Thiếu tướng , PGS TS Lê Văn Cương (giữa)

1. Đặc điểm của cuộc tranh chấp trên biển đông

Không kể các cuộc tranh chấp của các nước tại Bắc Cực và Nam Cực, quanh bờ Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, ấn Độ Dương và Địa Trung Hải, hiện còn hàng chục cuộc tranh chấp giữa các nước về chủ quyền và lợi ích trên vùng biển, đảo. Chỉ riêng bờ Tây Thái Bình Dương hiện còn gần chục cuộc tranh chấp về chủ quyền và lợi ích trên vùng biển, đảo giữa các nước[1].

So với các cuộc tranh chấp về chủ quyền và lợi ích trên các vùng biển, đảo hiện nay trên thế giới, cuộc tranh chấp giữa các bên liên quan tại khu vực Biển Đông có một số đặc điểm khác biệt sau đây.

1.1. Nhiều tuyến đường hàng hải quốc tế qua Biển Đông

Khu vực Biển Đông có vị trí quan trọng mang tính sống còn đối với các nước Đông Á nói riêng, nhiều quốc gia trên thế giới nói chung. Năm trong số mười con đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới đi qua Biển Đông[2]. Mỗi ngày có khoảng 150 – 200 tàu biển các loại đi qua Biển Đông, trong đó 50% là tàu trọng tải trên 5000 tấn và 10% có trọng tải trên 30.000 tấn. Hơn 90% hàng hoá, dịch vụ toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển, 45% số đó đi qua Biển Đông. 70% dầu mỏ nhập khẩu và 45% hàng xuất khẩu của Nhật Bản, 60% hàng xuất khẩu và 70% dầu nhập khẩu của Trung Quốc qua Biển Đông ; với Hàn Quốc cũng có một tỷ lệ tương tự[3].

Hai nền kinh tế lớn thứ hai, thứ ba thế giới và Hàn Quốc (thứ 11 thế giới) phụ thuộc vào con đường hàng hải qua Biển Đông, nơi đang có tranh chấp hết sức gay gắt về chủ quyền và lợi ích của các quốc gia trong khu vực Đông Á.

1.2. Tranh chấp trên Biển Đông có quan hệ trực tiếp đến lợi ích của các cường quốc hàng đầu thế giới.

Hiện nay và ít ra trong 10 năm tới (đến 2020), Mỹ vẫn là siêu cường, còn Nga và Trung Quốc là hai cường quốc thế giới, Nhật Bản, EU, ấn Độ và các nước lớn khác còn đứng cách xa phía sau.

Về cơ bản, mối quan hệ giữa các cường quốc Nga, Trung Quốc và siêu cường Mỹ sẽ quyết định chiều hướng phát triển của tình hình thế giới. Đây là ba “nhân vật” chính trên sân khấu chính trị thế giới từ nay đến 2020.

Tất cả các cuộc tranh chấp biển, đảo trên thế giới hiện nay, trừ Biển Đông, đều không đồng thời quan hệ trực tiếp đến lợi ích của hai trong ba cường quốc nói trên. Biển Đông là nơi va chạm về lợi ích an ninh và kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ. Sự đụng độ về lợi ích giữa Trung Quốc và Mỹ có quan hệ chặt chẽ với cuộc tranh giành ảnh hưởng của hai cường quốc này tại khu vực ASEAN. Về sâu xa, sự đụng độ về lợi ích giữa Trung Quốc và Mỹ tại Biển Đông phản ánh mâu thuẫn đối kháng giữa cường quốc đang phát triển nhanh – Trung Quốc – muốn đẩy Mỹ ra khỏi ASEAN nói riêng, khỏi phía Tây Thái Bình Dương nói chung với siêu cường Mỹ muốn ngăn chặn sự thách thức của Trung Quốc đối với lợi ích và vị thế siêu cường của Mỹ ở Đông á nói riêng, trên thế giới nói chung.

Vì thế, khác với tất cả các cuộc tranh chấp biển, đảo trên thế giới, tranh chấp trên Biển Đông không chỉ là tranh chấp song phương và đa phương, mà đã mang tính quốc tế và là nơi đụng độ đến lợi ích của các cường quốc hàng đầu thế giới ở trong và ngoài khu vực.

1.3 Tranh chấp trên Biển Đông là cuộc tranh chấp không cân bằng giữa các bên.

Cuộc tranh chấp trên Biển Đông hiện nay chủ yếu giữa Trung Quốc với các nước ASEAN. Đài Loan có tranh chấp với các nước ASEAN, nhưng yêu sách và lập trường của Đài Loan tại Biển Đông không khác với Trung Quốc nên không cần phải tách Đài Loan thành một bên tranh chấp.

