Trong 10 năm qua thế giới đã trải qua quá trình phát triển mạnh, thay đổi lớn và điều chỉnh lớn, chủ yếu là đối phó với cuộc khủng hoảng. Tình hình chống khủng bố toàn cầu diễn ra nghiêm trọng, ảnh hưởng sâu sắc của khủng hoảng tài chính quốc tế vẫn tiếp tục lan tỏa, khủng hoảng nợ công ở châu Âu vẫn nặng nề, mâu thuẫn ở những điểm nóng như bán đảo Triều Tiên, Tây Á, Bắc Phi đan xen nhau, những vấn đề về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực ngày càng nổi rõ, tình hình quốc tế xáo động bấp bênh…. 

I- Phương châm sách lược quan hệ nước lớn chủ động tích cực hơn 

Nước lớn có ảnh hưởng đặc biệt trong quan hệ quốc tế, cũng có trách nhiệm quan trọng trong các công việc của toàn cầu. Quan hệ giữa các nước lớn có ảnh hưởng sâu sắc đối với tình hình của bản thân nước lớn đó, đối với tình hình khu vực và cả tình hình thế giới. 

Giữa Bắc Kinh với Oasinhtơn, Mátxcơva, Tôkyô, Luân Đôn và Pari đã lần lượt xây dựng quan hệ đối tác với các loại hình. Việc thành lập quan hệ đối tác theo mô hình mới “không đối đầu, không liên minh, không nhắm vào nước thứ ba” có lợi cho Trung Quốc phát huy vai trò tích cực mang tính xây dựng trong các công việc quốc tế, cũng có lợi cho việc thúc đẩy quan hệ quốc tế cân bằng hơn. Quan hệ Trung - Mỹ phát triển ổn định trong trạng thái trắc trở, quan hệ Trung - Nga đi đến bước khởi điểm mới trong lịch sử, quan hệ giữa Trung Quốc - châu Âu không ngừng được điều chỉnh tiến lên. Đó là do Trung Quốc đã hoạch định đường lối quan hệ nước lớn chủ động tích cực hơn. 

Trong 10 năm qua, từ quan hệ đối tác hợp tác mang tính xây dựng đến quan hệ hợp tác tích cực toàn diện thế kỷ 21, lại tiếp tục đi đến quan hệ đối tác hợp tác cùng thắng, quan hệ Trung – Mỹ đã trải qua chặng đường trắc trở nhưng vẫn giữ được xu hướng phát triển đi lên. Tháng 1/2011 Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã thực hiện chuyến thăm Mỹ thành công, nguyên thủ hai nước đi đến nhận thức chung quan trọng về tăng cường quan hệ chiến lược. Trong thời gian 10 năm, hai nước đã đạt được rất nhiều thành quả hợp tác quan trọng trong các phương diện như cùng đối phó với khủng hoảng tài chính thế giới, mở rộng hợp tác song phương và phối hợp hợp tác trong các vấn đề quốc tế và khu vực quan trọng, hiện nay đang ra sức tìm kiếm con đường đi đến quan hệ nước lớn kiểu mới chung sống giữa “nước lớn mới nổi” và “nước lớn đã định vị”. 

Trải qua một vòng hoa giáp (60 năm), quan hệ Trung – Nga đã đứng trên bước khởi điểm mới của lịch sử. Từ ngày 16 tháng 7 năm 2011, hai nước đã ký “Hiệp ước hợp tác láng giềng hữu nghị Trung - Nga”, đề xuất xây dựng mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Trung – Nga bình đẳng, tin cậy lẫn nhau. Những năm gần đây quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Trung – Nga và hợp tác thực tế luôn giữ được xu hướng phát triển liên tục ở trình độ cao, hai nước nhất trí với nhau về mặt chiến lược, hợp tác, phối hợp không ngừng gia tăng; hợp tác kinh tế thương mại ngày càng đi vào chiều sâu, giao lưu nhân văn được tăng cường, đã lần lượt tổ chức các hoạt động giao lưu theo mô hình mới như Năm Trung Quốc tại Nga và Năm nước Nga tại Trung Quốc, Năm ngôn ngữ và du lịch ở mỗi nước…. 

