xi-putin.jpg

Hai quốc gia đối đầu trước đây hiện có một mối quan hệ vững chắc nhưng linh hoạt. Kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine năm 2014, quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển, chủ yếu xoay quanh các hoạt động buôn bán thiết bị quân sự, Nga bán dầu mỏ cho Trung Quốc và Bắc Kinh rót vốn vào Nga trong bối cảnh lệnh trừng phạt của phương Tây. Moscow và Bắc Kinh hầu như nhất trí về những thiếu sót của một trật tự quốc tế do Mỹ và các đồng minh chi phối. Mối quan hệ của họ đã gây ra nhiều lo ngại, đặc biệt là với Mỹ như đã thể hiện trong Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) mới đây. Tuy nhiên, có một số căng thẳng tiềm ẩn trong mối quan hệ này, đặt ra những ràng buộc đối với các quan hệ song phương. Những điều này liên quan đến lợi ích quốc gia của mỗi bên cũng như cam kết của họ với trật tự quốc tế. Phải nói rằng hai bên đã khôn khéo trong việc kiềm chế những căng thẳng trong nhiều năm qua, nhưng chúng có thể ảnh hưởng đến quỹ đạo của mối quan hệ này về lâu dài.

Lý do của những lo ngại này là sự mất cân bằng trong quan hệ. Trong khi cả hai quốc gia này là những nhân tố quan trọng trên trường quốc tế, những lo ngại của Nga đặc biệt xuất phát từ vấn đề nhân khẩu học cũng như các vấn đề kinh tế. Dân số và GDP của Trung Quốc lớn gấp gần 10 lần so với Nga. Xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc chủ yếu là nguyên liệu thô và hydrocarbon. Nhiều phân tích chỉ ra những căng thẳng vốn có của mối quan hệ giữa bên mua và bên bán. Khi Nga ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc về đầu tư và thị trường, sức mạnh của Trung Quốc để đàm phán các thỏa thuận có lợi sẽ chỉ tăng lên. Do đó, Nga sẽ vẫn cảnh giác với việc phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia, đặc biệt là một nước có nhiều lợi ích chồng chéo. Khuynh hướng của Nga nhằm cân bằng giữa các lợi ích khác nhau và bảo vệ quyền tự chủ chiến lược trong khi mở rộng ảnh hưởng sẽ được triển khai. Điều này sẽ làm tăng khả năng Nga nối lại quan hệ với châu Âu ở mức độ nào đó, đặc biệt là do các hành động mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đẩy châu Âu và Nga xích lại gần nhau hơn. Ngược lại, do ưu tiên của Trung Quốc là phát triển kinh tế, các nước phương Tây là những đối tác hấp dẫn hơn, ngay cả khi Bắc Kinh hưởng lợi từ việc nhập khẩu dầu mỏ của Nga.

Tại Ukraine, một khu vực mà Nga coi là không thể thiếu đối với an ninh của mình, Trung Quốc kiềm chế không trực tiếp chỉ trích hay ủng hộ hành động của Nga. Họ đã bỏ phiếu trắng trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc tuyên bố cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea là bất hợp pháp. Trong khi nhiều nước phương Tây phản ứng với sự vi phạm chủ quyền của Ukraine bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt, Trung Quốc đã chỉ trích cách hành xử này của phương Tây nhưng cuối cùng cũng tuân theo.

Tương tự, ở Biển Đông, một khu vực nằm trong "phạm vi lợi ích" của Trung Quốc nhưng không liên quan trực tiếp đến Nga, Moskva đã theo đuổi lợi ích riêng. Các hành động của Trung Quốc trong khu vực này không chắc sẽ gây ra mức độ phản ứng mạnh mẽ như hành động của Nga ở Crimea và cả hai đã tiến hành các cuộc tập trận chung trong khu vực. Nhưng khi Nga tìm cách mở rộng sự hiện diện  ở Thái Bình Dương, thể hiện rõ qua sự hiện đại hóa hạm đội Thái Bình Dương, họ có thể bị lôi kéo vào khu vực này. Theo xu hướng tự nhiên, Nga đã tham gia vào việc làm cân bằng các lợi ích khác nhau mà không thể hiện nhượng bộ bất kỳ cường quốc khi can dự với Việt Nam. Việt Nam thận trọng với các hoạt động của Trung Quốc nhưng Nga đã hợp tác với Hà Nội về mặt quân sự cũng như trong lĩnh vực hydrocacbon.

Những hành động của Nga và Trung Quốc ở Trung Á, nơi cả hai nước đều thèm muốn "miếng bánh" lớn, sẽ rất quan trọng trong những năm tới. Nga coi đó là một khu vực quan trọng để mở rộng ảnh hưởng của họ. Mặc dù hầu hết các nước Trung Á thừa nhận mối quan hệ lịch sử của họ với Nga và quyền lực kinh tế cũng như lợi ích an ninh của Nga trong khu vực, một số nước đã ít nhiệt tình hơn trong việc tham gia vào các dự án do Nga dẫn đầu như Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). Việc Nga đưa ra các biện pháp kiểm soát nhập cư khắt khe hơn đối với khu vực cũng đã chứng tỏ vết rạn nứt này. Thay vào đó, Trung Quốc thích đưa ra đề xuất tăng trưởng kinh tế như một sự khích lệ. Khu vực này là chìa khóa cho chính sách "Hướng Tây" của Trung Quốc cũng như một dự án quan trọng khác là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) để thể hiện ảnh hưởng của họ ở châu Á, nhưng lợi ích của họ ở khu vực này bị hạn chế vì các công ty Trung Quốc thích sử dụng lao động Trung Quốc hơn. Mô hình này không thách thức vai trò của Nga với tư cách là người đảm bảo an ninh tiềm năng ở Trung và Tây Á.

Những xu hướng này - chủ nghĩa thực dụng của Trung Quốc và sự thừa nhận tầm quan trọng của phương Tây, và hành động cân bằng của Nga và việc không bên ngoài xâm phạm của vào "phạm vi ảnh hưởng" của họ - sẽ chỉ làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng. Ảnh hưởng địa chính trị của Nga có những lợi ích nhất định đối với Trung Quốc và Trung Quốc đang nổi lên như một đối tác kinh tế quan trọng của Nga. Nhưng việc hai bên thường xuyên theo đuổi các lợi ích quốc gia và những mối quan hệ riêng của họ với phương Tây rút cục có thể quan trọng hơn mối quan hệ của họ với nhau, đặc biệt là quan hệ của Nga với châu Âu và quan hệ của Trung Quốc với cả châu Âu lẫn Mỹ.

Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã nhấn mạnh mối lo ngại về chính sách không thể đoán trước của Nga, sau những hành động của Nga ở Crimea và sau đó là Syria. Lợi ích của Trung Quốc và Nga gặp nhau ở điểm họ cùng chống lại một hệ thống do Mỹ dẫn dắt, nhưng vẫn chưa xác định được họ sẽ giữ vai trò gì trong trật tự quốc tế theo quan điểm của họ. Các chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump có thể thúc đẩy họ xích lại gần nhau hơn vào lúc này, nhưng điều đó có thể xuất phát từ động cơ cá nhân hơn là mong muốn thiết lập bất cứ mô hình liên minh chính thức nào. Trong bất cứ trường hợp nào, quan hệ Trung-Nga là một sản phẩm của bối cảnh quốc tế hiện nay, do đó hoàn toàn có lý khi cho rằng một sự thay đổi bối cảnh quốc tế có thể dẫn đến việc đánh giá lại quan hệ giữa hai nước.

Theo “Eurasia review

Hương Trà (gt)