Dưới góc độ lịch sử, văn hoá và pháp lý, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Điều đó là hiển nhiên, không có gì phải bàn cãi.

Ngày 20.7.1954, tại Giơnevơ (Thuỵ Sĩ), đại diện Tổng tư lệnh QĐNDVN (thứ trưởng BQP Tạ Quang Bửu) và đại diện Tổng tư lệnh QĐ Liên hiệp Pháp ở Đông Dương (tướng Đentây) đã ký Hiệp định về đình chỉ chiến sự  ở Việt Nam. Ngày 21.7.1954, tại Giơnevơ đã diễn ra Hội nghị quốc tế về việc lập lại hoà bình ở Đông Dương gồm đại diện các chính phủ: Campuchia, quốc gia Việt Nam  (Sài Gòn), Mỹ, Pháp, Lào, VNDCCH, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Anh, Liên Xô. Các bên tham gia Hội nghị 21.7.1954 tại Giơnevơ đã thống nhất đưa ra tuyên bố chung chứng nhận bản Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (Việt Nam và Pháp ký) và tổ chức sự kiểm soát và giám sát quốc tế việc thi hành Hiệp định và thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam[4].

Theo Hiệp định Giơnevơ 1954, Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc và cộng đồng quốc tế đã ký xác nhận điều đó. Việc những người cầm quyền ở Bắc Kinh cho rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc có trái ngược với những điều mà họ đã cam kết và ký kết tại Giơnevơ ngày 21.7.1954 hay không?!

Trên Biển Đông có mấy vấn đề: 1. Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc đánh chiếm vào tháng 1.1974, do đó Hoàng Sa chỉ quan hệ song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc ; 2. Trường Sa tồn tại tranh chấp 6 bên 5 nước (Việt Nam, Philippine, Malaysia, Brunei, Trung Quốc và Đài Loan), đây là tranh chấp đa phương, tranh chấp khu vực ; 3. Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và một số nước (Philippine, Malaysia, Indonêxia) đang bị Trung Quốc cưỡng đoạt thông qua việc tuyên bố họ có chủ quyền tại vùng nước trong đường chữ U chín  đoạn đứt khúc.

Trung Quốc quá mạnh so với các nước có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông, nghiêm trọng hơn là Bắc Kinh quá tham vọng, quá hung hăng và hiếu chiến đòi dùng vũ lực để xâm phạm chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các nước nhỏ.

Khác với mọi cuộc tranh chấp chủ quyền và lợi ích trên thế giới, tranh chấp trên Biển Đông là cuộc tranh chấp hết sức không cân sức giữa các bên.

Trên đây là ba đặc điểm nổi bật của cuộc tranh chấp trên Biển Đông.

2. Các nhân tố tác động đến diễn biến tại biển đông và các khả năng có thể xảy ra từ nay đến 2020

2.1 Các nhân tố tác động đến diễn biến  tại Biển Đông.

Từ nay đến 2020 tình hình Biển Đông diễn biến như thế nào phụ thuộc vào 4 yếu tố sau đây:

- Một là, thái độ và cách ứng xử của Trung Quốc. Gần 10 năm nay, lãnh đạo Trung Quốc đã tuyên bố với công đồng quốc tế là Trung Quốc phát triển hoà bình. Các chính khách, các học giả Trung Quốc đã và đang tận dụng mọi cơ hội để quảng bá tư tưởng Trung Quốc phát triển hoà bình. Họ ra sức thuyết phục cộng đồng quốc tế là sự phát triển của Trung Quốc không đe doạ ai mà chỉ mang lại cơ hội phát triển cho các nước, nhất là các nước láng giềng, các nước trong khu vực.

Trung Quốc là Uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, là người đề xướng 5 Nguyên tắc chung sống hoà bình, là một bên ký “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Nam Trung Hoa” (DOC – 2002).

Đối với Việt Nam, lãnh đạo cao nhất Đảng và Nhà nước Trung Quốc đã cam kết xây dựng quan hệ Việt – Trung theo phương châm “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và hai bên là láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt của nhau.

Tháng 10/2010, thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã có điện gửi những người đồng cấp các nước ASEAN trong đó cam kết: Trung Quốc muốn tạo dựng “một vùng biển hoà bình và hợp tác”.

Từ 21-23.12.2010, tại Côn Minh, Trung Quốc và các nước ASEAN đã có phiên họp vòng 5 nhóm công tác liên hợp về thực hiện “tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC). Trước và sau cuộc họp này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du đã công khai tuyên bố với thế giới: Trung Quốc luôn coi trọng cao độ và thực hiện nghiêm túc DOC, nhằm tăng cường lòng tin chính trị, thúc đẩy họp tác ở Biển Đông, tạo điều kiện có lợi cho giảI quyết tranh chấp, cùng nhau giữ gìn hoà bình và ổn ịnh ở Biển Đông.

