Báo “Dân tộc” vừa đăng một bài viết của John McBeth nói rằng căn cứ không quân Payar Lebar của các lực lượng vũ trang Xinhgapo và sân bay U-tapao của Thái Lan hiện thời cũng không phải là căn cứ quân sự nước ngoài. Chúng chỉ là các xuất phát điểm hay địa điểm quá cảnh cho các máy bay tuần tra trên biển của Mỹ khi bay từ những căn cứ ở bờ biển phía Tây của Mỹ tới Ápganixtan và Trung Đông. Trước đó, việc đóng cửa căn cứ ở Vịnh Subic (Philíppin) và phần nào căn cứ không quân Clark gần đó cộng với làn sóng chính trị phản đối đề nghị kéo dài thời gian cho Mỹ thuê được xem như là một đòn giáng vào hoạt động của Hạm đội 7 của Mỹ. Trong hai thập niên tiếp theo, Mỹ không hiện diện nhiều ở Đông Nam Á do vấn đề chủ nghĩa khủng bố và cuộc chiến ở Irắc và Ápganixtan chi phối chương trình nghị sự của nước này. Trong khi đó, Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh kinh tế gia tăng để xây dựng lực lượng hải quân và khẳng định tham vọng tuyên bố chủ quyền cũng như ảnh hưởng ở Biển Đông. 

Ngoài thỏa thuận Darwin, chương trình mở rộng các cơ sở không quân và hải quân ở Guam trị giá 8 tỷ USD và kế hoạch nâng cấp căn cứ Diego Garcia ở Ấn Độ Dương trị giá 250 triệu USD đánh dấu việc Mỹ cam kết khôi phục sự hiện diện của họ trong khu vực. Điều đó cũng là sự thách thức trực tiếp đối với Trung Quốc. Theo bài viết trên, hiện Mỹ có 865 căn cứ quân sự trên thế giới và con số này là trên 1.000 căn cứ nếu tính cả những căn cứ tại Irắc và Ápganixtan. Việc duy trì các đó là không rẻ chút nào và lên tới 100 tỷ USD mỗi năm theo ước tính của một nguồn tin không được nêu rõ tên. Tại châu Á, các căn cứ quân sự của Mỹ hầu hết đóng ở Nhật Bản và Hàn Quốc, với 8 căn cứ không quân, 3 căn cứ hải quân, 23 địa điểm đồn trú của lục quân và một loạt cơ sở phụ trợ về hậu cần và thông tin. Tại Ôxtrâylia, không chỉ lực lượng lính thủy đánh bộ mà cả tàu thủy và máy bay của Mỹ sẽ tạo điều kiện cho nước này “đặt chân” tới Biển Đông. Thỏa thuận mới về đào tạo (đạt được với Ôxtrâylia) giúp Mỹ tăng cường sự liên kết về mặt quân sự giữa Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Một quan chức cấp cao Mỹ cho biết: “Chúng tôi cũng hướng tới tăng cường các mối quan hệ với các nước có bờ biển ở Ấn Độ Dương.” 

Trong các chuyến thăm mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đều lần lượt tuyên bố rằng Mỹ luôn là cường quốc ở Thái Bình Dương, muốn duy trì an ninh hàng hải và tự do đi lại trên biển. Hãng tin AFP nói rằng với quân số ước lên tới 2,3 triệu, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đang là lực lượng vũ trang đông nhất thế giới. Trong số này có 300.000 người phục vụ hải quân, hiện có 3 hạm đội, 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân trong đó một số tàu ngầm được trang bị tên lửa đạn đạo. Nước này mới thông báo đã có chiếc tàu sân bay đầu tiên dài 300 m và đã chạy thử trên biển vào ngày 10/8 vừa qua; đang chú trọng nhiều đến việc hiện đại hóa và nâng cao sức mạnh về hải quân để có thể vươn tầm ra Thái Bình Dương hay xa hơn nữa. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng năng lực hải quân của Trung Quốc chưa thể sánh được với lực lượng hùng hậu và được trang bị nhiều vũ khí tinh xảo của Mỹ. Hạm đội Thái Bình Dương đang là hạm đội lớn nhất của Mỹ, với 79 tàu và tàu ngầm ở ngoài khơi bờ biển Tây Mỹ, 29 ở Hawaii, 19 ở Nhật Bản và 4 ở vùng lãnh thổ Guam. Sáu trong số 11 tàu sân bay của Mỹ đặt cơ sở ở Thái Bình Dương, trong đó có tàu USS George Washington neo đậu ở Yokosuka của Nhật Bản, và thường có khoảng 50 tàu của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Bằng tiềm lực hải quân to lớn cộng với các đồng minh về địa chính trị của mình trong khu vực, Mỹ có thể kiềm chế được Trung Quốc ngay trong vùng biển gần bờ được biết đến như là của “hải quân nước nâu”. 

Theo The Nation (7/12)

Mỹ Anh(gt)