Sự bất đồng quan điểm trong việc xác định chính sách của Trung Quốc để xử lý mối quan hệ đang xấu đi với Hoa Kỳ có thể nêu bật sự bất hòa giữa giới dân sự và quân sự ở Trung Quốc. Quan hệ Mỹ -Trung đã chuyển sang đối đầu từ tháng trước kể từ khi Oa-sing-tơn tuyên bố giải quyết tranh chấp Biển Đông là “lợi ích quốc gia” then chốt của Mỹ. Khúc dạo đầu này của Oa-sing-tơn được xem là để đáp trả khẳng định của Bắc Kinh vài tháng trước rằng toàn bộ Biển Đông là “lợi ích quốc gia cốt lõi [của Trung Quốc]” và không cho phép sự can thiệp từ bên ngoài. Cùng lúc, cuộc tập trận của hải quân Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu ngày 16/8 trên Biển Hoàng Hải đã vô tình khẳng định nhận thức của Bắc Kinh về “Chính sách bao vây chống Trung Quốc” của Oa-sing-tơn. Cho đến nay, những thành phần cứng rắn trong tầng lớp lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (CPP) - và đặc biệt là  trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) – đã điều khiển Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ tuyên bố của Mỹ. Nhưng có lẽ thực tế cho thấy chính quyền Hồ Cẩm Đào vẫn đang cân nhắc các lựa chọn khác nhau, những cách tiếp cận linh hoạt và thậm chí hòa giải để làm dịu đi cuộc khủng hoảng ngoại giao đang diễn ra trên các phương tiện truyền thông nhà nước.

 

Theo đó, nguyên nhân gốc rễ của tranh cãi Trung - Mỹ là quyết định mở rộng ranh giới lợi ích quốc gia cốt lõi vượt ra ngoài các khu vực truyền thống như Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương của Bắc Kinh, nên việc báo chí chính thống đã bày tỏ những quan điểm ôn hòa về vấn đề nhảy cảm này là rất quan trọng. Hồi cuối tháng Bảy, Han Xudong, một chuyên gia an ninh quốc gia tại Đại học Quốc phòng (NDU), đã nhíu mày khi ông bày tỏ rằng Trung Quốc nên có thái độ thận trọng khi khoanh vùng hexin liyi hay “lợi ích cốt lõi” của nước này. Han chỉ ra rằng “sức mạnh quốc gia toàn diện của chúng ta [Trung Quôc], đặc biệt là sức mạnh quân sự chưa đủ để bảo vệ tất cả những lợi ích cốt lõi của chúng ta.” Do đó, việc công bố sớm tất cả những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc có thể phản tác dụng.  Hơn nữa, nhà chiến lược nổi tiếng cho rằng, quá nhấn mạnh “lợi ích cốt lõi” có thể dẫn đến việc các nhà ngoại giao và giới quân sự Trung Quốc “chỉ nhấn mạnh lợi ích cốt lõi và sao lãng những lợi ích không cốt lõi.” Giáo sư Han đề nghị Bắc Kinh đưa ra danh sách hexin liyi [lợi ích cốt lõi] một cách dần dần, theo từng giai đoạn. Ông Han nói thêm “Khi Trung Quốc mạnh hơn, chúng ta có thể công bố các lợi ích cốt lõi đó làm nhiều lần để nước ta có thể bảo vệ một cách hiệu quả.” (Ouklook Weekly, 25/7; Xinhua News Agency 25/7).

 

Quan trọng hơn, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc Da Wei đã cảnh báo “việc mở rộng tùy tiện” những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Da ủng hộ một “định nghĩa tối thiểu” những hexin liyi (lợi ích cốt lõi) và nói thêm rằng “Chúng ta phải ngăn chặn sự mở rộng tùy tiện giới hạn của hexin liyi (lợi ích cốt lõi) theo sau sự gia tăng sức mạnh quốc gia của Trung Quốc. Chuyên gia có hạng về Mỹ cho rằng một nước nên áp dụng cách giải thích “rộng và thô” hơn là cách hiểu “hẹp” đối với lợi ích cốt lõi. Ông nói vấn đề toàn vẹn lãnh thổ được coi là lợi ích cốt lõi đối với hầu hết các nước. Ông cho biết “Khi xử lý tranh chấp lãnh thổ, nhiều nước thường chấp nhận thỏa hiệp như trao đổi các lãnh thổ [tranh chấp] hay chấp nhận giữ nguyên hiện trạng.” “Trong nhiều trường hợp, các cường quốc lớn có thể “buông” một vài khu vực tranh chấp. Điều này không có nghĩa là các nước đó đã  từ bỏ lợi ích cốt lõi của họ (People’s Daily Net, 27/7; Global Times, 27/7).