Việt Nam và các nước ASEAN nói riêng, cộng đồng quốc tế nói chung mong muốn Trung Quốc có thái độ và cách ứng xử tại Biển Đông như những điều họ đã nói, đã cam kết.

- Hai là, thế và lực của Việt Nam đến đâu. Có ba nhân tó cơ bản tạo nên thế và lực của Việt Nam: 1. Tầm trí tuệ và mức độ trong sáng về phẩm chất của những người ở đỉnh cao quyền lực quốc gia (cấp cao nhất); 2. Sự đồng thuận trong xã hội và mức độ đồng tâm hiệp lực của các tầng lớp nhân dân  và toàn thể dân tộc ; 3. mức độ bền vững trong các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam, trước hết với các cường quốc và các nước trong khu vực.  

Thế và lực của Việt Nam có tác động đến thái độ và hành xử của các nước liên quan và các bên có tranh chấp tại Biển Đông.

- Ba là, mức độ can dự của Mỹ đối với các tranh chấp trên Biển Đông, trước hết thể hiện ở các mối quan hệ Mỹ- Trung Quốc và Mỹ ASEAN.

Có thể dự báo từ nay đến năm 2020, quan hệ Mỹ- Trung không có gì đột biến, không tốt hẳn lên và cũng không xấu đến mức đối đầu. Mỹ, một siêu cường  đã qua đỉnh cao và đang đi xuống nhưng vẫn quyết giữ vị trí  “minh chủ” của thế giới, không chịu để một quốc gia nào nổi lên thách thức vai trò và lợi ích toàn cầu của mình. Trung Quốc, một cường quốc đang lên nhanh và nhanh hơn bất cứ đế quốc nào đã tồn tại trong lịch sử, với tham vọng thống trị toàn cầu và rất hung hãn, hiếu chiến, quyết không chịu trật tự do Mỹ sắp đặt.

Từ nay đến 2020, chú Tàu chưa đủ sức đương đầu với chú Sam, nên 60% “náu mình chờ thời” và 40% hung hăng “diễn võ dương oai” lấn lướt các nước nhỏ yếu hơn mình. Nếu Bắc Kinh chưa trực tiếp đe doạ lợi ích của Mỹ tại các khu vực chiến lược, thì Oasinhtơn sẽ không trực diện đối phó theo kiểu “ăn miếng trả miếng” đối với Bắc Kinh.

Tại Biển Đông, cuối cùng Mỹ sẽ dừnh lại để yêu cầu tối thiểu mang tính nguyên tắc là yêu cầu đảm bảo thông suốt con đường hằng hải  ( cho tàu thương mại và tàu quân sự) qua biển Đông. Mỹ sẽ không can dự vào các tranh chấp về chủ quyền và lợi ích giữa các quốc gia tại khu vực này.

- Bốn là, mức độ đồng thuận của các nước ASEAN đói với các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.

Đối với các tranh chấp trên Biển Đông, các nước ASEAN có quan điểm và thái độ khác nhau . Tất cả các nước ASEAN đều có nhu cầu đảm bảo cho khu vực hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Có lẽ, không có quốc gia nào muốn xẩy ra xung đột quan sự  trên Điển Đông. Nhưng đối với các tranh chấp về chủ quyền và lợi ích trên Biển Đông thì các nước có nhận thức và thái độ ứng xử lại khác nhau, thậm chí rất khác nhau. Có thể có 4 cấp độ khác nhau: 1. Kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên cơ sở hệ thống pháp luật quốc tế; 2. Thiếu kiên quyết và không nhất quán trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia trên Biển Đông (Một số nước có tranh chấp); 3. Đứng ngoài quan sát, chỉ đưa ra những quan điểm chung không động chạm đến quốc gia nào; 4. Không quan tâm, thậm chí có lúc có nơi ủng hộ lập trường, quan điểm vô nguyên tắc của Trung Quốc 

Đó là trạng thái và mức độ đồng thuận của các nước ASEAN đối với các tranh chấp trên biển đông hiện nay. Từ nay đến 2020 thì sao? Có lẽ cơ bản vẫn như hiện nay.

Trên đây là 4 nhân tố cơ bản tác động đến diễn biến tại Biển Đông từ nay đến 2020. Bốn nhân tố này không phải là bất biến và không tồn tại độc lập, mà luôn thay đổi và tác động vào nhau, thúc đẩy lẫn nhau theo cả hai chiều tích và tiêu cực.

2.2. Các khả năng có thể xẩy ra trên Biển Đông từ nay đến 2020

Dưới tác động của 4 nhân tố cơ bản nên trên (mục 2.1 ), tình hình an ninh trên Biển Đông sẽ diễn biến như thế nào?

