Chuyến bay thử đầu tiên vào tháng Giêng năm 2011 của chiếc máy bay tàng hình J-20 của Trung Quốc là một dấu mốc chiến lược quan trọng ở nhiều khía cạnh khác nhau, và là một trong các nỗ lực của Trung Quốc nhằm phát triển công nghệ vũ khí hiện đại. J-20 là chiếc máy bay chiến đấu đầu tiên do Trung Quốc chế tạo đáp ứng các tiêu chí "hiện đại" của phương Tây. Nó cũng cho thấy Trung Quốc đã đạt được công nghệ "thiết kế tàng hình" - điều kiện tiên quyết để chế tạo máy bay tàng hình. Cuối cùng, nó cho thấy Trung Quốc đã thành công trong việc kết hợp hoạch định chiến lược với việc xác định rõ tính năng của một chiếc máy bay chiến đấu hiện đại. Khi được chế tạo hoàn chỉnh, J-20 có thể làm thay đổi cân bằng khu vực trong cuộc chơi chiến lược không quân ở châu Á, bằng việc vô hiệu hóa gần như hoàn toàn mọi hệ thống phòng không trong khu vực. 

Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) hiện vẫn chưa công bố ý định về phạm vi hoạt động của chiếc máy bay này, cũng như các hệ thống điện từ và vũ khí. Do đó, các nhà phân tích chỉ còn cách duy nhất là áp dụng các tiêu chí phân tích như kích thước, hình dáng và cấu hình để tính toán các tính năng của chiếc máy bay. Nếu áp dụng một cách thận trọng và kỹ lưỡng, cách làm này có thể mang lại kết quả khá chính xác. 

Việc so sánh chiếc J-20 với những chiếc xe trên mặt đất đã xác định được chủng loại trên các bức hình có thể cho thấy kích thước rất chính xác, J-20 là máy bay lớn, ngang bằng với loại F/FB-111 của Mỹ, hoặc FB-22A, chiếc máy bay ném bom đã đề xuất nhưng chưa bao giờ được chế tạo. Như vậy, trọng lượng của chiếc máy bay trống vào khoảng 40.000-50.000 pao (18,5-22,5 tấn), tùy thuộc vào kỹ thuật chế tạo được sử dụng trong thiết kế, và bình chứa nhiên liệu bên trong tới 35.000 pao (15,8 tấn). Từ đó tính ra tầm hoạt động dưới tốc độ âm thanh sẽ vào khoảng 1000-1500 hải lý, tùy theo mức tiêu thụ nhiên liệu của động cơ khi bay dưới tốc độ âm thanh. Vì vậy, J-20 là chiếc máy bay chiến đấu được thiết kế để đạt tầm xa, và có thể cạnh tranh về tầm hoạt động với dòng F/FB-111, dòng F-15E và Su-35S của Nga. 

Đánh giá khả năng của J-20 

Hình dáng của chiếc J-20 thử nghiệm có ý nghĩa quan trọng dưới góc độ khí động học và khả năng tàng hình. 

Cấu hình tam giác khuyết của chiếc J-20 tương tự như chiếc Thành Đô J-10 trước đó, chiếc Eurofighter Typhoon của châu Âu, chiếc Rafale của Pháp, và chiếc siêu máy bay chiến đấu hành trình MIG I.42 đang thử nghiệm của Nga. Thiết kế này mang lại tính năng cao ở tốc độ siêu thanh, tính năng tuyệt vời ở tốc độ gần âm thanh, và khả năng hạ cánh trên đường băng ngắn tốt hơn các thiết kế tam giác truyền thống. Nếu được trang bị các động cơ thích hợp, J-20 sẽ rất hiệu quả ở chế độ bay hành trình siêu thanh, khả năng tác chiến tuyệt vời ở cự ly gần. Hiện loại động cơ cho J-20 vẫn chưa được công bố, mặc dù đã có phỏng đoán rằng chiếc máy bay này có thể thích hợp với các động cơ Al-41F1S hoặc Item 117S của Nga, giống như các máy bay Su-35S và T-50 PAK-FA. Động cơ Al-41F1 là một phiên bản của loại động cơ hành trình siêu thanh được chế tạo cho chiếc MIG I.42, với động cơ Item 129 mạnh hơn đang được chế tạo cho chiếc T-50. 

Cũng có một số phỏng đoán trên báo chí về một loại động cơ do Trung Quốc sản xuất riêng cho J-20, được gọi là WS-15, nhưng đến nay chưa có công bố chính thức nào. 