 

Tất nhiên, những quan điểm của Han và Da không đề cập đến vấn đề cái gì cấu thành danh sách đầy đủ “những lợi ích cốt lõi” của Bắc Kinh. Ví dụ, căn cứ vào sự phản đối mạnh mẽ của lãnh đạo CPP (Đảng Cộng sản Trung Quốc) đối với các cuộc diễn tập quân sự bắt đầu từ ngày 16 tháng 8 của nước ngoài ở vùng nước quốc tế trong Biển Hoàng Hải, thì liệu vùng biển giữa Trung Quốc và Hàn Quốc có phải hexin liyi (lợi ích cốt lõi) của Trung Quốc? Không quá ngạc nhiên là gần đây truyền thông Hàn Quốc liên tục công kích Bắc Kinh vì đã đưa toàn bộ Bán đảo Triều Tiên vào vùng ảnh hưởng của nước này (Korean Times 07/08; Global Times 09/09). Trong khi không chắc các nhà cầm quyền Trung Quốc sẽ công bố danh sách đầy đủ những lợi ích cốt lõi của họ, thì  việc một số người có lập trường cứng rắn đã đưa ra định nghĩa rộng nhất có thể, và không ngừng mở rộng lợi ích cốt lõi (hexin liyi) là rất có ý nghĩa. Song, trong cả hai trường hợp, điều này thực chất có nghĩa là Trung Quốc trở nên mạnh hơn và cần đến nhiều tài nguyên hơn để đảm bảo việc tiến tới địa vị siêu cường của nước này- vì vậy, danh sách các lợi ích cốt lõi của nước này sẽ tăng lên. 

 

Trong một bài báo xuất bản năm ngoái về “ranh giới của lợi ích quốc gia” nhà bình luận PLA Daily (Nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân) Huang Kunlun đã lưu ý rằng lợi ích quốc gia của Trung Quốc đã vượt ra ngoài lãnh thổ, lãnh hải và vùng trời của nước này, bao gồm những khu vực từ các đại dương rộng lớn mà những tàu chở dầu của Trung Quốc đi qua – cho đến khoảng không ngoài vũ trụ. Huang viết “vì thế bất cứ nơi nào mà lợi ích quốc gia của chúng ta đã mở rộng sẽ là nhiệm vụ cho lực lượng vũ trang của chúng ta.” “Căn cứ vào sứ mệnh lịch sử mới, lực lượng vũ trang không chỉ bảo vệ ‘ranh giới lãnh thổ’ mà còn bảo vệ ‘ranh giới lợi ích quốc gia’ của đất nước.” Ông nói thêm “Chúng ta không chỉ cần bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia mà còn những lợi ích liên quan đến sự phát triển quốc gia [trong tương lai]” (PLA Daily, 01/04/2009; Ming Pao [Hồng Kông], 02/4/2009). Những dự báo đưa ra bởi Ha từ NDU (Đại học Quốc phòng)- và Da từ CICIR (Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc)- phản ánh nỗi lo sợ của một bộ phận các nhà bình luận ôn hòa rằng những lý thuyết như của Huang sẽ đốt lên ngọn lửa thuyết “Mối đe dọa Trung Quốc”- và làm tổn hại đến quan hệ của nước này với các quốc gia láng giềng.

 

