Visioning.jpg

Văn bản mới nhấn mạnh liên minh chiến lược Mỹ- Úc là động lực chính để xác định môi trường an ninh của Úc đến năm 2035. Vì thế, phần nhiều nội dung của Sách Trắng tập trung vào việc Úc đã chuẩn bị tốt thế nào cho hai thập kỉ tới để phản ứng trước thực tế hợp tác Mỹ- Trung và sự cạnh tranh ở châu Á- Thái Bình Dương. Về cơ bản, Sách Trắng cam kết tăng chi quốc phòng thêm 30 tỷ AUD (tương đương 30,1 tỷ SGD) đến năm 2020-2021, duy trì tổng ngân sách 5 năm trị giá 195 tỷ AUD trong khoảng 2% GDP. Lần cuối cùng Úc chi hơn 2% GDP cho quốc phòng là vào năm 1995. Sách Trắng Quốc phòng Úc cũng dự kiến kế hoạch tăng quân số trong Lực lượng Phòng vệ Úc (ADF) từ mức khoảng 60.000 quân chính quy hiện tại lên 62.400 người, ngoài ra sẽ đóng khoảng 10 tàu ngầm giai đoạn 2018-2057. Với khung thời gian và tỉ lệ gia tăng như vậy, văn bản này không phát đi tín hiệu báo động tức thì. Tuy nhiên, giới quan sát nhanh chóng lưu ý rằng Sách Trắng Quốc phòng Úc cho thấy ADF đang có sự tập trung hơn đối với Đông Nam Á, đặc biệt là Biển Đông.

Trước khi công bố Sách Trắng, Canberra đã thông báo tới các đối tác quan trọng, gồm Trung Quốc và Indonesia, để đánh giá phản ứng. Người phát ngôn Trung Quốc đã nhấn mạnh về mức độ hợp tác giữa Trung Quốc và Úc, song “thất vọng” với việc văn bản này đề cập đến Biển Đông và biển Hoa Đông. Do Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc kể từ năm 2007, quan điểm của Bắc Kinh cần được Chính quyền Malcolm Turnbull đánh giá thận trọng.
Hầu hết các nước Đông Nam Á thường không bình luận về chính sách và chính trường của nước khác, vì thế khả năng họ sẽ không có những tuyên bố chính thức về hoạch định quốc phòng mới nhất của Úc. Dù vậy, thông báo của Canberra liên quan đến quan ngại của họ về căng thẳng gia tăng trên Biển Đông, cũng như khả năng tham gia với Mỹ trong hoạt động đảm bảo tự do hàng hải (FONOPS), sẽ được thảo luận ở nhiều cấp khác nhau ở Đông Nam Á.
Trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, duy trì hòa bình và ổn định là lợi ích lớn của cả các nước tranh chấp và không có tranh chấp. Việc Sách Trắng Quốc phòng thẳng thừng đề cập đến căng thẳng trên Biển Đông như là một quan ngại chiến lược của Úc chính là dấu hiệu cho thấy Canberra sẵn sàng gánh vác phần nào trách nhiệm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Giới lãnh đạo chính trị các nước Đông Nam Á cần tiếp nhận động thái này.
Việc củng cố sức mạnh quốc phòng của Úc sẽ nhận được sự hoan nghênh lớn nhất từ Singapore và Malaysia. Úc và hai nước này, cùng với New Zealand và Anh, là những đối tác chiến lược gần gũi trong Thỏa thuận quốc phòng 5 nước. Thông qua đối thoại định kì và diễn tập quân sự chung, đối tác quốc phòng chính thức này là một phương tiện của ngoại giao quốc phòng và củng cố quan hệ giữa 5 nước. Lợi ích nhất quán của Úc trong sự ổn định ở Đông Nam Á đang phát thông điệp đúng đắn tới cả Singapore và Malaysia.

Việc Indonesia diễn giải động thái quốc phòng trong tương lai của Úc như thế nào sẽ là quan ngại lớn nhất với Canberra. Kế hoạch đóng tàu ngầm của Úc không phải là mới và đã được một số nhà quan sát tinh ý phân tích. Tuy nhiên, việc Úc thúc đẩy năng lực biển dường như cùng thời điểm với kế hoạch biến Indonesia thành “trục biển” của Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Là quốc gia vạn đảo, học thuyết biển mới của Indonesia là hợp lí. Tuy nhiên, sẽ là có vấn đề nếu việc nâng cấp năng lực trên biển của Úc bị Jakarta diễn giải là một hình thức phản ứng trước việc Indonesia củng cố hải quân. Ngược lại, hai nước sẽ củng cố sự hợp tác trên biển ở khu vực và hoạt động tìm kiếm- cứu nạn và chống cướp biển ở vùng biển chung sẽ hiệu quả hơn.
Trong khi đó, quan hệ Philippines- Úc hiện đại đã hình thành khi hai nước tham gia Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á trước đây. Dù tổ chức này không còn tồn tại, song Manila và Canberra vẫn duy trì các hiệp định quốc phòng chung với Mỹ. Khả năng Úc tham gia hoạt động FONOPS với Hải quân Mỹ ở Biển Đông sẽ được các nước Đông Nam Á có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc hoan nghênh. Hoạt động FONOPS như vậy hi vọng sẽ tạo thuận lợi cho việc xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử (COC) giữa các bên liên quan trong tranh chấp Biển Đông, do họ đều đặt mục tiêu duy trì hiện trạng khu vực trước khi vấn đề chủ quyền được giải quyết. Nhìn chung, Sách Trắng Quốc phòng Úc 2016 đang phát đi một tín hiệu tích cực tới Đông Nam Á và nhiều khả năng góp phần vào hòa bình và ổn định trong khu vực.

Tác giả là nhà nghiên cứu Daniel Chua Wei Boon thuộc Chương trình Nghiên cứu Quân sự, VIện Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Đại học Công nghệ Nanyang. Bài viết đăng trên “Straits times” (ngày 29/2).

Hùng Sơn (gt)