Trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nhật Bản Fumoi Kishida ngày 18/1, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã “cảnh cáo không chỉ đích danh” đối với Trung Quốc rằng Mỹ thừa nhận Điếu Ngư/Senkaku thuộc quyền quản lý hành chính của Nhật Bản, Mỹ phản đối bất cứ hành động đơn phương nào xâm hại quyền quản lý hành chính của Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên quan chức Mỹ tỏ thái độ khá rõ ràng về tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku giữa Trung Quốc với Nhật Bản kể từ khi cuộc tranh chấp này leo thang suốt nửa năm qua, một thái độ ủng hộ Nhật Bản. Phát biểu của bà Hillary đã không chỉ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía chính phủ mà còn cả từ nhân dân Trung Quốc.

Trịnh Hải Lân - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương của Hồng Công - cho rằng việc Mỹ lên tiếng ủng hộ Nhật Bản trong cuộc tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku không có gì bất ngờ bởi quần đảo này chính là một nước cờ trong chiến lược “trở lại châu Á” của Mỹ. Theo dõi các diễn biến thời gian qua có thể thấy, thứ nhất là Nhật Bản từ chối đàm phán về vấn đề Điếu Ngư/Senkaku, không thừa nhận có tranh chấp chủ quyền về quần đảo này; thứ hai là Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua đề án hiệp định phòng thủ chung với Nhật Bản; và thứ ba là tuyên bố mới đây của bà Hillary về Điếu Ngư/Senkaku. Sâu chuỗi các sự kiện này có thể thấy rất rõ sự thống nhất giữa Mỹ và Nhật Bản trong vấn đề Điếu Ngư/Senkaku, thấy rõ Mỹ ủng hộ đòi hỏi chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo tranh chấp này. Thời gian qua, Mỹ luôn có thái độ lấp lửng và dường như chỉ đứng ở hậu trường cuộc tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku, song nay Mỹ không thể không từng bước xuất đầu lộ diện trên vũ đài đối kháng với Trung Quốc. 

Giới phân tích cho rằng ngoài việc giúp Nhật Bản nâng cao năng lực phòng vệ, Mỹ luôn chủ động hoặc bị ép đưa ra những cam kết chống lưng cho Nhật Bản. Việc bà Hillary “cảnh cáo không chỉ đích danh” đối với Trung Quốc vừa qua cho thấy Mỹ buộc phải từng bước công khai lập trường ủng hộ Nhật Bản, và động thái này cũng báo hiệu một vòng xoáy ngoại giao mới sắp bắt đầu.

Theo tiết lộ của báo giới Nhật Bản, nội dung cuộc hội đàm của hai ngoại trưởng Mỹ và Nhật Bản còn bao gồm: để bảo đảm sự ổn định khu vực Biển Hoa Đông trong đó bao gồm Điếu Ngư/Senkaku, trên cơ sở nhận thức chung “Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật”, hai bên cho rằng cần tăng cường hợp tác với các nước xung quanh. 

Nếu như kết hợp nội dung cuộc hội đàm trên với cuộc tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku Trung-Nhật đang ngày càng leo thang, không khó có thể nhận ra rằng Điếu Ngư/Senkaku là một phần trong chiến lược “trở lại châu Á” của Mỹ, mà hạt nhân của chiến lược này là tiến hành bao vây Trung Quốc. Cụ thể có thể chia thành 3 bộ phận chiến lược lớn: một là chiến lược quân sự-địa chính trị đối với Trung Quốc, hai là chiến lược chính trị-ngoại giao đối với Trung Quốc, ba là chiến lược kinh tế-mậu dịch đối với Trung Quốc. Trong đó, chiến lược kinh tế-mậu dịch là để phối hợp với chiến lược chính trị-ngoại giao, và chiến lược chính trị-ngoại giao là để phối hợp với chiến lược quân sự-địa chính trị. Sự phối hợp chặt chẽ của 3 bộ phận chiến lược lớn này giúp chúng bổ sung cho nhau để đạt mục tiêu trung tâm là bao vây Trung Quốc. 

Xét từ góc độ địa chính trị, sau khi Liên Xô tan rã, chiến lược trên hệ thống toàn cầu của Mỹ đã từng bước chuyển dịch trọng tâm về châu Á, mục tiêu của nó được đặt vào một Trung Quốc đang trỗi dậy nhanh chóng. Phương châm chiến lược của nó là: một mặt củng cố chuỗi đảo thứ nhất chạy từ Hoàng Hải, qua Biển Hoa Đông xuống tới Biển Đông, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Philíppin; mặt khác thông qua sách lược kích động mâu thuẫn giữa các nước Đông Nam Á với Trung Quốc và lôi léo Ấn Độ, hình thành một vòng vây chiến lược bao quanh Trung Quốc, mục đích là giữ chân Trung Quốc, không để “Giao Long ra biển” (tức là chỉ Trung Quốc vươn ra đại dương). Vòng vây bao quanh Trung Quốc này bắt đầu hình thành từ sau khi Mỹ rút quân khỏi Trung Đông, nay đã cơ bản thành hình hài. Trung Quốc nếu muốn “Giao Long ra biển”, khả năng lớn nhất là đột phá vòng vây ở khâu yếu nhất của chuỗi đảo thứ nhất là từ Đài Loan đến quần đảo Ryukyu, tức khu vực Điếu Ngư/Senkaku. Sóng gió tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku lần này thực tế là một đợt căng thẳng do Mỹ gây ra nhằm thăm dò quân bài chủ của Trung Quốc cũng như thử thách lập trường của Đài Loan. 

Theo tác giả, quan chức quốc phòng Mỹ từng nhiều lần nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ không thay đổi cách làm hiện nay ở châu Á. Nay bà Hillary công khai ủng hộ Nhật Bản trong vấn đề Điếu Ngư/Senkaku, mục đích chiến lược rõ ràng là nhằm vào Trung Quốc. Có thể thấy, vấn đề Điếu Ngư/Senkaku chẳng qua chỉ là một nước cờ trong chiến lược “trở lại châu Á” của Mỹ, ý đồ là thực hiện mục tiêu chiến lược bao vây Trung Quốc.

Theo Đại Công Báo (Hồng Công)

Quốc Trung (gt)