Trước khi đưa ra các khả năng, các kịch bản có thể, cần nhận rõ hai vấn đề: 1. Nói tranh chấp trên Biển Đông chủ yếu là tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam, đây là trục chính và quan hệ Trung – Việt có ý nghĩa quyết định đến chiều hướng diễn biền tình hình an ninh trên Biển Đông; 2. Trong 4 nhân tốc tác động đến tình hình an ninh trên Biển Đông  (mục 2.1), nhân tố thứ nhất – thái độ và cách ứng xử của Trung Quốc giữ vai trò chủ đạo tạo ra cục diện an ninh trên Biển Đông.

Ngoài 3 nhân tố tác động đến thái độ và cách ứng xử của Trung Quốc đối với các tranh chấp trên Biển Đông là: Thế và lực của Việt nam, sự can dự của Mỹ và sự đồng thuận trong ASEAN, còn nhân tố nào khác?  Theo tôi có hai vấn đề thuốc về nội bộ của Trung Quốc. Nếu từ nay đến 2020, kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển ổn định với tốc độ thấp dần (khoảng 9 đến 7 %/ năm), thì Biển Đông có thể sẽ tạm ổn. Nếu kinh tế Trung Quốc rơi vào suy thoái, xã hội chất chứa nhiều vấn đề bức xúc, có thể có rối loạn cục bộ, trung Quốc sẽ hướng dư luận ra bên ngoài, thì Biển Đông sẽ không yên tĩnh. Quan trọng hơn là chính trị nội bộ Trung Quốc chủ yếu ở cấp hoạch định quyết sách quốc gia. Nếu phái diều hâu trong quân đội lấn át, chi phối tại trung tâm quyền lực ở Trung Nam Hải, thì Biển Đông có thể sẽ nổi sóng dữ dội.

Ngoài ra, tình hình an ninh trên Biển Đông còn có quan hệ với tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên và tình hình an ninh ở eo biển Đài Loan. Ba vấn đề này có quan hệ khá chặt chẽ với nhau và tác động vào nhau. Trực tiếp hay gián tiếp, ở mực độ khác nhau, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, an ninh ở eo biển Đài Loan và an ninh trên Biển Đông đều phản ánh quan hệ Trung – Mỹ. Diễn biến tình hình an ninh tại ban khu vực này như là kết quả cuộc mặc cả lớn (vừa kiềm chế, đấu tranh, vừa hợp tác, nhân nhượng) giữa Trung Quốc và Mỹ.

Dưới tác động đồng thời của các nhân tố trên đây, tình hình an ninh trên Biển Đông từ nay đến 2020 có thể diễn ra theo các kịch bản sau:

- Một là, tốt hơn hiện nay

Khả năng này sẽ diễn ra với điều kiện cần và đủ là lãnh đạo Trung Quốc sẽ hành xử đúng như những điều họ đã nói, đã cam kết “ Trung Quốc muốn tạo dựng một vùng biển hoà bình và hợp tác” (Ôn Gia Bảo 10 - 2010)

Lịch sử Trung Quốc t 1949 đến nay qua 4 thế hệ lãnh đạo lại phản ánh một thực tế: Trong quan hệ quốc tế, những người cầm quyền ở Trung Nam Hải thường “nói một đường làm một nẻo”. Do đó, không hy vọng tình hình an ninh trên Biẻn Đông sẽ phát triển tốt hơn hiện nay    

- Hai là, cơ bản như hiện nay.

Từ nay đến 2020, tình hình an ninh trên Biển Đông được như hiện nay cũng có thể nói là tậm ổn định và chấp nhận được. Nhưng Mỹ tiếp tục suy yếu, Nhật Bản sẽ khó khăn hơn trong việc khôi phục và phát triển sau thảm hoạ động đất 11.3.2011 ; đó là cơ hội để giới diều hâu ở Trung Nam Hải có thể lợi dụng để gây sang giú trên Biển Đông.

Do đó, an ninh trên Biển Đông từ nay đến năm 2020 giữ được trạng thái như hiện nay cũng là khó.

- Ba là, tình hình xấu hơn hiện nay nhưng chưa có xung đột quy mô lớn.

Trung Quốc sẽ ngày càng lấn át các nước có tranh chấp, chủ yếu là Việt Nam. Trung Quốc sẽ tập trận bắn đạn thật tại Trường Sa và các nơi khác trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; sẽ vô cớ xua đuổi tàu đánh cá Việt Nam; họ sẽ ngang nhiên thăm dò khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đồng thời ngăn cấm Việt Nam hợp tác với các nước thăm dò, khai thác dầu khí tại vùng này. Trung Quốc sẽ xâm phạm chủ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông ngày một trắng trợn bất chấp sự phản đối của Việt Nam, thậm chí có thể dùng vũ lực để đánh chiếm một số đảo của Việt Nam ở Trường Sa. Tất nhiên, họ sẽ vu cáo Việt Nam để tạo cớ cho các hành động quân sự (đánh nhanh, chiếm gọn, đặt chuyện đã rồi).

