1_9_2.jpg

Biển Đông sẽ một lần nữa là chủ đề chính tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) được tổ chức tại Viêng Chăn (Lào) vào ngày 23/7 tới. AMM lần thứ 49 là cuộc họp chính thức đầu tiên của ASEAN sau phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới Biển Đông. Cuộc họp cũng diễn ra sau những thất bại gần đây của ASEAN.

Một ASEAN đồng thuận được mong chờ khi thực tế địa chính trị khắc nghiệt đã ngăn cản tổ chức này đưa ra một tuyên bố chung về phán quyết của Tòa Trọng tài. Trong hai tuần ngắn ngủi, đây là lần thứ hai ASEAN thất bại trong việc tìm ra tiếng nói chung. ASEAN vẫn đang “rối như tơ vò” sau sự đổ bể tại Côn Minh, nơi Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc được tổ chức để kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại ASEAN-Trung Quốc đã kết thúc trong tình trạng lộn xộn bởi phút chót đã rút lại tuyên bố chung về Biển Đông. Điều này đặt ra câu hỏi về độ tin cậy của ASEAN. Liệu ASEAN xử lý như thế nào trong tranh chấp Biển Đông? Có 5 nhận định về tổ chức này:

1. ASEAN thất bại trong việc đưa ra tuyên bố chung về phán quyết của Tòa trọng tài

ASEAN đã không đưa ra được tuyên bố chung nhưng điều này không phải là một tiêu chuẩn công bằng để phán xét. ASEAN giữ vị trí trung lập, không đứng về bên nào. Mặc dù bốn quốc gia thành viên của tổ chức là các bên tranh chấp nhưng ASEAN chưa bao giờ ủng hộ bất kỳ một nước thành viên nào. Thất bại của ASEAN trong việc đưa ra tuyên bố chung nên được xem xét trong bối cảnh trung lập của tổ chức này. Mỗi quốc gia thành viên được quyền "phá vỡ hàng ngũ" và trường hợp Tòa Trọng tài xét xử vụ kiện không liên quan đến ASEAN với vai trò như một tổ chức. Vì vậy, bất kỳ sự phê phán nào đối với sự thống nhất của ASEAN là không thích đáng. Tuy nhiên, tính trung lập không thể bào chữa cho tất cả trách nhiệm của ASEAN trong các tranh chấp. ASEAN có nghĩa vụ phải bảo đảm các bên tranh chấp, bao gồm Trung Quốc, phải tuân thủ Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (TAC) cùng các quy định khác với yêu cầu giải quyết hòa bình các xung đột.

2. ASEAN thất bại trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển

ASEAN không có thẩm quyền để giải quyết các tranh chấp. Trách nhiệm này thuộc về các bên tranh chấp. Vai trò của ASEAN được giới hạn trong các biện pháp xây dựng lòng tin và nỗ lực hạn chế leo thang căng thẳng giữa các bên tranh chấp. Tuyên bố về Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được dự định là một thỏa thuận có tính ràng buộc để ổn định các mối quan hệ trên Biển Đông, nhưng cuối cùng chỉ dừng lại như một tài liệu chính trị. Kể từ khi DOC được ký kết vào năm 2002, đã có 17 nhóm công tác chung và 12 cuộc họp quan chức cấp cao về việc thực hiện DOC, nhưng những nỗ lực này vẫn chưa đem đến kết quả như mong đợi.

3. Biển Đông không phải vấn đề của ASEAN

Đây là quan điểm của Trung Quốc nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của một số nước trong ASEAN. Trung Quốc tin rằng tranh chấp có tính chất song phương và không liên quan đến ASEAN. Trung Quốc đã đúng ở điểm đầu tiên, nhưng cần phải chỉnh lại điểm thứ hai. Biển Đông là chủ đề nóng nằm trong chương trình nghị sự của ASEAN bởi nó liên quan đến hòa bình và ổn định của khu vực, cũng như quyền tự do hàng hải và hàng không, và không nằm trong yêu sách hàng hải.