Có lẽ liên quan thiết thực hơn đến giải quyết vấn đề phức tạp Biển Đông là đề xuất mang tính học thuật nổi tiếng của Pang Zhongying rằng Bắc Kinh nên chủ động xem xét một "duobian" hay chiến lược đa phương. Trong một bài báo trên Global Times đầu tháng Tám, Pang, một giáo sư quan hệ quốc tế kỳ cựu của Đại học Beijing’s Renming đã bình luận rằng “Bắc Kinh sẽ gặp phải khó khăn đáng kể nếu duy trì cách tiếp cận “song phương” để giải quyết những tranh cãi lãnh thổ với các nước và khu vực bao gồm Việt Nam, Phi-lip-pin, Ma-lai-xi-a, Bru-nây và Đài Loan. Bắc Kinh đã nhấn mạnh trong nhiều thập kỷ rằng các cuộc đàm phán liên quan đến chủ quyền phải được tiến hành trên cơ sở một với một giữa một bên là Trung Quốc và một bên là cá nhân từng bên yêu sách. Giới lãnh đạo CCP (Đảng Cộng Sản Trung Quốc) đã từ chối xem xét các lựa chọn bao gồm đàm phán Trung Quốc- ASEAN hoặc những cuộc hội đàm “quốc tế hóa” có sự tham gia của bên thứ ba như Hoa Kỳ. Pang viết “Trong hai thập niên qua, Trung Quốc đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong hoạt động [ngoại giao] đa phương, và nói thêm rằng vấn đề Biển Đông có thể được giải quyết trên một nền tảng đa phương có sự tham gia của các bên bao gồm ASEAN, Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Liên Hợp Quốc. Ông chỉ ra rằng “bác bỏ chủ nghĩa đa phương sẽ đồng nghĩa với việc cho đối thủ [của Trung Quốc] cái cớ để công kích Trung Quốc,” (Global Times, 05/08; Sina.com, 06/08).

 

Hơn nữa, cá nhân các nhà ngoại giao và học giả đã kín đáo chỉ trích công thức “gác tranh chấp, cùng khai thác" để giải quyết vấn đề phức tạp Biển Đông. Cách làm này được sử dụng trong thỏa thuận mang tính lý thuyết đạt được giữa Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Nhật Bản lúc đó là Yasuo Fukuda năm 2008, để giải quyết những tranh chấp chủ quyền trên Biển Hoa Đông. Nhưng từ đó Bắc Kinh và Tokyo đã thất bại trong việc tiến thêm một bước là chính thức hóa Thỏa thuận Hồ-Fukuda thành một hiệp định đầy đủ. Lý do có thể là vì sự chống đối công thức “khai thác chung” của những người Trung Quốc dân tộc chủ nghĩa cũng như các tướng lĩnh PLA [Quân đôi Giải phóng Nhân dân Trung Quốc] (China Daily, 04/08; Stratfor.com, 22/02).

 

Dường như có dấu hiệu rằng quan điểm diều hâu của các tướng lĩnh PLA [Quân đôi Giải phóng Nhân dân Trung Quốc] đang có ảnh hưởng chi phối trong chính sách đối ngoại và an ninh của Bắc Kinh đối với Hoa Kỳ, Bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản và Biển Đông. Giới chức quân sự là những người một mực ủng hộ mở rộng tối đa giới hạn hexin liyi (lợi ích cốt lõi) của Trung Quốc. Các tướng lĩnh cũng được cho là những người ủng hộ sắt đá cho chế độ Kim Jong-Il mặc dù Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục chương trình vũ khí hạt nhân cũng như việc nước này bị cáo buộc gây ra vụ chìm tàu chiến Cheonan vào cuối tháng Ba. Các ví dụ khác về tư duy quân sự cứng rắn ảnh hưởng đến chính sách quốc gia bao gồm việc từ chối mời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates thăm Trung Quốc trong chuyến thăm Châu Á của ông này hồi cuối tháng Sáu (New York Times, 04/06; Time Asia Edition, 22/7).

 

Tiêu biểu trong quan điểm của những người bảo thủ là hai thiếu tướng PLA, những người được nhắc đến nhiều trên báo chí chính thống. Tuyên bố lần đầu tiên vào tháng Sáu, Học giả, nhà chiến lược Học viện Khoa học Quân sự Luo Yuan ,một trong những nhà bình luận hàng đầu, nói thẳng là chống lại những kế hoạch tập trận chung Mỹ-Hàn sắp được tiến hành trong Biển Hoàng Hải. Vị tướng này đã nổi tiếng cả nước nhờ dùng thành ngữ quen thuộc “làm sao chúng ta có thể để một kẻ xa lạ ngon giấc ngay bên ngoài phòng ngủ của chúng ta?” để chỉ sự phẫn nộ của Bắc Kinh đối với những cuộc tập trận. Tướng Lu đã đưa ra lời hùng biện đó khi biết tin những cuộc diễn tập trên Biển Hoàng Hải đã được lên kế hoạch vào cuối mùa hè. Ông còn nêu lên câu châm ngôn võ sĩ quyền anh của Mao Chủ tịch “Nếu người không tấn công ta, ta sẽ không tấn công họ, nếu người đâm bổ vào ta, ta chắc chắn đánh họ bật lại ”- trên thực tế, lực lượng quân sự Trung Quốc nên tỏ thái độ mạnh mẽ chống lại sự phô trương “chủ nghĩa bá quyền, chính sách ngoại giao hạm pháo, và chủ nghĩa đơn phương” của Mỹ (PLA Daily), 12/08; Ming Pao, 13/08).