Đây là khả năng có xác suất xảy ra lớn nhất.

- Bốn là, xảy ra xung đột lớn do Trung Quốc dùng lực lượng quân sự đánh chiếm hầu hết các đảo của Việt Nam tại Trường Sa.

Đây là tình huống chiến tranh trên Biển Đông.

Xét trên mọi khía cạnh và cân nhắc diễn biến tình hình kinh tế, chính trị nội bộ ở Trung Quốc và xu hướng phát triển chung của tình hình thế giới, khu vực, có thể nghĩ rằng ít có khả năng xảy ra tình huống này. Xin được lưu ý là “ít có khả năng” chứ không phải “ không có khả năng” xảy ra.

Trên đây là bốn khả năng – kịch bản có thể diễn ra trên Biển Đông từ nay đến 2020. Nếu cần lượng hoá xin nêu ra xác suất có thể xảy ra đối với vác khả năng  - tình huống nêu trên như sau:

Xác suất xảy ra khả năng một  là: 1%

Xác suất xảy ra khả năng hai là: 25%   

Xác suất xảy ra khả năng ba là: 60%   

Xác suất xảy ra khả năng bốn là: 14%   

Mặc dù không phải “ ăn ốc nói mò”, nhưng dự báo là dự báo và bao giờ cũng có tính tương đối. Tình hình luôn thay đổi phức tạp, mau lẹ và ẩn chứa cả đột xuất, bất ngờ. Do đó, cần tỉnh táo theo dõi, quan sát từ nhiều chiều cạnh khác nhau để hạn chế tối đa phải bị động đối phó.

3. Giải pháp phòng ngừa ứng phó

3.1. Cần có nhận thức đúng đắn về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia

Trong các diễn đàn trao đổi, tranh luận về nội hàm các khái niệm “ an ninh quốc gia” , “ an ninh truyền thống”  và “ an ninh phải truyền thống”, học giả Trung Quốc Lục Trung Vĩ đã có ý kiến xác đáng được nhiều người đồng tình: “ Từ khi ra đời quốc gia dân tộc và chủ nghĩa tư bản cận đại cho đến nay, cái lớn nhất của quốc gia là dân số và lãnh thổ, lợi ích lớn nhất mà an ninh quốc gia bảo vệ là bảo đảm lạnh thổ và quốc dân của mình không bị ngoại lai xâm phạm[5].

Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không gian sinh tồn của dân tộc là nhiệm vụ tối thượng của mọi chính phủ và mọi công dân. Đối với mọi quốc gia, mọi dân tộc, trước hết phải có không gian để sinh tồn và phải bảo vệ được nó sau đó mới nói đến các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội.

Từ năm 179 trước công nguyên (mở đầu thì kỳ Bắc thuộc) đến nay,  hàng triệu người Việt Nam đã anh dũng hy sinh chống giặc ngoại xâm để bảo vệ không gian sinh tồn cho dân tộc Việt Nam với gần 330.000 km2 đất liền và các đảo trên biển, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa. Hiến chương Liên Hiệp Quốc 1945 và Công ước của Liên Hiệp Quốc về luạt Biển năm 1982 đã xác nhận Việt Nam có chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải với diện tích khoảng 1 triệu km2 trên Biển Đông.

Đây là không gian sinh tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam, là vấn đề trường tồn vĩnh viễn, và không ai, kể cả những người lãnh đạo tối cao của nhà nước có quyền mặc cả với nước ngoài về vấn đề này. Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là “dĩ bất biến”. Phương châm “ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “ bốn tốt” chỉ là “ ứng vạn tốt biến” và thuộc phạm trù chiến lược, chính sách, mà mọi chiến lược, chính sách đều có hiệu lực trong một thời gian nhất định, hoàn toàn không phải là trường tồn, vĩnh viễn. Hơn ai hết, những người có trọng trách với quốc gia dân tộc phải hiểu vấn đề này quan trọng hơn là phải có chiến lược sáng suốt, đúng đắn để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc.

3.2. Bằng mọi cách và sử dụng mọi phương tiện có thể để làm cho mọi người dân Việt Nam, ở trong nước và ngoài nước, hiểu rõ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông và những thách thức, nguy cơ đối với an ninh quốc gia Việt Nam hiện nay.

