Dưới đây là nội dung văn bản về ZoPFF/C do Philíppin cung cấp tại cuộc họp báo của Bộ trưởng Ngoại giao Rosario ở Bali ngay sau khi Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc kết thúc với sự nhất trí về Bản hướng dẫn thực thi Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC):

ZoPFF/C nhằm chuyển Biển Đông từ một khu vực xung đột trở thành khu vực hòa bình, tự do, hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia duyên hải trong khu vực; cho rằng để đạt được điều này cần phải phân biệt rõ các khu vực tranh chấp và những vùng biển không tranh chấp ở Biển Đông. Khuôn khổ của ZoPFF/C được gói gọn trong tuyên bố của Tổng thống Benigno S.Aquino III: "Những gì của chúng tôi là của chúng tôi, và những gì tranh chấp chúng ta có thể làm việc hướng tới sự hợp tác chung". 

Bộ trưởng Rosario nói: "Ở đây cần tách biệt khu vực tranh chấp và khu vực không tranh chấp. Những gì của chúng tôi là của chúng tôi, và những gì tranh chấp có thể được chia sẻ", đồng thời khẳng định rằng cần phải phân tách rõ các vùng biển tranh chấp và các vùng biển không tranh chấp trước khi thảo luận về vấn đề chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông. Và điều này có thể được thực hiện thông qua ZoPFF/C. 

* Nội dung của ZoPFF/C gồm 10 bước sau: 

1. Không phải toàn bộ Biển Đông là tranh chấp 

2. Khu vực tranh chấp ở Biển Đông là cụ thể, xác định được và đo đạc được. 

3. Khu vực tranh chấp có thể xác định được và đo được bằng việc làm rõ tính chất của nó và sự phân biệt giữa các "tranh chấp lãnh thổ" và những "đòi hỏi về chủ quyền biển". 

4. Tính chất và sự phân biệt giữa "các tranh chấp lãnh thổ" và "các đòi hỏi về chủ quyền biển" ở Biển Đông có thể làm rõ bằng: Thứ nhất, thừa nhận sự phân biệt giữa các địa hình đặc trưng địa lý (như các đảo, bãi đá, bãi cạn lúc chìm lúc nổi và các vùng biển (bao gồm thềm lục địa); Thứ hai, áp dụng các nguyên tắc quản lý mỗi một thành phần này theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). 

5. Tranh chấp ở Biển Đông chủ yếu là về các địa hình đặc trưng liên quan (các đảo, bãi đá, bãi cạn lúc chìm lúc nổi). Nếu có tranh chấp ở vùng biển nhất định chủ yếu là do tranh chấp về các địa hình đặc trưng này. Theo nguyên tắc "đất chi phối biển", người sở hữu đất cũng sở hữu luôn vùng biển bao quanh nó. Vì vậy, nếu chủ sở hữu đất tranh chấp thì vùng biển quanh nó cũng được coi là tranh chấp. 

6. Tuy nhiên, phạm vi của những vùng biển liền kề kể từ các đảo là có giới hạn, hữu hạn, xác định được rõ ràng và đo đạc được theo UNCLOS (Điều 121, Chế độ của các đảo) 

7. Một khi phạm vi của những vùng biển liền kề là xác định được và đo được theo luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, thì phạm vi của tranh chấp cả về các địa hình đặc trưng liên quan (tranh chấp lãnh thổ) và các khu vực biển (tranh chấp đòi chủ quyền biển) được tạo ra từ các địa hình đặc trưng được nhắc tới, hoàn toàn có thể xác định được. 

8. Một khi phạm vi hay giới hạn của khu vực tranh chấp (địa hình đặc trưng liên quan + các vùng biển liền kề) là xác định được thì có thể phân tách tương tự với phần còn lại của các vùng biển không tranh chấp ở Biển Đông. 

9. Khu vực tranh chấp (các địa hình đặc trưng liên quan + các vùng biển liền kề) có thể phân tách với các vùng biển không tranh chấp (và thềm lục địa) ở Biển Đông bằng cách khoanh vùng khu vực tranh chấp đã nói. Việc khoanh vùng theo nghĩa đen sẽ chấp thuận "gác lại những tranh chấp lãnh thổ" và mở đường cho sự hợp tác hiệu quả và có ý nghĩa giữa các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. 

10. Vì vậy, hợp tác chung ở khu vực khoanh vùng (như khu vực hợp tác chung) có thể được thực hiện giữa các nước tuyên bố chủ quyền. Bên ngoài khu vực khoanh vùng, các quốc gia duyên hải trong vùng biển nửa kín cũng có thể tham gia các hoạt động hợp tác thích hợp theo Phần IX của UNCLOS, trong khi thực hiện các quyền chủ quyền đối với các vùng biển này theo Điều 3, 4, 55, 57 và 76 của UNCLOS. 

