Việc công bố trên mạng Internet bộ phim tài liệu có tên “Cuộc đấu tranh lặng lẽ” do Đại học Quốc phòng thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sản xuất, đã làm dấy lên nhiều tranh cãi. Bộ phim tài liệu này tuyên bố rằng Trung Quốc đang bị Mỹ thâm nhập và phá hoại giống như Liên Xô từng gặp phải trước khi sụp đổ. 

Đây là một sự trái ngược đáng chú ý đối với những tuyên bố của Trung Quốc trên trường quốc tế, nơi các nhà lãnh đạo nước này đã nhiều lần nói rằng họ không tìm cách trở thành bá chủ thế giới. Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương thậm chí đã nói rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ nên giống như mối quan hệ “giữa vợ và chồng”. Vậy thì có một câu hỏi là: Đâu mới là Trung Quốc thực sự? 

Với việc mua và sửa chữa lại tàu sân bay Varyag và đặt tên là tàu Liêu Ninh cùng những tranh chấp với Nhật Bản xung quanh chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku ở biển Hoa Đông, Trung Quốc dường như đang gây ra sự nghi ngờ và phản đối từ cộng đồng quốc tế. 

Ba thập kỷ bùng nổ kinh tế đã đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới về mặt tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP), và nhiều người Trung Quốc đang cảm thấy rất giàu có đồng thời muốn tiếp quản thế giới. Thế hệ lãnh đạo cấp cao mới (hầu hết là các cựu Hồng Vệ binh) đang tiếp thêm ngọn lửa chống lại “những âm mưu của nước ngoài” và “sự thâm nhập của nước ngoài”, vận dụng tốt những kỹ năng chiến đấu mà họ đã học được trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông: chỉ có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc vĩ đại mới có thể bảo vệ người dân Trung Quốc khỏi bị nước ngoài làm nhục lần nữa. 

Đã đến lúc Trung Quốc thức tỉnh. Có bao nhiêu người bạn – những người bạn thực sự – mà họ có, cả xa lẫn gần? 

Trong khi đó, Nhật Bản dường như áp dụng hiệu quả hơn trụ cột chính sách ngoại giao mới của họ là “vòng cung tự do và thịnh vượng”, thiết lập các mối quan hệ gần gũi với Ấn Độ, Philippines, Việt Nam, và gần đây thậm chí là với Nga, thông qua cuộc họp của các ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng. Chúng ta cũng nên đề cập đến vấn đề Nhật Bản đã di chuyển trụ sở Lực lượng Phòng vệ Mặt đất đến một căn cứ quân sự của Mỹ và Mỹ đã triển khai máy bay chiến đấu Raptor F-22, máy bay trực thăng Osprey và tên lửa Patriot trên toàn lãnh thổ Nhật Bản. 
Có vẻ cứ như thể là chiến tranh lạnh đã quay trở lại, chỉ khác là địch thủ đã thay đổi từ Liên Xô thành Trung Quốc. 

Một cuộc chiến tranh với Nhật Bản sẽ dẫn đến những hậu quả có thể nhìn thấy trước (trong số nhiều hậu quả) như sau: hàng tỷ USD lãng phí vào việc tăng cường mua sắm các loại vũ khí; hàng tỷ USD tiền vốn bay đến Mỹ; lực lượng quân sự nắm giữ quyền lực; giá nhà ở tại Trung Quốc và Nhật Bản không thể kiểm soát; nhiều người thiệt mạng; và các căn cứ Mỹ sẽ được duy trì ở Đông Á trong 100 năm tới. 

Vậy làm thế nào để có thể tránh được một kịch bản như vậy? Trước hết, những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam cần cảm thấy rằng thật là ngu xuẩn khi tiến tới chiến tranh với “cường quốc số một ở Đông Á”, hoặc để tranh giành một số bãi đá cằn cỗi. 

Trong thực tế, các quốc gia này cùng có chung đặc điểm và truyền thống văn hóa, và các chế độ của họ đều dựa trên cơ sở một chính quyền trung ương vững mạnh. Về mặt kinh tế, họ là những nước phù hợp nhất để thành lập một thị trường chung và nhiều nước đã thiết lập những chuỗi sản xuất phức hợp và các mạng lưới thị trường trong khu vực. 

Sự hợp tác không chỉ duy trì hòa bình, mà nó cũng có thể dẫn đến những cơ hội vô hạn cho tất cả các bên để cùng chia sẻ các thị trường, các nguồn tài nguyên tự nhiên và con người, cách quản lý và bí quyết quản trị. 

Nếu như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể tạo thành trụ cột của “Cộng đồng Đông Á” – giống như Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Bắc Mỹ – không chỉ họ sẽ là người có lợi, mà thế giới cũng vậy. Những lợi ích của một cách tiếp cận như vậy là rõ ràng, nhưng các nhóm lợi ích đặc biệt, chẳng hạn như quân đội, sẽ không để điều đó xảy ra; ngược lại, họ đang tìm kiếm một cuộc chạy đua tiến tới chiến tranh. 

Đặc biệt là Trung Quốc, quốc gia đang phải đối mặt với các vấn đề như tham nhũng, ô nhiễm môi trường, già hóa dân số và các xung đột ở Tân Cương, Tây Tạng. Những vấn đề này có thể đẩy Trung Quốc rơi vào bẫy thu nhập trung bình và ngừng tăng trưởng kinh tế.

Điều cấp bách hơn là tập trung vào các biện pháp chi tiết để giải quyết ngay lập tức những vấn đề này thay vì theo đuổi một “Thế kỷ Trung Quốc”. Việc thành lập cơ chế nào đó giống như một “Cộng đồng Đông Á” có thể cho phép Trung Quốc học hỏi những công nghệ tiên tiến và bí quyết sản xuất của Nhật Bản và Hàn Quốc, và có thể thoát khỏi cái bẫy đó. 

Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu trong hơn 30 năm qua, phần nhiều trong số đó là nhờ sự chấm dứt thời kỳ Chiến tranh Lạnh và sự trợ giúp của một hệ thống thương mại toàn cầu mở cửa. Và đầu tư trực tiếp nước ngoài đã làm cho Trung Quốc trở thành “công xưởng thế giới” trong lĩnh vực sản xuất. Tại sao nhiều người Trung Quốc không nhìn thấy điều này và thay vào đó hãy tiếp quản thế giới. 

Đúng là có sự phân phối bất bình đẳng chiếc bánh phát triển, đơn giản là bởi vì Trung Quốc là một quốc gia lớn như vậy. Trong khi các khu vực ven biển gần như theo kịp một số nước giàu, những khu vực sâu trong nội địa vẫn còn nghèo và lạc hậu. Việc hiện đại hóa toàn bộ đất nước cần phải có thời gian. Trong tiến trình lâu dài này, sẽ có sự lo lắng và đôi khi là các cuộc đấu tranh xuất phát từ bất bình đẳng khu vực và bất bình đẳng thu nhập, gây nên xung đột bên trong và xung đột bên ngoài. 

Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, không quốc gia nào có thể trở thành một siêu cường hoặc thậm chí là cường quốc khu vực mà không có những người ủng hộ và những người bạn. Đối với Trung Quốc, để phát triển, sự hợp tác của Nhật Bản và các nước láng giềng khác là điều quan trọng. Không có điều này, cái gọi là “Giấc mộng Trung Hoa” sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. 

Còn đối với Nhật Bản, cũng sẽ không thể có hòa bình thực sự hoặc tăng trưởng bền vững nếu không có sự hợp tác với Trung Quốc.

Theo South China Moring Post

Văn Cường (gt)