Việc kích động chủ nghĩa dân tộc và nói rõ cho người dân biết các mối đe doạ đối với chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là hai việc hoàn toàn khác nhau. Người dân có quyền được biết và Nhà nước có trách nhiệm phải cho người dân biết những vấn đề liên quan đến chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông như: lịch sử thực thi chủ quyền của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ đối với Hoàng Sa, Trường Sa ; những hòn đảo nào của Việt Nam đã bị nước ngoài cướp đoạt ; thế lực ngoại bang nào đã và đang vừa cướp đoạt tài nguyên trên vùng đặc quyền kinh tế của VIệt Nam, vừa gây áp lực, xua đuổi, thậm chí dùng vũ lực cản trở Việt Nam khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; đâu là cơ sở lịch sử, cơ sở văn hoá, cơ sở pháp lý đối với chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông…

 Trong lịch sử dựng nước và giữa nước hơn hai ngàn năm trăm năm, Việt Nam nhiều lần bị các thế lực ngoại bang xâm chiếm, thôn tính và Việt Nam chưa đi xâm lược bất cứ quốc gia nào. Người Việt hiền hoà, cở mở và muốn làm bạn tin cậy của bạn bè quốc tế gần xa. Nhà nước Việt Nam không kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi để chống nước khác, không liên kết với các nước ngoài khu vực chống lại các nước láng giềng. Nhưng việc giáo dục lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, cho người dân biết rõ nguy cơ, thách thức đối với chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ để họ phát huy truyền thống chống ngoại xâm vẻ vang của lớp lớp cha ông, sẵn sàng đoàn kết, quyết bảo vệ không gian sinh tồn của tổ tiên để lại và được cộng đồng quốc tế xác nhận thông qua các định chế quốc tế ( Liên Hợp Quốc và hệ thống luật pháp quốc tế…) là nghĩa vụ và trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam ( không chỉ nhà nước Việt Nam, bất kể nhà nước nào trên thế giới cũng phải làm như vậy).

Để làm cho hơn 90 triệu người Việt Nam ở trong và ngoài nước có hiểu biết cần thiết về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông và các mối đe doạ đối với chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, cần thực hiện đồng thời các việc sau: 1- Phát thanh và truyền hình có chương trình biển, đảo ổn định ( ba buổi trong một tuần ), các báo mỗi tuần có ít nhất 3 bài về biển đảo; 2- Xây dựng chương trình biển, đảo đưa vào giảng dạy chính khoá trong hệ thống các trường phổ thông, trung học, đại học, các lớp bồi dưỡng kiến thức cho quan chức, công chức từ sơ cấp đến cao cấp trong các học viện, nhà trường ( các loại lớp từ 2 tháng đến 2 năm ); 3- Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí cho việc in, phát hành các kết quả nghiên cứu ( sách, tài liệu chuyên khảo, tài liệu tham khảo…)và các loại sách phổ biến rộng rãi với giá ưu đãi ( dùng kinh phí của nhà nước để hỗ trợ ).

3.3 Nhà nước cần chỉ đạo việc nhanh chóng nghiên cứu một cách sâu sắc, toàn diện, cơ bản về biển, đảo theo 3 kênh:

1- Các trường đại học, viện nghiên cứu, học viện trong cả nước cần tăng chỉ tiêu nghiên cứu cao học và làm luận án tiến sĩ về chủ đề biển, đảo. Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí cho các đề tài loại này và tạo điều kiện, kể cả hỗ trợ tài chính, cho các luận văn, luận án về biển, đảo thực hiện ở nước ngoài; 2- Đầu tư tập trung cho các chương trình nghiên cứu khoa học nghiên cứu một cách cơ bản về biển, đảo ( hàng ngàn tỷ đồng, thậm chí hàng chục ngàn tỷ đồng ); 3- Tổ chức hợp tác quốc tế nghiên cứu về biển, đảo với các nước, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế. Tranh thủ sự giúp đỡ về chuyên môn kỹ thuật và hỗ trợ của nước ngoài và các tổ chức quốc tế, tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế về biển, đảo; 4- Nhà nước cần có chính sách mời các học giả người Việt định cư ở nước ngoài về nước tham gia các chương trình, dự án nghiên cứu biển, đảo. Các học giả người Việt định cư ở nước ngoài có trình độ cao, hiểu biết sâu và có nhiều thông tin, tư liệu quý về biển, đảo và họ có tâm huyết với chủ đề này, có lòng yêu nước và muốn đóng góp cho sự trường tồn và phát triển của đất nước.

3.4 Duy trì, thúc đẩy trao đổi song phương với Trung Quốc, mở rộng trao đổi đa phương với các nước trong và ngoài khu vực về những vấn đề liên quan đến Biển Đông.

