Cụm từ “đột phá” đang được sử dụng với tần suất ngày càng gia tăng khi miêu tả những thay đổi về công nghệ, hiện đang tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế toàn cầu, và ngành năng lượng cũng không phải là ngoại lệ. Mặc dù tốc độ thay đổi trong ngành này chậm hơn so với ngành công nghệ thông tin, nhưng sẽ không phải là cường điệu khi khẳng định rằng, hai cuộc cách mạng này đang làm thay đổi căn bản bức tranh năng lượng thế giới, với những hệ lụy tuy bất ổn nhưng lại rất sâu sắc đối với các nhà sản xuất và người tiêu dùng trong những thập kỷ tới. Cuộc cách mạng đầu tiên diễn ra ở phía nguồn cung. Rõ ràng tâm điểm của cuộc cách mạng này là Mỹ. Đối với thế giới bên ngoài, sự tăng trưởng bùng nổ khí đá phiến có lẽ là khía cạnh được biết đến nhiều nhất trong cuộc cách mạng năng lượng của Mỹ. Vào năm 2000, khí đá phiến chỉ chiếm 1% trong tổng sản lượng khí đốt nội địa của Mỹ. Nhưng đến năm 2011 con số này đã chiếm đến 30%. Chủ yếu nhờ cuộc cách mạng này, năm 2012, với sản lượng khai thác đá phiến được đẩy lên tương đương 619 triệu tấn dầu, Mỹ đã vượt qua Nga để trở thành nhà sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới.

Các nguồn dự trữ năng lượng mới.

Trong khi sự bùng nổ tăng trưởng khí đá phiến của Mỹ đang chiếm lĩnh các dòng tin tức, thì còn có những khía cạnh đáng chú ý khác về cuộc cách mạng nguồn cung trong ngành năng lượng. Trên khía cạnh dầu mỏ, những mỏ dầu mới được khám phá sẽ định hình lại tương lai của ngành công nghiệp thiết yếu này. Theo như báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng thuộc Bộ Năng lượng Mỹ (EIA), từ năm 2000 đến năm 2012, các nguồn dự trữ được tìm thấy tăng từ 1.525 tỷ thùng lên đến 1.525 tỷ thùng. Những mỏ dầu mới trên thế giới không chỉ giúp làm vơi đi mối lo ngại về nguồn dự trữ đang bị thiếu hụt, mà trong tương lai nó còn làm giảm đi tầm quan trọng tương đối của khu vực Trung Đông. Trong số các nguồn dự trữ mới được khẳng định, 62% thuộc các khu vực nằm ngoài Trung Đông, con số này vào năm 2012 chiếm 52,6% trong tổng các nguồn dự trữ mới được phát hiện trên thế giới. Vào năm 2000, khu vực này chiếm 66,4% trong tổng các nguồn dự trữ được phát hiện trên thế giới. Khu vực được xem là có sự gia tăng trữ lượng lớn nhất về các nguồn dự trữ mới được phát hiện là Bắc Mỹ, chiếm 151 tỷ thùng kể từ năm 2000. Châu Phi và lục địa Á-Âu cũng có các nguồn dự trữ mới được phát hiện gia tăng từ 13 lên 16,2% trong cùng thời kỳ. Không cần phải nói,dữ liệu về việc sản xuất dầu mỏ cũng phản ánh sự thay đổi về cấu trúc này. Từ năm 2000 tới 2012, lượng sản xuất dầu mỏ tăng từ 77,7 lên tới 89,3 triệu thùng/ngàytriệu thùng/ngày, đánh dấu sự tăng trưởng ròng là 11,6 triệu thùng/ngày. Là quốc gia đang gia tăng sản lượng dầu mỏ trong nước bằng việc khai thác đá phiến, Mỹ chiếm 2 triệu thùng/ngày. 2,1 triệu thùng/ngày còn lại là từ Châu Phi và 5,2 triệu thùng/ngày là từ lục địa Á-Âu. Tổng cộng là Mỹ, Châu Phi, và lục địa Á-Âu chiếm tới 80% trong tổng sản lượng tăng trưởng khai thác dầu mỏ thế giới, một lần nữa làm giảm đi tầm quan trọng tương đối của Trung Đông.