Chi tiết thiết kế khung máy bay của chiếc J-20 rõ ràng dựa trên các nguyên tắc thiết kế vỏ do Mỹ đưa ra, được áp dụng chủ yếu cho chiếc Raptor F-22A, nhưng với động cơ nằm bên trong, gần hơn với chiếc máy bay chiến đấu hỗn hợp F-35. Điều này là quan trọng chừng nào hầu hết các cải tiến trong thiết kế tàng hình là kết quả của hình dáng bề ngoài, với các chất liệu hấp thụ rađa và thiết kế chi tiết được áp dụng chủ yếu để "làm sạch" các phản xạ không mong muốn mà hình dáng không thể loại bỏ được. Phân tích về số lượng và chất lượng do tác giả thực hiện cho thấy chiếc J-20 có thể có tính năng tàng hình tốt hơn nhiều từ phía trước và hai bên so với chiếc F-35, và có thể ngang bằng với chiếc F-22A, nếu các nhà thiết kế Trung Quốc đạt được đủ trình độ về chất liệu và kỹ thuật thiết kế chi tiết. Thiết kế này có vẻ chỉ có hai điểm yếu duy nhất, một là đường cong ở bên sườn gây ra nhiều phản xạ hơn mức cần thiết, và ống xả khí hình tròn, một điểm yếu chung của chiếc F-35 và T-50. Cả hai có thể chỉ là thiết kế cho chiếc máy bay thử nghiệm, và có thể không có trong chiếc máy bay được sản xuất chính thức trong tương lai. 

Thiết kế bề ngoài sẽ rất hiệu quả với các loại rađa hoạt động ở dải tần cao hơn 1 GHz, nhưng hiệu quả thấp hơn nhiều ở dải tần thấp hơn. Dải tần này bao trùm hầu hết các rađa mặt đất và trên không do Mỹ và các đồng minh ở châu Á sử dụng.

Nghiên cứu 26 tài liệu công khai của Trung Quốc bằng tiếng Anh về các chất liệu hấp thụ sóng rađa cho thấy một nỗ lực nghiên cứu lớn trong lĩnh vực này, nhưng chủ yếu là các loại chất liệu không phù hợp cho ứng dụng trên máy bay. Nghiên cứu trong lĩnh vực này thường không được công bố ở phương Tây và không có lý do gì để cho rằng Trung Quốc sẽ làm khác. 

Các số liệu hiện có phù hợp với nhận định rằng J-20, một khi được thiết kế hoàn chỉnh, sẽ là máy bay tàng hình có tính năng hoạt động cao, có thể cạnh tranh với chiếc F-22A của Mỹ ở bốn phương diện chính là tốc độ, độ cao, tàng hình và sự linh hoạt, và cao hơn ở hầu hết các tính năng so với chiếc F-35. 

Ý định sử dụng chiếc J-20 hiện chưa được công bố chính thức, và có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. 

Tính phù hợp của thiết kế với nhiều mục đích khác nhau sẽ tùy thuộc chủ yếu vào loại động cơ nào sẽ được sử dụng, và liệu các ống xả tàng hình theo mô hình trên chiếc F-22 có được sử dụng hay không, một điều quan trọng đối với việc thâm nhập sâu vào các hệ thống phòng không. 

Nếu các động cơ có thể mang được trọng lượng 40.000-50.000 pao, J-20 sẽ là một máy bay chiến đấu mạnh cả về không chiến lẫn khả năng đối phó với phòng không. Nếu sức mạnh của động cơ ở dưới tầm này, máy bay sẽ thiếu sự nhanh nhẹn khi cận chiến trên không, nhưng vẫn rất hiệu quả khi đánh chặn hoặc ném bom. 

Ý nghĩa của điều này là nếu công nghệ động cơ của Trung Quốc chưa đủ cao vào nửa cuối của thập kỷ này theo kế hoạch cho J-20, các phiên bản đầu tiên có thể được sử dụng làm máy bay tấn công hoặc đánh chặn, và các phiên bản sau với động cơ mạnh hơn sẽ có tính năng không chiến.

Trung Quốc đã áp dụng hoặc chế tạo một loạt các vũ khí dẫn đường mới thích hợp cho việc mang theo bên trong J-20. Mặc dù chưa có hình ảnh nào cho thấy khoang chứa bên trong của J-20, nhưng kết cấu bên ngoài có thể cho phép mang trọng lượng tương tự như F-22A, nhưng với một khoang chứa dài hơn, sâu hơn có thể mang bom lớn hơn, hoặc thậm chí nhiều vũ khí hơn.

