Một trong những nhân tố chính dẫn đến quan hệ đồng minh chiến lược giữa Mỹ và Ả Rập Saudi không còn như trước đây chính là dầu mỏ. Mỹ hiện đã giảm lệ thuộc rất nhiều vào nguồn hàng này từ quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới. Vì thế, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thể hiện được hết những gì ông muốn trong buổi tiếp đón Quốc vương Salman tại Nhà Trắng hôm 4/9 vừa qua.

Ngay khi bắt đầu cuộc hội đàm tại Phòng Bầu dục, ông Obama cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về những cách thức để giải quyết một loạt cuộc xung đột, bao gồm cả ở Yemen và Syria cũng như các vấn đề liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran.

Theo ông Brett Bruen- cựu Giám đốc bộ phận nghiên cứu hợp tác toàn cầu của Nhà Trắng và hiện là Chủ tịch công ty tư vấn quốc tế- chỉ một vài năm trước, chủ đề năng lượng luôn là tâm điểm của các cuộc hội đàm giữa Mỹ và Ả Rập Saudi. Ông Brett Bruen nói: “Hiện chúng tôi có một mối quan hệ khác với Ả Rập Saudi và có nhiều vấn đề khác cần chú ý hơn nhiều”. Những năm trước, ngành công nghiệp và số lượng ô tô khổng lồ của Mỹ luôn đòi hỏi nhập khẩu dầu ngày càng nhiều dẫn đến nước này phụ thuộc đáng kể vào nguồn cung cấp từ Ả Rập Saudi. Việc không ngừng tăng sản lượng khai thác dầu trong nội địa từ năm 2003 đến nay cộng với việc giá dầu thế giới giảm mạnh dẫn đến tỉ trọng dầu mỏ của Ả Rập Saudi nhập vào Mỹ đã giảm đi rõ rệt.

Quan hệ giữa hai nước đã được thiết lập từ hơn 70 năm trước nhưng mối quan hệ Mỹ- Ả Rập Saudi vẫn luôn có những thăng trầm mà điển hình là từ lệnh cấm vận dầu mỏ của Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) năm 1973 đến cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Đến năm 2005, Ả Rập Saudi từ chối lời kêu gọi tăng sản lượng dầu của Tổng thống Mỹ lúc đó là George W. Bush khi giá xăng tại Mỹ gần chạm mức kỷ lục 4 USD/Gallon (1 Gallon ở Mỹ tương đương 3,8 lít) mặc dù trước đó ít ngày, Thái tử Abdullah bin Abdul Aziz còn đi dạo với Tổng thống nước chủ nhà trong một cuộc họp tại trang trại ở Texas.

Gần đây hơn, sau khi sự kiện “Mùa xuân Arập” bắt đầu diễn ra tại các nước Trung Đông- Bắc Phi năm 2011, sự khác biệt giữa hai nước lại bắt đầu bộc lộ. Ả Rập Saudi không đồng tình với thái độ của Mỹ đối với tổ chức Anh em Hồi giáo tại Ai Cập. Sau đó quan hệ hai bên trở nên trầm trọng hơn khi Mỹ phản ứng thiếu nhất quán đối với vấn đề Syria qua việc Tổng thống Obama quyết định không tiến hành can thiệp quân sự để lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào phút chót. Thậm chí, hồi tháng 5 vừa qua, Quốc vương Ả Rập Saudi từ chối tham dự cuộc họp thượng đỉnh giữa Mỹ và các nước vùng Vịnh do Mỹ tổ chức và công khai chỉ trích việc Mỹ quá “ngây thơ” trong các vòng đàm phán hạt nhân với Iran- đối thủ lớn nhất khu vực của quốc gia vùng Vịnh này.

Tại cuộc hội đàm giữa Quốc vương Salman và Tổng thống Obama vừa qua, Ả Rập Saudi đã thay đổi quan điểm đối với vấn đề thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi nhận được cam kết đảm bảo an ninh từ Mỹ và trong khuôn khổ chuyến thăm, hai nước đã công bố một kế hoạch mà Nhà Trắng cho biết sẽ là “một quan hệ đối tác chiến lược mới cho thế kỷ 21”. Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm, Tổng thống Obama nói: “Đây rõ ràng là một giai đoạn đầy thử thách đối với các vấn đề của thế giới”. Còn Quốc vương Salman chỉ đề cập “Ả Rập Saudi muốn tăng cường hợp tác với Mỹ, mối quan hệ của chúng ta phải đem lại lợi ích cho cả hai nước không chỉ trên lĩnh vực kinh tế mà cả trên các lĩnh vực chính trị, quân sự và quốc phòng”. Trong tuyên bố chung của hai nước sau đó không hề thấy nhắc gì đến vấn đề dầu mỏ. Karen Young- nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện các quốc gia vùng Vịnh- cho rằng quan hệ giữa Mỹ và Ả Rập Saudi hiện bước vào một giai đoạn mới và mối quan hệ được chính thức thiết lập từ năm 1933 này luôn chịu tác động bởi “một phần từ những đặc quyền của các nhà lãnh đạo khi chuyển giao thế hệ và một phần là các vấn đề kinh tế”.

Số liệu thống kê năm 2014 cho thấy dầu thô đóng góp tới 45% vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 1.600 tỉ USD của Ả Rập Saudi và lợi nhuận từ nguồn thu này đang giảm dần khi Mỹ không còn là khách hàng tiềm năng.

Theo Bloomberg

Trần Quang (gt)