Các nguồn năng lượng tái sinh

Ngoài ngành năng lượng truyền thống, các nguồn năng lượng tái sinh nói chung và nguồn năng lượng ngoài thủy điện nói riêng đánh dấu sự tăng trưởng chưa từng có. Từ năm 2000 đến 2010, các nguồn cung cấp năng lượng ngoài thủy điện tăng từ 248 lên đến 972 tỷ kilowatt/giờ (kWh). Không thể phủ nhận rằng, Liên minh Châu Âu đi đầu trong cuộc cách mạng về nguồn năng lượng tái sinh. Các nguồn năng lượng tái sinh như địa nhiệt, năng lượng mặt trời, gió, năng lượng sinh khối đã tạo ra tổng cộng 306 tỷ kWh vào năm 2010, chiếm 45% trong tổng số toàn cầu (và gấp 4 lần so với năm 2000). Xét về mặt tương đối, sự tiến bộ của Trung Quốc trong việc đi theo con đường sử dụng năng lượng tái sinh là ấn tượng nhất. Năm 2000, các nguồn năng lượng ngoài thủy điện của Trung Quốc chỉ đóng góp 3 tỷ kWh, thì một thập kỷ sau, nó đã vọt lên tới 107 tỷ kWh, tăng hơn 35 lần. Những tác động của cuộc cách mạng nguồn cung trong ngành công nghiệp năng lượng sẽ được cảm nhận rõ rệt vào những năm tới. Hiện tại, nó đã giúp gia tăng các nguồn dự trữ tái sinh, đa dạng hóa nguồn cung, và mở ra triển vọng tươi sáng về các nguồn năng lượng tái sinh với vai trò là một thành phần quan trọng trong hệ thống sản xuất nguồn năng lượng của thế giới.

Cuộc cách mạng tiêu dùng

Cuộc cách mạng về nguồn cung trong ngành năng lượng đi kèm với một sự thay đổi không kém phần sâu sắc về tiêu thụ năng lượng của thế giới. Các nguyên nhân chính về tiêu thụ năng lượng như tăng trưởng kinh tế, gia tăng dân số, quá trình công nghiệp hóa tiêu thụ nhiều năng lượng, và chất lượng cuộc sống nâng cao diễn ra mạnh mẽ hơn ở các nước đang phát triển, đặc biệt là châu Á, so với các nước phát triển. Do vậy, sức tiêu thụ năng lượng tại các nền kinh tế phát triển đang từ từ giảm dần trong khi mức tiêu thụ năng lượng tại các nước đang phát triển lại tăng bùng nổ. Về tiêu thụ dầu, mức gia tăng ròng từ năm 2000 đến 2012 là 12,41 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, tiêu thụ ở Mỹ trong thời kỳ này đã giảm 1,2 triệu thùng/ngày. Tại Liên Minh Châu Âu, mức giảm ròng trong tiêu thụ dầu từ năm 2000 đến 2012 là 1,6 triệu thùng/ngày. Một loạt các yếu tố như năng suất được cải thiện trong ngành công nghiệp giao thông, tăng trưởng chậm hơn, phong cách sống thay đổi, là những nguyên nhân lý giải cho mức tiêu thụ dầu giảm 2,8 triệu thùng/ngày ở Mỹ và Châu Âu trong khoảng thời gian 12 năm. Bù lại cho mức tiêu thụ giảm ở các nền kinh tế phát triển là sự gia tăng nhanh chóng ở các nước đang phát triển. Một điểm đáng chú ý trong cuộc cách mạng tiêu thụ năng lượng là hiện nay, Trung Đông đang là khu vực tiêu thụ dầu rất lớn. Trong khi mức tiêu thụ dầu mỏ ở Mỹ và châu Âu giảm từ 34,3 triệu thùng/ngày xuống còn 31,5 triệu thùng/ngày từ năm 2000 đến 2012 (giảm 8,2%), thì mức tiêu thụ ở Trung Đông lại tăng 59% trong cùng thời kỳ. Mức tăng ròng về tiêu thụ dầu ở Trung Đông với con số 2,8 triệu thùng/ngày tương đương với mức giảm ở Mỹ và châu Âu trong thời kỳ này. Sự gia tăng tiêu thụ dầu ở Trung Đông càng đáng chú ý hơn khi mức sản xuất dầu của khu vực giữa những năm 2000 và 2012 tăng 3,71 triệu thùng/ngày. Khi mức tiêu thụ tăng (2,8 triệu thùng/ngày) được khấu trừ, thì sản lượng cung ứng dầu của Trung Đông cho thế giới chỉ ở mực 900 nghìn thùng một ngày. Vì xu hướng này có khả năng sẽ tiếp tục diễn ra nên tầm quan trọng tương đối của Trung Đông với vai trò là nhà cung cấp dầu sẽ suy giảm vì nhu cầu gia tăng sẽ khiến khu vực này tiêu thụ nhiều hơn số dầu họ sản xuất ra. Trung tâm của cuộc cách mạng tiêu thụ năng lượng này là Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Từ năm 2000 đến 2012, lượng tiêu thụ dầu ở Châu Á – Châu Đại Dương tăng từ 20,8 lên tới 29,6 triệu thùng/ngày, với mức tăng ròng là 8,8 triệu thùng/ngày (chiếm 71% lượng tăng tiêu thụ dầu toàn cầu trong cùng kỳ). Trung Quốc tiêu thụ 4,8 triệu thùng/ngày năm 2000. Mười hai năm sau, mức tăng lên tới hơn gấp 2 lần với lượng tiêu thụ hàng năm là 10,40 triệu thùng/ngày. So với Trung Quốc, mức tiêu thụ của Ấn Độ tăng thấp hơn, nhưng cũng không thấp hơn nhiều trong cùng thời kỳ (tăng từ 2,1 triệu thùng/ngày lên tới 3,62 triệu thùng/ngày).

