Kể từ thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, nền tảng chiến lược cho mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã chứng kiến sự xói mòn ngày càng tăng. Cụm từ được dùng để miêu tả cách thức quản lý quan hệ song phương giữa hai nước đã thay đổi: Tần suất sử dụng cụm từ “can dự” ngày càng giảm dần; thay vào đó là các khái niệm mới như “bao vây”, “ngăn chặn” và gần đây nhất là “ngoại giao cưỡng ép” được nhắc đến ở cả Mỹ và Trung Quốc.

Một vài câu hỏi được đặt ra, chủ yếu xoay quanh việc: i) Tại sao Bắc Kinh lại thay đổi chính sách đã thực hiện thành công trong suốt hơn 3 thập kỷ qua, chính sách mà nhờ đó Trung Quốc đã tăng cường đáng kể sức mạnh quốc gia tổng hợp mà không khiến bất cứ nước nào khác phải lo lắng? ii) Có phải chính sách của Mỹ là nguyên nhân khiến Trung Quốc phản ứng tiêu cực và liệu phản ứng nào của Mỹ sẽ là thích hợp nhất?

Thay vì thực hiện theo đề xuất của TLNT Mỹ Daniel Russel ngày 28/7 về việc kêu gọi “các bên có yêu sách chủ quyền xác định và tình nguyện dừng tất các hoạt động có vấn đề”, Mỹ cần lưu ý 3 điểm:

i) Vấn đề Mỹ đang phải đối diện ở Châu Á không đơn giản chỉ là chủ nghĩa dân tộc cứng rắn của Trung Quốc mà của các nước khác nữa.

ii) Không nên đóng khung vấn đề trong việc “Mỹ nên phản ứng lại trước Trung Quốc như thế nào” mà các hệ thống quốc tế và khu vực cần phản ứng để buộc Trung Quốc phải trả giá thực sự. Cần xem xét Trung Quốc có thể chấp nhận trả giá trong bao lâu và có thể chấp nhận trả giá cao hơn không? Trên thực tế, Trung Quốc đã phải trả giá. Trong 5 năm qua, quan hệ giữa Trung Quốc với vùng ngoại biên (Myanmar, Việt Nam, Indonesia, Philippines, Australia, Ấn Độ, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc) đã chứng kiến sự suy giảm. Quan hệ giữa Trung Quốc với toàn khối ASEAN cũng yếu hơn. Mặc dù quan hệ giữa Trung Quốc và Nga có thể được xem là điểm cộng thì xét về mặt cấu trúc, mối quan hệ đó vẫn có những điểm yếu. Liệu Nga có thể giúp Trung Quốc bù đắp lại mối quan hệ đang xuống cấp nghiêm trọng giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước khác không? Ngoài ra, Trung Quốc cũng khó có thể tin tưởng vào Đài Loan và Hồng Công khi quan hệ của Trung Quốc với phương Tây trở nên xấu đi do có mối quan hệ gắn kết giữa các bên với nhau.

iii) Mỹ không nên có hành động làm phương hại đến lợi ích của các nước bạn bè trong khu vực. Trong khi phản đối chủ nghĩa dân tộc quyết đoán của Trung Quốc, Mỹ cũng cần thận trọng kiểm soát chủ nghĩa dân tộc ở các nước khác. Mỹ cần nhớ:

+ Tăng cường cam kết với các nước đồng minh một mặt sẽ giúp trấn an các nước bạn bè, nâng cao lòng trung thành, ngăn chặn đối thủ và gia tăng sự tin cậy. Mặt khác, các nước bạn bè cũng có thể cài bẫy khiến Mỹ đưa ra những cam kết không phục vụ lợi ích của chính bạn, gây khiêu khích đối thủ, đánh giá thấp những gánh nặng mà đối thủ sẽ phải chịu đựng, củng cố liên minh trong nước của đối thủ chống lại bạn, đẩy đến tình trạng tiến thoái lưỡng nan về an ninh ninh.

+ Cần có sự phân biệt giữa ngăn chặn (dùng sự đe dọa để ngăn chặn một hành động nào đó không mong muốn trong tương lai) và ngoại giao cưỡng ép (dùng sự đe dọa để thuyết phục đối thủ thay đổi hành động). Cách thức đầu sẽ dễ hơn cách thức thứ 2.

+ Nhận thức của đối thủ về khả năng của Mỹ là quan trọng, trong đó khả năng bao gồm sự sẵn sàng duy trì cam kết, nguồn lực vật chất để duy trì cam kết và khả năng trang trải nguồn lực .

Tóm lại, nếu Trung Quốc muốn thúc đẩy quan hệ với Mỹ thì cách nhanh nhất, đơn giản nhất và cũng là có lợi cho nhau nhất chính là thúc đẩy quan hệ với chính vùng ngoại biên của Trung Quốc. Về phần mình, Mỹ cũng cần giúp định hướng hành vi của các nước đồng minh và bạn bè một cách xây dựng; đồng thời cũng cần nhận thức rằng vấn đề của Châu Á không đơn giản chỉ là Trung Quốc mà còn là sự xung đột giữa các chủ nghĩa dân tộc và sự thiếu an ninh của nhiều nước trong khu vực. Mỹ cần tìm cách đối phó với chiến lược “tằm ăn rỗi” của Trung Quốc mà không đẩy căng thẳng leo thang, gây nguy hiểm cho kinh tế khu vực/toàn cầu và không hành động nhiều hơn những gì người Mỹ sẵn sàng chấp nhận.

Lược dịch từ The National Interest

Văn Cường (gt)