Mặc dù đưa ra những phát biểu hùng hồn, song dường như Mỹ chẳng có giải pháp nào để đảo ngược những gì Trung Quốc đã tạo dựng ở Biển Đông. Tại Đối thoại Shangri-La 2018 ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói rằng các nỗ lực của Trung Quốc thời gian gần đây nhằm quân sự hóa vùng Biển Đông đang tranh chấp là nhằm hù dọa và chèn ép các nước trong khu vực. Người đứng đầu ngành quốc phòng Mỹ cũng cảnh báo rằng nếu Trung Quốc tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận hiện nay, nước này sẽ phải gánh chịu "những hậu quả lớn hơn rất nhiều". Theo Mattis, việc Mỹ hủy lời mời hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất thế giới RIMPAC 2018 sắp tới chỉ là "phản ứng ban đầu".

Có thể nói, điều quan trọng là phải hiểu rõ bối cảnh của những căng thẳng hiện nay cũng như những rủi ro chiến lược đối với cả Trung Quốc và Mỹ. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tìm cách thúc đẩy sự kiểm soát của nước này đối với Biển Đông. Bất chấp căng thẳng gia tăng và sự phản đối của cộng đồng quốc tế, các nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiểm soát Biển Đông vẫn không hề thuyên giảm. Trung Quốc đã lần đầu tiên đưa máy bay ném bom hạng nặng tầm xa đến một đảo thuộc Quần đảo Hoàng Sa và triển khai các hệ thống tên lửa đối hạm và đối không tới các tiền đồn ở Quần đảo Trường Sa. Lực lượng không quân của Trung Quốc cũng đẩy mạnh các cuộc tập trận và tuần tra ở không phận Biển Đông.

Chiến lược của Trung Quốc

Biển Đông từ lâu là mục tiêu "nhòm ngó" của Trung Quốc (và nhiều nước khác) do vùng biển này có tầm quan trọng chiến lược đối với các hoạt động thương mại và quân sự, đồng thời cũng là vùng biển có nguồn tài nguyên dồi dào. Theo một ước tính, năm 2016, khối lượng hàng hóa lưu thông qua vùng biển này có giá trị lên tới 3,4 nghìn tỷ USD, chiếm 21% tổng khối lượng hàng hóa toàn cầu. Có thể tóm gọn mục tiêu của Trung Quốc tại Biển Đông bằng một từ, đó là "kiểm soát". Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc đang áp dụng một nỗ lực phối hợp và lâu dài nhằm khẳng định sự thống trị của nước này tại Biển Đông, bao gồm xây dựng các đảo nhân tạo, cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự, triển khai nhiều tàu và máy bay quân sự tới khu vực này.

Mặc dù giới chính khách của nhiều nước khác như Mỹ, Philippines và Ucs đã gay gắt phản đối các hành động của Trung Quốc, song Bắc Kinh vẫn phớt lờ, ráo riết làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Trên thực tế, theo tân chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ - Đô đốc Philip Davidson - các nỗ lực của Trung Quốc đã thành công đến mức hiện giờ nước này "có khả năng kiểm soát Biển Đông trong tất cả mọi kịch bản chiến tranh với Mỹ".

Sự giảm sút ảnh hưởng của Mỹ

Hiện giờ, khó có thể chống lại các nỗ lực của Trung Quốc vì nước này đã triển khai cách tiếp cận tăng dần nhằm củng cố sự kiểm soát của họ ở Biển Đông. Nếu xét riêng lẻ thì không có hành động nào của Trung Quốc có thể dẫn đến việc Mỹ phản ứng quân sự, gây ra khả năng leo thang chiến tranh.