Trao đổi và hợp tác đa phương về Biển Đông. Như trên đã trình bày: Việt Nam không bao giờ liên kết với các nước khác để chống các nước láng giềng. Việt Nam cần phải và có thể trao đổi, hợp tác rộng rãi với các nước và với các tổ chức quốc tế để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mình, và việc đó hoàn toàn phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, với hệ thống luật pháp quốc tế và thông lệ quốc tế. Không một quốc gia nào có quyền cản trở Việt Nam trao đổi, hợp tác đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế nghiên cứu Biển Đông. Phải xem những hoạt động cản trở Việt Nam hợp tác đa phương trong nghiên cứu Biển Đông là hành động can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam.

3.5 Củng cố quan hệ với Trung Quốc, thúc đẩy và mở rộng quan hệ với Nhật Bản, các nước ASEAN, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nga, EU,Oxtraylia và các tổ chức quốc tế.

Việt Nam tôn trọng quan hệ bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước, các tổ chức quốc tế và bạn bè trên thế giới. Điều đó không có nghĩa là chia đều, bình quân trong quan hệ quốc tế, mà cần xác định các trục chính, các quan hệ nền tảng, cơ bản. Từ khi thực hiện đường lối cải cách, mở cửa ( 12.1978 ), lãnh đạo Trung Quốc ( từ Đặng Tiểu Bình đến Giang Trạch Dân, Chu Dung Cơ, Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo ) nhất quán đặt quan hệ Trung – Mỹ là quan hệ nền tảng, quan hệ của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới không được ảnh hưởng xấu đến quan hệ Trung – Mỹ.

Trong thời gian tới: “ Trung Quốc sẽ tiếp tục quan hệ với Mỹ coi đây là trọng điểm trong trọng điểm đối ngoại của Trung Quốc[6]. Hồ Cẩm Đào cho rằng: ưu thế của cường quốc Mỹ trên trường quốc tế biến mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ trở thành “sợi chỉ đỏ trong chiến lược, chính sách đối ngoại của Trung Quốc[7].

Đối với Việt Nam, phải chăng: quan hệ Việt – Trung, Việt – Mỹ và Việt – Nhật là ba mối quan hệ nền tảng ; quan hệ Việt – ASEAN, Việt – Nga và Việt – Ấn là các quan hệ đặc biệt quan trọng? Trong khi củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị với Trung Quốc, Việt Nam cần nhanh chóng thúc đẩy và mở rộng quan hệ với Hoa Kỳ. Cho đến nay Việt Nam mới chỉ khai thác được phần nhỏ trong quan hệ với Nhật Bản, quan hệ Việt – Nhật còn dư địa rộng rãi cho phát triển quan hệ song phương toàn diện. Đồng thời phải củng cố và thắt chặt quan hệ với Nga, Ấn Độ, các nước ASEAN, đặc biệt với Lào và Campuchia.

3.6. Cuối cùng nhưng quan trọng nhất, quyết định nhất, Đảng phải thật sự trong sạch, vững mạnh và Nhà nước phải trong sạch, vững mạnh, nhất là ở cấp hoạch định và chỉ đảo quyết sách quốc gia.

Tình trạng quan liêu, tham nhũng lãng phí và sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên “đang cản trở việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, gây bất bình và làm giảm lòng tin trong nhân dân[8] và “Đó là một nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của đảng, của chế độ”[9]. Hiện nay Đảng và Nhà nước ta coi tham nhũng và lãng phí là kẻ thù số 1 của Đảng[10].

Vì “Bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng ; vẫn còn tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tội”, “chạy bằng cấp”. Thoái hoá, biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống ; tệ quan liêu, tham nhũng lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn đẩy lùi, nhất là trong các cơ quan công quyền…[11] mà lòng dân không yên và giảm lòng tin vào sợ lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, xã hội phân tâm, tích dồn âm ỷ bất bình, sức mạnh của quốc gia dân tộc bị suy giảm.

Năm nay, Việt Nam kỷ niệm 710 ngày mất của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Trước khi mất, Hưng Đạo Đại Vương để lại di huấn: Thời bình phải khoan thử sức dân để làm kế sâu rễ, bản gốc và làm cho vua tôi đồng lòng, anh em hoà thuận, cả nước chung sức. Đó là thượng sách giữ nước[12].