* Về đề xuất ZoPFF/C, Philíppin giải thích như sau: 

A. Khu vực tranh chấp 

Không phải toàn bộ Biển Đông bị tranh chấp. 

Các tranh chấp ở Biển Đông thực sự giới hạn ở các địa hình đặc trưng (các đảo, bãi đá, bãi cạn lúc chìm lúc nổi) ở Trường Sa và Hoàng Sa. Có hai nhóm đảo tranh chấp ở Biển Đông: 1/ Trường Sa và 2/ Hoàng Sa 
Hiện Trung Quốc tuyên bố toàn bộ chủ quyền đối với các địa hình đặc trưng ở Trường Sa. Philíppin, Việt Nam, Ma-lai-xi-a và Brunây tuyên bố chủ quyền một phần các địa hình đặc trưng ở Trường Sa. Việt Nam và Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa. 

Vùng biển (và thềm lục địa) vượt ra ngoài các địa hình đặc trưng liên quan bị tranh chấp (và các vùng biển liền kề) là không tranh chấp. 

B. Khoanh vùng: Phân tách các địa hình đặc trưng liên quan bị tranh chấp với các vùng biển không tranh chấp ở Biển Đông 

Các địa hình đặc trưng liên quan bị tranh chấp (và các vùng biển liền kề của chúng) có thể được phân tách với các vùng biển còn lại của Biển Đông bằng cách khoanh vùng các địa hình đặc trưng đã được nói tới. Các vùng biển liền kề của các địa hình đặc trưng liên quan có thể xác định bằng cách áp dụng Điều 121 của UNCLOS. 
Hầu hết các địa hình đặc trưng ở Trường Sa thực sự và rõ ràng là các bãi đá và bãi cạn lúc chìm lúc nổi. 

C. Phương pháp tiếp cận hợp tác: Tính hai mặt của chế độ 

Một khi: các địa hình đặc trưng liên quan bị tranh chấp về mặt lãnh thổ được khoanh vùng, các hoạt động hợp tác thích hợp theo các chế độ kép của 1/ Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), và 2/ Phần IX của UNCLOS có thể được thực hiện một cách tương ứng ở khu vực khoanh vùng và phần còn lại của các vùng biển ở Biển Đông: 

1. Khu vc khoanh vùng là Khu vc hp tác chung (JCA) 

Có thể thiết kế khu vực khoanh vùng như JCA. 

COC có thể áp dụng một cách đặc biệt ở JCA. COC có thể được thiết kế để ngăn ngừa các đụng độ quân sự tình cờ thông qua Các quy tắc can dự (ROE) cụ thể giữa các bên. 

JCA có thể được phi quân sự hóa, nghĩa là thay thế nhân viên quân sự bằng cảnh sát hay nhân viên bảo vệ bờ biển. 
Ủy ban thường trực làm việc chung (JPWC) trong số các quốc gia tuyên bố chủ quyền có thể được thành lập để quản lý chung khu vực khoanh vùng, bao gồm cả việc soạn thảo và thực hiện COC. JPWC đệ trình các báo cáo thường kỳ lên Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN-Trung Quốc (SOM). SOM đệ trình các báo cáo thường kỳ lên Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Trung Quốc (AMM). AMM có thể thông báo cho Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS). 

Các hoạt động chung có thể tiến hành trong JCA như phát triển chung; nghiên cứu khoa học biển; bảo vệ môi trường biển; an toàn đi lại và thông tin liên lạc trên biển; hoạt động tìm kiếm và cứu nạn; đối xử nhân đạo với tất cả những người gặp nguy hiểm hay kiệt sức trên biển; chống tội phạm xuyên quốc gia. Đặc biệt, Công viên hòa bình chung trên biển (JMPP) có thể được thiết lập ở JCA. Nó sẽ là một bước thực hiện cụ thể DOC và một khởi đầu cho sự hợp tác mạnh mẽ hơn ở Biển Đông. 

Cơ chế quản lý theo JPWC và JMPP có thể đóng vai trò như “cơ chế dàn xếp tranh chấp” ở JCA. 

2. UNCLOS phần IX: 

Với việc tôn trọng các khu vực biển ngoài khu vực khoanh vùng ở Biển Đông, có thể thực hiện các hoạt động hợp tác chung theo Phần IX của UNCLOS. 

Các hoạt động chung có thể được tiến hành trong khu vực này, bao gồm tìm kiếm và cứu nạn (SAR), chuẩn bị đối phó với sự cố tràn dầu, nghiên cứu khoa học biển (MSR) và các dự án bảo tồn khác. Cơ cấu và mục đích của các hoạt động hợp tác trong khu vực này có thể cũng được thiết lập trong số các quốc gia duyên hải có liên quan theo Điều 123 của UNCLOS./.

Lê Quang (gt)