Trung Quốc đã phải đối mặt với phản ứng gay gắt nhưng kiên quyết của Chính phủ và các cơ quan thực thi nhiệm vụ của Việt Nam trong hai tháng qua. Trung Quốc không muốn Việt Nam đưa vụ việc này lên Tòa án quốc tế, đồng thời muốn ngăn chặn Mỹ và các thế lực khác can dự vào Biển Đông. Thời gian vừa qua, Bắc Kinh đã phải hứng chịu sức ép khá lớn của dư luận khu vực và quốc tế, do đó, việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi EEZ và thềm lục địa của Việt Nam được coi là một thắng lợi ngoại giao đối với Việt Nam. Trung Quốc muốn thể hiện rằng vụ việc trên là bất đồng song phương và không làm tổn hại đến hòa bình, an ninh cũng như thịnh vượng trong khu vực. Trung Quốc cũng không muốn bị mất mặt tại các diễn đàn quốc tế, nhất là tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ sáu của các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) diễn ra ở Brazil trong tuần qua và trước khi diễn ra hội nghị Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tại Myanmar vào tháng 8 tới. Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương-981 còn nhằm tránh cơn bão Rammasun đổ bộ vào Biển Đông mới đây. 

Trong bối cảnh này, theo các chuyên gia, Trung Quốc không nên đưa giàn khoan Hải Dương-981 hay bất cứ giàn khoan nào khác trở lại vùng biển của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) nhằm tạo môi trường hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Các nước thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phải đoàn kết và giải quyết tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc theo luật quốc tế, đồng thời cần đề ra một số cơ chế an ninh tập thể trong khu vực. Các chuyên gia cũng lưu ý các nước phải thận trọng với những gì Trung Quốc nói và làm. 

Kể từ ngày 2/5/2014, giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc và một số lượng lớn tàu hộ tống, trong đó có tàu quân sự, đã vi phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 chỉ cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý. Các tàu Trung Quốc đã bao vây, cố tình đâm và dùng vòi rồng áp lực cao phun nước vào các tàu tuần tra, tàu kiểm ngư của Việt Nam đang làm nhiệm vụ tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hành động của phía Trung Quốc đã làm nhiều cán bộ kiểm ngư của Việt Nam bị thương và gây thiệt hại cho lực lượng thực thi luật pháp trên biển của Việt Nam, thậm chí một tàu cá của Việt Nam còn bị đâm chìm. 

Theo Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam luôn coi trọng tình hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc trên cơ sở cùng phát triển bình đẳng, tôn trọng lẫu nhau và cùng có lợi. Việt Nam sẵn sàng cùng Trung Quốc và các bên liên quan tiến hành các cuộc thương lượng hòa bình và giải quyết bất đồng trên biển theo luật quốc tế. 

Trong khi đó, Thượng viện Mỹ đã ra nghị quyết lên án âm mưu của Trung Quốc làm thay đổi hiện trạng tại châu Á-Thái Bình Dương. Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện Mỹ - ông Robert Menendez, người đồng bảo trợ nghị quyết trên - đã nêu rõ: “Mỹ là một quốc gia châu Á-Thái Bình Dương và chúng tôi (Mỹ) có lợi ích an ninh quốc gia trong việc duy trì an ninh tại khu vực này”. 

Báo “The Economic Times” của Ấn Độ 

Thuỳ Anh (gt)