Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã khởi động các cuộc tham vấn xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vào trung tuần tháng 9 sau các cuộc thảo luận liên tục được tổ chức vào khoảng giữa năm 2000 và 2002. Hiện nay ASEAN bước vào các cuộc tham vấn này với nhận thức mới về đoàn kết nội khối trái ngược với tình trạng lộn xộn của năm trước. Tháng 7/2012, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 45 đã lần đầu tiên trong lịch sử thất bại trong việc đưa ra thông cáo chung do những bất đồng về câu chữ nêu trong hai đoạn văn về Biển Đông.

Trung Quốc cũng đã có những dấu hiệu thay đổi sau khi Tập Cận Bình chính thức được Quốc hội Nhân dân Trung Hoa bầu làm Chủ tịch nước vào tháng 3. Một số nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh đã đánh giá lại chính sách phản tác dụng của mình đối với vấn đề Biển Đông. Ngoại trưởng mới của Trung Quốc Vương Nghị là một nhà ngoại giao kỳ cựu giàu kinh nghiệm về Đông Nam Á, và có uy tín trong việc thúc đẩy gắn kết Trung Quốc với ASEAN.

Tuy nhiên, Trung Quốc dường như đã thực hiện một ngoại lệ trong quan hệ của nước này với Philippines, sau khi Malina đệ đơn pháp lý lên Liên Hợp Quốc yêu cầu thiết lập hội đồng trọng tài phân xử việc áp dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) ở Biển Đông. Ngoại trưởng Vương Nghị đã thực hiện các chuyến công du tới Đông Nam Á và cố ý loại Philippines ra khỏi lịch trình của mình. Trong khi đó tàu bán quân sự của Trung Quốc vẫn còn neo đậu tại bãi cạn Scarborough nhằm ngăn chặn bất kỳ sự tiếp cận nào của ngư dân Philippines. Xa hơn về phía nam, tàu bán quân sự Trung Quốc tiếp tục đe dọa bãi Cỏ Mây (Thomas Shoal). Việc Trung Quốc cô lập Philippines là vì nước này đã quốc tế hóa tranh chấp và kéo Mỹ vào, đi ngược lại với mong muốn của Trung Quốc. Trung Quốc tìm cách cô lập Philippines đồng thời ngăn cản bên tranh chấp khác có hành động tương tự.

Bài bình luận NBR này sẽ đánh giá về những diễn biến trong quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông kể từ thời điểm Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 45 (AMM) vào tháng 7/2012 cho tới tháng 9/2013 khi ASEAN và Trung Quốc bắt đầu cuộc tham vấn đầu tiên về COC.

Bất đồng trong ASEAN

Trong năm 2012, sự mất đoàn kết nội bộ ASEAN trong vấn đề Biển Đông đã diễn ra trước sự chứng kiến của nhiều nước tại AMM lần thứ 45 vào tháng 7 và lặp lại sau đó vào Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 11. Trong cả hai sự kiện này, Campuchia, chủ tịch luân phiên ASEAN, là đã đóng vai kẻ gây rối. Tháng 7/2012, Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong đã ngăn cản bất kỳ sự đề cập nào liên quan đến những quan ngại của Philippines và Việt Nam trong bản thảo tuyên bố chung AMM. Và kết quả là Hội nghị đã không đưa ra được tuyên bố chung. Tiếp sau đó vào cuối năm, Campuchia một lần nữa đã gây ra sự phẫn nộ khi cố gắng đưa vào thông cáo chung của Hội nghị cấp cao ASEAN một ý rằng các nhà lãnh đạo nhất trí không quốc tế hoá tranh chấp Biển Đông. Philippines đã lên tiếng phản đối điều này, do đó ý này đã bị xóa bỏ.

Những biểu hiện về sự mất đoàn kết đã làm lu mờ thực tế rằng các Ngoại trưởng ASEAN đã nhất trí đạt được thoả thuận về Đề xuất các thành tố của Bộ Quy tắc Ứng xử khu vực (COC) trên Biển Đông giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa vào ngày 9/7/2012 tại phiên họp toàn thể AMM. [1] Những bất đồng về câu từ trong bản thông cáo chung đã xảy ra vào buổi tối trong cuộc họp hẹp của ASEAN.

