Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về vụ Triều Tiên thử hạt nhân ra ngày 08/01/2016 gồm 119 từ ngữ được lựa chọn rất cẩn trọng, với một giọng điệu khác xa so với lập trường trước đó của ASEAN. Trong tuyên bố, ASEAN không hề “lên án” hay “bày tỏ quan ngại sâu sắc” trước việc Triều Tiên đã vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA/LHQ).

Điều này hoàn toàn trái ngược với phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, trong đó không chỉ có Mỹ và các nước phương Tây mà chính các đồng minh truyền thống của Triều Tiên là Trung Quốc và Nga, đều lên án vụ thử hạt nhân. Đáng nói hơn là ngôn ngữ tuyên bố chung lần này còn kém xa so với chính các công thức ASEAN đã nhất trí sử dụng trong những tuyên bố trước đây về các vụ việc tương tự.

Trong Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) tháng 08/2015, các nước ASEAN đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc (Triều Tiên) phóng thử tên lửa đạn đạo, nhấn mạnh tầm quan trọng của hoà bình, ổn định và an ninh khu vực và kêu gọi Triều Tiên tuân thủ đầy đủ các nghị quyết của HĐBA/LHQ cũng như các cam kết liên quan.

Phản ứng yếu ớt lần này của ASEAN đã làm dấy lên nghi ngại về vai trò lãnh đạo của Lào, đồng thời khiến dư luận đặt câu hỏi về mục tiêu của ASEAN muốn trở thành một lực lượng chủ chốt ở khu vực (key regional player) cũng như năng lực thực sự của Cộng đồng ASEAN.

Tiếp nhận chức Chủ tịch ASEAN từ Malaysia, Thủ tướng Lào cam kết nước này sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN và Đối tác nhằm thúc đẩy hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực, trong đó có việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững mới của Liên Hợp Quốc.

Theo một số nguồn tin trong cuộc, ngay sau vụ thử hạt nhân, cả Việt Nam và Thái Lan đều đề nghị nước Chủ tịch cần có tuyên bố chung bày tỏ quan ngại chung của cả khối, đặc biệt khi vụ thử diễn ra sau khi ASEAN vừa tuyên bố thành lập Cộng đồng. Việt Nam muốn bổ sung cụm từ “quan ngại sâu sắc” trong khi Thái Lan đề nghị sử dụng công thức dùng trong Thông cáo chung AMM tháng 08/2015.

Sau hai ngày tham vấn liên lục, Lào đã quyết định chọn một lập trường trung dung, không lên án hay bày tỏ quan ngại sâu sắc. Điều này có thể hiểu là nhằm tránh chọc giận Triều Tiên, nước đang có quan hệ gần gũi với Lào.

Theo thông lệ, nước Chủ tịch ASEAN có nhiệm vụ điều phối và dẫn dắt ASEAN xây dựng lập trường và cách tiếp cận chung về những vấn đề quốc tế và khu vực có liên quan. Sau vụ việc vừa qua, đã có một số ý kiến nghi ngại về khả năng của Lào trong đảm đương trọng trách này. Đáng ngại nhất là sự lặp lại của kịch bản năm 2012 ở Campuchia, khi lần đầu tiên trong lịch sử, ASEAN không ra được Thông cáo chung do những bất đồng liên quan tới vấn đề Biển Đông.

Trong những tháng tới, nước Chủ tịch Lào sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm và theo dõi đặc biệt. Ngoài việc chèo lái ASEAN trong giai đoạn đầu của Cộng đồng ASEAN, Lào sẽ chủ trì một loạt các Hội nghị Cấp cao với các Đối tác quan trọng, trong đó có Cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ (16-17/02), Cấp cao kỷ iniệm ASEAN-Nga (19-20/05) và Cấp cao kỷ iniệm ASEAN-Trung Quốc (dự kiến được tổ chức bên lề Cấp cao ASEAN thường niên), chưa kể việc đại diện cho ASEAN tại Cấp cao G-20.

Trong Tầm nhìn mới của ASEAN cùng các kế hoạch hành động đi kèm đã nêu rõ ASEAN cần tiếp tục đóng vai trò trung tâm mạnh mẽ hơn trong cấu trúc khu vực; ở cấp độ toàn cầu, ASEAN cam kết đóng một “vai trò trách nhiệm và xây dựng trên cơ sở lập trường chung về những vấn đề quốc tế”. Với tư cách Chủ tịch, Lào cần nỗ lực hơn nữa để có thể hiện thực hoá những mục tiêu trên, giải toả những nghi ngại của các nước và khẳng định vai trò lãnh đạo trong thúc đẩy đoàn kết và cố kết của ASEAN.

Theo Nikkei Asian Review

Văn Cường (gt)