Trong bất kỳ trường hợp nào, tổn thất về con người và kinh tế của một cuộc xung đột như vậy sẽ vô cùng lớn. Việc Mỹ không thể phản ứng một cách có hiệu quả đối với các động thái của Trung Quốc đã làm xói mòn sự tín nhiệm của Washington trong khu vực. Nó cũng làm dấy lên những ý kiến cho rằng Mỹ "không sẵn sàng" hiện diện ở châu Á. Nếu Mỹ thực sự có ý định đối đầu với Trung Quốc, vậy thì các phát biểu hùng hồn của Mattis cần phải được đi kèm với hành động.

Thứ nhất, Mỹ cần vạch rõ các "lằn ranh đỏ" đối với Trung Quốc và những nước khác trong các hoạt động được cho là không thể chấp nhận ở Biển Đông. Sau đó, Mỹ phải chứng tỏ rằng nước này sẵn sàng áp dụng "các lằn ranh đỏ" đó, mặc dù vẫn cân nhắc tới những rủi ro.

Thứ hai, Mỹ cần khôi phục các nỗ lực hợp tác với các đồng minh trong khu vực để tăng cường khả năng cũng như thể hiện những cam kết tập thể về việc sẵn sàng đương đầu với các thách thức đến từ Trung Quốc.

Thứ ba, Mỹ cần triển khai các tiềm lực quân sự tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chẳng hạn như các hệ thống tên lửa tân tiến, động thái này sẽ làm giảm các lợi thế quân sự mà Trung Quốc đã giành được thông qua việc quân sự hóa các thực thể ở Biển Đông.

Những hậu quả lâu dài

Việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát Biển Đông đang gây lo ngại cho rất nhiều nước trong khu vực. Đối với nhiều nước, tuyến đường biển chạy qua Biển Đông là huyết mạch kinh tế của họ. Hơn thế nữa, cán cân sức mạnh đang thay đổi này sẽ giúp Bắc Kinh có thể bình ổn các tranh chấp trong khu vực mãi mãi. Rõ ràng, Trung Quốc sẵn sàng sử dụng sức mạnh của mình để làm thay đổi hiện trạng theo hướng có lợi cho nước này và gây tổn hại cho các nước láng giềng yếu hơn. Kiểm soát được Biển Đông cũng giúp Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự ra khắp khu vực Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương và nhiều vùng của Ấn Độ Dương. Điều này sẽ khiến Mỹ và các đồng minh khó khăn hơn trong việc hành động để chống lại Trung Quốc, chẳng hạn như trong những kịch bản liên quan đến vấn đề Đài Loan.

Ở mức độ cao hơn, cách tiếp cận quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông cho thấy sự tự tin ngày càng gia tăng của Bắc Kinh cũng như việc nước này sẵn sàng phớt lờ các tiêu chuẩn quốc tế mà họ cho là không có lợi hoặc đi ngược lại lợi ích của họ.

Có một thực tế không thể phủ nhận là Trung Quốc đang trở thành một cường quốc mới chi phối châu Á. Sự trỗi dậy của Trung Quốc mang lại lợi ích cho hàng triệu người ở khu vực và cần được hoan nghênh. Tuy nhiên, vẫn nên cảnh giác với cách tiếp cận của Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ và cách họ tiếp nhận những ý kiến phàn nàn nếu họ sử dụng sức mạnh quân sự cũng như có thái độ hù dọa và chèn ép về kinh tế. Nếu chúng ta muốn sống trong một "thế giới nơi cá lớn không thể nuốt hoặc đe dọa cá bé", vậy thì cần phải cảnh báo về những hậu quả mà các nước - kể cả Trung Quốc - sẽ phải hứng chịu nếu họ phớt lờ các quy định của quốc tế và tìm cách giải quyết những bất đồng bằng vũ lực.

Hiện giờ có thể đã muộn để đẩy lùi "cơn thủy triều" ở Biển Đông và đảo ngược những gì Trung Quốc đã làm ở vùng biển này. Tuy nhiên, sẽ là không muộn khi áp đặt các biện pháp trừng phạt Trung Quốc vì đã gây bất ổn cho khu vực thông qua các hoạt động của nước này ở Biển Đông.

Theo “The conversation

Hương Trà (gt)