Chính sách ngoại giao chủ động của Indonesia

Sau hội nghị AMM 45, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã khởi động các cuộc tham vấn với các thành viên ASEAN trong một nỗ lực nhằm khôi phục đoàn kết nội khối và duy trì một lập trường chung. Ngoại trưởng Natalegawa đã thực hiện chuyến ngoại giao con thoi tới 5 thủ đô (Manila, Hà Nội, Bangkok, Phnom Penh, và Singapore) trong vòng 2 ngày (18-19/7). Ông và người đồng cấp Philippines Albert del Rosario, đã cùng nhất trí về một dự thảo 6 Điểm và sau đó Ngoại trưởng Natalegawa đã đưa ra bàn thảo với ngoại trưởng các nước khác. Sau khi ông đạt được nhất trí chung giữa các bên, thì Campuchia, nước chủ tịch luân phiên ASEAN, đã chính thức đưa ra Nguyên tắc 6 Điểm về Biển Đông vào ngày 20/7/2012.

Bản tuyên bố của Hor Namhong tái khẳng định cam kết của tất cả các Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đối với những nguyên tắc sau:

1. Thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) (2002).

2. Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC (2011).

3. Sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

4. Tôn trọng đầy đủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

5. Tất cả các bên tiếp tục kiềm chế và không sử dụng vũ lực

6. Giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Tại cuộc họp hẹp của ASEAN năm 2012, Indonesia đã đưa ra đề xuất về một bản thảo COC không chính thức nhằm triển khai bản Đề xuất các thành tố của Bộ Quy tắc Ứng xử khu vực thành một dự thảo COC khả thi. Ngoại trưởng Natalegawa đã giới thiệu đề xuất của mình về “bản thảo COC không chính thức” tới các Bộ trưởng các nước ASEAN bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9/2012. Tuy nhiên, theo các nguồn tin ngoại giao cho biết, bản thảo này đã bị hoãn lại với hi vọng Trung Quốc sẽ giảm bớt lập trường cứng rắn tại các cuộc thảo luận về COC trong tương lai

Tiến triển các cuộc thảo luận COC trong tương lai

Nội bộ ASEAN đã có những bước thay đổi rõ rệt trong năm 2013. Trong tháng 1, Brunei đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN và nhà ngoại giao Việt Nam kỳ cựu Lê Lương Minh trở thành tân Tổng thư ký ASEAN. Cả hai đều đặt ưu tiên vào việc khởi động các cuộc đàm phán COC với Trung Quốc. Brunei, có lẽ đã hơi quá lạc quan khi đặt tháng 10 làm thời hạn kết thúc COC trước thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc.

Thái Lan, nước đảm nhận vai trò điều phối quan hệ của ASEAN với Trung Quốc từ năm trước, tiếp tục nêu vấn đề Biển Đông một cách không chính thức với Bắc Kinh. Quan trọng hơn, Campuchia giờ không còn cản trở những nỗ lực của ASEAN nhằm đạt được một quan điểm thống nhất. Những tiến triển này đã làm thay đổi các vận động trong ASEAN so với năm trước đó, và Trung Quốc cũng có những điều chỉnh tương ứng.

