us-china.jpg 

Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung diễn ra hồi cuối tuần trước, lãnh đạo hai nước đã nhất trí sẽ giải quyết vấn đề gián điệp mạng thương mại. Tuy nhiên, để có thể giải quyết thành công vấn đề này, ngay từ bây giờ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần phải nhận thức rõ ràng một thực tế là: người dân của họ nên tự trau dồi khả năng đưa ra những sáng kiến mới, chứ không nên đi ăn cắp chúng từ những nước khác.

Một thế giới vốn đang vô cùng lo ngại về nạn ăn cắp mạng - chẳng hạn đánh cắp thẻ tín dụng, mật khẩu, thậm chí cả danh tính - chắc chắn sẽ rất quan tâm đến thỏa thuận được ký kết giữa Mỹ và Trung Quốc hồi cuối tuần trước liên quan đến vấn đề này. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đồng ý cùng nhau chống lại nạn đánh cắp bí mật thương mại thông qua mạng. Thỏa thuận này không những đặt nền móng cho một quy tắc quốc tế mới về sự cạnh tranh công bằng và minh mạch, mà còn là chỉ báo cho các quốc gia, các công ty và các cá nhân rằng họ phải tự phát triển sự sáng tạo của mình, chứ không nên ăn cắp ý tưởng và công nghệ từ người khác.

Thực ra, bản thân thỏa thuận này rất phiến diện vì trước những lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng Trung Quốc sẽ phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt nếu còn để xảy ra tình trạng đánh cắp mạng, Chủ tịch Tập Cận Bình buộc phải miễn cưỡng nhất trí giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng cần phải bị kiềm chế bằng những lời đe dọa đó. Mỹ đang rất tức giận với tội phạm mạng tại Trung Quốc, những kẻ đã xâm nhập vào mạng lưới số của các công ty hàng đầu của Mỹ để nhanh chóng giành lợi thế trong cuộc đua toàn cầu nhằm sản suất ra các sản phẩm tiên tiến nhất.

Tổng thống Obama đã gọi các cuộc tấn công mạng thương mại này là "một hành động gây hấn". Năm ngoái, Mỹ đã chính thức kết án 5 sĩ quan quân đội Trung Quốc với tội danh câu kết với hoạt động gián điệp mạng có tổ chức. Theo Tướng Keith Alexander, cựu giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), đây là "vụ ăn cắp của cải lớn nhất trong lịch sử nhân loại".

Có ý kiến cho rằng thực ra, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng rất muốn thuyết phục người dân Trung Quốc rằng họ có khả năng đưa ra những ý tưởng mới cho thị trường thế giới. Nếu không xóa bỏ được tiếng xấu là "Quốc gia Ăn cắp Vĩ đại", Trung Quốc sẽ không thể có được các đối tác nước ngoài mà họ cần, và cũng không được chào đón như một đối tác giao dịch trung thực. Kể từ năm 2006, Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền đã quyết tâm đẩy mạnh "đổi mới nội địa" nhằm giúp các nền công nghiệp của họ có một sự chuyển đổi, thoát khỏi việc phụ thuộc vào nguồn nhân công giá rẻ và tài sản trí tuệ của nước ngoài.

Phép thử đối với thỏa thuận này nằm ở câu hỏi: liệu một diễn đàn song phương mới, với sự tham dự của các sĩ quan an ninh hàng đầu đến từ Mỹ và Trung Quốc, có thể giải quyết được các vụ án cụ thể về vấn nạn ăn cắp mạng hay không? Để có thể giải quyết hiệu quả vấn đề này ngay lập tức, một đường dây nóng đặc biệt sẽ được sử dụng nhằm cảnh báo mỗi bên nếu có vấn đề xảy ra.

Mỹ đang ngày càng giỏi hơn trong việc xác định nguồn gốc của các cuộc tấn công mạng. Chẳng hạn, nước này đã xác định được Triều Tiên chính là thủ phạm đã gây ra vụ tấn công mạng nhằm vào công ty máy tính Sony. Đây là một thành tích đáng nể của Mỹ, và thành tích này đã khiến nhiều kẻ ở Trung Quốc phải "giật mình". Có một câu hỏi được đặt ra hiện nay là: điều gì có thể giúp xác định xem thỏa thuận giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ thành công? Câu trả lời là: chính giá trị của những bằng chứng mà Mỹ đưa ra và thái độ của Trung Quốc trong việc sẵn sàng trừng trị tin tặc sẽ giúp thỏa thuận thành công.

Theo "Csmonitor"

Viết Tuấn (gt)