4. Sự thống nhất của ASEAN đang bị đe dọa

Những dấu hiệu cho thấy ASEAN bị chia rẽ rất rõ ràng. Rất dễ để đổ mọi tội lỗi cho Trung Quốc, nhưng ASEAN nên tự nhìn nhận lại vì đã không giữ được chính mình. Sự đồng thuận phải tới ngưỡng khi một quốc gia thành viên có thể phủ quyết lợi ích chung của 9 quốc gia còn lại. Sự chia rẽ trong vấn đề Biển Đông là một lời cảnh tỉnh ASEAN xem xét lại phương thức làm việc của mình để làm cho tổ chức này trở nên hiệu quả và thiết thực hơn. Dịp kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập ASEAN trong năm 2017 nên được tận dụng để xem xét lại Hiến chương ASEAN với tầm nhìn đưa ASEAN phát triển cao hơn vì lợi ích chung của khối và hiệu quả hơn.

5. ASEAN bị “kẹt” bởi các nước ngoài khu vực

Trong vấn đề Biển Đông, các nhà bình luận ngoài khu vực đã nhầm lẫn khi kết luận rằng ASEAN chịu sự ảnh hưởng của “bên ngoài”. Sự ngộ nhận này đã xem nhẹ mối lo ngại của khu vực đối với sự gia tăng căng thẳng trên các vùng biển. ASEAN sẽ phải đối mặt với một thử thách quan trọng tại AMM cuối tuần này và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Gần như theo bản năng, Trung Quốc sẽ dựa vào các đồng minh trong ASEAN để bảo đảm thông cáo chung của AMM sẽ không nhắc đến Biển Đông nhằm giữ thể diện. Đây sẽ là hành động không sáng suốt vì sẽ khiến cho uy tín của Trung Quốc càng bị tổn hại, và Bắc Kinh sẽ phải chịu trách nhiệm về việc “phá vỡ” ASEAN một lần nữa. Trung Quốc sẽ tự lừa dối bản thân với chính sách “không chấp nhận, không tham gia, không công nhận và không thực hiện”. Việc tỏ ra hiên ngang như vậy sẽ khiến quốc gia đông dân nhất thế giới không nhận được nhiều sự ủng hộ từ bên ngoài. Trước mắt, Trung Quốc cần phải chấp nhận thực tế của một “tiêu chuẩn chính trị mới” khi phán quyết của Tòa trọng tài đã làm sáng tỏ luật pháp và bối cảnh chính trị ở Biển Đông. Sẽ là không thực tế nếu Bắc Kinh hành xử như thời điểm trước ngày 12/7 vừa qua.

Trung Quốc có thể tự làm hại chính mình nếu tiếp tục đặt ASEAN ở bên ngoài cuộc chơi. Điều đó sẽ không khuyến khích các quốc gia thành viên có yêu sách ở Biển Đông ủng hộ các tiến trình ASEAN và đẩy các nước này xích lại gần hơn các nước bên ngoài khu vực như Mỹ và Nhật Bản. Ngược lại, Trung Quốc nên xem ASEAN như là một phần của giải pháp và không phải là trở ngại. Quả bóng hiện đang ở phần sân của Trung Quốc và ASEAN có thể tận dụng cơ hội này để thiết lập lại các mối quan hệ chính trị-chiến lược dựa trên các tiêu chuẩn chính trị mới sau ngày 12/7. ASEAN và Trung Quốc không nên để Biển Đông quyết định mối quan hệ song phương, cả hai cần phải hiểu rằng tranh chấp gây thiệt hại cho cả hai phía. Việc cần làm khẩn cấp là đảm bảo rằng 25 năm làm việc chăm chỉ và tin tưởng giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ không vô ích.

Tác giả Tang Siew Mun, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu Iseas-Yusof Ishak. Bài viết đăng trên “Straitstimes” (ngày 20/7).

Hương Trà (gt)