Chủ nghĩa đơn phương của Philippines

Vào giữa thời điểm chuyển giao lãnh đạo của ASEAN, ngày 22/1/2013, Philippines đã gửi đơn kiện chính thức lên Liên Hợp Quốc nhằm thiết lập một tòa trọng tài phân xử theo Công ước Luật Biển (UNCLOS). Philippines đã làm việc này mà không tham vấn trước với các thành viên ASEAN. Điều này đã gây ra một số lo ngại nhất thời vì hành động này của Philippines sẽ gây tổn hại đến những nỗ lực kéo Trung Quốc tham gia vào đàm phán COC. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng việc sử dụng các thủ tục trọng tài theo UNCLOS được xem như một trong hai cơ chế giải quyết tranh chấp nằm trong Đề xuất các thành tố của COC đã được các Bộ trưởng ASEAN nhất trí thông qua vào tháng 7/2012. Trung Quốc đã bác bỏ đơn kiện này và từ chối tham gia vào thủ tục xét xử của tòa. Tuy vậy, theo UNCLOS, tòa trọng tài vẫn được quyền xét xử vụ kiện mà không cần sự tham gia của Trung Quốc, theo đó trong tháng 4, một ban hội thẩm gồm 5 thành viên đã được thành lập. Tòa trọng tài hiện nay gồm các thẩm phán đến từ Ghana (chủ tọa), Đức, Pháp, Hà Lan và Ba Lan. Tòa đã có phiên làm việc đầu tiên vào ngày 11/7 và sau đó đã gửi bản thảo các quy tắc về trình tự xét xử đến Philippines và Trung Quốc để cho ý kiến. Philippines đã gửi văn bản hồi đáp vào ngày 31/7, Trung Quốc cũng đã gửi Công hàm sau đó một ngày và nêu rằng nước này không chấp nhận hành vi khiếu kiện của Philippines và sẽ không tham gia vào vụ kiện. Cần biết rằng Trung Quốc đã loại trừ các điều khoản trọng tài của UNCLOS khi nước này phê chuẩn công ước. Năm 2006, Trung Quốc đã ban hành một tuyên bố bác bỏ các thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc nêu trong UNCLOS về các vấn đề liên quan đến phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Trong khi đó, Philippines lại cho rằng vụ kiện của mình liên quan đến những vấn đề khác và về việc diễn giải luật pháp quốc tế trên cơ sở các điều khoản của UNCLOS.

Ngày 27/8 tòa trọng tài đã ban hành mệnh lệnh đầu tiên về thủ tục xét xử trong đó thông báo sơ bộ lịch trình và các quy định về thủ tục. Philippines đã được yêu cầu “trình bày đầy đủ các vấn đề, bao gồm cả các vấn đề liên quan đến thẩm quyền của Toà trọng tài, tính pháp lý của đơn kiện, cũng như các dữ kiện của tranh chấp” vào ngày 30/3/2014.

Hành động trên của Philippines đã dẫn đến việc Trung Quốc đặt quan hệ song phương giữa hai nước vào tình trạng đóng băng. Biểu hiện rõ nhất là phán ứng của Trung Quốc đối với tuyên bố của Tổng thống Philippines Benigno Aquino về việc ông dự định tham dự Hội chợ triển lãm thương mại Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) tại Nam Ninh. Trung Quốc đã đáp lại yêu cầu trên của với thông điệp rằng ông Aquino nên thăm Trung Quốc “vào một thời điềm thuận lợi hơn.” Các quan chức Philippines sau đó đã tiết lộ rằng Trung Quốc đã yêu cầu Philippines từ bỏ vụ kiện như một điều kiện trao đổi cho chuyến thăm của Aquino. Và Philippines đã cử Bộ trưởng Thương mại thay mặt Tổng thống tham dự sự kiện này.

Trung Quốc can dự cùng ASEAN

Những chuyển biến trong nội bộ ASEAN dường như đã khiến Bắc Kinh suy nghĩ lại về cách tiếp cận của mình với Đông Nam Á. Trung Quốc có vẻ như đang theo đuổi một chính sách nhằm nâng cấp quan hệ với các nước ASEAN (ngoại trừ Philippines) sau khi Vương Nghị được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao tháng 3/2013. Vào ngày 2/4/2013, tại Cuộc họp Quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 19, các quan chức Trung Quốc đã tuyên bố sẵn sàng khởi động các cuộc thảo luận với ASEAN về COC vào cuối năm.