Richard Fisher thuộc Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế đã có số liệu chi tiết các tên lửa không đối không thế hệ thứ 5 của Trung Quốc, trong đó có phiên bản mới của tên lửa PL-12, mô hình theo loại AIM-120 AMRAAM của Mỹ, tên lửa "PL-13" với động cơ phản lực dựa trên mô hình MBDA Meteor của châu Âu, và tên lửa PL-ASR/PL-10 dựa trên mô hình loại A-Darter và Iris-T. 

Các loại bom định hướng thích hợp cho tấn công mục tiêu mặt đất cũng rất nhiều.

Tại triển lãm vũ khí Zhuhai và CIDEX 2010, Luoyang/CASC (Công ty Khoa học và Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc) đã trình làng một loạt các thiết kế bom định hướng mới. 

Tác động chiến lược của việc sản xuất máy bay J-20 hoàn chỉnh, kể cả trong trường hợp chỉ hạn chế ở vai trò tấn công, sẽ rất sâu rộng. Với tính năng tàng hình đủ tốt để đánh bại các rađa phòng không từ dải tần L đến dải tần Ku, chiếc máy bay này có thể dễ dàng xâm nhập vào các hệ thống phòng không hiện được sử dụng tại châu Á. Ngay cả trường hợp bị một rađa chống tàng hình phát hiện, tầm hoạt động cao ở tốc độ siêu thanh sẽ khiến máy bay chiến đấu hoặc tên lửa đất đối không của đối phương cực kỳ khó phát huy tác dụng. Các máy bay chiến đấu duy nhất được sử dụng ở vành đai Thái Bình Dương có khả năng đánh chặn máy bay siêu thanh J-20 là chiếc Raptor F-22A của Mỹ và MIG-31 Foxhound của Nga. 

Kích thước của J-20 và lượng nhiên liệu có thể mang theo cho thấy máy bay này có tầm hoạt động trong "Chuỗi đảo thứ nhất" mà không cần tiếp nhiên liệu trên không, và nếu được tiếp trên không thì có thể vươn tới các mục tiêu ở "Chuỗi đảo thứ hai" ở chế độ bay hành trình gần tốc độ âm thanh. Các mục tiêu cần hơn có thể đạt được ở chế độ bay siêu thanh. 

Tác động của J-20 

Không còn nghi ngờ gì việc một chiếc J-20 khi được sản xuất với khả năng tàng hình hoàn chỉnh và tốc độ bay siêu thanh sẽ trở thành yếu tố thay đổi cục diện ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Sự kết hợp công nghệ tàng hình và tốc độ siêu thanh của chiếc J-20 - tính năng của chiếc Raptor F-22A - mang lại khả năng đánh bại hầu như tất cả các hệ thống phòng không hiện có. Đánh bại bằng việc không để cho phát hiện, và nếu bị phát hiện thì cũng đánh bại các tên lửa đã phóng đi vì tên lửa không thể tới gần mục tiêu trước khi máy bay ra khỏi tầm phát hiện của rađa. Thậm chí nếu không tàng hình, máy bay siêu thanh ở tầm cao cũng đã là một thách thức đối với hầu hết các tên lửa đất đối không lớn nhất và xa nhất. Các máy bay đánh chặn không có khả năng siêu thanh lâu dài hầu như không hiệu quả trước các mục tiêu siêu thanh ở tầm cao. Một điều quan trọng nữa là kích thước lớn của chiếc J-20, và vì thế nếu bay ở chế độ hành trình dưới tốc độ âm thanh tiết kiệm nhiên liệu, nó có khả năng vươn tới các mục tiêu ở tầm 1000 hải lý và không cần tiếp nhiên liệu trên không. Nếu xuất phát từ các căn cứ không quân của PLA dọc theo bờ biển phía Đông của Trung Quốc đại lục, J-20 sẽ dễ dàng đạt tới bất cứ mục tiêu nào trong phạm vi "Chuỗi đảo thứ nhất" của Trung Quốc mà không cần tiếp nhiên liệu. Các mục tiêu trong phạm vi này bao gồm các căn cứ không quân tại Nhật Bản, Hàn Quốc và các căn cứ không quân cũ của Mỹ ở Philíppin. Với sự hỗ trợ nhiên liệu trên không bình thường, J-20 có thể vươn tới hầu hết các mục tiêu trong "Chuỗi đảo thứ hai", kể cả các căn cứ hết sức quan trọng về chiến lược trên đảo Guam./.

Theo The Jamestown Foundation

TT(gt)