Sự mong manh của Trung Quốc

Mô tả vắn tắt về hai cuộc cách mạng song hành trong ngành công nghiệp năng lượng toàn cầu cho thấy rằng, Mỹ, một quốc gia đang gia tăng nguồn cung trong nước và giảm đáng kể lượng tiêu thụ, đã củng cố mạnh mẽ an ninh năng lượng của mình. Trái lại, Trung Quốc giờ đây đang ở vị thế là quốc gia dễ bị tổn thương nhất trong số các quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn trên thế giới. Ngoại trừ các nguồn năng lượng không phải là thủy điện, cuộc cách mạng nguồn cung phần lớn không diễn ra ở Trung Quốc, quốc gia ngày càng phụ thuộc vào than đá, một nguồn năng lượng rẻ nhưng ô nhiễm vào dầu nhập khẩu, một nguồn năng lượng hay biến động về giá cả và chịu tác động của bất ổn địa chính trị. Nói một cách nào đó thì Trung Quốc có lẽ chính là nạn nhân cho sự phát triển kinh tế nhanh chóng của mình trong 3 thập kỷ qua, đặc biệt là từ năm 2000 (GDP của Trung Quốc tính theo giá trị thực đã tăng gấp 4 lần trong thời kỳ này). Mức tiêu thụ năng lượng tăng gần 2,5 lần trong giai đoạn 2000-2011 (tăng từ 41 lên tới 110 triệu tỷ Btu – đơn vị đo nhiệt lượng Anh). Mặc dù Trung Quốc đã có những nỗ lực đáng kể nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng bùng nổ của mình, nhưng các lựa chọn của nước này lại bị hạn chế bởi thiếu nguồn dự trữ trong nước, chi phí nhập khẩu tăng cao và những rào cản về công nghệ. Mức sản xuất dầu mỏ trong nước của Trung Quốc từ năm 2000 đến 2012 chi tăng 1 triệu thùng/ngày (từ 3,4 lên 4,4 triệu thùng/ngày), buộc Trung Quốc phải nhập khẩu số lượng lớn dầu mỏ và làm tăng cao tỷ lệ nhập khẩu dầu từ 29% lên 57%. Các nguồn dự trữ dầu mới được phát hiện ở Trung Quốc năm 2012 là 26 tỷ thùng, chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong một thập kỷ. Trong khi lượng dầu nhập khẩu có thể thỏa mãn cơn khát nhiên liệu vô độ của Trung Quốc thì chi phí mua dầu thô lại tăng vọt (từ 19 tỷ USD tăng lên 220 tỷ USD trong thời gian 2000 – 2012). Giờ đây, chính phủ Trung Quốc ước tính rằng lượng dầu nhập khẩu sẽ đáp ứng 75% lượng tiêu thụ vào năm 2030, với tổng lượng tiêu thụ cao hơn 60% năm 2013. Điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu 13 triệu thùng/ngày, hàng năm phải chi trả 500 tỷ USD với giá là 100 USD một thùng. Rất có khả năng là Trung Quốc có thể phải chi khoảng 750 tỷ USD một năm cho nhu cầu nhập khẩu dầu vào năm 2030.

