Tuy nhiên, lịch sử sẽ đánh giá vai trò Ngoại trưởng của bà như thế nào? Việc bà được so sánh như thế nào với những "người khổng lồ" của ngành ngoại giao Mỹ như Henry Kissinger và James Baker, hay bà sẽ viết gì lên những trang giấy còn để trống khi mở ra một chương mới trong cuộc đời mình vẫn còn là những câu hỏi để ngỏ. Bà Clinton cho biết bà chưa từng một lần suy ngẫm về những di sản của mình trong 4 năm qua. Thay vào đó, mỗi ngày thức dậy, bà chỉ có một quyết tâm nỗ lực hết sức để có thể đẩy mạnh được những lợi ích của nước Mỹ. Bà Clinton rời nhiệm sở với mức tín nhiệm cao nhất so với bất kỳ thành viên nào trong nội các của Tổng thống Barack Obama, cùng với danh hiệu "nhà ngoại giao siêu sao" và nhiều lời dự đoán rằng bà sẽ là niềm hy vọng lớn nhất của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo, mặc dù bà liên tục phủ nhận bà có kế hoạch chạy đua vào Nhà Trắng.

Mặc dù các nhà chỉ trích cho rằng bà Clinton chẳng ghi dấu được gì trên cương vị ngoại trưởng trong suốt 4 năm qua, và những thách thức lớn của ngày hôm nay như Xyri, trật tự thế giới mới xuất hiện từ cuộc nổi dậy "Mùa Xuân Arập", tham vọng hạt nhân của Iran và công cuộc tìm kiếm hòa bình ở Trung Đông... bà đều để lại cho người kế nhiệm mình là ông John Kerry, song không thể phủ nhận một thực tế là bà đã giúp chính quyền Obama nắm được cơ hội để thúc đẩy Mianma mở cửa, bà đã thể hiện một nghệ thuật ngoại giao hiệu quả trong việc đàm phán thả tự do nhân vật bất đồng chính kiến Trần Quang Thành của Trung Quốc, giúp Mỹ chuyển trọng tâm sang châu Á và xây dựng một liên minh chắc chắn để ủng hộ việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran.  Bà Clinton cũng đã tỏ ra là một nhà ngoại giao đầy sức lôi cuốn, có uy tín và sẵn lòng đi thăm các nơi với niềm tin rằng trong thế giới "phẳng" này, các cuộc gặp mặt trực tiếp vẫn là một trong những công cụ ngoại giao quan trọng nhất. Và chính những điều đó đã giúp ích cho chính quyền Obama. Isobel Coleman, thành viên cấp cao Hội đồng Đối ngoại, nhận xét: "Ngoại trưởng Clinton, với danh tiếng và uy tín của mình, là một ngoại trưởng tuyệt vời. Mọi người đều mong muốn được gặp gỡ bà. Có lẽ, bà là người thứ hai mà người ta muốn gặp sau ông Obama".

Còn Ngoại trưởng Anh William Hague tiết lộ rằng ngay cả những chính trị gia dày dạn kinh nghiệm cũng khó cưỡng lại sức hấp dẫn của bà. Ông nói: "Một sự tĩnh lặng kỳ lạ lan ra trong căn phòng rộng đang đông đủ các bộ trưởng và các nhà ngoại giao khi bà Hillary bước vào". Ông Hague ngợi ca "tinh thần lạc quan có sức lan tỏa, cơ hội và hy vọng" của bà Clinton cũng như niềm tin của bà "vào sức mạnh của tình hữu nghị và khả năng thuyết phục".Trên cương vị Ngoại trưởng, bà Clinton đã đi thăm được 112 nước, là Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến thăm Tôgô và cũng là Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên thăm Lào trong vòng nửa thế kỷ qua. Phát biểu trước Hội đồng Đối ngoại ngày 30/1, bà nói: "Hãy nhớ những gì chúng ta phải đối mặt vào tháng 1/2009: đó là hai cuộc chiến. Một nền kinh tế đang rơi tự do. Liên minh truyền thống đang bị xé lẻ. Vị thế ngoại giao của chúng ta bị tổn hại. Và khắp thế giới, mọi người đặt dấu hỏi đối với cam kết của Mỹ về các giá trị cốt lõi và khả năng duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu của chúng ta". Bà nói tiếp rằng 4 năm sau, khi thế giới "vẫn đang là một nơi nguy hiểm và phức tạp", nhiều điều đã thay đổi, và "chúng ta đã hồi sinh lại nền ngoại giao Mỹ và củng cố các liên minh của chúng ta".

Những nguy hiểm đó càng thấy rõ qua vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi (Libi), khiến Đại sứ Mỹ Chris Stevens và ba người Mỹ khác bị thiệt mạng. Liệu vụ tấn công, và những chỉ trích gay gắt những thất bại về an ninh của Bộ Ngoại giao Mỹ, có ảnh hưởng xấu tới sự nghiệp của bà trong dài hạn hay không hiện vẫn quá sớm để trả lời. Nhiều người cho rằng sự nhấn mạnh của bà Clinton vào cái mà bà gọi là "quyền lực mềm" - bà liên tục chú trọng vào quyền phụ nữ, các vấn đề phát triển, quản lý kinh tế và quyền lợi của người đồng tính - có lẽ là những điều khiến người ta nhớ tới bà. Coleman nói: "Nếu là di sản lâu bền, tôi nghĩ rằng tôi sẽ thấy tự hào với điều đó hơn là việc chiếm được một nước Trung Đông nữa".Các nhà quan sát cũng nói tới việc châu Âu khôi phục niềm tin với Mỹ sau khi bà Clinton thực hiện 42 chuyến công du tới lục địa này trong nhiệm kỳ của mình. Một nhà ngoại giao phương Tây nói: "Năm 2009, mọi thứ cần phải tái lập... bà đã thành công trong việc khôi phục hình ảnh nước Mỹ trên thế giới. Bà đã ghi dấu sự trở lại của chính sách hợp tác đa phương". Tyson Barker, Giám đốc phụ trách các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương tại Quỹ Bertelsmann Bắc Mỹ, cũng đồng ý rằng "Châu Âu yêu quý Hillary Clinton, và bà đã dành nhiều thời gian để quan tâm tới mối quan hệ này. Bà thực sự mong muốn sự hòa giải và hòa nhập của châu Âu". 

Theo Global Post (ngày 31/1)

Hương Trà (gt)