Sau khi chấp nhận bản "Hướng dẫn thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông", được đưa ra tại Bali (Inđônêxia) tháng 7/2011, các nước thành viên thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã tổ chức các cuộc thảo luận về vấn đề này ở Bắc Kinh trong tháng 1/2012, mục đích là để tăng cường hợp tác nghiên cứu biển và các hoạt động chung, xoa dịu căng thẳng ở Biển Đông - đặc biệt là giữa bốn nước ASEAN (Việt Nam, Philíppin, Malaixia, Brunây) và Trung Quốc. Theo tác giả Munabari, các cuộc hội thảo như vậy sẽ không giải quyết được các vấn đề cốt lõi trong khu vực, những vấn đề cần phải được giải quyết để mang lại ổn định lâu dài trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài ra, để việc nghiên cứu biển và các hoạt động chung có hiệu quả đòi hỏi phải xác định rõ ràng các khu vực tranh chấp và không tranh chấp tại Biển Đông. Đề xuất của Philíppin về "Khu vực Hòa bình, Tự do, Hữu nghị và Hợp tác" (ZoPFFC) đã không nhận được sự ủng hộ tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Bali hồi năm ngoái, song thực tế, đây có thể là một giải pháp hiệu quả cho những vấn đề cốt lõi ở Biển Đông. ZoPFFC sẽ tách riêng các khu vực tranh chấp khỏi các khu vực không tranh chấp và không loại trừ khả năng đưa tranh chấp ra trước Tòa án Quốc tế. Một số nước ASEAN, đặc biệt là những nước có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, đã thận trọng trong việc tán thành đề nghị này bởi không muốn làm gia tăng sự phật ý của Trung Quốc, nước đang ngày càng phô trương sức mạnh ở Biển Đông. Các nguyên tắc của "Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC), chẳng hạn như cam kết giải quyết các tranh chấp lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình và kiềm chế, rõ ràng đã không thể ngăn chặn các vụ va chạm ở Biển Đông. Do đó, điều quan trọng đối với ASEAN để thực hiện một bước đột phá mang tính quyết định là đưa ra được các hướng dẫn cụ thể về tránh xung đột vũ trang ở Biển Đông. Để đi đến điều này, việc xác định khu vực tranh chấp và không tranh chấp là điều kiện tiên quyết quan trọng để tạo ra sự ổn định lâu dài ở Biển Đông. Thiếu điều kiện tiên quyết đó, việc phát triển biển chung - bao gồm cả việc thăm dò chung tài nguyên thiên nhiên tại các khu vực tranh chấp - chắc chắn sẽ thất bại vì nó có thể phải đối mặt với sự phản đối từ công chúng tại các quốc gia ASEAN tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Vấn đề xác định các khu vực tranh chấp và không tranh chấp ở Biển Đông sẽ có giá trị mà không động chạm đến các đối tác của ASEAN, cũng không đi trệch con đường nhất quán của ASEAN là tôn trọng, hợp tác và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Theo Thejakartapost (ngày 7/2)

Hương Trà (gt)