Các nguồn năng lượng quan trọng khác của Trung Quốc có vẻ cũng gặp phải vấn đề tương tự. Là loại năng lượng cung cấp 2/3 nguồn năng lượng duy trì cỗ máy tăng trưởng kinh tế nóng của Trung Quốc, than đá đang khiến cho bầu không khí của Trung Quốc ngày càng bị ô nhiễm. Vì vậy đối với Trung Quốc, giải pháp lâu dài mang tính khả thi cho bài toán hóc búa về năng lượng nằm ở nguồn năng lượng tái sinh và khí đốt tự nhiên. Chắc chắn, cuộc cách mạng năng lượng này sẽ là một con đường dài. Bắc Kinh đã đầu tư rất lớn vào nguồn năng lượng than đá lỏng. Về lĩnh vực năng lượng tái sinh, năng suất của các nhà máy thủy điện Trung Quốc đã tăng lên gấp 4 lần trong thời gian từ năm 2000 đến 2012. Quốc gia này cũng đang xây dựng thêm 30 nhà máy điện hạt nhân (chiếm một nửa số lò phản ứng hạt nhân đang xây dựng trên thế giới). Ngành năng lượng mặt trời và năng lượng gió đứng đầu trên thế giới. Không may thay, với nhu cầu năng lượng khổng lồ của Trung Quốc thì nguồn năng lượng hạt nhân và tái sinh (hiện cung ứng 20% nguồn điện của Trung Quốc) có thể phát triển rất nhanh nhưng cũng chỉ tạo ra vết lõm nhỏ trong đồ thị phương trình nguồn cung năng lượng của Trung Quốc.

Khí đá phiến – một giải pháp cho Trung Quốc?

Như vậy là khí đốt tự nhiên sẽ là giải pháp hứa hẹn nhất cho vấn đề năng lượng của Trung Quốc. Lượng tiêu thụ khí đốt của Trung Quốc trong thời gian từ 2000 đến 2012 đã tăng gấp 5 lần (từ 0,96 lên tới 5,2 tỷ khối), việc tăng năng suất trong nước chỉ đáp ứng được 2/3 nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao. Việc nhập khí đốt tự nhiên từ Trung Á, Nga và khí đốt hóa lỏng (LNG) từ Úc và Indonesia sẽ đáp ứng được nhu cầu ngắn hạn của Trung Quốc. Về dài hạn, Trung Quốc sẽ phải dựa vào khí đá phiến của mình để làm nguồn cung năng lượng mới. Nhưng liệu Trung Quốc có thể thực hiện được một cuộc cách mạng khí đá phiến? Các báo cáo của Bộ Tài nguyên và Đất đai Trung Quốc nhận định rằng, quốc gia này có trữ lượng khí đá phiến có tiềm năng thương mại vào khoảng 25 tỷ khối, tương đương với Mỹ. Tuy nhiên, dự trữ khí đá phiến của Trung Quốc lại phân bố tại các khu vực rất khó khai thác và sản xuất – hoặc là các khu vực đông dân cư hoặc là những nơi rất khó tiếp cận vì có địa hình đá cứng, khan hiếm nước và cơ sở hạ tầng kém. Bất chấp những khó khăn này, chính phủ Trung Quốc đã công bố một kế hoạch hết sức tham vọng: đặt mục tiêu sản xuất 6,5 tỷ khối khí đá phiến vào năm 2015 và khoảng từ 60 đến 100 tỷ khối vào năm 2020. Có vẻ như những mục tiêu này đều không khả thi vì thực tế thì năm 2013 Trung Quốc chỉ sản xuất ra 200 triệu khối khí đá phiến. Tuy nhiên, ngày cả khi có những thách thức khó khăn nhất thì chúng ta cũng không nên xem thường Trung Quốc. Đất nước này có nhân tài, nguồn lực tài chính và trên hết là có những động lực mạnh mẽ để tăng cường nguồn cung và an ninh năng lượng của mình. Ngay cả khi Trung Quốc chỉ đáp ứng được một nửa các mục tiêu về năng lượng sạch và an toàn, thì sự tác động lên ngành năng lượng toàn cầu sẽ mang tính cách mạng. Tuy nhiên, bài toán thực sự về năng lượng của Trung Quốc lại nằm ở phản ứng của Mỹ đối với các cuộc cách mạng năng lượng toàn cầu đang diễn ra. Với việc nguồn cung trong nước đang bắt đầu phát triển, Mỹ đang dần đạt được sự tự chủ về năng lượng. Vì Mỹ đang phải chi khoảng 15% ngân sách quốc phòng để bảo vệ cho các nguồn cung năng lượng toàn cầu, và Trung Quốc, đối thủ chiến lược của Mỹ, lại được hưởng miễn phí sự bảo đảm đó, nên câu hỏi không lấy gì làm thoải mái là tại sao Mỹ lại phải bảo đảm an ninh năng lượng cho Trung Quốc. Vào lúc này đây, có rất ít người Mỹ đưa ra vấn đề này, và Trung Quốc chắc chắn không muốn câu hỏi như vậy được đặt ra.

Theo About Oil

Trần Quang (dịch)

Minh Ngọc (hiệu đính)