US-flag-007.jpg

Chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump đang trở nên tốt một cách đáng ngạc nhiên. Mặc dù khó cảm thông với những lời chỉ trích, những câu ông Trump viết trên mạng xã hội Twitter hay sự hỗn loạn ở Nhà Trắng nhưng trong khi những ý tưởng của ông về chính sách đối nội có vẻ như nằm ngoài xu hướng chung thì đội ngũ cố vấn an ninh, đối ngoại của ông đang thực hiện tốt hơn những gì người ta nghĩ.

Còn quá sớm để đánh giá Chính quyền Mỹ hiện nay đã ổn định do tính bốc đồng, hay thay đổi của ông Trump vẫn không hề giảm bớt kể từ khi ông nhậm chức. Nhưng dù vì lý do gì đi nữa thì ông đã lựa chọn một đội ngũ an ninh quốc gia tuyệt vời và điều này đã làm dịu những lo lắng trên toàn thế giới. Gần đây nhất là việc chọn Tướng H.R. McMaster, người được coi là một trong những nhà quân sự chiến lược xuất sắc nhất hiện nay của Mỹ, làm Cố vấn An ninh Quốc gia sẽ càng củng cố xu hướng này.

Về chính sách đối với Đông Á, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Tokyo và Seoul nhằm khẳng định mối quan hệ đồng minh vững mạnh Mỹ-Hàn Quốc và Mỹ-Nhật Bản, ủng hộ chính sách bền vững từ thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama về bảo vệ quần đảo Senkaku của Nhật Bản khỏi bất cứ động thái quân sự nào từ Trung Quốc, lên tiếng một cách nhẹ nhàng và không hề quân phiệt về việc làm thế nào để đối phó với những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông và nói chuyện một cách thực tế về việc phối hợp giải quyết mối đe dọa vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Tổng thống Trump cũng không còn hứng thú với việc tuyên bố nhanh chóng rằng Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ và áp đặt hàng rào thuế quan đối với tất cả hàng hóa của Trung Quốc. Mặc dù ông Trump vẫn có lập trường cứng rắn về chính sách thương mại của Trung Quốc nhưng ông vẫn đang tránh những sự lựa chọn về chính sách có thể gây phản tác dụng. Trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo, chính ông Trump đã thông báo với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Mỹ vẫn cam kết với chính sách "Một Trung Quốc". Đây là quan điểm khôn ngoan vì Bắc Kinh chắc chắn có phản ứng mạnh nhằm ngăn chặn Đài Loan độc lập - cuộc xung đột này nếu xảy ra có thể có tác động xấu đối với Mỹ.

Đối với Trung Đông, Tổng thống Trump cũng khẳng định các cam kết với các nước đồng minh, bao gồm Israel và các quốc gia Arập, những nước đã có mối quan hệ căng thẳng với Mỹ dưới thời ông Obama, đặc biệt liên quan đến thỏa thuận hạt nhân với Iran. Trong buổi gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Vua Saudi Arabia Salman bin Abulaziz Al Saud, ông Trump đã bác bỏ thỏa thuận hạt nhân đó và cam kết thực hiện chính sách cứng rắn hơn với Iran để buộc nước này từ bỏ tham vọng vũ khí hạt nhân. Giống như các đời Tổng thống Mỹ, ông Trump đang bị cuốn vào tiến trình xây dựng hòa bình Arập-Do Thái. Trong cuộc điện đàm giữa ông Trump với Vua Salman cũng như trong cuộc gặp trực tiếp của ông với Vua Abdullah của Jordani, hai nhà lãnh đạo này đều muốn ông Trump tái khởi động quan hệ ngoại giao giữa Israel với Palestine. Sau khi ông Trump thách thức về nhu cầu cần phải có một "giải pháp hai nhà nước", Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ), tuyên bố rằng chính sách này thực sự vẫn được Mỹ ủng hộ.

Về châu Âu, Phó Tổng thống Mike Pence, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson đã đến thăm khu vực này. Mặc dù họ vẫn khiến các đồng minh đôi chút lo lắng khi Mỹ yêu cầu các nước đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gia tăng các khoản đóng góp và chia sẻ trách nhiệm, nhưng họ đều khẳng định rõ ràng cam kết nhất quán của Mỹ đối với NATO. Họ đã đúng khi làm vậy. Câu hỏi về cam kết của Mỹ không phải là chuyện để đi lòng vòng xung quanh.

Đề cập tới Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis khẳng định với những người đứng đầu quân đội NATO rằng sẽ không có hợp tác quân sự giữa Mỹ và Nga trong tương lai gần. Đại sứ Haley khẳng định Mỹ không công nhận việc Nga sáp nhập Crimea và sẽ cùng với các đồng minh châu Âu duy trì các biện pháp trừng phạt Nga tới khi nào các hành vi chống Ukraine của nước này chấm dứt. Ông Trump vẫn hy vọng có thể quan hệ tốt với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhưng sẽ không có việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt vô điều kiện. Ngoại trưởng Tillerson đã nhấn mạnh Mỹ sẽ hợp tác với các đồng minh để chống lại những quốc gia đe dọa láng giềng của họ hay gây bất ổn khu vực của họ; chính sách đối ngoại của Mỹ phải thúc đẩy các giá trị cốt lõi của tự do, dân chủ và ổn định.

Những rắc rối trong quan hệ với giới truyền thông Mỹ mà ông Trump phàn nàn phần lớn là do ông tự gây ra nhưng nhiều học giả có vẻ chú ý nhiều hơn tới những lời nói hớ và sự thiếu chính xác về chính trị hơn là những chính sách an ninh quốc gia thực sự. Có vẻ như chính sách an ninh quốc gia của chính quyền ông Trump đã tốt hơn rất nhiều so với những gì người ta kỳ vọng vài tháng trước. Mặc dù vậy, ông Trump cần nhớ rằng hiện nay ông đang đứng ở một diễn đàn lớn nhất thế giới. Mọi lời nói và hành động của ông sẽ phải được suy nghĩ, bàn luận cẩn trọng. Khi lời nói của ông Trump và những điều khác thường trong Chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục "đổ dầu vào lửa" thì hỗn loạn truyền thông vẫn sẽ tiếp tục, cho dù điều đó có công bằng hay không.

Các tác giả là ông Michael O'Hanlon, chuyên gia về chính sách đối ngoại Mỹ thuộc Viện Brookings, và ông David Gordon, thành viên của công ty tư vấn chính trị Eurasia Group. Bài viết đăng trên “Brookings”.

Anh Thư (gt)