Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Abe đã gặp nhau bên lề một hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại thủ đô Jakarta của Indonesia trong vòng 30 phút. Hai nhà lãnh đạo đã tìm cách cải thiện mối quan hệ giữa hai nước, vốn bị tổn hại do các tranh chấp lãnh thổ và di sản chiến tranh nhiều cay đắng. Sau cuộc hội đàm, ông Abe nói với các phóng viên rằng lãnh đạo hai nước đã có "một cuộc gặp thượng đỉnh rất ý nghĩa" và quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang được cải thiện. 

Tuy nhiên, bài phát biểu trước đó của ông Abe tại hội nghị thượng đỉnh ở Jakarta sáng ngày 22/4, trong đó ông không hề xin lỗi vì những hành vi của Nhật Bản trên khắp châu Á trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai, đã phủ bóng đen lên cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo. Kênh tin tức CCTV trích lời ông Tập Cận Bình: "Tôi hy vọng phía Nhật Bản nghiêm túc cân nhắc những quan ngại của các nước láng giềng châu Á".

Hãng tin Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận chính thức của Bắc Kinh, đã đăng một bài bình luận trong đó đánh giá rằng cuộc gặp vừa qua giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản là một dấu hiệu tích cực, tuy nhiên bài báo cũng nói thêm rằng việc ông Abe không xin lỗi là "điều vô cùng đáng tiếc" và "quan điểm nguy hiểm về những vấn đề lịch sử nhạy cảm" của Tokyo ngăn cản hai nước cải thiện quan hệ.

Quan hệ vốn luôn lạnh nhạt giữa Bắc Kinh và Tokyo đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều thập kỷ qua do hai bên tranh chấp chủ quyền đối với một nhóm đảo hiện do Nhật Bản kiểm soát trên biển Hoa Đông, và Trung Quốc cho rằng ông Abe không tỏ ra hối lỗi một cách thích đáng vì những hành động hung bạo thời chiến của Nhật Bản.

Trong bài phát biểu của ông Abe trước các nhà lãnh đạo châu Á và châu Phi, ông bày tỏ "sự hối hận sâu sắc" nhưng không đưa ra "lời xin lỗi chân thành" hay nhắc tới "hành vi xâm lược và sự cai trị thực dân" của Nhật Bản trong chiến tranh, như vậy ông đã không lặp lại hoàn toàn những lời lẽ đã được đưa ra trong tuyên bố năm 1995 của chính quyền Nhật Bản khi ấy về hành vi thời chiến của nước này. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Á-Phi ở Jakarta năm 2005, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Junichiro Koizumi đã đưa ra thông điệp tương tự như trong tuyên bố năm 1995, sử dụng cả cụm từ mà ông Abe đã bỏ sót.

Đối với Trung Quốc và Hàn Quốc, những quốc gia từng phải chịu ách cai trị thực dân của Nhật Bản, lời nói của ông Abe rất quan trọng bởi nó thể hiện mức độ hối lỗi của Nhật Bản về những tội ác trong chiến tranh trước đây.

Ngoài những bình luận của ông Tập Cận Bình sau cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Nhật Bản, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng bày tỏ sự "rất lấy làm tiếc" vì ông Abe đã bỏ sót những cụm từ quan trọng. 

Những phát biểu của ông Abe trong lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh kéo dài 2 ngày tại Jakarta có thể là một điềm báo xấu cho tuyên bố sắp tới của ông vào cuối năm nay nhân dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Các nhà quan sát đang đợi xem liệu ông Abe có trực tiếp nhắc tới "hành vi xâm lược và sự cai trị thực dân" của Nhật Bản và bày tỏ "sự hối hận sâu sắc và lời xin lỗi chân thành" hay không, như các thủ tướng Nhật Bản trước đây từng làm trong lễ kỷ niệm 50 năm và 60 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình gần đây, ông Abe đã ngụ ý rằng ông sẽ không nhắc lại lời xin lỗi chính thức trong tuyên bố của mình.

Bên cạnh tuyên bố của chính phủ Nhật Bản vào cuối năm nay nhân dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới Thứ hai, mọi người cũng sẽ chú ý tới những từ ngữ được ông Abe lựa chọn để nói về cuộc chiến này khi ông tới Mỹ vào cuối tuần này, tại đây ông sẽ phát biểu trong phiên họp toàn thể của Quốc hội Mỹ.

Trong bài phát biểu tại Jakarta, ông Abe cũng úp mở chỉ trích Trung Quốc về những tranh chấp trên biển hiện nay. Ông nói: "Chúng ta không bao giờ được để kẻ mạnh hơn sử dụng vũ lực để buộc kẻ yếu hơn phải theo ý mình". Ngoài tranh chấp lãnh thổ trên biển với Nhật Bản, Trung Quốc còn có tranh chấp với nhiều quốc gia khác ở Biển Đông.

Bài phát biểu tại Jakarta là động thái mới nhất của ông Abe có nguy cơ gây căng thẳng trong khu vực. Trước đó, cũng trong tuần này, ông Abe đã gửi đồ viếng tới Đền Yasukuni ở Tokyo, nơi thờ những người Nhật đã thiệt mạng trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai, trong đó có 14 tội phạm chiến tranh. 

Ngày 22/4, hơn 100 nghị sỹ Nhật Bản đã tới viếng ngôi đền này. Trung Quốc và Hàn Quốc cho rằng hành động này cho thấy Nhật Bản không hề hối hận về những hành vi hung bạo của nước này trong thời chiến.

Theo Daily Mail (Dẫn nguồn tin của AFP)

Văn Cường (gt)