Ảnh: New York Times

Sự kết hợp của một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ với tình hình kinh tế trì trệ tại châu Âu và Mỹ đang khiến phương Tây ngày càng khó chịu. Trong khi Trung Quốc không thể chiếm lấy thế giới bằng quân sự, thì nước này dường như đang từng bước vững chắc đạt được điều đó bằng con đường thương mại. Chỉ tuần qua, các công ty và nhà đầu tư Trung Quốc đã tìm cách mua được hai công ty phương Tây mang tính biểu tượng là Smithfield Foods - nhà sản xuất thịt lợn Mỹ và Club Med - công ty khu nghỉ mát của Pháp. Phương Tây đang đối mặt với một hiện tượng đáng lo ngại: sự thúc đẩy mạnh mẽ chủ nghĩa tư bản nhà nước Trung Quốc trên phạm vi toàn thế giới.

Bằng cách mua các công ty, khai thác tài nguyên thiên nhiên, xây dựng cơ sở hạ tầng và cho vay trên toàn thế giới, Trung Quốc đang theo đuổi mô hình thống trị kinh tế mềm mại nhưng không thể ngăn cản. Nguồn lực tài chính dồi dào của Bắc Kinh cho phép nước này trở thành lực lượng thay đổi cuộc chơi tại cả các nước phát triển và đang phát triển, thông qua việc đe dọa xóa bỏ các lợi thế cạnh tranh của các công ty phương Tây, giành lấy công ăn việc làm tại châu Âu và Mỹ...

Chính phủ Trung Quốc hiện đang kiểm soát các đường ống dẫn dầu từ Tuốc-mê-nis-tan tới Trung Quốc và từ Nam Xu-đa tới Biển Đỏ. Một đường ống dẫn khác từ Ấn Độ Dương đi qua Myanmar đến Côn Minh cũng sẽ sớm hoàn thành theo kế hoạch; một đường dẫn khác từ Siberia đến phía Bắc Trung Quốc cũng đang được xây dựng. Trung Quốc cũng đang đầu tư rất lớn vào xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện những dự án thủy điện lớn như đập Merowe trên sông Nile tại Sudan, đập Coca Codo Sinclair tại Ecuador...

Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, vượt qua Mỹ trở thành quốc gia thương mại lớn nhất thế giới trong năm 2012. Trong khoảng thời gian chỉ vài năm, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của các quốc gia như Australia, Brazil và Chile. Mức thuế quan thấp hơn và nền kinh tế đang bùng nổ của Trung Quốc giải thích sự tăng trưởng theo cấp số nhân này. Bằng cách mua chủ yếu các nguồn tài nguyên thiên nhiên và thực phẩm, Trung Quốc đang đảm bảo rằng hai động cơ kinh tế của đất nước - đô thị hóa và khu vực xuất khẩu - được cung cấp đầy đủ các nguồn lực cần thiết.

Tại châu Âu và Bắc Mỹ, sự xuất hiện của Trung Quốc gần đây đã trở nên thường xuyên hơn và các con số cho thấy một xu hướng phát triển rõ ràng: theo Tập đoàn nghiên cứu kinh tế Rhodium, đầu tư hàng năm từ Trung Quốc sang EU đã tăng từ dưới 1 tỷ USD trước năm 2008 lên hơn 10 tỷ USD trong hai năm qua. Và tại Mỹ, đầu tư tăng từ mức dưới 1 tỷ USD trong năm 2008 lên mức kỷ lục 6,7 tỷ USD trong năm 2012. Năm ngoái, châu Âu là điểm đến của 33% đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc. Dự tính đầu tư nước ngoài ra toàn thế giới của Trung Quốc sẽ đạt từ 1.000 - 2.000 tỷ USD cho tới năm 2020.

Điều này có nghĩa là, các công ty nhà nước Trung Quốc vốn được hưởng vị thế độc quyền trong nước bây giờ có thể theo đuổi tham vọng mở rộng thị trường quốc tế và cạnh tranh với các công ty toàn cầu. Những bất công của tình trạng này thể hiện rõ ràng nhất trong ngành công nghiệp thép và tấm năng lượng, những lĩnh vực Trung Quốc chuyển từ một nước nhập khẩu sang nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới chỉ trong một vài năm. Trung Quốc đã cung cấp tràn ngập thị trường các sản phẩm thấp hơn giá thị trường - và do đó phá hủy các ngành công nghiệp và việc làm tại phương Tây và các nơi khác. Đây đang là mối đe dọa thực sự đối với Mỹ và các nước khác. Tuy nhiên, hầu hết các chính phủ phương Tây không coi việc giải quyết sự bành trướng được định hướng bởi nhà nước này như một ưu tiên trước mắt. Ngược lại, các chính phủ châu Âu đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế nhìn nhận Trung Quốc một một nước có thể giúp đỡ thông qua việc mua các khoản nợ hoặc đầu tư tạo việc làm tại nước họ.

Điều quan trọng là phải nhớ những gì thực sự đằng sau việc mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc: đó là nhà nước. Trung Quốc có thể đi đúng hướng trên một số vấn đề, tuy nhiên khi các công ty nhà nước Trung Quốc đi ra nước ngoài và tìm cách chơi theo các quy tắc bắt nguồn từ một chế độ độc đoán, có một sự nguy hiểm nghiêm trọng là các nước phương Tây sẽ phải chơi theo các quy tắc của Bắc Kinh do những nhu cầu về kinh tế.

Khi Trung Quốc đang trở thành một chủ thể toàn cầu và đối thủ cạnh tranh quyết liệt tại các thị trường Mỹ và châu Âu, thì hệ thống chính trị và ý thức hệ tư bản chủ nghĩa nhà nước của Trung Quốc cũng đặt ra mối đe dọa. Do đó, điều quan trọng là các chính phủ phương Tây phải gắn kết với những điều cốt lõi tạo nên sự thịnh vượng phương Tây: các quy định của pháp luật, tự do chính trị và cạnh tranh lành mạnh. Việc các nước phương Tây từ bỏ cam kết về nhân quyền, hoặc điều chỉnh theo chủ nghĩa tư bản nhà nước sẽ gây hại cho các nước phương Tây về lâu dài. Chính là Trung Quốc cần điều chỉnh theo thế giới chứ không phải là chiều ngược lại.

Theo New York Times

Văn Cường (gt)