 

Thiếu tướng Hải quân Yang Yi, một nhà bình luận nổi tiếng khác đã đi một bước xa hơn bằng cách buộc tội Oa-sing-tơn chơi trò hai mang bên cạnh việc tăng cường chính sách ngăn chặn truyền thống chống Trung Quốc. Yang đã viết trên PLA Daily vào ngày 13/08 rằng “Một mặt Oa-sing-tơn muốn Trung Quốc đóng một vai trò trong các vấn đề an ninh khu vực, một mặt nước này đang tiến hành bao vây Trung Quốc ngày càng chặt và thường xuyên thách thức những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”. Tướng Yang nói thêm rằng những cuộc diễn tập quân sự do Mỹ cầm đầu trong khu vực nhằm kích động “sự thù hận và đối đầu ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương – và người Trung Quốc phải đáp trả mạnh mẽ. “Oa-sing-tơn chắc chắn sẽ phải trả giá thích đáng cho quyết định sai trái của mình”. Yang đã tuyên bố như vậy trong một bài khác trên tờ báo chính thống China Daily (PLA Daily, 13/08; Reuters, 13/08; China Daily, 13/08).

 

Khi được hỏi về ưu thế của tiếng nói quân đội trong cuộc tranh luận về việc làm thế nào để đáp trả thách thức Mỹ, Thiếu tướng Xu Guangyu, một người ủng hộ chính sách diều hâu nổi tiếng khác nói “dĩ nhiên, PLA sẽ lên tiếng về những vấn đề này.” Xu, nhà nghiên cứu tại Hiệp hội Kiển soát và Giải trừ Quân bị Trung Quốc nói thêm rằng, “Nhiệm vụ thiêng liêng của PLA là bảo vệ lãnh thổ và những lợi ích của Trung Quốc”. Điều này cũng đúng, tuy nhiên, các tướng lĩnh có thể chộp lấy sự xuống dốc trong quan hệ Trung – Mỹ - và toàn bộ căng thẳng ở Châu Á – Thái Bình Dương – vận động thêm nguồn lực chính trị và kinh tế để nâng cấp kho vũ khí của họ. Đặc biệt trong ý định thay đổi nhân sự quy mô lớn đã được lên kế hoạch cho đại hội 18 CCP [Đảng Cộng Sản Trung Quốc] sắp tới, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cần sự ủng hộ thực chất đối với việc đưa lên nhiều vị trí cho phe Liên Đoàn Thanh niên Cộng Sản của ông, bao gồm những ngôi sao Thế hệ -Thứ 6 đang lên như Bí thư Đảng ủy Nội Mông Hu Chunhua (Reuters, 12/08; South China Morning Post, 04/08; Apple Daily, 13/08).

 

Giới lãnh đạo CCP (Đảng Cộng sản Trung Quốc) đã cho phát đi những thông điệp ôn hòa, tuy nhiên thông điệp đó hình như cho thấy rằng lãnh tụ tối cao Hồ sẵn sàng xem xét các cách tiếp cận bồ câu (hòa bình) cũng như diều hâu đối với những vấn đề then chốt như việc xác định lợi ích cốt lõi của Trung Quốc- và sẵn sàng xem xét việc làm thế nào để họ có thể được bảo vệ tốt nhất trước điều mà Bắc Kinh thấy là sự công kích mạnh mẽ nhất của Mỹ từ khi tổng thống Obama nhậm chức năm ngoái. Tuy vậy về bản chất, trong cả hai trường hợp,  khi Trung Quốc càng mạnh hơn (và cần nhiều nguồn tài nguyên hơn để đảm bảo việc tiến đến vị trí siêu cường của nước này), danh sách lợi ích cốt lõi của nước này sẽ càng  tăng lên. 

 

Tác giả: Willy Lam

Người dịch: Nguyễn Văn Bình

Bản gốc Willy Lam: Hawks vs. Doves: Beijing Debates “Core Interests” and Sino-U.S. Relations


( Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập NCBĐ)