Trong thời gian gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc – châu Âu lần thứ 6 năm 2003, hai bên đã quyết định thành lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Ngày 14 tháng 2 năm 2012, cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc - châu Âu lần thứ 14 đã được tổ chức tại Bắc Kinh. Trong 10 năm qua quan hệ Trung Quốc-châu Âu phát triển ổn định hơn, cũng đã vượt qua giai đoạn thoái trào. Vào dịp tết âm lịch năm 2008, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã triển khai chuyến thăm “du lịch lòng tin” đến châu Âu, hai bên tuyên bố khôi phục quy chế gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo, quan hệ Trung Quốc - châu Âu từng bước trở lại quỹ đạo bình thường. Hai bên hiện đang nỗ lực tạo ra cho quan hệ Trung Quốc - châu Âu mô hình mẫu về hợp tác quốc tế tôn trọng lẫn nhau, chung sống hữu nghị, hợp tác cùng thắng và cùng phát triển thế kỷ 21 giữa các chế độ xã hội khác nhau và các mô hình phát triển khác nhau. 

Trong 10 năm đầu thế kỷ 21, sau khi trải qua các giai đoạn trắc trở, gập ghềnh, quan hệ Trung–Nhật đã có được những bước đi quan trọng hướng đến mục tiêu quan hệ chiến lược cùng có lợi. Thông qua các chuyến thăm ngoại giao “phá băng”, “tan băng”, “đón Xuân và “mùa Xuân ấp áp”, quan hệ hai bên đã trở lại quỹ đạo phát triển bình thường. Những năm gần đây, quan hệ Trung – Nhật vừa có bước phát triển nhất định, đồng thời lại có một số vấn đề nổi cộm như vấn đề đảo Điếu Ngư, trở thành trở ngại trong quá trình phát triển bình thường của quan hệ Trung – Nhật. 

II- Góp phần khôi phục kinh tế thế giới 

Trong 10 năm qua, hợp tác chính trị tin cậy lẫn nhau giữa Trung Quốc với các nước chủ chốt trên thế giới đã được tăng cường thêm một bước, khuôn khổ quan hệ giữa Trung Quốc với các nước lớn về tổng thể ổn định hơn, tích cực hơn, lời nói và hành động của Trung Quốc với tư cách là nước lớn có trách nhiệm cũng đã được khẳng định trong cộng đồng quốc tế. 

Năm 2008 bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn ở Mỹ, cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu đã xảy ra một cách toàn diện, tin xấu không ngừng loan đi, thị trường ảm đạm, các nền kinh tế phát triển và đang phát triển đều bị thiệt hại nặng nề. Trong tình thế ảm đạm, Trung Quốc đã liên tục thúc đẩy những giải pháp lớn, khắc phục những thách thức do cuộc khủng hoảng mang lại, đồng thời kêu gọi thế giới đồng tâm hiệp lực cùng vượt qua giai đoạn khó khăn. 

Ngày 4 tháng 9 năm 2009, trong khi hội kiến với Thủ tướng Anh Gordon Brown, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã làm rõ chủ trương của Trung Quốc: “Các nước đều trên con thuyền lớn kinh tế toàn cầu, đứng trước sóng gió của cuộc khủng hoảng tài chính, chỉ khi nào tất cả mọi thành viên trên tầu cùng đồng tâm hiệp lực, cùng khắc phục khó khăn mới có thể đưa con tàu kinh tế thế giới hiện nay đến bến bình an, giảm thiểu đến mức thấp nhất ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhanh chóng khôi phục kinh tế thế giới tăng trưởng”. 

Tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G.20 ở Luân Đôn, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã nêu kiến nghị 4 điểm thúc đẩy kinh tế thế giới tăng trưởng, nhấn mạnh Trung Quốc sẽ tích cực tham gia hợp tác quốc tế đối phó với khủng hoảng, sẽ đóng góp xứng đáng vào việc thúc đẩy khôi phục đà tăng trưởng của kinh tế thế giới. Tại các diễn đàn ở Davos (Thụy Sĩ), Diễn đàn Bác Ngao châu Á…, lời kêu gọi trấn tĩnh lòng tin của Thủ tướng Ôn Gia Bảo khiến các bên quan tâm hướng ứng. 