ASEAN đã đáp lại đề nghị của Trung Quốc vào ngày 11/4/2013 tại Hội nghị AMM lần thứ 46 tổ chức tại Brunei. Bản tuyên bố chung đưa ra sau Hội nghị AMM nêu rằng:

Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì động lực tích cực trong đối thoại và tham vấn theo tinh thần Cuộc họp Quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 19 và Nhóm công tác chung ASEAN-Trung Quốc lần thứ 8 về việc thực hiện DOC. Nhấn mạnh tầm quan trọng việc kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc vào năm 2013, chúng tôi nhất trí cùng hướng đến các cuộc tham vấn chính thức giữa ASEAN và Trung Quốc ở cấp SOM về COC với mục tiêu sớm đạt được kết quả về Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông [nhấn mạnh được thêm vào]. [2]

Sau Hội nghị Thượng đỉnh các nước ASEAN lần thứ 23, được tổ chức ngay sau Hội nghị AMM, Brunei đã đưa ra bản tuyên bố của nước chủ tịch trong đó nêu rõ, “Chúng tôi giao nhiệm vụ cho các Bộ trưởng của mình tiếp tục chủ động làm việc với Trung Quốc nhằm sớm đạt được một Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC) dựa trên cơ sở đồng thuận.” [3] Hội nghị Thượng đỉnh các nước ASEAN cũng đã thông qua đề xuất của Thái Lan tổ chức cuộc họp đặc biệt gồm các Bộ trưởng Ngoại giao tại Bangkok trước thời điểm Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc vào tháng 10.

Vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến công du tới Thái Lan, Indonesia, Singapore và Brunei để thảo luận về vấn đề Biển Đông trước thời điểm diễn ra Hội nghị Bộ trưởng. Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định trước các nước chủ nhà rằng COC sẽ được thảo luận tại cuộc họp tiếp theo của Nhóm công tác chung ASEAN-Trung Quốc về DOC.

Trung Quốc đánh tiếng cảnh báo

Đầu tháng 8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm Malaysia, Lào và Việt Nam và tham dự Diễn đàn cấp cao kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - ASEAN tổ chức tại Bangkok vào ngày 2/8/2013. Mục đích chuyến đi này của Ngoại trưởng Vương Nghị là nhằm thúc đẩy khai thác chung và đối thoại về các vấn đề ở Biển Đông. Ông thẳng thắn nhận xét rằng tranh chấp lãnh thổ “trên thực tế đã ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc - ASEAN.” [4]

Tại cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 5/8/2013, Ngoại trưởng Vương Nghị đã đánh tiếng cảnh báo rằng Trung Quốc và ASEAN chỉ “đồng ý tổ chức tham vấn [không phải là đàm phán] thúc đẩy tiến trình xây dựng COC tại Biển Đông dựa trên khuôn khổ thực hiện DOC.”[5] Ngoại trưởng Vương Nghị sau đó đã đưa ra 4 điểm định hướng cách tiếp cận của Trung Quốc trong các thảo luận về COC sắp tới:

Một là, phải có dự tính hợp lý. Một số nước đề xuất, muốn hoàn thành Bộ Quy tắc chỉ trong một sớm một chiều, đây là thái độ không thực tế và không nghiêm túc...

Hai là, phải có đồng thuận thông qua đàm phán. Không áp đặt ý chí của một nước hoặc vài nước cho các nước khác, như trong tục ngữ Trung Hoa có câu “dục tốc bất đạt”.

Ba là, không có sự can thiệp từ bên ngoài. Trung Quốc và các nước ASEAN trước đây từng nhiều lần thảo luận COC nhưng sau đó đều gặp trục trặc do các hành động can thiệp.

Bốn là, cần phải tiến hành tuần tự từng bước. Trước hết, việc xây dựng COC đã được quy định trong DOC. COC không phải để thay thế DOC, càng không thể gạt bỏ DOC và làm theo cách riêng. Ưu tiên hàng đầu hiện nay là tiếp tục thực hiện DOC, nhất là tích cực thúc đẩy hợp tác biển. Trong quá trình này, chúng ta cần xây dựng lộ trình cho COC thông qua tham vấn, và thúc đẩy tiến trình từng bước một. [6]

Tuyên bố của Ngoại trưởng Vương cho thấy các cuộc tham vấn COC sẽ mất nhiều thời gian và Trung Quốc sẽ sử dụng nguyên tắc đồng thuận (được nhắc đến đầu tiên trong DOC) để phủ quyết bất cứ đề xuất nào mà nước này không tán thành. Tuyên bố này cũng nhằm chống lại ảnh hưởng của Philippines (và có thể của Việt Nam) trong việc hình thành lập trường của ASEAN về COC. Sau cùng, nhắc nhở của Ngoại trưởng Trung Quốc về “các hành động can thiệp” ám chỉ đề xuất của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton năm 2010 về việc Mỹ giúp điều phối giải quyết tranh chấp bằng biện pháp ngoại giao. Rõ ràng Ngoại trưởng Vương đang cảnh báo ASEAN không nên lôi kéo các cường quốc bên ngoài vào vấn đề Biển Đông.

Sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị, các quan chức ASEAN đã tổ chức một cuộc họp không chính thức tại Hua Hin, Thái Lan ngày 14-15/8/2013 để chuẩn bị cho các cuộc thảo luận đặc biệt giữa ASEAN và Trung Quốc được lên kế hoạch tổ chức sau đó trong cùng tháng tại Bắc Kinh. Cuộc họp thảo luận về giải pháp cùng thúc đẩy DOC và COC. Sau cuộc họp, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết các Ngoại trưởng ASEAN đã nhất trí “cùng một tiếng nói” trong khi tìm kiếm giải pháp để “sớm kết thúc đàm phán COC.”[7] Tại các cuộc thảo luận đặc biệt ASEAN - Trung Quốc vào tháng 28-30/8/2013, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman đã nhấn mạnh rằng “các cuộc tham vấn về COC phải bắt đầu sớm nhất có thể và không nên bị ràng buộc vào việc thực thi DOC, cả hai việc này nên triển khai đồng thời.”[8]

ASEAN và Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tham vấn chính thức đầu tiên về COC tại Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN- Trung Quốc lần thứ 6 và Nhóm công tác chung ASEAN - Trung Quốc về việc thực hiện DOC lần thứ 9 tại thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, trong ngày 14-15/9. Cuộc họp này đã thông qua một bản kế hoạch làm việc cho năm 2013 và 2014, đồng thời phê duyệt một nhóm làm việc gồm các nhân vật quan trọng nhằm hỗ trợ tư vấn kỹ thuật, cũng như nhất trí về cuộc họp ở Thái Lan trong quý một của năm tiếp theo .

Kết luận

Không giống như năm 2012, Trung Quốc hiện giờ đang phải đối mặt với một ASEAN thống nhất hơn, đoàn kết hơn. Công luận chỉ chú ý đến vai trò tiêu cực của Campuchia tại AMM 45 mà không để ý đến việc ASEAN đã nhất trí về Để xuất các thành tố của Bộ Quy tắc Ứng xử, trước khi các tranh cãi về thông cáo chung nổ ra. ASEAN sau đó đã đạt được thỏa thuận Nguyên tắc 6 Điểm về Biển Đông. Brunei, với vai trò chủ tịch ASEAN, đang thể hiện vai trò đi đầu trong xây dựng đồng thuận, trong khi đó Campuchia hiện tại cũng không đóng vai là một kẻ gây rối trong các cuộc thảo luận về Biển Đông. Thái Lan, với vai trò là nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc, đã hoạt động rất tích cực, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình xây dựng COC. Trung Quốc cũng không thể không tính đến vai trò ngoại giao của Indonesia, quốc gia lớn nhất Đông Nam Á và là thành viên của G-20. Ngoại trưởng Natalegawa là người có công lớn giúp ASEAN đạt được thỏa thuận Nguyên tắc 6 Điểm về Biển Đông và xây dựng Bản dự thảo COC. Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono cũng công khai kêu gọi các bên sớm kết thúc quá trình COC. Ngoài ra, Singapore, Malaysia, Việt Nam và Philippines cũng đều ủng hộ các nỗ lực ngoại giao hiện tại của ASEAN.

