Tác giả cho rằng để mang lại lợi ích thực sự cho người dân, chính sách ngoại giao kinh tế phải được làm mới bằng cách tham gia vào các hoạt động kinh tế của khu vực. Nhiều quan điểm cho rằng các trung tâm kinh tế thế giới đã chuyển dịch về châu Á với luồng vốn đầu tư rất lớn, tiêu thụ nội địa tăng cao và có những tiến bộ về văn hóa xã hội. Sự thay đổi tương quan sức mạnh kinh tế đã được khẳng định trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2014, khi danh sách 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới có nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc (đứng thứ hai), Ấn Độ (đứng thứ ba), Nhật Bản (đứng thứ tư) và Indonesia (đứng thứ 10). Châu Á hiện là thị trường lớn cho các sản phẩm xuất khẩu của quốc gia “vạn đảo". Do đó, hoạt động ngoại giao kinh tế không nên tập trung quá mức vào các thị trường truyền thống ở Bắc Mỹ và châu Âu, thay vào đó là khu vực Trung, Nam, Đông Nam Á và các thị trường châu Phi, Trung Đông. 

Ngoài ra, ngoại giao kinh tế cũng nên tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên để mang lại lợi ích thực sự cho người dân. So với các ngành nông nghiệp, công nghiệp và khai thác mỏ, ngành hàng hải đã bị gạt ra khỏi chương trình nghị sự phát triển quốc gia trong nhiều năm qua mặc dù 75% diện tích của Indonesia là nước. Điều này đã cho thấy sự “lơ là” của chính phủ trước tiềm năng tài nguyên biển. Do đó, ngoại giao kinh tế nên tập trung thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng hàng hải, xây dựng nhà máy đóng tàu, các cơ sở chế biến thủy sản... Từ góc độ hội nhập kinh tế khu vực ASEAN, việc phát triển cơ sở hạ tầng hàng hải của Indonesia sẽ tăng cường khả năng kết nối giữa Indonesia và các thị trường trong khu vực. Khi việc kết nối đường biển được đưa vào chương trình nghị sự chính của ASEAN, Indonesia nên tập trung hơn vào lĩnh vực hàng hải. Việc tăng cường khả năng kết nối các cảng biển Indonesia với các thành phố lớn của các nước ASEAN có ý nghĩa chiến lược hơn là phát triển các cầu nối giữa các đảo.

Không giống như Indonesia, hầu hết các nước ASEAN nằm trên lục địa, do đó hoạt động giao thương chủ yếu diễn ra trên đất liền chứ không phải trên các đại dương. Hàng hóa và dịch vụ trao đổi thông qua đường bộ dễ dàng hơn, các nước được hưởng lợi nhiều hơn khi trao đổi buôn bán và giao lưu với nhau. Theo thống kê, thương mại nội khối giữa các nước ASEAN trong lục địa bao gồm Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar chiếm 42% thương mại toàn khu vực. Trong khi đó, thương mại nội khối giữa các quốc đảo như Indonesia, Philippines và Brunei, chỉ chiếm 8% thương mại ASEAN. Do vị trí là quốc đảo, nếu không cải thiện việc kết nối đường biển với các nước ASEAN, Indonesia sẽ không gặt hái được nhiều lợi ích từ quá trình hội nhập kinh tế. Đây cũng chính là lý do mà Tổng thống Jokowi đưa ra học thuyết hàng hải của mình. Vì vậy, ngoại giao kinh tế của Indonesia nên tập trung đẩy nhanh các chương trình kết nối đường biển của ASEAN, trước hết là kết nối các cảng lớn của Indonesia với các thành phố chính của các nước ASEAN. Các hải cảng quốc gia hoạt động hiệu quả sẽ tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, trao đổi dịch vụ và tăng cường mức độ kết nối kinh tế của Indonesia với ASEAN và châu Á. 

Tác giả kết luận rằng đây là thời điểm để chính phủ ưu tiên phát triển ngành hàng hải và đặt con người vào trung tâm của sự phát triển quốc gia, ngoại giao kinh tế đã được đánh giá lại, tái xác định các ưu tiên trong chính sách. Các nhà ngoại giao kinh tế nên tìm hiểu thị trường, cơ hội kinh doanh mới cho các sản phẩm của Indonesia, tiến hành các hoạt động đầu tư phù hợp với sự thay đổi của các trung tâm kinh tế thế giới. Ngoại giao kinh tế cần tập trung vào việc mở rộng kết nối đường biển của quốc đảo với các thành phố lớn của ASEAN. Định hướng như vậy trong chính sách ngoại giao kinh tế sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế đất nước này.

Bài viết của tác giả Darmansjah Djumala đăng trên “Bưu điện Jakarta”, Indonesia

Duy Anh (gt)