Trong khi lắng nghe tiếng nói của Trung Quốc, thế giới cũng quan tâm như vậy đến hành động của Trung Quốc. Trong cuộc khủng hoảng hiếm có diễn ra như thế, việc Trung Quốc tuyên bố với thế giới về chủ trương và hành động thiết thực của bản thân như vậy, lòng tin đã được truyền đi rộng rãi hơn, thúc đẩy hợp tác tích cực hơn. Biểu hiện của Trung Quốc trong khủng hoảng đã nâng cao địa vị quốc tế của Trung Quốc với tư cách là nước lớn có trách nhiệm. 

Năm 2010, cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu xảy ra đã khiến nền kinh tế thế giới xuất hiện đợt hoảng sợ xảy ra cuộc khủng hoảng lần thứ hai chạm đáy sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới lần trước. Cùng với cuộc khủng hoảng thứ hai diễn ra ngày càng mạnh, ngày càng có nhiều người hướng sự quan tâm tới Trung Quốc. 

Trung Quốc đã không đứng ngoài cuộc. Năm đó cấp bậc các đoàn đi thăm lẫn nhau giữa Trung Quốc - châu Âu và mật độ các chuyến thăm đó đều cao hơn và dày hơn các năm trước. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần đi sâu thảo luận với EU và lãnh đạo các nước châu Âu về tình hình và đối sách trên các bình diện đa phương và song phương, tỏ rõ sự lý giải và ủng hộ đối với EU. Sau khi xảy ra khủng hoảng, Trung Quốc đã cử hơn 30 đoàn đến châu Âu mua hàng, rót vốn cho Quỹ tiền tệ quốc tế, mua công trái của một bộ phận các nước châu Âu…, thông qua đó đã hỗ trợ các nước châu Âu tăng thêm việc làm và khôi phục đà tăng trưởng kinh tế. 

Có báo đã đánh giá việc làm của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và khủng hoảng nợ công ở châu Âu như sau: “Trung Quốc không phải là Chúa cứu thế của châu Âu, lại càng không phải là thần dược vạn năng của nền kinh tế thế giới. Đóng góp lớn nhất của Trung Quốc đối với châu Âu và thế giới là sự ổn định và tăng trưởng nhanh, lành mạnh của bản thân nền kinh tế Trung Quốc, yếu tố này không chỉ là khôi phục lòng tin, thúc đẩy việc làm và kinh tế tăng trưởng ở châu Âu, mà cũng sẽ giúp ổn định nền kinh tế thế giới. Việc Trung Quốc tích cực tham gia hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế toàn cầu sẽ làm tăng tính chất đại diện và quyền phát ngôn của những nước có nền kinh tế thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, thúc đẩy trật tự kinh tế thế giới phát triển theo hướng công bằng và hợp lý hơn”. 

Ngoài việc phát huy vai trò của nước lớn có trách nhiệm trong lĩnh vực tài chính, kinh tế, Trung Quốc còn tích cực tham gia giải quyết các vấn đề về điểm nóng khu vực, đã đề xuất chủ trương 6 điểm và cử đặc sứ đến dàn xếp với các nước trong khu vực giải quyết chính trị cuộc khủng hoảng ở Xyri, thúc đẩy các nước thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đạt được tiếng nói chung quan trọng trong vấn đề Xyri. Trung Quốc tích cực phối hợp thống nhất với các nước thành viên khác trong cơ chế 6 bên về vấn đề hạt nhân Iran, nỗ lực thúc đẩy tiến trình đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, không ngừng nỗ lực trong việc bảo vệ hòa bình ổn định tình hình bán đảo Triều Tiên, thúc đẩy nền hòa bình lâu dài thịnh trị ở khu vực Đông Bắc Á. 

Đối với lịch sử nhân loại, 10 năm chỉ là khoảnh khắc nhưng đối với nền ngoại giao Trung Quốc lại đầy ắp nội dung nặng nề. Là nước lớn mới nổi, trong 10 năm qua, tư cách đó của Trung Quốc đã được thừa nhận rộng rãi, đồng thời đã phát huy vai trò tích cực trên trường quốc tế, xác lập được đường lối ngoại giao phù hợp với địa vị nước lớn của mình như vậy. Hướng về phía trước, có lý do để tin rằng phát triển theo quan điểm khoa học sẽ tiếp tục dẫn đưa Trung Quốc tiến những bước dài trên con đường độc lập tự chủ. Con đường ngoại giao phát triển hòa bình của Trung Quốc chắc chắn sẽ càng đi càng rộng. 

Theo Tân Hoa Xã (ngày 5/8)

Vũ Hiền (gt)