Quá trình tham vấn giữa ASEAN-Trung Quốc về COC sẽ kéo dài. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ khăng khăng với yêu cầu các hoạt động hợp tác và các biện pháp xây dựng lòng tin theo tinh thần của DOC phải được thực hiện trước, và quá trình này có thể kéo dài vài năm. Trung Quốc chỉ chấp thuận các cuộc tham vấn gián tiếp về COC như một phần của các cuộc thảo luận đang diễn ra. Trong tương lai, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục thử thách sự đoàn kết và quyết tâm của ASEAN. Bắc Kinh có thể, giống như đã từng làm trong quá khứ, tạo cho mình một cái cớ ở bất kỳ thời điểm nào để trì hoãn các cuộc thảo luận với lập luận rằng “một số nước đã có thái độ và hành vi tiêu cực” (như trường hợp của Philippines).

Việc ASEAN và Trung Quốc bắt đầu các cuộc tham vấn về COC là một diễn biến tích cực. Trung Quốc đã có bước đi đầu tiên, cho dù đó chỉ là bước đi có phần toan tính kể từ năm 2002 với việc tham gia cùng ASEAN trên cơ sở đa phương để xây dựng COC. Sự tham gia của Trung Quốc với ASEAN về vấn đề Biển Đông sẽ giúp tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề an ninh tại Đông Nam Á. Nếu Trung Quốc và ASEAN bắt đầu các chương trình hợp tác trên cơ sở DOC, điều này sẽ mở ra cơ hội xây dựng lòng tin và từ đó tạo môi trường thuận lợi cho các cuộc thảo luận về COC. Nếu ASEAN vẫn duy trì tính thống nhất trong ứng xử với Trung Quốc, điều này sẽ góp phần quan trọng cho việc xây dựng cộng đồng chính trị-an ninh ASEAN vào cuối năm 2015. Cho dù các bên đối thoại khác của ASEAN, trong đó có Mỹ, không trực tiếp liên quan, nhưng những nước này cũng có lợi ích trong việc ủng hộ ASEAN và khuyến khích các nước có yêu sách kiềm chế hành động ở Biển Đông.

Tác giả bài viết là GS. Carlyle A. Thayer, Giáo sư tại Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc. Bài viết được đăng trên trang NBR.

Người dịch: Tiến Thịnh

Hiệu đính: Kim Minh

Tham khảo:

[1] Carlyle A. Thayer, “ASEAN’s Code of Conduct (Unofficial),” Thayer Consultancy, Background Briefing, 11/7/2012, http://www.scribd.com/doc/101698395/Thayer-ASEAN’s-Code-of-Conduct-Unofficial.

[2] “Joint Communique 46th ASEAN Foreign Ministers’ Meeting, Bandar Seri Begawan,” 20-30/6/2013, http://www.asean.org/news/asean-statement-communiques/item/joint-communique-46th-asean-foreign-ministers-meeting-bandar-seri-begawan-brunei-darussalam-29-30-june-2013.

[3] “Chairman’s Statement of the 22nd ASEAN Summit, ‘Our People, Our Future Together,’” 24-25/4/2013, http://www.asean.org/news/asean-statement-communiques/item/chairmans-statement-of-the-22nd-asean-summit-our-people-our-future-together.

[4] Wang Yi, “Forging Promising and Dynamic China-ASEAN Ties” (speech at the opening session of the High-Level Forum on the 10th Anniversary of ASEAN-China Strategic Partnership, Bangkok, 2/8/2013), http://www.fmprc.gov.cn/eng/wjdt/zyjh/t1064612.shtml.

[5] Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China, “Foreign Minister Wang Yi on Process of ‘Code of Conduct in the South China Sea,’” 5/8/2013, http://www.fmprc.gov.cn/eng//wjb/wjbz/activities/t1064869.shtml.

[6] “Foreign Minister Wang Yi on Process of ‘Code of Conduct in the South China Sea,’” Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China, 5/8/2013. http://www.fmprc.gov.cn/eng/zxxx/t1064869.shtml.

[7] “ASEAN Vows Unity on South China Sea,” Channel News Asia, 4/8/2013, http://www.channelnewsasia.com/news/asiapacific/asean-vows-unity-on-south/776632.html.

[8] “South China Sea Issues Must Be Managed Through Dialogue—Anifah,” Bernama News Agency, 29/8/2013, http://www.bernama.com/bernama/v7/newsindex.php?id=973805.