa Trung Quốc và các nước láng giềng tại Biển Đông) so với những năm trước. Năm 2010 là năm khá đáng nhớ vì xảy ra nhiều va chạm" trên Biển Đông. Đô đốc Willard cho biết Trung Quốc - quốc gia có chi tiêu cho quân sự tăng mạnh trong những năm gần đây - đã tích cực đưa ra những tuyên bố chủ quyền và thách thức các tàu hoạt động tại vùng biển đang có tranh chấp gay gắt này. Tuy nhiên, ông nói rằng "những tuyên bố rất mạnh mẽ" của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates và 10 nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dường như đã có tác động lớn tới Trung Quốc. Ông cho rằng những lời bình luận công khai như vậy "đã khiến Trung Quốc phải lùi một bước và xem xét lại những tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông". Đáp lại câu hỏi của Ủy ban Quân dịch Thượng viện Mỹ, ông nói: "Họ vẫn đang cố gắng tiếp tục theo đuổi những tuyên bố chủ quyền này, song theo một cách thức chín chắn hơn". Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 7/2010, bà Clinton tuyên bố rằng "tự do hàng hải" tại Biển Đông là lợi ích thiết thực của Mỹ. Biển Đông hiện là nơi xảy ra tranh chấp giữa 6 quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với nhau. Mỹ đã thúc đẩy hợp tác với Việt Nam và Philíppin - hai quốc gia cáo buộc Trung Quốc quấy rối các tàu của họ đang hoạt động tại vùng biển này. Đồng thời, Mỹ cũng đang lên kế hoạch đóng quân tại Ôxtrâylia.

Không những thế, Chính quyền của ông Obama cũng tăng sức ép lên vấn đề thương mại với Trung Quốc. Ngày 28/2, Mỹ đã thành lập một cơ quan mới với nhiệm vụ trừng phạt những hoạt động thương mại mà Mỹ cho rằng có gian lận. Trung Quốc cáo buộc Mỹ đang can thiệp vào tranh chấp trên Biển Đông. Tháng trước, cơ quan truyền thông nhà nước của Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh nên áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Philíppin vì Philíppin đã cho phép thêm quân đội Mỹ đặt chân lên lãnh thổ nước này. Một vài người bảo thủ chỉ trích ông Obama, buộc tội ông đã khuyến khích các hành động hiếu chiến của Trung Quốc do đã quá tập trung vào việc hợp tác với quốc gia châu Á đang trỗi dậy này ngay đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông. Mitt Romney, ứng cử viên của đảng Cộng hòa đang hy vọng sẽ đánh bại ông Obama trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới, nói rằng ông Obama "gần như một kẻ đi van xin" Bắc Kinh, và rằng ông Obama "đã khuyến khích tính hung hăng của Trung Quốc, đồng thời khiến các đồng minh nghi ngờ về sức mạnh của Mỹ tại Đông Á". Khi được hỏi về sự trỗi dậy của Trung Quốc, ông Willard nói với các nghị sỹ rằng ngoại trừ các tranh chấp hiện nay với Bắc Kinh, các quốc gia Đông Nam Á đều mong muốn có mối quan hệ tốt đẹp về kinh tế và trên nhiều lĩnh vực khác với cả Trung Quốc và Mỹ. Ông nói: "Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã mang lại lợi ích cho toàn khu vực, và chắc chắn cũng mang lại lợi ích cho Mỹ. Do đó, tôi cho rằng thật không công bằng nếu chỉ nghĩ một cách phiến diện rằng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Nam Á chỉ gây ra thách thức cho khu vực". Đô đốc Willard cho biết sự hiện diện của Mỹ tại Biển Đông là vô cùng quan trọng do có một lượng hàng hóa trị giá tới 5.300 tỷ USD lưu thông qua khu vực này mỗi năm và 1/5 trong số này là hàng hóa trao đổi thương mại của Mỹ. Ông khẳng định: "Quân đội Mỹ phải hiện diện tại khu vực nhằm đảm bảo an ninh cho con đường giao thông trên biển này và bảo vệ việc trao đổi thương mại quan trọng của Mỹ cũng như của các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực".

Theo Inquirer (ngày 29/2)

Mỹ Anh (gt)