Do đó, quan trọng nhất và cấp bách nhất hiện nay là khắc phục yếu kém, tha hoá bên trong bộ máy Đảng, Nhà nước làm cho Đảng mạnh, Nhà nước mạnh, tạo ra sự đồng thuận trong xã hội, quy tụ lòng dân, tạo ra sức mạnh của cả dân tộc để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đó là vận dụng “kế sách giữ nước” của Hưng Đạo Đại Vương trong thời đại ngày nay. Một quốc gia đất không rộng, người không đông, nếu quốc gia đó có được tâm thế trên dưới đồng lòng, anh em hoà thuận, lãnh đạo quốc gia sáng suốt, hết lòng vì lợi ích của đất nước, của người dân, được nhân dân tôn trọng, tin tưởng, thì quốc gia đó sẽ được bạn bè kính nể và buộc thế lực ngoại bang, dù có to lớn đến đâu, cũng phải suy tính được khi có hành động xâm phạm lợi ích sống còn của các quốc gia đó.

Trong hơn hai ngàn năm trăm năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã chiến đấu và chiến thắng các đạo quân xâm lược lớn mạnh hơn mình nhiều lần (Tống, Nguyên – Mông, Minh, Thanh, Pháp, Mỹ). Tại sao một dân tộc nhỏ thắng kẻ địch to và mạnh hơn? Trong lịch sử nhân loại, mọi đế quốc, dù hùng mạnh bao nhiêu, cũng có những chỗ yếu, điểm yếu. Các cường quốc khu vực, cường quốc thế giới hiện nay cũng không phải là ngoại lệ. Phía sau ánh hào quang của quốc lực mà họ phô diễn, ra oai, có nhiều vùng tối, những điểm yếu không hề nhỏ. Do đó, không có gì phải sợ, quan trọng là tỉnh táo, sáng suốt biết rõ chỗ mạnh và hiểu thấu chỗ yếu của kẻ mạnh.

Lịch sử văn minh nhân loại hơn 5000 năm đã chứng minh tính đúng đắn trong ý chỉ của Lê Lợi: “Đất nước thịnh vượng tất cả ở việc cử hiền. Người làm vua thiên hạ phải lo việc đó trước tiên”.

Hiền tài đất nước không bao giờ thiếu. Chỉ có minh quân mới thực hiện được “cử hiền”, và chỉ có cử hiền, đưa hiền tài vào vị trí hoạch định và chỉ đạo quyết sách, thì đất nước mới cường thịnh, mới bảo vệ được chủ quyền của Việt Nam. Đại hội XI của Đảng CSVN sẽ thảo luận và quyết định những việc trọng đại của đất nước trong 5 – 10 năm tới, trong đó quan trọng nhất và quyết định nhất là đưa những người tài cao, đức cả vào vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước. Đó là sứ mệnh lịch sử của Đảng CSVN trong giai đoạn mới, và cũng là món nợ lớn mà Đảng còn mắc nợ dân tộc Việt Nam.     

Thiếu tướng, PGS TS Viện Chiến lược và Khoa học Công an.

Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập NCBĐ.

 



* Thiếu tướng, PGS TS Viện Chiến lược và Khoa học Công an.

[1] Tranh chấp giữa Nhật và Nga về quần đảo Nam Kurid. Tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản về quần đảo Sensuka, tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc về quần đảo Hoàng Sa, tranh chấp giữa Trung Quốc với 5 nước ASEAN tại quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, còn có các cuộc tranh chấp giữa Hàn Quốc với Nhật Bản, Trung Quốc với Hàn Quốc, và giữa các nước ASEAN...

[2] Tuyến Tây Âu, Bắc Mỹ qua Địa Trung Hải, kênh đào Xuy – ê, Trung Đông đến ấn Độ, Đông á, Otrâylia, Niu Dilân; tuyến Đông á qua kênh đào Panama đến bờ Đông Bắc Mỹ và Calibê ; tuyến Đông á đi Otrâylia và Niu Dilân, Nam Thái Bình Dương; tuyến Tây Bắc Mỹ đến Đông á.

[3] Theo tài liệu của U.B.B.G.Q.G.2010

[4] Trung tâm Từ điển Bách khoa Quân sự Bộ Quốc phòng: “Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam”. NXB QĐND, HN, 1996, tr.342.

[5] Lục Trung Vĩ: “Bàn về an ninh phi truyền thống”. NXB Thời sự , TQ, 2005, tr.27.

[6] Báo “Courrier International” (Pháp) giữa tháng 11.2002.

[7] Bình luận về quan hệ Trung – Mỹ trong thời gian tới đăng trên tờ “Liên hợp (Đài Loan) 5.6.2003.

[8] Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB CTQG, Hà Nội, 2001, tr.67.

[9] Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB CTQG, Hà Nội, 2006, tr.264.

[10] Trích phát biểu của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tại Hội nghị quán triệt NQTW3 (X) của Đảng bộ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ngày 24.11.2006

[11] Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB CTQG, Hà Nội, 2006, tr.263 - 264.

[12] Hà Văn Thư – Trần Hồng Đức: “Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam” NXB văn hoá thông tin (tái bản lần thứ 12) Hà Nội, 2005, tr.96.